Tình yêu có liên quan gì không?
WHĐ (29/10/2024) - Mỗi người chúng ta được kêu gọi cầu nguyện, hy sinh và làm việc bác ái, nhưng chúng ta sẽ nhầm lẫn nếu tin rằng những điều này làm cho chúng ta nên Thánh. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Trong câu này, Chúa Giêsu bày tỏ sứ điệp cốt lõi nhưng đơn giản của Tin Mừng. Mỗi chúng ta được tạo dựng trong tình yêu, được nâng đỡ bởi tình yêu, và được kêu gọi để được biến đổi hoàn toàn theo hình ảnh của Đấng tạo dựng nên chúng ta, chính là Tình yêu.
Bấy giờ, Thiên Chúa phán rằng: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (Stk 1:26).
Thật không may, ngày nay người ta có khuynh hướng làm phức tạp sứ điệp của Chúa Giêsu, mặc dù chính Ngài đã nói rằng ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nắm bắt được cốt lõi của lời dạy của Ngài. Và bất cứ sự phân tích quá chi li rắc rối nào về sứ điệp của Chúa Giêsu đều có thể khiến chúng ta không thấy sứ điệp đó rõ ràng nữa.
Vào thời điểm đó, Chúa Giêsu tuyên bố: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-2).
Bây giờ chúng ta có thể tin rằng sự khác biệt trong sứ điệp đơn giản của Chúa Giêsu về tình yêu là yêu hoặc không yêu, điều đó quá rõ ràng. Mọi người đều biết rằng chúng ta phải học cách yêu.
Sự khác biệt thực sự là yêu theo cách Chúa Giêsu yêu chúng ta, hay yêu theo cách con người thiếu sót – một cách yêu thường bị vấy bẩn bởi tự ái. Chúa Giêsu đã bảo chúng ta phải yêu, như Thầy đã yêu các con.
“Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).
Tự bản thân chúng ta không thể yêu Chúa theo cách Ngài yêu chúng ta, lý do đơn giản là:
“Chúng ta yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4:19).
Đây là tình yêu mà chúng ta không bao giờ có thể đáp lại trọn vẹn, tình yêu của Chúa dành cho chúng ta hoàn toàn là vô điều kiện, Ngài không được lợi gì khi yêu chúng ta. Và tình yêu của chúng ta chỉ là sự đáp lại khi được yêu. Vậy thì làm sao chúng ta có thể làm cho tình yêu của mình tăng trưởng để giống như tình yêu của Chúa?
Chúng ta chỉ có thể làm được điều này bằng cách yêu thương người lân cận, ngay cả khi họ không đáp lại tình yêu của chúng ta, hoặc họ có thể không trân trọng những cố gắng thể hiện tình yêu của chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể trao cho người lân cận của chúng ta tình yêu của Chúa bằng cách để Chúa yêu thương họ – thông qua chúng ta. Chúng ta không thể yêu theo cách Ngài yêu nếu không có Ngài.
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Nói cách khác, tình yêu của con người phải liên tục được thanh lọc khỏi bất cứ điều gì không phải là tình yêu của Thiên Chúa.
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:4-7).
Khi bất cứ điều gì gây trở ngại cho tình yêu xuất hiện trong suy nghĩ, lời nói hoặc hành động của chúng ta, Thiên Chúa sẽ tìm cách cắt bỏ những ô nhơ này khỏi chúng ta.
“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Ngài chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15:2).
Ngài làm điều này trong kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta khi giao tiếp với nhau. Trong cuộc sống hàng ngày, và thậm chí trong những gì chúng ta coi là tốt lành của mình. Trong những điều này, Thiên Chúa để cho chúng ta trải qua những hoàn cảnh khiến chúng ta cảm nghiệm những thiếu sót và khiếm khuyết của mình trong việc yêu thương trọn vẹn.
Ví dụ, đã bao giờ chúng ta có kinh nghiệm làm việc tốt lành cho ai đó, rồi sau đó lại bị người đó hoặc người khác chỉ trích vì những cố gắng của mình chưa? Điều này có thể không công bằng, nhưng phản ứng của chúng ta trước tình huống như vậy sẽ cho thấy liệu chúng ta có đang làm việc bác ái chỉ vì Chúa hay chỉ vì chính mình.
Phản ứng duy nhất của Chúa Giêsu là: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Và ngay cả Chúa Giêsu, trong nhân tính của Ngài, cũng thừa nhận rằng điều tốt lành duy nhất trong chúng ta chính là Thiên Chúa ở trong chúng ta.
Và Chúa Giêsu nói với anh ta: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18).
Đây có thể là một thông điệp khó nghe. Nhưng khi chúng ta thất bại trong nỗ lực yêu thương trọn vẹn, và chúng ta thừa nhận mình cần được thanh tẩy, Chúa sẽ chữa lành chúng ta nhờ Ân sủng và Lòng thương xót của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của việc được thánh hóa, đây chính là quá trình Thiên Chúa làm chúng ta nên một dân thánh. Đây chính là Tình yêu.
Những việc làm tốt lành của chúng ta không phải là biểu hiện hoàn hảo của tình yêu, sẽ luôn có điều gì đó không hoàn hảo ngay cả trong những nỗ lực tốt lành nhất của chúng ta. Thay vào đó, chúng là phương tiện Thiên Chúa dùng để thanh tẩy tình yêu của chúng ta. Và, khi chúng ta liên tục được biến đổi nhờ quá trình cắt tỉa này, những việc làm của chúng ta sẽ sinh hoa trái tuyệt đẹp, vốn là của kết quả việc chúng ta được biến đổi thành tình yêu, là tình yêu mà chúng ta mang lại cho cuộc sống.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cắt tỉa chúng ta, để chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái hơn.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: integratedcatholiclife.org (07/9/2024)
Hình ảnh: “Yêu thương nhau” (chi tiết) Duccio di Buoninsegna, Public domain, qua Wikimedia Commons
bài liên quan mới nhất
- Những người thợ thầm lặng bên “nôi hèn”
-
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19