Tình chị em

Tình chị em

Tình chị em

TGPSG -- Lan và Cường[1] là hai chị em; người chị đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện thật cảm động của họ...

Tôi sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh vùng núi. Hằng ngày, bố mẹ tôi đi cày thuê.

Một ngày kia, tôi muốn mua một chiếc khăn tay, chiếc khăn mà dường như mọi thiếu nữ đều có. Vì vậy, tôi đã lấy cắp 20.000đ trong ngăn kéo của bố tôi. Ông phát hiện ngay số tiền bị mất.

“Ai đã lấy cắp tiền?” Ông hỏi Cường - em trai tôi - và tôi. Tôi sững sờ và quá sợ đến nỗi không thể nói được.

Không ai lên tiếng nhận tội, vì thế bố tôi nói: “Nếu không ai nhận thì cả hai sẽ bị phạt”.

Bất thình lình em trai tôi nắm lấy tay bố tôi và nói: “Bố ơi, con là người đã làm điều đó!” Em Cường bị la mắng và bị phạt thay cho tôi.

Nửa đêm tôi oà khóc. Cường dùng tay bịt miệng tôi và nói: “Chị à, đừng khóc nữa! Mọi việc đã xong rồi!”

Tôi sẽ không bao giờ quên việc em trai tôi chịu tội thay cho tôi. Năm đó em tôi 8 tuổi, còn tôi 11 tuổi.

Tôi vẫn còn giận bản thân vì đã không có đủ can đảm để nhận lỗi đã phạm. Nhiều năm qua đi, nhưng câu chuyện vẫn như mới xảy ra hôm qua.

Khi học xong năm cuối của trường cấp hai, Cường được nhận vào học trường cấp ba ở tỉnh. Cùng lúc đó, tôi thi đậu vào đại học. Tối hôm đó, tôi nghe bố tôi nói với mẹ tôi: “Cả hai đứa nhỏ đều học giỏi đúng không?” Mẹ tôi gạt nước mắt, thở dài, và nói: “Điều đó có ích gì? Chúng ta làm thế nào kiếm đủ tiền để lo cho cả hai đứa ăn học?”

Lúc đó, em trai tôi đến trước mặt bố tôi và nói: “Bố ơi, con không muốn tiếp tục học nữa, con đọc sách đã đủ rồi”.

Bố tôi giận dữ nói: “Tại sao con lại yếu đuối như vậy? Ngay cả khi bố phải đi ăn xin, bố cũng sẽ gửi cả hai con đi học cho đến nơi đến chốn!” Sau đó, ông đi gõ cửa từng nhà trong làng để vay tiền.

Tôi nói với em tôi: “Em là con trai nên em phải tiếp tục việc học. Nếu không, em sẽ không thể vượt qua sự nghèo túng này mà chúng ta đang phải chịu.” Đồng thời, tôi đã quyết định không tiếp tục học đại học nữa.

Không ai biết rằng tối hôm sau, em trai tôi đã bỏ nhà ra đi với mấy bộ quần áo cũ và ít lương khô. Em để lại tờ giấy trên gối của tôi: “Chị ơi, thi đậu trường đại học không phải chuyện dễ dàng. Em sẽ tìm được việc làm và em sẽ gửi tiền cho chị”.

Tôi đã cầm lấy tờ giấy và khóc oà lên. Với số tiền bố tôi vay mượn của cả làng, và số tiền em trai tôi kiếm được từ việc bốc vác xi măng, tôi đã học đến năm thứ ba đại học. Năm đó, em tôi 17 tuổi, còn tôi 20 tuổi.

Một ngày nọ, khi tôi đang học trong phòng của tôi, người bạn cùng phòng bước vào và bảo tôi: “Có một người công nhân đang chờ bạn.” Tôi bước ra ngoài và tôi gặp em trai tôi. Quần áo em tôi bị phủ đầy bụi, xi măng và cát.

Tôi hỏi em tôi: “Tại sao em không nói với người bạn cùng phòng của chị rằng em là em trai của chị?”

Cường mỉm cười và trả lời: “Hãy xem vẻ ngoài của em. Họ nghĩ gì nếu biết rằng em là em của chị? Họ sẽ cười chị mất!”

Tôi xúc động và nước mắt chảy đầy mặt. Tôi phủi bụi khỏi áo quần của em tôi và bảo em: “Chị không để ý đến điều người ta nói! Em là em của chị dù vẻ ngoài như thế nào đi nữa”.

Cường rút ra một cái kẹp tóc hình con bướm. Em cài nó lên mái tóc tôi và nói: “Em thấy các thiếu nữ ngoài tỉnh đều cài nó. Em nghĩ chị cũng phải có một cái.” Tôi đã ôm lấy em tôi và bật khóc. Năm đó, em tôi 20 tuổi và tôi 23 tuổi.

Sau khi tôi lấy chồng, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần chồng tôi mời bố mẹ tôi đến sống với chúng tôi, nhưng họ không muốn. Họ nói khi họ rời bỏ ngôi làng, họ không biết phải làm gì. Em trai tôi đồng ý với bố mẹ. Em nói: “Chị ơi, chị chỉ cần chăm sóc cho bố mẹ chồng thôi. Em sẽ chăm sóc cho bố mẹ ở làng.”

Chồng tôi vừa trở thành giám đốc nhà máy. Chúng tôi mời em Cường làm quản lý cho nhà máy. Nhưng em tôi từ chối. Em muốn làm một người thợ trong nhà máy thôi.

Một ngày kia, em tôi bị điện giật khi đứng trên một cái thang để sửa đường dây điện và được đưa đến bệnh viện. Chồng tôi và tôi vào bệnh viện để thăm em. Nhìn thấy cái chân bị bó bột của em, tôi càu nhàu: “Tại sao em không chịu làm quản lý nhà máy? Người quản lý sẽ không chịu những nguy hiểm như thế này. Bây giờ, hãy nhìn xem, em đang đau khổ vì một vết thương nghiêm trọng. Tại sao em không nghe lời anh chị?”

Với vẻ mặt nghiêm túc, em tôi bảo vệ quyết định của mình và nói: “Hãy nghĩ đến anh rể, anh vừa trở thành giám đốc. Nếu em là một người học vấn kém, lại trở nên quản lý, thì dư luận bàn tán như thế nào? Chồng tôi ứa nước mắt, và tôi nói: “Nhưng em bỏ học sớm chỉ vì chị!”

“Tại sao chị lại nói về quá khứ?” Em nói và cầm lấy tay tôi. Năm đó, em trai tôi 26 tuổi và tôi 29 tuổi.

Em trai tôi 30 tuổi khi em cưới một cô gái trong làng làm vợ. Trong đám cưới, khi có người hỏi em trai tôi: “Anh kính trọng và yêu thương ai nhất?” Không cần suy nghĩ, em trai tôi trả lời: “Chị gái của tôi”.

Ngay trong phòng tiệc cưới, Cường kể lại một câu chuyện mà tôi không còn nhớ nữa: “Khi tôi học tiểu học, trường học ở một làng khác. Hằng ngày, chị tôi và tôi phải đi bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ để đi học và về nhà. Một ngày kia, vào mùa Đông, trời rất lạnh, tôi đánh mất một chiếc găng tay. Chị tôi đã đưa một chiếc găng tay của chị cho tôi. Chị chỉ đeo một chiếc găng tay và đi bộ về nhà. Khi chúng tôi về đến nhà, tay chị run rẩy vì quá lạnh. Chị không thể cầm đôi đũa được. Từ ngày đó, tôi thề rằng bao lâu còn sống, tôi sẽ chăm sóc cho chị tôi và luôn làm điều tốt cho chị.”

Em kể xong, tiếng vỗ tay vang lên khắp phòng tiệc. Mọi người khách đều quay hướng về tôi. Tôi nói: “Trong cả cuộc đời tôi, người mà tôi cám ơn nhiều nhất là em trai tôi”. Và trong dịp hạnh phúc này của em tôi, trước đám đông, dòng nước mắt lại tuôn chảy trên mặt tôi.

Hãy yêu thương và chăm sóc cho những người thân trong gia đình hằng ngày trong cuộc đời bạn. Bạn có thể nghĩ điều bạn làm chỉ là một hành động nhỏ, nhưng đối với người đó, nó có thể mang ý nghĩa rất lớn. Những mối liên hệ được hình thành có thể sẽ kéo dài, nhưng nó vẫn cần được nuôi dưỡng bởi tình yêu và sự chăm sóc.

 Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên (NSTM 01.2018)

[1] Tên của các nhân vật đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.

 

Top