Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội

WHĐ (01/12/2024) - Đề tài thường huấn của Ủy ban Giáo dân cho tháng 12/2024 tập trung vào chủ đề: “Vai trò của gia đình trong Giáo hội”. Sau đây là nội dung của các bài thường huấn.

Ủy ban Giáo dân

Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 12/2024:

Chủ đề: VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO HỘI

BÀI I - GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

BÀI II - NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN TẠI GIA ĐÌNH

BÀI III - GẮN KẾT VÀ DƯỠNG NUÔI TÌNH THÂN

BÀI IV - YÊU THƯƠNG, TÔN TRỌNG & THA THỨ

BÀI I - GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Gia đình, với tư cách là nền tảng của xã hội và Giáo hội, luôn giữ một vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh Gioan Phaolô II đã gọi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” nơi tình yêu Thiên Chúa hiện diện sống động. Từ tổ ấm gia đình, các thế hệ được nuôi dưỡng trong đức tin, tình yêu và hy vọng, đồng thời được mời gọi trở thành chứng nhân Tin Mừng giữa lòng thế giới.

1. Gia đình là hình ảnh của Giáo hội

Gia đình Kitô hữu là hình ảnh cụ thể phản ánh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và sống động. Tình yêu giữa các thành viên gia đình được ví như “một cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”[1], nơi mọi người cùng chia sẻ niềm tin, vui mừng và hy vọng giữa những thách đố và khó khăn của cuộc sống.

Cha mẹ được trao trách nhiệm như những người thầy đầu tiên dạy con cái biết yêu thương và thực hành đức tin. Họ được mời gọi dùng đời sống và gương sáng để giáo dục con cái, vì chỉ qua đời sống đức tin, gia đình mới truyền lại đức tin cho thế hệ sau. Qua đó, gia đình trở thành nơi gieo mầm các giá trị Kitô giáo, giúp các thế hệ sống gắn bó với Chúa Kitô và Hội Thánh của Người.

Gia đình còn là không gian để cầu nguyện và sống phụng vụ. Khi cùng nhau đọc Lời Chúa, tham dự Thánh lễ và cử hành phụng vụ, các thành viên trong gia đình gắn bó mật thiết hơn với Thiên Chúa và với nhau. Nhờ đó, gia đình trở thành nơi đầu tiên để thực hành đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Kitô.

2. Gia đình – Cộng đoàn loan báo Tin Mừng

Không chỉ là nơi sống đức tin, gia đình còn mang nơi mình sứ mạng loan báo Tin Mừng qua đời sống yêu thương và gương sáng. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Gia đình là cộng đoàn đầu tiên được mời gọi rao giảng Tin Mừng”[2]. Qua cách sống trung thực, bác ái và tha thứ, gia đình Kitô hữu trở thành ánh sáng Tin Mừng giữa thế gian.

Thực hành bác ái trong gia đình là một phần quan trọng của sứ mạng này. Việc thực thi bác ái của gia đình thực sự là chứng tá sống động về tình yêu Thiên Chúa. Việc giúp đỡ người nghèo, an ủi người đau khổ hay chăm sóc các thành viên yếu thế trong gia đình là cách để sống trọn vẹn đức tin Kitô hữu.

Thêm nữa, gia đình Kitô hữu tham gia vào đời sống Giáo hội qua việc tham dự các hội đoàn, sinh hoạt giáo xứ và các hoạt động cộng đồng. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình không chỉ củng cố đức tin mà còn sống mầu nhiệm hiệp thông một cách cụ thể và sống động. Sự tham gia này giúp làm phong phú đời sống Giáo hội và gắn kết các thành phần Dân Chúa.

3. Gia đình – Trường học đức tin và đào luyện nhân cách Kitô hữu

Gia đình là nơi các thế hệ học cách yêu thương, sống đức tin và hình thành nhân cách. Gia đình có trách nhiệm dạy con cái biết sống công bằng, yêu thương và tôn trọng. Đây là nền tảng để trẻ em phát triển không chỉ trong môi trường gia đình mà còn trong xã hội.

Tha thứ và hòa giải là nền tảng cốt lõi trong đời sống gia đình Kitô hữu, nơi các vết thương được chữa lành và tình yêu được tái sinh. Qua lòng tha thứ và sự bao dung, gia đình không chỉ vượt qua những căng thẳng thực tế, hay xung đột mà còn được củng cố như một cộng đoàn hiệp nhất trong Chúa Kitô. Nhờ đó, gia đình trở thành môi trường thiêng liêng, giúp mỗi thành viên lớn lên trong đức tin và trưởng thành về nhân cách.

Cha mẹ là những nhân chứng sống động của đức tin và luân lý, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống thiêng liêng và nhân cách của con cái. “Cha mẹ là nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô cho con cái”. [3] Bằng đời sống gương mẫu, cha mẹ không chỉ giáo dục mà còn truyền cảm hứng, giúp con cái gắn bó với Chúa và sống đúng tinh thần Kitô giáo.

Tóm lại, gia đình là Hội Thánh tại gia, nơi phản ánh tình yêu, đức tin và sự hiệp nhất của Giáo hội. Qua việc sống đức tin, thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng, gia đình không chỉ trở thành cộng đoàn yêu thương mà còn là ánh sáng soi dẫn giữa đêm tối dặm trường của thế giới. Sứ mạng của gia đình Kitô hữu là làm cho Chúa Kitô hiện diện trong đời sống thường ngày, để từ đó xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và tràn đầy hy vọng.

4. Hồi tâm

1) Tôi làm gì để gia đình mình thực sự trở thành “Hội Thánh tại gia,” nơi tình yêu, hy vọng và đức tin được củng cố và lan tỏa?

2) Khi gặp những thách đố hoặc mâu thuẫn gia đình, tôi đã nhận ra dấu chỉ của Chúa Kitô Phục Sinh như thế nào để tiếp tục xây dựng gia đình trên nền tảng yêu thương và tha thứ?

3) Gia đình tôi đã sống chứng tá Kitô giáo như thế nào qua tình yêu, sự hòa giải và bác ái để mang ánh sáng Tin Mừng đến cho cộng đồng xung quanh?

 

BÀI II - NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN TẠI GIA ĐÌNH

Lm. Antôn Hà Văn Minh 

Gia đình Kitô hữu đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng đức tin cho con cái, bởi gia đình kitô hữu chính là “Hội Thánh Tại Gia”[4], vì thế gia đình kitô hữu đảm nhận những trách vụ như Giáo Hội. Gia đình Kitô hữu hoà nhập vào đời sống Giáo hội, một cộng đoàn thuộc dân tư tế. “Do bí tích Hôn Phối, trong đó nó được bén rễ và từ đó mà nó được lập nên, gia đình Kitô hữu được liên lỉ sinh động nhờ Chúa Giêsu, được Ngài mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa bằng các phương tiện của đời sống bí tích, của việc dâng hiến đời mình và của kinh nguyện”[5]. Vì thế Gia đình Kitô Hữu không chỉ là một cấu trúc tự nhiên do sự kết hợp của hai vợ chồng, nhưng đó còn là một cấu trúc bí tích, nơi đó diễn tả tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh và lời đáp trả tình yêu của Hội Thánh dành cho Đức Kitô, do đó việc kết hợp giữa hai vợ chồng trong cấu trúc bí tích không chỉ đơn giản là việc kết hợp do bởi tình yêu nam nữ, nhưng còn là một cuộc kết hợp xây dựng trên nền tảng đức tin. Cho nên, Gia đình Kitô hữu như là một “Hội Thánh tại gia" có trách nhiệm nuôi dưỡng đức tin và thông truyền đức tin cho con cái.

Trong Tông huấn Gia đình tín hữu (Familiaris Consortio), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã minh định: “Các đôi bạn Kitô hữu hành động trong tinh thần hiệp thông và cộng tác với các phần tử khác của Hội Thánh, những người này cũng đang hoạt động vì ích lợi của các gia đình, bằng cách làm cho các ơn và các tác vụ của họ được phát sinh hoa quả. Họ chu toàn việc tông đồ này trước hết trong gia đình riêng của họ, bằng cách làm chứng qua một đời sống đúng theo luật Chúa dưới mọi khía cạnh, bằng việc đào tạo về mặt giáo lý Kitô giáo cho con cái, giúp chúng trưởng thành trong đức tin, giáo dục đức khiết tịnh, chuẩn bị cho chúng vào đời, săn sóc để chúng tránh những nguy hiểm về ý thức hệ và luân lý mà chúng đang bị đe dọa, giúp chúng hội nhập cách tiệm tiến và hữu trách vào cộng đồng Hội Thánh và cộng đồng dân sự, giúp đỡ và góp ý cho chúng trong khi chọn lựa ơn gọi, giúp đỡ lẫn nhau giữa các phần tử trong gia đình để cùng được lớn lên về mặt nhân bản và Ki-tô giáo và nhiều điều khác nữa”[6].

Giáo Hội mong muốn cha mẹ công giáo luôn ý thức công việc quan trọng nhất của cha mẹ là dạy đức tin cho con cái mình. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nêu rõ: “Vai trò của cha mẹ trong giáo dục quan trọng đến mức hầu như không thể cung cấp một sự thay thế thích hợp nào”[7]. Quả thật, sống trong một thời đại tục hóa, nhiều cha mẹ đã có cái nhìn sai lạc về việc giáo dục đức tin cho con cái. Thư chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “Giáo Dục Kitô Giáo” đã đưa ra những tiêu cực về quan điểm giáo dục con cái của nhiều bậc cha mẹ ngày nay:

- Do ảnh hưởng của não trạng duy kinh tế, mải mê với công ăn việc làm, không còn quan tâm đến các cuộc sum họp đầm ấm gia đình. Các bậc cha mẹ này nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp tiền bạc cho con cái, sắm sửa đầy đủ các tiện nghi như xe cộ, truyền hình, computer, internet, điện thoại di động…cho con cái là đủ rồi.

- Nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến việc giáo dục con cái trên nền tảng kinh tế, hơn là trao cho chúng phẩm cách làm người.

- Nhiều bậc cha mẹ rơi vào con đường thích phô trương, nên thay vì hướng dẫn con cái sống “nhân, nghĩa, lễ trí, tín”, thì lại nỗ lực trau chuốt cho con của mình trở thành hoa hậu, ca sĩ, bắt con đi du học mà đầu nó không có khả năng.

Theo luật Chúa Kitô: Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên của con cái. Chính cha mẹ trao ban cho con cái phẩm cách sống. Bởi vậy trước tiên cha mẹ phải giáo dục cho con cái có một lương tâm ngay lành. Chính lương tâm này làm nên phẩm cách của con cái. Bởi chính tiếng nói lương tâm ngay lành “kêu gọi con người yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác”[8]. Giáo hội luôn khẳng định: “ Cha mẹ, với tư cách tham gia trong chức làm cha của Thiên Chúa, có trách nhiệm đầu tiên đối với việc giáo dục con cái mình và là những sứ giả đầu tiên về đức tin cho con cái. Cha mẹ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái mình như những nhân vị và những người con Thiên Chúa…cách riêng, cha mẹ có sứ vụ giáo dục con cái mình trong đức tin Kitô giáo”[9] .

Cha mẹ cần phải bảo vệ tâm hồn con cái chúng ta. Đó là lý do tại sao mọi hành động của cha mẹ đều quan trọng. Đức tin của cha mẹ quan trọng, bởi chính nhờ đó con cái nhìn thấy vẻ đẹp của đạo Công giáo, và tạo cơ hội cho con cái giữ lòng trung thành trong đời sống đức tin. Để giúp Gia đình là nơi nuôi dưỡng đức tin, sau đây là những thực hành đạo đức giúp cha mẹ xây dựng nền tảng cần thiết để củng cố đức tin của gia đình và của con cái.

1. Đọc Kinh Thánh mỗi ngày

Hãy đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn mỗi ngày, vì Kinh Thánh có sức mạnh để nuôi dưỡng đức tin. Cha mẹ nên có một kế hoạch khích lệ các thành viên gia đình đọc các Thánh Vịnh hoặc các cuốn Phúc Âm, và nên tạo thói quen đọc kinh tối hàng ngày với Lời Chúa. Chính khi kín múc Lời Chúa, Gia đình thánh hóa chính mình và làm cho gia đình trở thành cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Qua việc đọc kinh Thánh mỗi ngày cha mẹ làm cho Gia đình của mình trở thành Giáo Hội tại gia, bởi vì qua Lời Chúa, “Gia đình diễn tả và thực hiện bản chất hiệp thông và đặc tính gia đình của Giáo Hội như đại gia đình của Thiên Chúa. Mọi thành phần trong gia đình, tuỳ theo vai trò riêng, thực thi chức tư tế chung của bí tích rửa tội, vừa góp phần làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn của ân sủng và cầu nguyện, một trường huấn luyện những nhân đức nhân bản và Kitô, một nơi rao giảng đầu tiên đức tin cho con cái."[10]

Cũng chinh khi Lời Chúa hằng ngày được cất lên Gia đình sẽ kín múc được niềm vui, sự an ủi, nhờ đó đức tin càng được củng cố, như Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, đã nói đến tác động của Lời Chúa trong đời sống gia đình: “Lời Chúa không phải là một loạt các ý nghĩa trừu tượng, mà đúng hơn là nguồn an ủi và sự đồng hành đối với mọi gia đình đang kinh qua khủng hoảng hay đau khổ, và Lời Chúa chỉ cho họ thấy mục tiêu cuộc hành trình của họ, khi Thiên Chúa ‘lau khô mọi nước mắt khỏi mắt họ, và chết chóc không còn nữa, cũng không còn tang chế, khóc than hay đau đớn nữa’”[11]

Đức tin không là một công thức được tuyên xưng, nhưng trước tiên phải là một cuộc gặp gỡ các vị với Chúa Giêsu, qua cuộc gặp này chúng ta tìm thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, tìm thấy được bình an và hạnh phúc, và đây cũng là điều mà mỗi gia đình Kitô giáo chúng ta đều khao khát, vì thế để có thể thỏa mãn lòng khao khát này chúng ta chỉ có thể tìm thấy nơi Lời Chúa, chính Lời Chúa tạo chúng ta cơ hội gặp gỡ được Đức Kitô. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Kitô. Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người. Chúa Giêsu Kitô vẫn hiện diện trong lịch sử hôm nay, trong nhiệm thể Người là Giáo Hội; vì thế, hành vi đức tin của ta cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính Giáo Hội”.[12]

Vì thế, Lời Chúa cần phải được củng cố và đào sâu trong gia đình “bằng cách bảo đảm cho mỗi gia đình có một quyển Kinh Thánh. Đặc biệt cần thiết là việc nghe Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống [13].

2. Đọc hạnh các thánh 

Ngày nay phương tiện truyền thông phát triển mạnh, nhưng hầu như các gia đình công giáo giáo bỏ quên một điều quan trọng ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng đức tin con cái trong gia đình, đó là cha mẹ quên không khích lệ con cái đọc hạnh các thánh. Khi tạo điều kiện cho con cái đọc về cuộc đời các vị thánh, cha mẹ mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho con cái mình, một thế giới thú vị tràn đầy lòng dũng cảm, tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót và những việc làm tốt. Cha mẹ cho con mình noi theo những con người tuyệt vời, dạy chúng cách vượt qua những trở ngại và giúp chúng thấy tầm quan trọng của việc sống một cuộc sống xoay quanh Chúa.

Người Kitô hữu là gì? Người Kitô hữu là những người mang Chúa Kitô, nhờ đó họ sở hữu sự sống đời đời, điều Chúa Giêsu đã hứa cho những ai bước theo Người. Các Thánh là những Kitô hữu hoàn hảo nhất, vì các ngài đã được thánh hóa đến mức cao nhất qua những cuộc chiến đấu để giữ được đức tin tinh tuyền vào Đức Kitô đã sống lại và sống mãi mãi, và cái chết không có quyền lực gì đối với các ngài. Cuộc sống của các hoàn toàn là cuộc sống của Chúa Kitô; và tư tưởng của các ngài hoàn toàn là tư tưởng của Chúa Kitô; và nhận thức của các ngài là nhận thức của Chúa Kitô.

Đây là một điều tuyệt vời mà Thánh Justinô đã nói: khi chúng ta đọc cuộc đời của các thánh, chúng ta đang đọc cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Điều này tự nó nên đủ để thuyết phục chúng ta về tầm quan trọng của việc làm đầy tâm hồn chúng ta bằng cuộc đời của các thánh. Qua các thánh chúng ta nhận ra rằng cuộc đời của Chúa Kitô trên dương thế không kết thúc khi Người về trời. Cuộc sống của Chúa vẫn tiếp tục đến ngày nay trong Giáo hội và được thấy rõ ràng nhất trong cuộc đời của các thánh. Qua việc đọc hạnh các thánh đức tin được củng cố, và làm tăng thêm lòng mến yêu.

Hạnh các thánh không là những trang lịch sử khô khan với những con số và sự kiện của một cuộc đời, nhưng là những chứng tích sống động, làm toát lên vẻ đẹp của một con người bình thường, có khi là tội lỗi, nhưng đã can đảm tìm đến vẻ đẹp của cuộc sống nơi con người Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc đời của các thánh, chúng ta thấy những châm ngôn hoàn hảo nhất của phúc âm được thực hành, và những đức hạnh anh hùng nhất trở thành đối tượng của các giác quan của chúng ta, như thể đang phủ lên thân thể mình trong bộ trang phục hấp dẫn nhất. Hơn nữa, qua việc đọc hạnh các thánh, chúng ta được dạy cho biết các phương thế để đạt đức hạnh, và nhận ra những vực thẳm và cạm bẫy trong đời để né tránh, cũng như những con đường đầy mê hoặc dẫn đưa nhiều người lầm đường lạc lối, các thánh, những con người tầm thường như chúng ta, sẽ chỉ cho chúng ta con đường đúng đắn, mời gọi và khuyến khích chúng ta vui vẻ bước đi vui vẻ theo bước chân của những người đã đi trước chúng ta.

Vì thế, để nuôi dưỡng đức tin cho con cái, không có bài học nào mang lại hiệu quả cho bằng gương của các thánh nhân, những con người có khi tội lỗi như một Augustino, những con người cao sang như thánh nữ Elisabeth hoàng hậu, hoặc thấp hèn như Thánh Martino de Porres, những gương sáng của các thánh nữ, cũng gương anh hùng của các thánh tử đạo... là những động lực thúc đẩy cho mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được ân sủng của Chúa và lòng thương xót vô cùng của Ngài, để từ đó không một ai thất vọng về chính mình, và luôn nỗ lực hoàn thiện háo bản thân với sự giúp của ân sủng để đạt tới sự thánh thiện theo dùng bản chất của người Kitô hữu.

3. Cầu nguyện chung với gia đình

Những giờ kinh tối trong gia đình chính là phương thế hữu hiệu cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Thế nhưng phương thế này đang bị các gia đình công giáo lãng quên và thay vào đó là những phương thế giải trí: phim ảnh, truyền hình, computer… Bởi đó, để củng cố đức tin cho con cái, cần phải tái lập lại những giờ kinh tối trong gia đình, Những lời kinh đơn sơ cùng đọc với cha với mẹ, người con cảm nhận được sự hiệp thông trong mái ấm gia đình. Chính trong giây phút này các thành viên trong gia đình sẽ khám phá ra gia đình là mái ấm chứ không là quán trọ. Và điều quan trọng hơn hết, qua việc quy tụ này sự hiện diện của Chúa như là bảo chứng cho sự hiệp nhất trong gia đình. Chính Chúa đã hứa điều đó, ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Chúa, thì Chúa sẽ hiện diện giữa họ. Sự hiện diện của Chúa cũng có nghĩa là sự hiện diện của an bình và hạnh phúc, của yêu thương và hòa thuận, của thứ tha và cảm thông. Những giờ kinh tối trong gia đình là những lời tuyên xưng đức tin, Đức Bênêđictô XVI đã xác quyết: “Ngôn ngữ của đức tin được học thuộc trong mái ấm gia đình, nơi mà đức tin được lớn lên và được củng cố qua lời cầu nguyện và việc thực hành đạo”[14].

Cha mẹ hãy tập thói quen cho con cái đọc kinh chung trong gia đình, đọc một chuỗi Mân Côi, một chục kinh Mân Côi, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, hay đọc Kinh Lạy Cha đơn giản trước khi đi ngủ, đấy là cách thế thánh hóa gia đình, và làm cho gia đình trở thành cộng đoàn cầu nguyện, nhờ đó đức tin con cái được củng cố giữa một thế giới tục hóa này. Giây phút cầu nguyện trong gia đình cũng là cơ hội để đưa con cái ra khỏi thế giới ồn ào, đi vào một không gian cầu nguyện hướng về Thiên Chúa tình yêu, nhờ đó tâm hồn con cái tìm được sự bình an

Kinh nghiệm hàng ngàn năm của Giáo hội chứng minh rằng, hình thức đạo đức trong gia đình đã mang lại những kết quả phong phú của đời sống đức tin. Từ kinh nghiệm này và dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần Giáo hội tin rằng, việc thực hành kinh tối gia đình qua hình thức lòng đạo đức bình dân mãi luôn mang lại sự đóng góp lớn lao cho việc thể hiện đức tin trong đời sống giữa thế giới tục hóa hôm nay. Quả thật chính đức tin đã mang lại những thói quen đạo đức. Việc qui tụ gia đình lần chuỗi mân côi, hay lần chuỗi lòng Chúa Thương xót, hoặc những thực hành cầu nguyện mang hình thức lòng đạo đức bình dân khác rất phù hợp với vai trò làm cha mẹ trong việc thông truyền đức tin cho con cái. Qua việc đọc kinh trong gia đình cha mẹ trao ban cho con cái tinh thần kiên vững, đơn sơ của lòng đạo đức bình dân, và thể hiện cuộc sống tương giao với Thiên Chúa không chỉ trong hình thức Phụng vụ, nhưng còn cả trong mọi tình huống của cuộc sống thường ngày.

4. Cùng nhau thực hiện các công việc bác ái Kitô giáo 

Một trong những công việc thúc đẩy đức tin con cái tăng triển chính là công việc bác ái. Thật vậy, dạy con cái về đức tin Công giáo là bước đầu tiên tuyệt vời, nhưng giúp chúng sống theo đức tin đó là một phần quan trọng. Cho người đói ăn và thăm người bệnh, kẻ cô nhi, người già đơn côi là những việc mà tất cả các gia đình có thể làm cùng nhau, việc thăm người tù không chỉ có nghĩa là những người ở trong nhà tù mà có thể là người già trong viện dưỡng lão hoặc người không có cách nào để ra khỏi nhà. Kết bạn với những người đó hay đơn giản là ngồi nói chuyện với họ đều mang lại niềm vui lớn cho cuộc sống của họ. Và trong khi phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư có thể là một cách tuyệt vời để sống công việc thương xót này. Những điều tốt mà chúng ta có thể làm khi phục vụ người khác là cách thế biểu lộ đức tin cách sống động

Trong việc nuôi dưỡng đức tin cho con cái, Cha mẹ cũng không quên dạy cho con cái biết rằng thế giới của chúng ta đầy rẫy những người thất vọng, buồn bã và những người không biết Chúa. Giống như Chúa Kitô đã truyền lệnh cho các tông đồ của Ngài đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng truyền cho chúng ta mệnh lệnh tương tự. Càng giúp con cái biết nhiều về Tin Mừng, con cái chúng ta càng có thể nói minh bạch hơn về đức tin của mình và về lòng nhân lành của Thiên Chúa. Và những bài học chúng ta dạy con cái về việc tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng, dù đó là anh chị em, bạn bè hay một đứa trẻ khác ở trường, chúng sẽ càng trưởng thành thành những con người mạnh mẽ, học cách buông bỏ cơn giận dữ, hoặc biết dẹp bỏ cơn bực tức đối với tha nhân.

Nói tóm lại Gia đình là môi trường giáo dục con cái không thể thay thế. Con cái sẽ trưởng thành nhờ mái trường gia đình, nơi đó chúng học được cách cầu nguyện, tiếp cận Lời Chúa qua cha mẹ. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy rằng “một cuộc sống gia đình lành mạnh có thể nuôi dưỡng những khuynh hướng nội tâm vốn là sự chuẩn bị thực sự cho một đức tin sống động và duy trì sự hỗ trợ cho đức tin đó trong suốt cuộc đời”[15]. Công việc của cha mẹ là chuẩn bị cho con cái chúng ta sống một cuộc sống trung thành với Giáo hội, một cuộc sống tràn đầy tình yêu của Chúa Kitô và với mong muốn chia sẻ ánh sáng của Ngài với người khác, và làm cho gia đình thực sự trở thành một Giáo hội tại gia.

 

BÀI III - GẮN KẾT VÀ DƯỠNG NUÔI TÌNH THÂN

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Là cộng đoàn nhỏ nhất trong xã hội và Giáo hội, gia đình mang trong mình sứ mạng thiêng liêng, trở thành nơi nuôi dưỡng đức tin, tình yêu và sự hiệp thông. Trong thế giới đầy thách đố từ sự suy thoái đạo đức và những cám dỗ từ văn hóa hiện đại, gia đình Kitô hữu được mời gọi gắn kết tình thân sâu xa hơn trong tình yêu và tương quan thiêng liêng để thực hiện vai trò là Hội Thánh tại gia. Gia đình là cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu.[16]

Sự gắn kết và dưỡng nuôi tình thân không chỉ củng cố thực lực nội bộ gia đình, mà còn tạo động lực để gia đình tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn. Qua đời sống cầu nguyện, thực thi bác ái và sống Lời Chúa, gia đình trở thành chứng nhân sống động về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cộng đồng nhân loại.

1. Củng cố sự hiệp thông

Gia đình là nơi tình yêu được thể hiện qua sự hiệp thông và chia sẻ, nơi các thế hệ gặp gỡ nhau để cùng nhau sống trọn vẹn nhân cách và sứ mạng của mình.[17] Tình yêu giữa các thành viên chính là nền tảng vững chắc, làm cho gia đình trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, tình yêu ấy chỉ có thể bền vững khi gia đình biết thực hành tha thứ và hòa giải. Tha thứ là chìa khóa chữa lành những vết thương trong gia đình, bởi không ai là hoàn hảo; vì vậy, tha thứ là điều kiện thiết yếu để gia đình phát triển và sống hiệp nhất trong Chúa Kitô.[18] Đồng thời, sự hòa giải không chỉ củng cố tình yêu mà còn làm cho mỗi thành viên cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong mối quan hệ gia đình.

Bên cạnh đó, lắng nghe và chia sẻ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự gắn kết giữa các thành viên. Lắng nghe không chỉ là hành động, mà còn là biểu hiện cụ thể của tình yêu, giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn người khác.[19] Khi mỗi thành viên sẵn sàng chia sẻ những suy tư, khó khăn và niềm vui, họ sẽ làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa họ và gia đình, tạo nên một môi trường đầy sự cảm thông và hiệp nhất.

2. Tham gia đời sống Giáo hội

Gia đình Kitô hữu không chỉ sống đức tin cho riêng mình mà còn được mời gọi tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội, góp phần xây dựng cộng đoàn và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa. Các hội đoàn gia đình trong giáo xứ là môi trường lý tưởng để củng cố đức tin và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo. Gia đình không chỉ là đối tượng được chăm sóc mà còn là chủ thể của sứ mạng Giáo hội, đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi đời sống đức tin và gắn bó với cộng đoàn.[20]

Sự hiện diện tích cực của thành viên gia đình trong các hội đoàn, giúp gia đình không ngừng thăng tiến trong hành trình thiêng liêng, đồng thời kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng Giáo hội. Bên cạnh đó, gia đình Kitô hữu được mời gọi tham gia vào các hoạt động truyền giáo và phục vụ, thể hiện tình yêu và lòng bác ái qua những hành động cụ thể. Gia đình chính là nhân tố chính trong công cuộc loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói mà qua chính đời sống yêu thương và hy sinh.[21] Những hành động phục vụ cộng đồng, dù nhỏ bé, cũng góp phần làm sáng danh Chúa và giúp gia đình thực hiện sứ mạng Kitô hữu một cách trọn vẹn.

Ngoài ra, gia đình Kitô giáo cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc hỗ trợ những gia đình khác đang gặp khó khăn. Đồng hành với các gia đình yếu thế và nâng đỡ họ vượt qua khủng hoảng chính là một trong những phương cách để sống tinh thần bác ái và liên đới mà Giáo hội mời gọi. Cộng đoàn Giáo hội, với vai trò là điểm tựa, cần trở thành nơi an ủi và hỗ trợ cho những gia đình đang phải đối mặt với thử thách, giúp họ tìm lại niềm hy vọng và bình an trong Chúa Kitô.

3. Phát triển các giá trị thiêng liêng trong gia đình

Gia đình Kitô hữu là nơi nuôi dưỡng và phát triển các giá trị thiêng liêng, giúp đời sống đức tin và tình yêu giữa các thành viên thêm sâu sắc và vững bền. Đời sống cầu nguyện chung là nền tảng để gia đình duy trì sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nơi mọi thành viên gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố tình yêu qua sự hiện diện của Ngài.[22] Khi cùng nhau cầu nguyện, thành viên gia đình không chỉ bày tỏ niềm tin mà còn tìm thấy sức mạnh thiêng liêng để vượt qua những thử thách và làm phong phú thêm mối dây yêu thương giữa các thành viên.

Cùng với cầu nguyện, việc học hỏi và sống Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường, giúp gia đình sống đúng theo ý muốn của Thiên Chúa và vượt qua mọi khó khăn với đức tin. Khi dành thời gian suy niệm và thực hành Lời Chúa, gia đình không chỉ được củng cố trong đời sống đức tin, mà còn khám phá ý nghĩa sâu xa của ơn gọi và sứ mạng của gia đình Kitô hữu. Đồng thời, gia đình không chỉ là một cộng đoàn yêu thương khép kín mà còn được mời gọi truyền đạt các giá trị Kitô giáo đến xã hội, sống và lan tỏa Tin Mừng đến những nơi cần tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa.

Qua đời sống gương mẫu và tình yêu thương, gia đình Kitô hữu trở thành ánh sáng dẫn đường, mang hy vọng đến những nơi tối tăm trong xã hội. Nhờ cầu nguyện, Lời Chúa và đời sống chứng tá, gia đình Kitô hữu thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, nơi tình yêu và ân sủng Thiên Chúa được lan tỏa đến mọi người.

Tóm lại, gắn kết và dưỡng nuôi tình thân không chỉ là một hành trình nội tâm, mà còn là sứ mạng mang tính phổ quát của mọi gia đình Kitô hữu. Trong một thế giới đầy biến động, gia đình Kitô hữu được mời gọi trở thành dấu chỉ hy vọng, nơi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn. Với sự đồng hành của Giáo hội và ân sủng của Thiên Chúa, mỗi gia đình có thể trở nên một Hội Thánh tại gia, đóng góp vào sự canh tân đời sống đức tin và xã hội.

4. Hồi tâm

1) Tôi thực hành lòng tha thứ và hòa giải như thế nào trong gia đình để chữa lành các vết thương và củng cố tình thân giữa các thành viên trong gia đình?

2) Gia đình tôi duy trì giờ kinh gia đình ra sao để nuôi dưỡng đức tin và sự hiệp nhất trong gia đình?

3) Gia đình tôi tham gia vào đời sống giáo xứ hoặc thực thi bác ái với những gia đình yếu thế như thế nào để thể hiện tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa?

 

BÀI IV - YÊU THƯƠNG, TÔN TRỌNG & THA THỨ

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Gia đình là món quà cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, nơi mỗi thành viên được yêu thương, chăm sóc và trưởng thành trong tình hiệp nhất. Đối với người Kitô hữu, gia đình không chỉ là một tổ ấm, mà còn là Hội Thánh tại gia, nơi phản ánh tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, để xây dựng một gia đình bền vững và đầy tràn phúc lành, cần có sự hiện diện của ba giá trị cốt lõi: yêu thương, tôn trọng và tha thứ. Những giá trị này không chỉ làm nên nền tảng vững chắc cho đời sống gia đình, mà còn giúp gia đình Kitô hữu trở thành chứng tá sống động cho Tin Mừng giữa lòng thế giới.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các giá trị truyền thống bị thách thức và gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc sống trọn vẹn yêu thương, tôn trọng và tha thứ càng trở nên cần thiết và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tình yêu – nền tảng đời sống gia đình

Tình yêu là nền tảng căn bản của gia đình Kitô hữu, nơi phản ánh tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu này không chỉ dừng lại ở cảm xúc thoáng qua, mà còn được thể hiện qua sự hiến dâng và hy sinh cho nhau. Tình yêu không chỉ là cảm xúc hay lời nói, phải được thể hiện bằng việc làm, là sự hiến dâng và hy sinh.[23] Trong gia đình, tình yêu là cội nguồn tạo nên mối dây liên kết bền chặt giữa các thành viên, làm cho gia đình trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian.

Tình yêu trong gia đình được biểu lộ qua những hành động cụ thể, dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa. Những việc làm như: lắng nghe, chăm sóc, hay tha thứ giúp tình yêu gia đình trở nên sống động và cùng nhau vượt qua thách đố trong đời sống. Tình yêu là nguồn sức mạnh để gia đình đối diện với khủng hoảng, vượt qua khó khăn và sống trong bình an. Chính nhờ tình yêu, gia đình Kitô hữu không chỉ bền vững mà còn trở thành chứng nhân của Tin Mừng, lan tỏa ánh sáng và niềm hy vọng Kitô giáo.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái về tình yêu qua gương sáng của mình. Con cái học được cách yêu thương, kiên nhẫn và hy sinh từ sự chăm sóc và dạy bảo của cha mẹ. Đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một sứ mạng thiêng liêng của các bậc phụ huynh. Chính qua đời sống yêu thương của cha mẹ, con cái nhận biết và áp dụng thực hành tình yêu trong mọi khía cạnh của cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội đầy tình bác ái và công bằng.

1. Sự tôn trọng – Chất keo gắn kết gia đình

Tôn trọng là nền tảng giúp gia đình duy trì sự hòa hợp và ổn định. Khi mỗi thành viên được nhìn nhận như một hình ảnh của Thiên Chúa, giá trị và vai trò của họ sẽ được thừa nhận và bảo vệ. Điều này góp phần kiến tạo nên một môi trường sống an toàn và tích cực, nơi mọi người được khích lệ để phát triển toàn diện. Sự tôn trọng trong gia đình chính là cách mỗi thành viên thực thi các giá trị nhân bản và đức tin trong đời sống hàng ngày.

Tôn trọng cũng là chìa khóa để xây dựng sự đồng thuận và an bình trong gia đình. Khi các thành viên lắng nghe và thấu hiểu ý kiến, cảm xúc của nhau, căng thẳng hay xung đột sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Lắng nghe và thấu hiểu là cách để nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc hơn.[24] Nhờ đó, gia đình không chỉ giữ được sự hòa thuận mà còn làm vững vàng thêm mối dây liên kết yêu thương.

Giáo dục trẻ em về sự tôn trọng cần được thực hiện ngay từ những năm đầu đời. Cha mẹ không chỉ là những người thầy đầu tiên dạy con cái bằng lời nói, mà còn qua chính gương sáng của mình. Khi được học nhận biết những phương thế tôn trọng và yêu thương, trẻ em sẽ lớn lên với nhân cách tốt đẹp, biết cách đối xử công bằng và trân trọng giá trị của mọi người xung quanh.

2. Tha thứ – Con đường dẫn đến hòa giải

Tha thứ là biểu hiện cao cả của tình yêu gia đình, giúp chữa lành những vết thương và tái lập sự hiệp nhất. Trong cuộc sống gia đình, không tránh khỏi những lúc bất đồng hay tổn thương nhau. Tuy nhiên, tha thứ chính là chìa khóa giúp vượt qua mọi khủng hoảng và xây dựng tình yêu bền vững hơn: “Biết tha thứ và cảm nhận mình được thứ tha là một kinh nghiệm căn bản trong cuộc sống gia đình.”[25]

Tha thứ giúp chữa lành vết thương, mà hòa giải lại là bước đầu tiên để khôi phục các mối quan hệ bị tổn thương trong gia đình. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có lòng khiêm nhường và chân thành trong việc nhận lỗi và xin tha thứ. Các gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thực hành Bí tích Hòa giải, nơi họ sống tinh thần hòa giải với Chúa và với nhau, để làm mới lại mối tương quan gia đình trong tình yêu và ân sủng.

Cha mẹ có trách nhiệm dạy con cái về giá trị và sức mạnh của sự tha thứ. Khi cha mẹ làm gương trong việc tha thứ, con cái sẽ học được cách giải quyết xung đột trong tinh thần hòa bình và xây dựng. Tha thứ không chỉ là một hành động, mà còn là thái độ sống cần được nuôi dưỡng hằng ngày, giúp gia đình sống trong bình an và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng trần thế.

Tóm lại, tình yêu, tôn trọng và tha thứ là ba giá trị cốt lõi làm nên nền tảng gia đình Kitô hữu. Khi các gia đình sống trọn vẹn những giá trị này, họ không chỉ xây dựng một tổ ấm bền vững, mà còn trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.

Chính trong đời sống gia đình, ánh sáng của Chúa Kitô được lan tỏa, mang niềm hy vọng và bình an đến cộng đồng xung quanh. Nhờ ơn Chúa, gia đình Kitô hữu sẽ thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, nơi tình yêu được gieo mầm và dưỡng nuôi cho lớn lên mỗi ngày.

3. Hồi tâm

1) Tôi thể hiện tình yêu trong gia đình mình như thế nào qua những hành động cụ thể để xây dựng tình thân và mối dây liên kết bền chặt trong gia đình mình?

2) Tôi có luôn lắng nghe, thấu hiểu và nhìn nhận giá trị của mỗi thành viên trong gia đình như hình ảnh của Thiên Chúa?

3) Tôi thực hành tha thứ và giúp chữa lành những vết thương trong gia đình mình như thế nào để tái lập sự hòa hợp và yêu thương?

_____

[1] Tông huấn Familiaris Consortio, số 17.

[2] FC, số 51.

[3] FC, số 53.

[4] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22-11-1981, tại Roma, số 21

[5] Nt số 55.

[6] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio , số 71.

[7] Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo số 2221.

[8] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1776.

[9] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, bản toát yếu, số 350.

[10] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình tại Valencia ngày 9-7-2006. Nguồn: www.archivioradiovaticana.va.

[11] Đức Phanxicô, Tông huấn Gaudium Evangelii, số 22, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

[12] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, ban hành ngày 30-9-2010, số 25

[13] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư novo millennio ineunte, ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2001, số 39

[14] Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006.

[15] Sách Giáo lý hội Thánh Công giáo số 2225.

[16] Familiaris Consortio, số 17.

[17] FC, số 43.

[18] FC, số 21.

[19] Amoris Laetitia, số 136, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885

[20] FC, số 72.

[21] AL, số 200.

[22] FC, số 60.

[23] Amoris Laetitia, số 94, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885

[24] AL, số 137.

[25] AL, số 236.

Top