Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô
TGPSG -- Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô là hai đặc ân liên quan tới bí tích tích Hôn nhân được quy định trong Giáo luật.
- ĐẶC ÂN THÁNH PHÊRÔ
Đặc ân Thánh Phêrô liên quan đến những vụ hôn nhân chưa phải là bí tích. Những vụ hôn nhân này, vì lý do đức tin, có thể được tháo gỡ, dựa trên quyền đại diện của Thánh Phêrô do các Đức Giáo Hoàng nắm giữ.
Giáo Luật 1148 đề cập đến một trường hợp: Một ông chồng với nhiều bà vợ lớn bé, sau khi trở lại đạo, thì dĩ nhiên chỉ có thể giữ một bà vợ thôi. Trên nguyên tắc thì phải ở với bà cả. Nhưng nếu việc sống chung với bà ấy gây khó khăn thì Giáo Luật cho phép ông chọn một bà, bất cứ bà nào, và chia tay với các bà khác.
Và Giáo Luật 1149 đề cập đến một trường hợp khác: Một đôi vợ chồng ngoại đạo bị ngăn trở không thể sống chung vì lý do tù đày hay bách hại, kế đó một bên trở lại đạo. Người này có thể lấy người khác, cho dù trong thời gian ấy, người kia cũng trở lại đạo.
Ngoài ra, Bộ Giáo lý Đức Tin quy định thêm trường hợp các cuộc hôn nhân hữu hiệu theo Giáo luật nhưng chưa phải là Bí tích nên còn có thể tháo gỡ được.
- ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
- Kinh thánh và Giáo luật
Ðặc ân Thánh Phaolô tháo gỡ những hôn phối đã cử hành giữa hai người chưa rửa tội bao giờ mà bây giờ một người trở lại đạo Công Giáo.
Ðặc ân này căn cứ vào đoạn Thánh Kinh trong thư gửi tín hữu Côrintô sau đây:
“Nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo… Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! (1Cor.7,12-15).
Giáo Luật điều 1143 qui định rằng:
#1. "Hôn nhân giữa hai người không chịu phép rửa Tội, được tháo gỡ nhờ đặc ân Thánh Phaolô vì lợi ích đức tin của người đã được rửa Tội, do chính sự kiện là người ấy tái hôn, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt (chia tay) với người ấy."
#2. "Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hay không muốn chung sống thuận hoà mà không xúc phạm đến Ðấng Tạo Hoá; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận Bí Tích đã gây ra cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt" (GL 1143).
- Điều kiện
Sự tháo gỡ cần phải hội đủ các điều kiện sau đây:
- Người tân tòng phải được rửa tội trước khi kết hôn lần thứ hai.
- Người vợ hay chồng ngoại đạo là người tự ý bỏ ra đi, hay ít ra là vì không thể sống thuận hòa được nên người tân tòng (đã rửa tội) bắt buộc phải ra đi.
- Không được áp dụng đặc ân Thánh Phaolô khi: Người lương sau khi rửa tội đã gây ra cớ chia tay cho người lương kia.
- Không được áp dụng đặc ân Thánh Phaolô khi: người lương khi quen biết người bên Công giáo đã gây ra cớ chia tay cho người lương kia, cho dù vào lúc chưa được rửa tội.
- Áp dụng
Những trường hợp sau đây có thể áp dụng đặc ân Thánh Phaolô:
a. Một người Công Giáo muốn kết hôn với một người tân tòng Công giáo, nhưng người tân tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.
b. Một người Công giáo muốn kết hôn với một người tân tòng (rửa tội vào một Giáo hội Kitô giáo không phải là Công giáo), người tân tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.
c. Một người tân tòng Công giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người Công giáo.
d. Một người tân tòng Công giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người không phải là Công giáo. Bình thường, người tân tòng Công Giáo có quyền tái hôn với một người Công giáo. Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều luật định về hôn phối hỗn hợp.
- Chất vấn
- Để người được rửa tội tái hôn với người Công giáo thành sự theo đặc ân Thánh Phaolô, luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép rửa Tội ít nhất bằng hai câu hỏi sau (tức là chất vấn người vợ/chồng cũ của người tân tòng): 1/ người này có muốn được rửa tội hay không, 2/ Ít là người này có muốn sống chung hoà thuận với người đã được rửa tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá hay không (đ. 1144 #1).
- Nếu bỏ qua chất vấn mà không xin miễn chuẩn, hôn nhân cử hành vô hiệu, cho dù có giấy ly dị dân sự chứng minh rằng hai người lương đã chia tay. Nếu đã tìm mọi cách mà không thể chất vấn được người không rửa tội, cha xứ là người làm đơn xin miễn chuẩn chất vấn với Bản Quyền Địa Phương.
- Thủ tục
Các giấy tờ và thủ tục cần thiết phải có:
- Đơn xin gia nhập đạo Công giáo của người đã ly dị và muốn tái hôn với người Công giáo.
- Học giáo lý Tân tòng và Hôn nhân; hoặc phải có giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức (nếu đã học giáo lý ở nơi khác).
- Giấy ly hôn dân sự.
- Nếu không chất vấn được người vợ/chồng bên lương cũ, phải làm đơn xin miễn chuẩn chất vấn.
bài liên quan mới nhất
- “Hỡi Bà, này là con Bà!” - Đức Maria, Mẹ các tín hữu
-
Dạy con như thế nào? -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội -
Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen -
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ -
Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo: Tình yêu hôn nhân