Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái
Trong nhiều năm dạy Giáo Lý, tôi thường nghe cha mẹ than phiền rằng con cái họ hư vì các thầy cô không biết dạy dỗ. Thật là oan uổng cho các thầy cô, nhất là các Giáo Lý viên. Vai trò của các thầy cô và các Giáo Lý viên thực sự quan trọng trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái chúng ta. Nhưng theo giáo huấn của Hội Thánh, thì chính chúng ta phải là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” của con cái chúng ta. Còn các thầy cô hay Giáo Lý viên chỉ là những người phụ giúp chúng ta trong sứ mệnh giáo dục này.
Không Ai Có Thể Thay Thế Được Cha Mẹ
Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3).
Theo Tông Huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là điều thiết yếu, vì việc giáo dục liên quan đến việc truyền sinh; vai trò này là vai trò căn bản và chính yếu so với vai trò của những người khác, bởi vì sự liên hệ độc nhất và yêu thương giữa cha mẹ và con cái; không ai có thể thay thế được và chuyển nhượng được, như thế không ai có thể hoàn toàn uỷ quyền cho người khác hay để cho người khác cướp đoạt quyền này (FC, số 36).
Hai đoạn văn trên cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Đôi khi vai trò này xem ra vượt khả năng của một số phụ huynh. Dù chúng ta có khả năng hay không, thì chính chúng ta là những người phải gánh chịu mọi hậu quả nếu nhà trường thất bại trong việc giáo dục con cái chúng ta. Đồng thời không ai có thể hiểu biết và yêu thương con cái chúng ta hơn chúng ta. Cho nên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải lãnh trách nhiệm làm những nhà giáo “đầu tiên và chính yếu” của con cái chúng ta. Dù chúng ta có là những nhà giáo bất toàn, việc giáo dục của chúng ta vẫn tốt hơn là khoán trắng cho người khác giáo dục con cái thay cho chúng ta.
Giáo Dục là Cộng Tác vào Công Trình Sáng Tạo của Thiên Chúa
Kết quả của tình yêu vợ chồng không phải chỉ giới hạn trong việc sinh sản con cái, nhưng nó được mở rộng và phong phú hoá bằng những hoa quả về luân lý, tâm linh và đời sống siêu nhiên mà cha mẹ được mời gọi để truyền lại cho con cái, và qua con cái đến Hội Thánh và thế giới (FC, số 28).
Công tác giáo dục được bắt nguồn từ ơn gọi chính của đôi vợ chồng là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: bằng cách sinh ra vì yêu và để yêu một con người mới là con người có sẵn trong mình ơn gọi lớn lên và tăng trưởng, như thế cha mẹ nhận công tác giúp con người đó sống một đời sống nên người (FC, số 36).
Khi cặp vợ chồng được Thiên Chúa cho phép cộng tác vào việc tạo dựng một con người mới, họ cũng được quyền làm cha mẹ, và chia sẻ vai trò tiếp tục sáng tạo của Ngài. Đó là lý do tại sao sinh sản và dạy dỗ con cái đi liền với nhau. Một trong những lý do tự nhiên đòi hỏi cha mẹ phải chung thủy với nhau vì không những cha mẹ có nhiệm vụ dưỡng dục con cái cho đến khi trưởng thành mà còn có nhiệm vụ cố vấn cho con cái trong việc dưỡng dục cháu chắt của mình.
Đối với cha mẹ Công Giáo, sứ vụ giáo dục được bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối, là Bí Tích thánh hiến họ để giáo dục con cái: Bí Tích này mời gọi họ chia sẻ chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa Cha, và của Đức Kitô vị Mục Tử, và trong tình mẫu tử của Hội Thánh, và phong phú hóa họ bằng ơn khôn ngoan, biết lo liệu, cương nghị, và tất cả những ơn khác của Chúa Thánh Thần để họ giúp con cái trong việc tăng trường như những con người và Kitô hữu (FC, số 38).
Nuôi Nấng, Dạy Dỗ và Làm Thành Môn Đệ
“Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời” (GLCG 2225).
“Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. Lumen Gentium 11). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng” (GLCG 2226).
Làm Thế Nào Để Chu Toàn Sứ Vụ Này?
Để chu toàn sứ vụ này, chính cha mẹ cũng phải cố gắng học tập để hiểu biết và sống đạo. Có rất nhiều sách vở, tài liệu hay các khoá huấn luyện cho phụ huynh như “Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình”, “Chương Trình Hội Ngộ Phu Thê”, hay những chương trình Linh Thao cho phụ huynh mà tất cả các phụ huynh nên tích cực tham gia. Đồng thời mỗi giáo xứ nên tổ chức những buổi học hỏi để giúp phụ huynh chu toàn bổn phận này. Ở đây chúng tôi chỉ tóm tắt một số điểm chính yếu.
1) Giáo Dục bằng Gương Sáng
“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Mái ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các đức tính, nơi đây con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ, là những điều kiện cho tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết ‘coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc thể lý và bản năng’. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nên gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái Giáo Dục bằng Chia Sẻ Lời Chúa trong Gia Đình” (GLCG 2223).
Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng (GLCG 2226).
2) Giáo Dục bằng Cầu Nguyện và Thánh Kinh
Thánh Phaxicô nói rằng cần phải dạy bằng lời, cần phải rao giảng Tin Mừng, nhưng lời thường vào lỗ tai này rồi đi qua lỗ tai khác. Nhưng các em không thể quên được những gì các em thấy chúng ta làm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Cha mẹ nào phản ảnh tình yêu của Cha Trên Trời đối với con cái, cha mẹ nào sống đời cầu nguyện và làm việc lành, chung thủy với nhau và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, thì đã làm được ba phần tư công tác là nhà giáo dục đầu tiên của con cái mính.
Hơn nữa, qua việc cầu nguyện chung với con cái, qua việc đọc Lời Chúa với các em và dẫn các em đi xâu vào việc gia nhập Nhiệm Thể Đức Kitô…, họ hoàn toàn trở nên cha mẹ, mà trong đó không những chỉ họ sinh ra sự sống thể xác mà còn sự sống phát sinh từ Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô qua sự canh tân của Chúa Thánh Thần (FC, số 39).
“Chắc chắn rằng … Tràng Hạt Mân Côi phải được kể là một trong những kinh nguyện tốt và có hiệu quả nhất mà gia đình Kitô giáo được mời gọi để đọc” (FC, số 61).
Bằng cách cầu nguyên trong gia đình, cha mẹ không những gương cho con cái mà còn đem các em đến gần Thiên Chúa. Cầu nguyện mỗi ngày và thường xuyên cần ơn khôn ngoan và cương nghị. Đương nhiên là rất ít trẻ em thích đọc kinh Mân Côi, hay tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Bắt buộc các em đôi khi tạo ra những phản ứng ngược lại. Vì thế cha mẹ phải biết cách hướng dẫn cầu nguyện làm sao cho các em không nhàm chán. Dù thế nào đi nữa, đừng buông xuôi, nhưng cứ làm và phó thác cho Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là dẫn trâu xuống nước. Chúa sẽ làm cho chúng uống nước.
3) Giáo Dục bằng Dạy Giáo Lý
“Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác” (GLCG 2226).
“Sứ mệnh giáo dục đòi hỏi các cha mẹ Kitô giáo phải trình bày cho con cái tất cả các đề tài cần thiết để các em từ từ trưởng thành về nhân cách theo quan điểm giáo dục của Hội Thánh” (FC, số 39).
Điều này có nghĩa là dù dạy con ở nhà, gửi các em đến trường Công Giáo hay trường công lập, kể cả các lớp Giáo Lý, nhiệm vụ dạy Giáo Lý cho con cái vẫn là nhiệm vụ chính của cha mẹ. Điều này có thể thực hiện được bằng cách trước hết là làm gương cho con bằng việc học đạo và sống đạo của mình, rồi bỏ ít thì giờ ra mỗi ngày để dạy con về cách sống đạo. Có thể mỗi tối vài phút trong giờ kinh tối, có thể trước bữa ăn, hoặc nghe băng trong lúc lái xe thay vì nghe nhạc…
Cách tốt nhất để dạy Giáo Lý cho con là cùng con ôn lại các bài Giáo Lý trong các sách hay các bài tập mà các em đem về từ các lớp Giáo Lý tại nhà trường. Chúng ta là giáo dân không ai hoàn toàn hiểu về Giáo Lý, nhưng trong khi giúp con cái học Giáo Lý ở nhà, chúng ta cũng có dịp học thêm về Giáo Lý.
Nếu gia đình có con trong tuổi thiếu niên hay thanh niên, cha mẹ có thể đem ra những đề tài về tín lý hay luân lý để cả nhà bàn thảo…
Muốn được như thế, chính cha mẹ phải dành một ít thì giờ để học thêm về Thánh Kinh và Giáo Lý. Chúng tôi đề nghị cha mẹ nên tham khảo những tài liệu về Giáo Lý trong website của Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nếu có thắc mắc gì về Giáo Lý, các thành viên của Ủy Ban sẵn sàng trả lời quý vị trong Diễn Đàn hay trong mục ý kiến.
4) Giáo Dục bằng việc Chọn Trường Học và Bạn Bè Cho Con
“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền chọn lựa cho con cái một trường học theo ý mình. Quyền này là quyền căn bản. Cha mẹ phải cố gắng chọn lựa trường học nào giúp chu toàn tốt nhất trách vụ của người giáo dục đức tin. Nhà Nước có bổn phận bảo đảm và giúp đỡ để cha mẹ thực thi quyền ấy” (GLCG 2229).
Trong một xã hội bị thế tục hoá đến cao độ như thế giới Âu Mỹ ngày nay, những chương trình truyền thông đại chúng có tính cách vô luân, chống Kitô giáo, cùng cổ võ một nền văn hoá tiêu thụ và “thỏa mãn lập tức” (instant gratification), cha mẹ có quyền và có bổn phận che chở con em khỏi những ảnh hưởng xấu xa này. Cha mẹ có quyền chọn lựa trường học cho con hay dạy con ở nhà. Dù học ở trường công lập, cha mẹ cũng có quyền đòi hỏi nhà trường cho con mình miễn tham gia những chương trình hoặc những lớp học truyền bá những điều nghịch lại đức tin của mình. Xin nhớ rằng khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ ơn để hướng dẫn gia đình chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta biết cầu nguyện và cậy trông vào Chúa trong những quyết định về giáo dục con cái.
Hầu hết các em dễ bị ảnh hưởng của bạn bè hơn là của cha mẹ. Cha mẹ nên tìm cách để biết bạn bè con mình là ai và gia đình các em ra sao. Không nên cấm cung con cái, nhưng nên để con cái đến nhà bạn bè mà chính cha mẹ cũng đến để quen biết cha mẹ của bạn con mình. Cách tốt nhất là cho các em tham gia các đoàn thể thanh thiếu niên Công Giáo như Hướng Đạo Công Giáo, Hùng Tâm Dũng Chí và Thiếu Nhi Thánh Thể. Muốn cho các đoàn thể này có hiệu quả trong việc giáo dục con cái mình, chính cha mẹ nên tham gia làm huynh trưởng, cố vấn hay ban phụ huynh để có thể theo sát các sinh hoạt của đoàn thể và góp tiếng nói cũng như công sức vào việc xây dựng tương lai của các đoàn thể này. Khi các em tham gia những đoàn thể như thế, các em sẽ có một môi trường và một nhóm bạn tốt để giúp nhau chống lại những ảnh hưởng xấu của các bạn bè và các môi trường khác.
Nhưng dù học ở đâu và gia nhập đoàn thể nào, cha mẹ vẫn không tránh né được nhiệm vụ day con về đức tin và làm gương sống đạo cho con ngay ở trong gia đình của mình.
Kết Luận
“Khi trở thành cha mẹ, đôi hôn nhân nhận được ân sủng của Thiên Chúa và đồng thời cũng lãnh nhận trách nhiệm. Trước mặt con cái, tình yêu của cha mẹ phải trở thành dấu chỉ của chính tình yêu Thiên Chúa, ‘là Đấng mà từ Ngài mọi gia đình trên trời dưới đất được đặt tên’” (FC, số 14).
Thánh Kinh nói “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:8). Là cha mẹ chúng ta được mời gọi để trở thành dấu chỉ và cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, và điều này được thể hiện qua tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sáng tạo, tình yêu của chúng ta cũng phải trờ thành động lực để giúp cho chúng ta tìm mọi cách trong phạm vi khả năng của mình mà tạo nên trong con cái chúng ta một Kitô hữu và một con người hoàn hảo.
Là con người, chúng ta không ai hoàn hảo, nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, và Ngài ban cho chúng ta đủ ân sủng và phương tiện để chu toàn bổn phận này nếu chúng ta biết khiêm nhường chạy đến cùng Ngài và dùng các phương tiện Ngài ban. Giáo dục con cái là bổn phận chính yếu nhất của chúng ta, còn quan trọng hơn cả cơm ăn áo mặc. Đôi khi chúng ta cố gắng rất nhiều mà dường như thất bại, vì không thấy kết quả cụ thể nơi con cái. Chúng ta cần kiên nhẫn. Những gì chúng ta làm hôm nay chỉ là những hạt giống nằm sâu trong tâm hồn các em. Chúa sẽ làm cho chúng mọc lên vào đúng thời điểm của Ngài. Phần chúng ta hãy làm hết sức, còn kết quả hãy dâng cho Thiên Chúa, như Đức Mẹ và Thánh Giuse kiên nhẫn làm mọi việc vì vâng lời Thiên Chúa mà không bao giờ thắc mắc rằng tương lai Con Trẻ Giêsu sẽ đi về đâu.
bài liên quan mới nhất
- “Hỡi Bà, này là con Bà!” - Đức Maria, Mẹ các tín hữu
-
Dạy con như thế nào? -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội -
Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen -
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ -
Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo: Tình yêu hôn nhân