Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa

1. Chê ghét tội lỗi và sám hối

Chê ghét tội lỗi không phải là sự ăn năn trọn vẹn; hoặc nếu có, thì sự ăn năn như vậy chỉ có kết quả nếu nó đi kèm với sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Khi Giuđa xét lại tội lỗi mình đã phạm, ông ta kinh hoàng. Túi tiền ông ta mang theo thiêu đốt ông ta đến nỗi tay ông ta không thể cầm nó theo nữa. Ông ta lang thang, tiều tụy, mất một thời gian, trong thành phố đang say ngủ, rồi đi tìm thầy thượng tế. Ông ta kêu lên: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Ông kinh hoàng về tội lỗi của mình. Như trường hợp của Đavít, “Ngày đêm lỗi lầm con luôn ở trước mặt”. Làm thế nào mà sự ăn năn của ông lại quá non yếu như thế?

Phêrô cũng phạm tội, phạm tội cách nặng nề; nhưng ngay khi nhận ra điều mình đã làm, Phêrô đã không nghi ngờ rằng Thầy của mình sẽ tha thứ cho mình. Chỉ cần nhìn thấy Ngài chốc lát trong đại sảnh của Caipha là đủ. Đối với Phêrô, đó là một biểu hiện tối cao của lòng thương xót tối cao. Chúa Giêsu không nói gì với Phêrô, Phêrô cũng không nói gì với Ngài; nhưng cái nhìn của Phêrô thốt lên một tiếng kêu xin thương xót, và cái nhìn của Chúa Giêsu tha thứ một cách rõ ràng và mạnh mẽ; và Phêrô đã được cứu.

Giuđa thiếu điều gì? Ghê tởm tội lỗi của mình? Không phải thế. Ông ta thiếu hiểu biết về tình yêu của Thầy mình. Giuđa không tin vào tình yêu. Tất cả sự khác biệt giữa một tội nhân vĩ đại và một vị thánh vĩ đại có thể chỉ là một hành vi tin tưởng đơn thành.

2. Hướng Về Chúa

Hành động theo bản năng của tội nhân thường không hướng về Thiên Chúa nhưng trốn tránh Ngài. Thiên Chúa rất tinh sạch, còn chúng ta đầy tội nhơ. Chúng ta sợ làm mất lòng Thiên Chúa, và chúng ta tưởng tượng một cách điên rồ rằng Thiên Chúa sẽ khó tìm thấy chúng ta hơn nếu chúng ta “giả vờ chết” và trốn tránh Ngài. Để vượt qua nỗi sợ hãi kép đang làm chúng ta tê liệt này, chúng ta cần có một đức tin lớn lao và sự khiêm tốn sâu sắc, sự hiểu biết sâu sắc về các khả năng của chính chúng ta và về lòng nhân từ vô hạn của Thiên Chúa

Trên thực tế, điều mà những linh hồn, vốn đã sa ngã trong giây lát và đang hàng ngày cảm nhận sự yếu đuối của chính họ, cần có là sự tin tưởng. Và nơi điều này, rất ít người biết cách gõ một cách chính xác vào nốt nhạc đúng. Vì nếu sự tin tưởng thái quá là một sự cám dỗ quen thuộc với những kẻ tội lỗi - “Đừng sợ; Thiên Chúa sẽ luôn tha thứ cho bạn” – thì sự thiếu tin tưởng thái quá lại là lỗi thường xuyên xảy ra nơi những linh hồn, mặc dù yếu đuối, nhưng vẫn khao khát phục vụ Chúa: “Làm sao Chúa có thể tha thứ cho tôi sự thiếu suy nghĩ như vậy!”

Những tâm hồn nhát sợ như vậy có thể thấy những lời sau đây của Nữ chân phúc Julian thành Norwich là hữu ích:

Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn thấy tình yêu của Ngài trong mọi sự. Đây là chỗ chúng ta rất mù quáng. Một số người trong chúng ta sẵn sàng tin rằng Thiên Chúa toàn năng và khôn ngoan; nhưng họ lại không nhận ra Ngài hoàn toàn là tình yêu. Và chính điều này ngăn cản nhiều người vốn yêu mến Thiên Chúa không thể tiến bộ. Một người bắt đầu ghê tởm tội lỗi và cải tà quy chánh; nhưng vẫn còn một nỗi sợ hãi gây tê liệt; đối với một số người khác, đó là ý nghĩ về những tội lỗi trong cuộc sống quá khứ của họ; đối với một số người khác, đó sẽ là những lỗi lầm mà họ mắc phải hàng ngày khi họ phá bỏ những quyết tâm tốt lành của mình. Nỗi sợ hãi này đôi khi được coi là sự khiêm tốn; trong thực tế đó là và sự mù quáng trơ lì và ngu xuẩn. Giống như Thiên Chúa dịu dàng tha thứ những tội lỗi của chúng ta ngay sau khi chúng ta ăn năn về những tội lỗi ấy, thì Ngài cũng muốn chúng ta tha thứ những tội lỗi ấy, và không mất thời gian để tự mạ lỵ mình và lo lắng đến tê liệt. (Nữ chân phúc Julian thành Norwich, Những mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa) [1].

Chắc chắn Thiên Chúa thì công bằng; Ngài sở hữu vô hạn phẩm tính này khiến Ngài đòi hỏi sự tôn kính dành cho Ngài từ thụ tạo tự do của Ngài, và trừng phạt thụ tạo đó tương ứng với tội lỗi của nó trong trường hợp nó nổi loạn. Nhưng nếu Thiên Chúa công bằng, thì Ngài cũng là lòng thương xót, và lòng thương xót cũng vô tận. Phẩm tính này không nhằm tiết chế phẩm tính kia, như chúng ta tưởng tượng theo cách non nớt của mình. Nơi Thiên Chúa, hai phẩm tính này được đồng nhất trong một thực tại tối cao. Tốt hơn nên nói: “Thiên Chúa là công lý, Thiên Chúa là lòng thương xót” hơn là “Thiên Chúa có công lý, Thiên Chúa có lòng thương xót”. Vì trong tâm trí, chúng ta có thể đối lập phẩm tính này với phẩm tính kia - và đúng thế, đến một mức nào đó – người ta có thể lưu ý rằng, mặc dù hai phẩm tính đó không thể tách rời nhau trong Thiên Chúa, nhưng phẩm tính này có thể tự biểu hiện rõ ràng hơn phẩm tính kia, trong những trường hợp nhất định.

3. Lòng Chúa Thương Xót

Vì vậy, trong cuộc sống của con người trên trần thế, lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện vượt trội hơn. Thiên Chúa có thể chờ đợi; Ngài có tất cả sự vĩnh cửu. Ngài chờ đợi thời cơ của mình, hy vọng những con chiên đi lang thang quay về. Nếu tội nhân vẫn tiếp tục lạc lối và nếu sự gian ác của người ấy vượt quá lòng thương xót của Thiên Chúa, thì công lý phải can thiệp để điều chỉnh lại cán cân. Thiên Chúa sẽ không bị nhạo báng đời đời. Cho phép con người chống lại ân sủng của Ngài đã là một việc lớn rồi. Nhưng bây giờ thụ tạo này đã cố ý từ bỏ mục đích cuối cùng của mình và tự cam chịu hình phạt đời đời. Không phải Thiên Chúa đọa đầy người ấy; chính con người tự đọa đầy mình. Con người một mình chịu trách nhiệm cho sự đau khổ mãi mãi của mình.

Nhưng trong trường hợp như vậy, Thiên Chúa lại không quan tâm chăm sóc đứa con hoang đàng cho đến khi nó đóng dấu số phận của chính mình hay sao? Đây có lẽ là lúc dành cho những giọt nước mắt muôn đời biết ơn nếu linh hồn vốn lạc mất đó vẫn còn có khả năng khóc lóc trong sự biết ơn. Ngay cả mối đe dọa của địa ngục cũng là một sự thương xót lớn lao. Đối với những người bị mê hoặc bởi sự cám dỗ của tội lỗi, đã quên cách yêu mến Thiên Chúa, thì nỗi sợ hãi về hình phạt đời đời có thể là một phương tiện để ăn năn sinh ích cứu độ.

Nhưng nếu đứa con hoang đàng, dù có gian ác đến đâu, dù có xa cách cha mình bao lâu, nhưng vẫn chấp nhận xin sự tha thứ, thì Thiên Chúa không thể trừng phạt nó nữa. Péguy[2] đã mô tả một cách độc đáo và mạnh mẽ những đòi hỏi về phép công bằng của Thiên Chúa và sự chiến thắng của lòng thương xót của Ngài ngay khi tội nhân cầu xin lòng xót thương. Ông nói: Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta như người cha đã phán xét đứa con hoang đàng[3].

Ý tưởng yêu thích của Péguy là sự tin cậy vào Thiên Chúa không có một vị trí đủ nổi bật trong lời kinh thống hối của chúng ta:

Tại sao lại run sợ khi nghĩ đến Thiên Chúa? Có phải chúng ta nghĩ rằng Ngài dành thời gian để gài bẫy chúng ta và vui vẻ khi chúng ta sa ngã? Tại sao chúng ta lại tiêu hao mòn mỏi chính mình bằng sự lo lắng? Những tội lỗi này khiến chúng ta lo lắng quá nhiều, lẽ ra chúng ta không nên phạm phải; nhưng bây giờ thì đã quá muộn; ngày hôm qua đã qua, hãy nghĩ đến ngày mai. Khi khách hành hương đã đi trên con đường lầy lội, trước khi bước qua ngưỡng cửa nhà thờ, họ cẩn thận lau chân. Nhưng một khi đã ở trong nhà thờ, người ấy không còn nghĩ đến đôi chân của mình nữa. Người ấy có đôi mắt và không nghĩ gì khác ngoài bàn thờ nơi Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện. Chúng ta đúng là tội nhân; nhưng nếu chúng ta không ngó ngàng gì tới tất cả các tội nhân, thì sẽ chỉ còn lại rất ít Kitô hữu. Có ba nhân đức đối thần. Đức tin và đức ái là hai chị em nhiều tuổi hơn, và giữa hai người chị ấy là một người em trẻ trung, đó là đức trông cậy. Hai chị đi trước, bận rộn với thời gian hiện tại. Người em còn lại nắm giữ chuyến tàu, bận rộn với tương lai.

Đức trông cậy làm nên điều kỳ diệu; nó làm cho linh hồn nên mới từ linh hồn cũ. “Tôi chỗi dậy về với cha tôi”. Đức trông cậy không đỏ mặt khi tìm kiếm con người ngay cả trong sự xấu hổ của tội lỗi. Không có nhân đức nào tích cực hơn nhân đức này trong cõi lòng con người. Đức trông cậy giống như một nữ tu Tiểu muội của Những người nghèo không ngại chăm sóc một người bệnh. Chính khi cõi lòng đau bệnh vì tội lỗi và hổ thẹn thì niềm trông cậy mới nở hoa. “Tôi chỗi dậy về với cha tôi”.

Làm thế nào mà mùa xuân Hy vọng này không ngừng tuôn tràn, và tuôn tràn tươi trẻ mãi mãi, tinh khiết mãi mãi, tươi mới mãi mãi? Mùa xuân Hy vọng này lấy đâu ra nhiều nước trong lành thế? Phải chăng mùa xuân ấy có thể tạo ra nước trong lành như ý nó muốn? Không phải thế: bí quyết của mùa xuân không có gì khó hiểu cả. Nếu muốn có nước trong vắt để tạo ra những dòng suối trong vắt của mình, mùa xuân sẽ không bao giờ thấy đủ nước trong lành nơi toàn bộ các thụ tạo. Nhưng chính từ thứ nước đục ngầu mà mùa xuân tạo ra những dòng nước tinh khiết của mình, và do đó mùa xuân sẽ không bao giờ thiếu nước tinh khiết.

Nền thần học về niềm hy vọng này, tuy dân dã, nhưng đồng thời lại cao cả, cần làm cho mọi người trở nên quen thuộc, đặc biệt ngày nay.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ: catholicexchange.com (03.08.2023)

[1] Sinh khoảng năm 1343 – mất sau năm 1416, còn được gọi là Juliana thành  Norwich, Quý bà Julian, Dame Julian hoặc Mẹ Julian, là một nữ ẩn sĩ người Anh thời Trung Cổ. Các tác phẩm của bà, hiện được gọi là Những mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa, là những tác phẩm bằng tiếng Anh sớm nhất còn sót lại của một phụ nữ, một nữ ẩn sĩ.

[2] Charles Pierre Péguy sinh ngày 7 tháng 1 năm 1873, mất ngày 5 tháng 9 năm 1914, là một nhà thơ, nhà tiểu luận và biên tập viên người Pháp. Hai triết lý chính của ông là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc; muộn nhất là vào năm 1908, sau nhiều năm theo thuyết bất khả tri đầy băn khoăn, ông đã trở thành một tín hữu Công giáo La Mã (nhưng nói chung không giữ đạo). Từ đó, đạo Công giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác phẩm của ông.

[3] “The Mystery of the Holy Innocents - Mầu nhiệm các Thánh Anh Hài” Communio 26, 1999, Pansy Pakenham (Translator), Alexander Dru (Introduction).

Top