Tìm hiểu câu Tin mừng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46)
WGPQN (19.3.2023) – Tin mừng theo Thánh Matthêu viết: “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Êli, Êli, lema sabachthani’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’ (Mt 27,45-47).
Tiếng kêu của Đức Giêsu trong câu Tin mừng Mt 27,46 khiến chúng ta lúng túng. Và bao nhiêu câu hỏi đã tự nhiên nổi lên trong tâm trí chúng ta: Phải chăng đó là một tiếng kêu tuyệt vọng của một người sắp chết vì khổ hình thập giá? Phải chăng Thiên Chúa Cha đã thực sự bỏ rơi Đức Giêsu khiến Người phải chết cách đau đớn tủi nhục như thế? Phải chăng chính Đức Giêsu đã thực sự cảm nghiệm được rằng Người đã bị Chúa Cha bỏ rơi?
Trong thực tế, câu Tin mừng này thường trở thành đề tài suy niệm của mỗi người, nhất là trong Mùa Chay, và đặc biệt trong sự im lặng chết chóc của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi suy niệm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, mỗi người thường tưởng tượng ra trong tâm trí bao nhiêu là đau khổ mà Đức Giêsu đã phải chịu. Nào là đau khổ nơi thân xác khi bị vả mặt, bị đánh đòn, đội mão gai, bị vác thập giá, bị ngã xuống đất và bị đóng đinh chân tay vào thập giá. Nào là những đau khổ về tinh thần như bị chính dân mình cáo gian, bị những người lính chửi bới, bị các thượng tế và luật sĩ chế giễu, bị dân chúng nhạo cười, bị một môn đồ bán đứng và các môn đồ khác thì bỏ chạy không ai ra mặt biện hộ cho Người trước tòa án.
Người ta có thể tiếp tục đi xa hơn thế nữa trong dòng suy niệm của mình khi nghĩ rằng Đức Giêsu cũng bị chính Chúa Cha bỏ rơi, bởi chính Đức Giêsu đã thốt lên trên thánh giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đó là điều đau đớn nhất trong tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu. Còn gì đau khổ thất vọng hơn đối với một người đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa lại bị Thiên Chúa bỏ rơi. Rồi trí tưởng tượng của mỗi người được dịp bi thảm hóa sự việc để sự việc trở nên trầm trọng hết sức có thể.
Đây là điều nhiều người vẫn làm để tạo ra cho mình một sự cảm thương tội nghiệp cho Chúa Giêsu. Cũng giống như khi suy niệm về Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể ẩn thân nơi hình bánh trong Nhà Tạm. Ôi! Thật tội nghiệp cho Chúa, một vị Thiên Chúa vĩ đại chín tầng trời còn không thể chứa nổi mà suốt cả ngày đêm phải bị giam cầm trong một nhà tù chật chội, không thấy gì ngoài bóng tối, không nghe gì ngoài sự im lặng,.. và không có đủ không khí để thở nữa chứ! Và mỗi người có thể tưởng tượng thêm nhiều điều khác tương tự hay tệ hơn nữa, để khơi dậy tâm tình yêu mến Chúa!
Thôi, đừng tưởng tượng lung tung nữa, chúng ta hãy trở lại vấn đề chính. Có phải Đức Giêsu đã thực sự bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi, hay ít ra là chính Người cảm thấy dường như mình bị Chúa Cha bỏ rơi? Chắc chắn Chúa Cha không bỏ rơi Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bởi lẽ cả ba công trình: Sáng tạo, Cứu chuộc và Thánh hóa đều là của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Cha đã sai Con của Người đến thế gian để chịu khổ nạn, thì Người không thể bỏ rơi hay để Đức Giêsu phải chịu đau khổ một mình được. Trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu, chính Chúa Cha đã sai các thiên thần đến trợ giúp Người kia mà (x. Lc 22,43).
Về phần Đức Giêsu, không thể có chuyện Người nghi ngờ Chúa Cha, hay nghĩ rằng Chúa Cha bỏ rơi Người, vì như thế là một xúc phạm đến Chúa Cha và dĩ nhiên Đức Giêsu không thể làm như thế, vì đó là một trọng tội. Chúa Cha cũng không thể để cho Đức Giêsu có cảm giác như bị Chúa Cha bỏ rơi để tăng thêm phần đau khổ trong cuộc khổ nạn của Người. Đó là một cảm giác đánh lừa, do đó Chúa Cha không thể làm như thế. Chẳng qua vì chúng ta suy nghĩ theo kiểu của con người rồi đem gán cho Thiên Chúa.
Như vậy, ý nghĩa thực sự của câu Tin mừng Mt 27,46 là gì? Theo diễn tiến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, tiếng kêu lớn trên đây của Đức Giêsu (x. Mt 27,46) được xác định là vào giờ thứ chín (x. Mt 27,45), lúc mọi sự sắp kết thúc hay đúng hơn phải nói là sắp hoàn tất. Sau đó 3 câu, Tin mừng viết tiếp: “Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn (x. Mt 27,50). Như vậy 2 lần kêu lớn tiếng của Đức Giêsu là cách tuyên bố trịnh trọng rằng cuộc khổ nạn của Người đang kết thúc.
Hơn nữa, Thánh Matthêô viết Tin Mừng cho người Do-thái đồng bào của ngài. Vì thế thánh nhân luôn trưng dẫn Thánh Kinh Cựu Ước để cho độc giả thấy rằng Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm những lời Thánh Kinh ấy, do đó Người thực là Đức Kitô mà toàn thể Cựu Ước đã loan báo và hướng về. Vì vậy, để có thể hiểu tiếng kêu của Đức Giêsu, cần phải đặt nó vào ngữ cảnh là Thánh Kinh Cựu Ước. Câu “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa con, sao Ngài bỏ rơi con” trong Mt 27,46 chính là câu mở đầu của Thánh vịnh 22 trong Cựu Ước và được viết bằng tiếng Hipri. Chúa Giêsu đã đọc câu đó, nhưng đến chữ “bỏ rơi” thì Người lại dùng tiếng Aram là ngôn ngữ thông dụng lúc bấy giờ. Có lẽ vì lúc ấy sức Người đã tàn và sắp chết nên tiếng kêu của Người cũng khó nghe. Hơn nữa, trong dân chúng không có mấy người biết tiếng Hipri và họ chỉ sử dụng tiếng Aram. Chính vì vậy những người đứng xung quanh không biết Người đọc Thánh vịnh 22, mà cứ nghĩ rằng Người kêu ngôn sứ Êlia bằng tiếng Aram, trong khi đó chữ Êli, Êli trong tiếng kêu của Người là chữ Hipri và có nghĩa là “Lạy Chúa, lạy Chúa” chứ đâu phải tên ngôn sứ Êlia.
Chủ đề của Thánh vịnh 22 được ghi trong Thánh Kinh là: “Gặp đau khổ, người lành cầu cứu và Đức Chúa đã nhậm lời”. Do đó, Thánh vịnh 22 là lời cầu nguyện của người lành bị quân thù hãm hại và kêu cầu Thiên Chúa cứu vớt. Tuy nó mở đầu bằng một câu có vẻ đầy thất vọng, nhưng chỉ là để diễn tả nỗi đau khổ cùng cực của khẩn nhân, chứ không phải là lời trách móc Thiên Chúa vì đã bỏ rơi họ. Người đau khổ đang kêu xin Thiên Chúa trong Thánh vịnh 22 chính là hình ảnh báo trước Đức Kitô đau khổ. Mặc dù phải chịu đau khổ cho đến chết, nhưng Đức Giêsu vẫn một mực tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa Cha, nên cuối cùng Người đã thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy khi đọc Thánh vịnh 22, không những Đức Giêsu không cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, nhưng Người hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha.
Hơn nữa chính Thánh vịnh 22 mặc dù mở đầu bằng một than van có vẻ tuyệt vọng, nhưng nó vẫn là một thánh vịnh nói lên niềm tin tưởng và hy vọng vào sự cứu thoát của Thiên Chúa, bởi vì từ câu 20 trở đi toàn là những lời cầu nguyện đầy tin tưởng phó thác và cuối cùng kết thúc bằng những câu:
“Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai,
truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người
rằng: “Thiên Chúa đã làm như vậy!” (Tv 22,30c-32)
Theo cách lý giải của các nhà chuyên môn Thánh Kinh, khi Đức Giêsu đọc câu đầu của Thánh vịnh 22, tức là Người đọc trọn vẹn Thánh vịnh. Như vậy, Người chỉ mượn lời Thánh vịnh 22 để mô tả sự đau khổ cùng cực của Người và đồng thời cũng để bày tỏ sự tin tưởng phó thác của Người trong tay Chúa Cha. Cũng qua lời Thánh vịnh ấy Đức Giêsu cũng đại diện cho tất cả mọi người đau khổ cùng cực trên thế giới qua mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa tâm tình tín thác của họ.
Hãy đối chiếu những dòng trên đây với các tình tiết tương tự trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu được thuật lại trong các sách Tin Mừng: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người… Các Thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: … Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn!... Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế” (Mt 27,39.41-44; x. Mc 15,29.31-32). “Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo…Lính tráng cũng chế giễu Người” (Lc 23,35-36).
Đoạn này khiến ta liên tưởng đến những lính tráng bao vây quanh Đức Giêsu với đầy những cử chỉ hung bạo qua cuộc đánh đòn, đội mão gai và xô đẩy Người trên con đường lên núi Sọ.
Còn trong sách Tin mừng theo Thánh Gioan ta đọc thấy: “Người nói: Tôi khát!” (Ga 19,28).
Trong câu chuyện Đức Giêsu chữa đứa con gái của người đàn bà Canaan khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,21-28), Người nói rằng không nên lấy bánh của con cái mà cho chó. Theo lời giải thích của Bible de Jerusalem, ở cước chú c), người Do-thái coi dân ngoại như “những con chó”. Như vậy “bầy chó” ở đây có thể ám chỉ những người lính Rôma ngoại giáo đang vây quanh Đức Giêsu. Họ đóng đinh thủng cả chân tay Người. Đó là điều mà cả 4 sách Tin Mừng đều ghi lại.
- Thánh vịnh 22,19: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 22,19).
Trong các sách Tin mừng chúng ta đọc thấy: “Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau” (Mt 27,35). “Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau” (Mc 15,24). “Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (Lc 23,34b). “Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: ‘Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: ‘Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm” (Ga 19,23-24).
Kết luận: Qua những phân tích trên đây, chúng ta thấy câu Tin mừng Mt 27,46 là câu mở đầu dẫn đưa chúng ta vào Thánh vịnh 22. Thánh vịnh này vừa là những lời tiên báo về những cực hình Đức Giêsu phải chịu trong cuộc khổ nạn của Người, lại vừa là lời cầu nguyện của người lành bị bách hại nhưng luôn luôn tin tưởng phó thác vào sự cứu thoát của Thiên Chúa, chứ hoàn toàn không phải là một lời nói não nùng tuyệt vọng hay trách móc Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu chọn đọc Thánh vịnh ấy vào lúc cao điểm của cuộc khổ nạn của Người, Người có ý cho thấy rằng Người đã làm trọn những lời Thánh kinh đã viết về Người, và điều đó chứng minh rằng Người chính là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.
Nguồn: gpquinhon.org
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19