Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh (+video)

Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh (+video)

Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh (+video)

Ga 21,20-25

“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực”.
(Ga 21,24)

Tin Mừng hôm nay đề cập đến ơn gọi của Gioan.

1. Khi Chúa nói với Phêrô “Phần ngươi hãy cứ theo ta” (Ga 21,22)… rõ ràng Chúa đã muốn cho Phêrô có một ơn gọi riêng. Ơn gọi của Phêrô không giống những người khác. Mỗi người đều được Chúa dành cho một ơn gọi. Nhìn lại Lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thường thấy Chúa làm như vậy. Ơn gọi của các Tổ phụ khác với ơn gọi của các tông đồ.

Với Abraham, Chúa gọi ông vào lúc tuổi đời ông đã già nua. Ông đã từ bỏ quê cha đất tổ, để theo Chúa (St 12,1-4). Abraham đã hoàn thành ơn gọi của mình.

Còn đối với Môisen, Chúa lại có cách hành xử khác. Chúa đã gọi ông từ giữa lòng sông Nil, rồi sau khi đã tôi luyện ông thành gang thép, Chúa đã trao cho ông một trọng trách phải thực hiện và Môisen đã hoàn thành sứ mạng đó.

Bây giờ, đến trường hợp của Phêrô. Phêrô đang sống yên hàn trong nghề chài lưới ở Capharnaum (Ga 1,44). Và Chúa gọi ông. Ông đã từ bỏ tất cả nghề nghiệp, gia đình chỉ vì tiếng gọi: “Hãy theo Ta” (Ga 11,35). Và Phêrô đã hoàn tất sứ mạng đó trên đỉnh đồi Vaticanô bằng một cái chết cũng đau đớn không kém gì Thầy mình. Và chính vì thế mà ông đã trở thành cột trụ của Giáo Hội.

2. Bây giờ đến lượt Gioan. Gioan cũng được gọi nhưng Chúa muốn Gioan sống ơn gọi của mình bằng con đường khác.

Trong nhóm 12, Gioan là một trong những người gần gũi Chúa nhất. Gioan đã đi theo Chúa trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi. Gioan là người đã nghiêng đầu mình vào ngực Chúa trong bữa ăn tối cuối cùng, điều đó chứng tỏ Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa nhiều nhất và sâu xa nhất.

Khi Chúa nói “Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” (Ga 21,22) thì không có nghĩa Gioan sẽ sống mãi, nhưng Chúa muốn nói về cuộc sống của Gioan sau đó. Chúa muốn giữ Gioan ở lại lâu hơn các tông đồ khác để Gioan làm chứng. Đó là ơn gọi của Gioan. Gioan đã làm chứng không những bằng cuộc sống của mình mà còn bằng cả ngòi bút của mình nữa. Tin Mừng của Gioan đã giúp người ta hiểu về Chúa rõ hơn. Khi Gioan viết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra” (Ga 21,25), điều đó không có nghĩa là cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra, nhưng là không đủ chỗ cho những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.

3. Phần chúng ta, chúng ta hãy noi gương Gioan trung thành “đi theo” Chúa, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa”, biết “hỏi” Chúa, có thật nhiều cảm nghiệm về Chúa, để rồi có thể “làm chứng” về Chúa như Gioan đã làm thuở xưa.

Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước được trở ra mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu, nhàm chán nơi bàn giấy. Một ngày kia, sau khi nghe anh than phiền, tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.

Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Chết đau thương nhục nhã hay chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Các Tông đồ đều được phúc tử đạo, ngay cả Gioan - vị Tông đồ sống lâu nhất, tuy không trực tiếp chết như vị tử đạo, nhưng cũng đã bị cho vào vạc dầu sôi. Tất cả những cái chết ấy đều là lời chứng hùng hồn cho đức tin.

Lịch sử Giáo Hội sau thời các Tông đồ là những cuốn sách về những chứng từ như thế. Mỗi người một cách, người viết bằng máu, người bằng cuộc sống từ bỏ quên mình, người bằng những nghĩa cử hy sinh phục vụ, người bằng cuộc sống âm thầm trong đau khổ. Nói tóm lại, có hàng trăm nghìn những ngôn ngữ, trăm nghìn những thứ bút mực, đã được dùng để viết nên những chứng từ, nhiều đến nỗi, như lời tiên đoán của Gioan: “Tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách được viết ra” (Ga 21,25).

Còn hôm nay thì sao ? Chúa Giêsu cũng vẫn cần những chứng nhân khác. Ngài cần đôi tay, bàn chân, môi miệng, trái tim chúng ta để tiếp tục hiện diện và hành động. Dòng thác Nirgara dù đổ xuống từng khối nếu không được ngăn lại sẽ không bao giờ biến thành nguồn thủy điện. Cả khối dầu hỏa Trung đông cũng không quay nổi một động cơ nếu không được con người khai thác sử dụng. Chúa Giêsu đang cần một chút đóng góp của chúng ta để sức nóng và ánh sáng Ngài được đạt tới mọi người.

Top