Thứ Ba tuần 13 Thường niên (+video)

Thứ Ba tuần 13 Thường niên (+video)

Thứ Ba tuần 13 Thường niên (+video)

Mt 8,23-27

Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào
mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
(Mt 8,27)

1. Rõ ràng là qua các phép lạ dẹp yên bão tố trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mặc khải thêm cho các môn đệ biết về Ngài, đồng thời Ngài cũng muốn huấn luyện họ để họ được thêm vững vàng về đức tin.

Người Do Thái cho rằng, biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng, chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban đặc quyền mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Như vậy, việc Chúa dẹp yên bão tố hôm nay chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.

Tin Mừng nói đang lúc bão thì Chúa Giêsu ngủ: Chúa Giêsu ngủ không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài chỉlàm bộ ngủ thôi, để xem các môn đệ của Ngài có an tâm giữa giông tố bão táp khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Thế nhưng, các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó, sau phép lạ Chúa đã tráchHỡi những kẻ yếu lòng tin (Mt 8,26).

2. Bão tố trên biển là cảnh thường xảy ra. Bác sĩ W.M. Christie từng ở nhiều năm tại xứ Galilê đã kể lại kinh nghiệm của ông trong những cơn bão như thế này: Gió dường như thổi từ khắp các hướng cùng một lúc. Từ những khe núi nhỏ hẹp trong vùng đồi núi, gió ào ào thổi xéo góc xuống mặt hồ. Ông nói: “Có lần, một đoàn du khách đang đứng trên bờ hồ Tibêriát. Họ đang say mê nhìn ngắm mặt nước hồ phẳng lặng như gương, thì thình lình gió ập đến. Chỉ trong 20 phút thôi là mặt hồ đã trắng xóa những lượn sóng bạc đầu. Những lượn sóng lớn đến nỗi bắn lên cả các tháp canh ở góc tường vây quanh thành, làm cho đoàn du khách bó buộc phải tìm chỗ núp để tránh những lớp bụi nước làm tối mắt họ, dầu họ ở cách xa bờ hồ đến 200m. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng mà bầu trời nắng đẹp đã biến thành cảnh cuồng phong gầm thét dữ dội.

Chúa Giêsu và các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng ở vào hoàn cảnh như thế. Giữa giờ phút kinh hoàng đó mà Chúa Giêsu vẫn ngủ. Sợ quá các môn đệ đã đánh thức Ngài dậy, và sau đó bão trở nên hoàn toàn yên lặng.

2. Qua biến cố này chúng ta học được bài học gì ?

a/ Chúa luôn ở với Giáo Hội.

Giáo Hội được ví như một con thuyền giữa biển khơi. Trên con thuyền đó có Chúa. Thức hay ngủ điều đó không quan trọng. Quan trọng là có sự hiện diện của Ngài. Con thuyền không thể nào bị chìm khi có Ngài trên đó. Đức Thánh Cha Bênêđictô XI nói rằng, trong cuộc đời Giáo Hoàng của Ngài, có rất nhiều lần những thử thách và khó khăn bủa xuống trên đầu ngài như những cơn phong ba bão táp, những lúc như thế ngài thường nhìn ngắm bức tranh vẽ cảnh Chúa dẹp yên bão tố và ngài cảm thấy tâm hồn được bình an.

b/ Chúa luôn ở với mỗi người chúng ta.

Biển cũng tượng trưng cho cuộc đời của mỗi người: hành trình cuộc đời có lúc cũng lắm chông gai, như biển khơi có lúc nổi cơn sóng gió. Điều chúng ta cần phải luôn xác tín là Chúa luôn yêu thương chúng ta. Chúa thức hay ngủ việc đó không quan trọng. Quan trọng là Chúa vẫn hiện diện với chúng ta một cách âm thầm lặng lẽ, cả trong lúc chúng ta phải chèo chống với cảnh ngược gió trên biển đời.

Đây là một câu chuyện đẹp ở vùng Nam Mỹ:

Ngày nọ, một thầy dòng mơ thấy mình đang đi dọc theo bờ biển với Chúa. Ông nhìn xuống bãi cát, thấy có bốn dấu chân: hai của ông và hai của Chúa.

Nhưng ông cũng nhận thấy có những đoạn đường chỉ có hai dấu chân. Và ông nhớ lại: đó là những ngày ông buồn khổ nhất và cực nhọc nhất. Ông bèn than thở với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã nói với con là nếu con theo Chúa, thì Chúa sẽ ở với con luôn luôn. Nhưng giờ đây con thấy rằng, những lúc con chao đảo nhất, thì lại chẳng thấy dấu chân Chúa đâu. Con không hiểu tại sao Chúa lại bỏ con giữa lúc con cần Chúa nhất như thế ? “

Chúa đáp: “Con ạ, Ta chẳng bao giờ bỏ con. Con chỉ thấy hai dấu chân trên cát, vì trong những lúc khốn khó đó, Ta đã vác con và mang con đi.

Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa 
dưới muôn ngàn dáng vẻ. 
Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, 
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, 
những người sống không ra người. 
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, 
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người 
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa. 
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội 
gồm những con người yếu đuối, bất toàn, 
và Chúa cũng ở rất sâu 
trong lòng từng Kitô hữu.

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người 
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa. 
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, 
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. 
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa 
trên bước đường đời của con. Amen
.

Top