Thứ Bảy tuần 13 Thường niên (+video)

Thứ Bảy tuần 13 Thường niên (+video)

Thứ Bảy tuần 13 Thường niên (+video)

Mt 9,14-17

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ,
vì miếng vá mới sẽ co lại,
khiến áo rách lại càng rách thêm.”

(Mt 9,16)

1. Theo Kinh Thánh thì chúng ta thấy, người Xứ Palestine ngày xưa ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Gn 3,7-8; 1Sm 14,24).

Những người Hồi Giáo, trước đây cũng như bây giờ vẫn giữ chay bằng cách nhịn ăn nhịn uống suốt từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, và người ta giữ như thế trong suốt tháng Ramadan.

Đối với người Phật, họ ăn chay vào các ngày mùng một và rằm. Họ giữ chay bằng cách vẫn ăn no như thường, nhưng tuyệt đối không ăn thịt bất cứ con vật nào, chỉ ăn rau cỏ và trái cây.

Thế còn đối với người Công giáo?

Trước thập niên 50, chúng ta vẫn còn giữ chay bằng cách không ăn không uống gì từ nửa đêm hôm trước cho tới khi rước lễ. Hiện nay thì chúng ta chỉ còn ăn chay kiêng thịt mỗi năm có 2 lần theo quy định chung: thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.

Khi ăn chay, mỗi ngày chỉ ăn một bữa no, còn các bữa kia chỉ ăn chút đỉnh và kiêng không ăn thịt các động vật trên trời dưới đất, chỉ được ăn một số động vật sống trong nước mà thôi.

Như vậy, chúng ta thấy mỗi tôn giáo đều có một cách thức để ăn chay. Nhưng chúng ta đừng quên là cả các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống một thời gian trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn.

Chính sự “ăn chay y học” này có mục đích giúp cho bác sĩ và bản thân chúng ta biết tình trạng sức khỏe của mình mà chăm lo, hay có phương án điều trị tốt hơn.

“Ăn chay nhà đạo” của chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa trị và chăm lo sức khỏe phần hồn của mỗi Kitô hữu, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi bản thân, mà sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với tha nhân. Ăn chay có tính cách chữa lành như thế thì hiệu nghiệm tuyệt vời! Như vậy, chúng ta thấy việc “ăn chay kiểu nhà đạo” của chúng ta luôn phải đi đôi với việc từ thiện bác ái, và phải đi sát với công bằng xã hội!

Tiên tri Isaia đã nói rất rõ về mục đích chay tịnh của chúng ta bằng những lời hết sức rõ rệt như thế này: “Phải chăng cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi mà gọi là ăn chay ư? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục đó sao? Bấy giờ, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành...” (Isaia 58,5-8).

Trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: “Khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát.”

Có một đan sỹ nọ, trong một giây phút yếu lòng, đã phạm một tội rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày kia, thầy đến hỏi Đức Viện Phụ:

- Thưa Cha, 3 năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi của con không?

- Ba năm nhiều quá! - Viện phụ đáp.

- Vậy thưa cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao?

- Cha nghĩ một năm cũng là quá nhiều!

- Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi, hay cha vẫn thấy còn quá nhiều?

Bấy giời Đức Viện Phụ mới kết luận:

- Cha tin rằng, khi một người thành tâm thống hối tội lỗi mình đã phạm và quyết chí từ nay không còn phạm tội đó nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội và ngày hôm sau, khi bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống mới!

Sự trưởng thành thực sự mà con người có thể đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân, mà chính là biết xa lánh tội lỗi và đưa con người đến gần Chúa và tha nhân hơn.

Như thế, ăn chay đối với người Kitô hữu phải mang một ý nghĩa đặc biệt. Không phải ngồi đó mà ủ dột u buồn nhưng là tích cực dấn thân xây dựng một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và với anh em theo tinh thần của Chúa.

 

Top