Thánh thể và phẩm giá con người

Thánh thể và phẩm giá con người

Thánh thể và phẩm giá con người

WHĐ (10.07.2024) - Khi chúng ta đọc câu chuyện về linh mục Dòng Tên Alfred Delp cử hành thánh lễ trong nhà tù Tegel ở Berlin vào mùa thu năm 1944, hay như về Đức Tổng Giám mục (sau này là Hồng y) Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận cử hành bí tích Thánh thể trong biệt giam ở Việt Nam với một giọt nước, rượu và một ít bánh mì, hoặc như Đức Hồng y Sigitas Tamkevičius đến từ Lithuania cử hành phụng vụ một cách bí mật trong một trại lao động Xô Viết, chúng ta bắt đầu hiểu được sức mạnh cơ bản và nguồn sống của bí tích Thánh thể cũng như một số khía cạnh của mối tương quan giữa Thánh thể và phẩm giá. Linh mục Delp, Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận và Đức hồng y Tamkevičius đều cảm nhận được sự nâng đỡ trong niềm hy vọng, lòng tự trọng và kinh nghiệm sống trong cộng đồng, vốn là những khía cạnh quan trọng của phẩm giá con người.

1. Về nhân phẩm

2. Những “ngụ ngôn” về bí tích Thánh thể

3. Sự đói khát, phẩm giá và cảm nghiệm bí tích Thánh thể

4. Nhân phẩm, sự hiện diện thực sự và cơn đói thực sự

1. Về nhân phẩm

Nhà kinh tế học người Dominica Louis-Joseph Lebret đã phát triển ý tưởng về “nhu cầu phẩm giá”. Nhu cầu về phẩm giá (như sắc đẹp) cho phép một người sống một cuộc sống có phẩm giá. Lebret cũng đề cập đến không gian, một không gian mà người ta có thể ẩn mình và chiêm ngưỡng. Quan điểm về phẩm giá đưa chúng ta vượt ra ngoài cái gọi là “nhu cầu cơ bản” và nhắc nhở chúng ta về thực tế rằng ngay cả thức ăn và chỗ ở cũng có những khía cạnh liên quan đến phẩm giá. Nhu cầu về phẩm giá phản ánh những khía cạnh quan trọng của một cuộc sống có phẩm giá; không phải là một tuyên bố táo bạo khi nói rằng một cuộc sống có phẩm giá cho phép một người bày tỏ những cam kết sâu sắc miễn là họ không làm hại người khác. Theo tiêu chuẩn của nhiều người, việc có thể cử hành bí tích Thánh thể và rước lễ có thể được coi là một nhu cầu về phẩm giá. Bị tước mất quyền lợi về bí tích Thánh thể, theo đúng nghĩa của từ này, có thể là cực hình. Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của tu sĩ Dòng Tên Pedro Arrupe. Arrupe - Bề trên Tổng quyền Dòng Tên sau Công đồng Vatican II và là nhà truyền giáo đến Nhật Bản từ năm 1938 - đã nói về sự khao khát Thánh thể của ông trong suốt 33 ngày bị biệt giam ở Nhật Bản vào năm 1941:

“Chiến tranh nổ ra ở Nhật Bản vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1941, qua cuộc tấn công Trân Châu Cảng, quân cảnh lập tức tống tôi vào tù, trong một phòng giam rộng bốn mét vuông. Tôi trải qua những ngày đêm trong cái lạnh của tháng Mười Hai, hoàn toàn cô đơn, không có giường, bàn, hay bất cứ thứ gì khác ngoài một tấm chiếu để ngủ. Tôi bị dày vò bởi không biết lý do tại sao tôi lại bị cầm tù. Nhưng trên hết, đối với tôi, không được cử hành thánh lễ, không thể lãnh nhận bí tích Thánh thể là một sự tra tấn dã man. Thật cô đơn làm sao!”. 

Bị tước mất quyền lợi về bí tích Thánh thể có thể là một trải nghiệm đau khổ, đúng hơn là vì những nhu cầu sâu xa về phẩm giá không được đáp ứng. Bí tích Thánh thể có giá trị vì nó là một cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa, một cử hành thiêng liêng của cộng đồng, một lời nhắc nhở về khả năng thực sự của con người bước vào mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Bí tích Thánh thể thực sự là bí tích của việc trao ban căn tính. Đây là lý do tại sao Pedro Arrupe có thể nói: “Thánh thể là trung tâm cuộc đời tôi. Tôi không thể tưởng tượng một ngày nào đó không cử hành hy tế Thánh thể”. Nơi bí tích Thánh thể chúng ta khám phá ra những nhu cầu vượt ra ngoài những nhu cầu hữu hình, vượt ra ngoài “giá trị tiền mặt”. Lời Chúa Giêsu minh định: con người không chỉ sống bằng cơm bánh (Mt 4,4), rõ ràng là một tuyên bố về phẩm giá con người.

Ý tưởng về phẩm giá con người, được nêu bật trong lời mở đầu và điều 1 của tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được coi là “nền tảng của tất cả các nguyên tắc và nội dung khác của học thuyết xã hội của Giáo hội”. Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền đã để lại một số câu hỏi mở, bao gồm cả sự biện minh cho tuyên bố rằng con người có phẩm giá vốn có và việc tôn trọng nhân phẩm một cách đúng đắn, việc “thi hành phẩm giá” như một hình thức sống có nghĩa là gì?

Việc cử hành bí tích Thánh thể là đỉnh cao của đời sống Giáo hội, có thể đưa ra câu trả lời cho hai câu hỏi này: việc biện minh cho phẩm giá con người có nền tảng vững chắc trong câu chuyện tạo dựng (St 1,27) và thần học về nhập thể (Phil 2,6-7), qua đó chúng ta tìm thấy về sự khởi đầu nhân loại rất tốt đẹp và việc cứu chuộc gia đình nhân loại. Liên quan đến việc quí trọng phẩm giá, Tin mừng trình bày việc Chúa Kitô đã có những hành động nói lên việc đề cao phẩm giá con người qua việc gặp gỡ người nghèo và người bị thương tích. Chúa Giêsu đã minh định rõ ràng trong Tin mừng Matthêu: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (25,40). Đoạn văn không sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ “như thể bạn đã làm điều đó với tôi”, mà là một câu đơn giản và trực tiếp. Việc gặp gỡ Chúa Kitô không thể xảy ra nếu người ta phớt lờ những người nghèo, những người đau khổ, những người thiệt thòi, những người dễ bị tổn thương, những người bị tổn thương. Đó chính là Chúa Kitô mà chúng ta gặp gỡ trong bí tích Thánh thể và là Đấng chúng ta gặp gỡ nơi người nghèo. Chỉ có một Chúa Kitô, Huấn thị Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã xác quyết: Dominus Iesus (Chúa Giêsu là Chúa). Theo lời của Arrupe khi suy ngẫm về bí tích Thánh thể: “Có một mối liên hệ với Tin mừng. Chúng ta tìm thấy trong các Tin mừng một hình ảnh lịch sử, thực tế về Chúa Giêsu khi Người sống ở Palestine. Và trong bí tích Thánh thể, chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô đang sống giữa chúng ta ngày nay”. Đó cũng chính là Chúa Kitô; cùng một Chúa Kitô khi chúng ta gặp gỡ những người bị tổn thương và dễ bị tổn thương nhất. Và điều này, đến lượt nó nói lên điều gì đó về “hình ảnh giống Thiên Chúa”. Sự tự hủy của Chúa Kitô, Đấng “đã tự hủy mình” (x. Pl 2,7) cho chúng ta thấy “sự nghèo khó của Thiên Chúa” được những người nghèo đón nhận một cách đặc biệt. Rõ ràng là bí tích Thánh thể phó thác chúng ta cho người nghèo. Và cam kết sống cho người nghèo kết nối bí tích Thánh thể, đó cũng là cam kết của chúng ta trong việc quí trọng về phẩm giá con người, nỗ lực hành động để bảo vệ phẩm giá con người, ngay cả trong những trường hợp liên quan đến đời sống (như bệnh tật, nghèo đói và bị cưỡng bức), cũng như các trường hợp liên quan đến đạo đức (như bạo lực, bất công, hận thù). Bí tích Thánh thể là một lời nhắc nhở rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa xác định chúng ta là ai và chúng ta phải sống như thế nào.

2. Những ngụ ngôn về bí tích Thánh thể

Bí tích Thánh thể gắn kết chúng ta với phẩm giá và với người nghèo. Sự dấn thân đối với người nghèo làm cho bí tích Thánh thể thể hiện được căn tính đích thật của việc cử hành “ở đây và bây giờ”. Câu nói của Chúa: “con người không chỉ sống bằng cơm bánh” (Mt 4,4) cũng hàm chứa thông điệp: con người cũng sống bằng cơm bánh. Đó là lý do tại sao sẽ khó có thể khẳng định rằng một người đã thực sự tham dự bí tích Thánh thể nếu người đó không sống theo lời cam kết: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40). Có một số câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự hỏi, chẳng hạn như: “Tại sao lại như vậy? Tại sao hàng trăm ngàn thánh lễ vẫn luôn được cử hành hàng ngày và hàng tuần, thế nhưng các Kitô hữu hầu như vẫn giữ một cuộc sống ích kỷ mà không không có một sự thay đổi?”. Có một cơn cám dỗ giản lược bí tích Thánh thể thành một hòn đảo biệt lập, đưa tới một trải nghiệm “cảm thấy dễ chịu”, coi đó như một thành tựu thiêng liêng, là nguồn lực cho sự thành công của một người, và đó như là một một sự kiện kỳ diệu. Những ảo tưởng này có thể phản ánh tinh thần tục hóa tâm linh (Evangelii Gaudium 93-94) hoặc một mô hình kỹ trị (Laudato Si 109-112) với niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp mà không cần hoán cải sâu sắc và liên tục. Bí tích Thánh thể mời gọi chúng ta nhìn ra những chiều kích vượt xa những suy nghĩ sai lầm này. Bí tích Thánh thể dạy cho chúng ta những bài học quan trọng về phẩm giá. Khi đến với bí tích Thánh thể trong phụng vụ, chúng ta tụ tập lại, chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và khám phá ý nghĩa của Lời Chúa, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình, chúng ta cầu nguyện cho những nhu cầu của thế giới. Những khoảnh khắc này cũng là những câu chuyện về phẩm giá con người: con người là thành phần của một cộng đồng, được mời tham gia vào cuộc tìm kiếm căn tính đích thật của mình, và mở lòng với những gì siêu việt, được kêu gọi tham gia các cam kết như là thành viên của gia đình nhân loại và là gương mẫu của nhân loại.

Tương tự như vậy, khi chúng ta nhìn vào bốn “khoảnh khắc Thánh thể”: (1) khoảnh khắc biến đổi và bẻ ra, (2) khoảnh khắc huyền bí và thiêng liêng, (3) khoảnh khắc của thực tại và hiện diện, (4) khoảnh khắc cử hành và hiệp thông, chúng ta có thể rút ra bài học về phẩm giá con người: Ý tưởng về những khởi đầu mới, quyền tự do và khả năng đối phó với bi kịch là một phần của sự hiểu biết về phẩm giá; mối liên hệ giữa mầu nhiệm và phẩm giá có thể được thiết lập, dựa trên cái nhìn sâu sắc rằng luôn có nhiều điều để nói về phẩm giá. James Hanvey mô tả rất hay về “sự huyền bí” trong diễn ngôn thần học là “không phải là một ngõ cụt về mặt trí tuệ; nó là một điểm khởi hành. Bí ẩn là khả năng mang lại ý nghĩa vô tận”.

Phẩm giá là một thuật ngữ có khả năng này. Ý tưởng của cuộc sống chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể và đối diện thực tế là thân phận con người của chúng ta; chúng ta không gặp phải cái chung mà là cái cụ thể; chúng ta không gặp gỡ nhân loại, nhưng gặp gỡ những con người cụ thể. Cuối cùng, chiều kích “Chúng ta” của cuộc sống chúng ta được thể hiện trong “việc cử hành và sự hiệp thông cộng đồng” của bí tích Thánh thể, phản ánh thực tế rằng chúng ta là những hữu thể xã hội. “Là một người theo hình ảnh giống Thiên Chúa, liên quan đến việc tồn tại trong một mối quan hệ, bởi vì chính Thiên Chúa, là một và ba ngôi, là sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” .

Chiều kích “Chúng ta” trong cuộc sống của chúng ta cũng liên quan đến phẩm giá, đặc biệt đối với câu hỏi: ai được bao gồm trong cái “chúng ta”? Các cơ chế loại trừ tạo ra “người nghèo” mà chúng ta thấy được mô tả trong Matthêu 25. Bí tích Thánh thể gắn liền sâu sắc với ý tưởng về phẩm giá con người vì thông điệp về sự bình đẳng của Bí tích này: tất cả chúng ta đều là tội nhân; chúng ta đến bàn tiệc của Chúa như những tội nhân.

Có một mối liên hệ sâu sắc giữa bí tích Thánh thể và sám hối (Redemptor Hominis 20). Câu trả lời “Tôi là tội nhân” là câu trả lời rất hay cho câu hỏi “Bạn là ai?”. Pedro Arrupe - Bề trên tổng quyền Dòng Tên (1974-75) - đã đưa ra một câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi về căn tính của Dòng Tên: “Là một tu sĩ Dòng Tên là gì? Đó là biết mình là tội nhân nhưng lại được mời gọi làm bạn đồng hành của Chúa Giêsu”. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Câu nói này có thể làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về phẩm giá - chúng ta không bao giờ có thể cạn kiệt lời mời gọi thánh thiện đi kèm với phẩm giá là những con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa: “Vậy các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo (Mt 5,48). Và chúng ta không bao giờ có thể tự mình đạt đến được sự trọn hảo. Chúng ta lệ thuộc vào lòng thương xót của Chúa. Hai khía cạnh này kết nối tất cả chúng ta lại với tư cách là thành viên của gia đình nhân loại. Và ý tưởng “trở thành thành viên đầy đủ của gia đình nhân loại” và “thuộc về gia đình nhân loại” là trọng tâm của sự hiểu biết phổ quát về phẩm giá vốn có của con người.

Bí tích Thánh thể, như “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1324) kể một trong những câu chuyện đẹp nhất về phẩm giá con người; Bí tích Thánh thể mang đến cho chúng ta thông điệp rằng Thiên Chúa coi chúng ta xứng đáng mời chúng ta tham dự một buổi cử hành trong đó “chúng ta đã hiệp nhất với phụng vụ trên trời và hướng tới cuộc sống vĩnh cửu, khi Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1327). “Bằng cách cử hành và tham dự bí tích Thánh thể, chúng ta kết hợp với Chúa Kitô dưới đất và trên trời” (Redemptor Hominis, 20). Đây là một thông điệp và lời mời tuyệt vời. Tội nhân được kêu gọi đến với sự hiệp nhất cứu chuộc. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả một cách tuyệt vời: “Bí tích Thánh thể, mặc dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, không phải là giải thưởng dành cho người hoàn hảo mà là liều thuốc mạnh mẽ và là dưỡng chất cho người yếu đuối” (Evangelii Gaudium, 47). Đức Thánh cha Phanxicô trích dẫn thánh Ambrose cũng như thánh Cyril thành Alexandria trong đoạn văn này. Đây có thể là một cách nói khác: Bí tích Thánh thể phó thác chúng ta cho người nghèo, cho những người đang đói khát. Nhận xét của Đức Thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng rõ ràng không phải là một lời mời gọi “tầm thường hóa” bí tích Thánh thể, nhưng đúng hơn là một lời cảnh báo rằng bí tích Thánh thể không nên được biến thành công cụ cho những mục đích không phục vụ cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa.

Đây có lẽ là điều mà Đức Thánh cha bày tỏ trong đoạn văn này: Chúng ta muốn tránh thái độ đòi quyền lợi khi nói đến vấn đề ân sủng bao nhiêu thì chúng ta cũng muốn tránh cơn cám dỗ biến bí tích Thánh thể thành một lễ cử hành ưu tú. Đây có thể được coi là một biểu hiện khác của tinh thần thế tục. Chúng ta muốn tránh mọi ấn tượng có thể có về kiểu tự coi mình là công chính mà Chúa Giêsu cảnh báo trong Luca (18,10-14). Đức Thánh cha Phanxicô giới thiệu một phạm trù để tiếp cận sự hiểu biết vừa hữu ích vừa quý giá về bí tích Thánh thể: ý tưởng về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Trong bài phát biểu với những người tham gia cuộc hành hương do các nữ tu Môn Đệ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể tổ chức vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, ông nói: Chúng ta đừng quên rằng sự dịu dàng là một trong những nét đặc trưng của Thiên Chúa: phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Chúng ta đừng quên điều này. Để lấp đầy một cách dịu dàng những vết thương và những khoảng trống do tội lỗi tạo ra trong con người và xã hội, bắt đầu bằng việc quỳ gối trước Chúa Giêsu trong Mình thánh đã được thánh hiến, và ở đó một thời gian dài… ngay cả khi người ta dường như không cảm thấy gì, trong sự phó thác trong im lặng và tin tưởng, bởi vì - lặp lại một câu nói đặc biệt thân thương đối với người ấy - “Magister adest”, “Thầy ở đó” (x. Ga 11,28). Nếu chúng ta nghĩ đến cảm nghiệm tôn thờ trước bí tích Thánh thể thì đó là cảm nghiệm về sự hiện diện dịu dàng của Thiên Chúa. Và tất cả đều có thể nói: “Magister adest”. Sứ điệp về lòng dịu dàng của Thiên Chúa, được ban cho tất cả mọi người, là một khía cạnh khác của câu chuyện hay mà bí tích Thánh thể kể về thân phận con người và phẩm giá con người - và về một cơn đói sâu sắc và chân thực, một sự khao khát lương thực sẽ không bao giờ khiến bạn đói khát nữa (x. Ga 4,4).

3. Sự đói khát, phẩm giá và cảm nghiệm bí tích Thánh thể

Khi nhìn vào cảm nghiệm về bí tích Thánh thể, chúng ta có thể, rất đơn giản, phân biệt hai cách cảm nghiệm bí tích Thánh thể - cảm nghiệm của người no đủ và cảm nghiệm của người đói. Một người đang đói sẽ có một cảm nghiệm khác về việc “được mời đến bàn tiệc của Chúa”, được đón nhận Mình thánh Chúa Kitô trong bánh, hoặc được đọc kinh Lạy Cha với lời cầu xin lương thực hằng ngày. Chúng ta cầu nguyện cho lương thực hằng ngày trong kinh Lạy Cha. Alfred Delp, khi suy niệm trong tù, đã suy ngẫm về kinh Lạy Cha và những lời cầu nguyện trong đó, đồng thời mô tả nạn đói bánh ăn là một nỗi buồn thực sự; ông cũng nói rằng - để hiểu được lời cầu xin này - bạn phải trải qua cơn đói, bạn phải trải qua một miếng bánh như một ân sủng từ thiên đường. Bạn phải có sự tôn trọng sâu sắc đối với bánh ăn và trải nghiệm rằng bánh ăn là quý giá là điều cốt yếu cho sự phát triển của sự tôn trọng này. Delp rõ ràng đã viết những suy nghĩ này khi anh ta đang mong có được miếng bánh mì trong tù, nơi anh ta không được ăn uống đàng hoàng và nơi mà một miếng bánh mì là quý giá. Kinh nghiệm của ngài khiến ngài không thể thờ ơ trước những lời cầu xin của kinh Lạy Cha. Sự thờ ơ thực sự là một trở ngại lớn cho việc cảm nghiệm sâu sắc về bí tích Thánh thể.

Đức Tổng Giám mục Oscar Romero đã mô tả trong nhật ký của mình (ngày 04 tháng 01 năm 1979) việc ngài nhắc nhở một cộng đồng nữ tu về những nguy hiểm nghiêm trọng của sự thờ ơ: “Tôi đã nói với họ về sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta, điều mà Chúa đã mặc khải dưới nhiều hình thức khác nhau: trong cộng đồng Giáo hội, đặc biệt là trong bí tích Thánh thể; về bao nhiêu lần sự hiện diện yêu thương của Chúa được đáp lại bằng sự thờ ơ”. Sự thờ ơ là dấu hiệu của sự cứng cỏi trong tâm hồn, một trong những điều đối lập với sự dịu dàng; và sự dịu dàng không thể xảy ra nếu không có đau khổ, sự dịu dàng được hình thành từ những trải nghiệm về thương đau. Có thể nói rằng khi người được ăn no sẽ dễ có thái độ thờ ơ hơn người đang đói. Bởi sự đói khát là ngôn ngữ nói lên sự khao khát lương thực, đặc biệt lương thực thần linh, đó chính là bí tích Thánh thể. Các linh mục cử hành bí tích Thánh thể trong trại tập trung Dachau. Họ đã có kinh nghiệm “Chúa Kitô đến với chúng ta trên Đồi Sọ”.

Triết gia người Pháp Simone Weil đã cho biết sức mạnh của việc nhận thức về sự đau khổ. Sách Gióp đã diễn tả nỗi đau khổ mà ông Gióp trải qua, như một cuộc vật lộn hiện sinh với Đức Chúa, cuốn sách được viết trong nỗi đau đớn tột cùng. Simone Weil đọc sách Gióp khi ông phải chịu đựng chứng đau nửa đầu suốt đời, ông đã cảm nghiệm được nỗi khổ đau và khám phá ra ý nghĩa đích thực của nó. Chính sự hiểu biết đúng đắn về đau khổ, ông đã phá vỡ bức tường của sự thờ ơ, hay nói theo câu nói nổi tiếng của Franz Kafka, “biển đóng băng bên trong chúng ta”.

Niềm khao khát Thánh thể đặc biệt mãnh liệt trong những lúc đau khổ, trong những lúc chúng ta đạt đến sự giới hạn của mình. Bốn năm sau khi bị cầm tù, vào ngày 06 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima khi đó Pedro Arrupe đang coi tập viện của Dòng Tên ở ngoại ô thành phố và ngài đã thành lập một phái đoàn cứu hộ và điều trị y tế, ngài đã mô tả việc cử hành bí tích Thánh thể:

Vụ nổ xảy ra vào ngày 06 tháng 8. Ngày hôm sau, ngày 07 tháng 8, lúc 5 giờ sáng, trước khi bắt đầu chăm sóc những người bị thương và chôn cất người chết, tôi đã cử hành thánh lễ tại nhà. Trong chính những khoảnh khắc này, người ta cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa, người ta cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của sự trợ giúp của Ngài. Thực ra, khung cảnh xung quanh không khuyến khích việc cử hành thánh lễ. Nhà nguyện, bị phá hủy một nửa, tràn ngập những người bị thương, những người nằm trên sàn rất gần nhau, đau đớn khủng khiếp, quằn quại vì đau đớn… Thật là một cảnh tượng khủng khiếp! Vài phút sau, Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã nói: “Trong anh em có một người mà anh em không nhận ra” (Ga 1,26) sẽ ngự xuống bàn thờ. Có một sự khao khát bí ẩn nảy sinh từ đau khổ. Và mầu nhiệm có thể mang lại, chính vì nó là mầu nhiệm, một sự khao khát chữa lành cho những đau khổ khôn tả. Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Arrupe mô tả một trải nghiệm khác trong những ngày sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima; ngài cùng các bạn đồng hành đến nhà các linh mục Dòng Tên ở trung tâm thành phố; và đây là mô tả về “cách làm việc” của họ: “Cuối cùng chúng tôi đã đến nơi và khởi sự công việc cứu giúp bệnh nhân, trước tiên chúng tôi cử hành thánh lễ, sau đó mới bắt tay vào công việc cho dẫu việc cứu giúp rất cấp bách”. 

Con người không chỉ sống bằng bánh mì và có một cơn đói mà chỉ có bí tích Thánh thể mới có thể đáp ứng. Đây cũng là kinh nghiệm của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero. Vào ngày 02 tháng 3 năm 1979, ngài ghi lại trong nhật ký:

Vào buổi tối, tại ngôi nhà tĩnh tâm ở El Despertar, nơi cha Octavio và bốn thanh niên bị giết, chúng tôi đã cử hành bí tích Thánh thể vào ngày thứ bốn mươi sau cái chết bi thảm của người anh em của chúng tôi... Cả nhóm được tập hợp, khi đến giờ dâng lễ, họ tặng một bó hoa đỏ cho mẹ của mỗi người trong số bốn chàng trai trẻ. Họ cũng tặng một bó hoa cho cha của cha Octavio. Mọi người có mặt rất cảm động.

Một lần nữa, chúng ta thấy cơn đói Thánh thể nảy sinh từ đau khổ. Cơn đói là cách thế giúp hiểu được nỗi khao khát bí tích Thánh thể, và chỉ Thánh thể mới xoa dịu nỗi khổ đau mất mát mà chúng ta đang chịu. Và sự khao khát cái siêu việt, khao khát những gì vượt ra ngoài “ở đây và bây giờ”, là một khía cạnh quan trọng của phẩm giá con người. Nhân phẩm có thể được kết nối một cách có ý nghĩa với sự tri giác về một thế giới khác; nhờ có tự do, một yếu tố cấu thành của phẩm giá, giúp con người đạt tới sự kết nối này. Ngoài ra bí tích Thánh thể giúp chúng ta mở rộng và đào sâu khả năng tri giác của chúng ta, cách suy nghĩ của chúng ta về bản thân, thế giới và mối tương quan của Thiên Chúa với chúng ta. Bí tích Thánh thể không gì khác hơn là một lời mời gọi trải nghiệm sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa.

4. Nhân phẩm, sự hiện diện thực sự và cơn đói thực sự

Khi nói về bí tích Thánh thể, chúng ta thường nói về lương thực thần lương nhằm thỏa mãn “cơn đói thiêng liêng” như một khía cạnh cần thiết của trải nghiệm sâu sắc về bí tích Thánh thể. Điều đó có nguy cơ cường điệu hóa sự hiểu biết về “cái đói” khi sử dụng những thuật ngữ như “sự đói khát thiêng liêng” hay “đói Chúa”, mà quên “cơn đói thể xác” của việc thiếu cơm bánh, một thực tại trong cuộc sống.

Mặc dù “cơn đói thiêng liêng” chắc chắn là một nhu cầu trong đời sống Kitô hữu, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của cơn đói thể xác, cơn đói cơm bánh thực sự; chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của việc trải nghiệm bí tích Thánh thể của người nghèo. Nguy cơ thờ ơ rõ ràng trong trường hợp mọi người có cuộc sống thoải mái. Tôi cần phải tự hỏi mình với tư cách là một người có cuộc sống thoải mái: Cơn đói của bạn ở đâu? Đâu là cơn đói bánh, công lý, bánh sự sống của bạn? Xu hướng tâm linh hóa cơn đói này và tách nó ra khỏi các hành động liên đới và kinh nghiệm đau khổ có thể dẫn đến kiểu thờ ơ mà Đức Tổng Giám mục Romero cảnh báo. “Thư về nghèo đói” nổi tiếng của Pedro Arrupe nhắc nhở các tu sĩ Dòng Tên về sức mạnh của nghèo đói vật chất; nó có thể dạy những bài học mà những hình thức nghèo đói khác không thể làm được. Điều tương tự cũng có thể nói về việc “đói bánh mì”. Chỉ có sự nghèo khó mới có thể giúp chúng ta hiểu được sự tự hiến của Chúa Kitô; cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong bí tích Thánh thể gắn liền với một viễn cảnh về thế giới và cái nhìn sâu sắc rằng Thiên Chúa hiện diện một cách đặc biệt nơi người nghèo.

Một trải nghiệm sâu sắc về bí tích Thánh thể có thể đến từ một nơi thiếu thốn, nơi mọi người cảm nhận phẩm giá của mình được tôn trọng tại buổi cử hành bí tích Thánh thể. Pedro Arrupe đã trải nghiệm sức mạnh của người nghèo trong bí tích Thánh thể mà ông cử hành tại một khu ổ chuột: “Cách đây vài năm, tôi đến thăm một tỉnh dòng Dòng Tên ở châu Mỹ Latinh. Tôi được mời, với một chút e dè, đến cử hành Thánh lễ ở một vùng ngoại ô, tại một ‘khu ổ chuột’, nơi nghèo nhất trong vùng như họ đã kể với tôi. Có khoảng một trăm nghìn người sống ở đó giữa bùn, vì thị trấn được xây dựng dọc theo một vùng trũng và gần như bị ngập hoàn toàn mỗi khi trời mưa… Thánh lễ được tổ chức trong chòi nhỏ được vá lại với nhau. Vì không có cửa nên chó mèo ra vào không vấn đề gì. Thánh lễ bắt đầu… Những con người tưởng như chẳng có gì lại sẵn sàng xả thân để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc. Khi truyền phép và lúc Mình thánh được giơ lên trong bầu không khí thánh thiêng giữa sự im lặng tuyệt đối, tôi cảm nhận được niềm vui của Chúa ở lại với đàn con yêu dấu của Ngài. Sau đó, khi tôi cho rước lễ và nhìn vào khuôn mặt khô ráp và rám nắng của họ, tôi nhận thấy những giọt nước mắt như những viên ngọc trai đang chảy xuống trên má của nhiều người trong số họ. Họ đang gặp Chúa Giêsu, niềm an ủi duy nhất của họ. Tay tôi run rẩy.

Có những bài học về phẩm giá mà chỉ những người sống trong cảnh nghèo khó mới có được; có những bài học về sự khao khát Thánh thể mà chỉ những người không được cho ăn hằng ngày mới có thể mang theo. Có những bài học về tình yêu của Thiên Chúa mà chỉ “những người có tâm hồn nghèo khó” mới có thể mang lại. Đức Thánh cha Bênêđictô XVI gọi bí tích Thánh thể là “trường học bác ái”. Đó là ngôi trường nơi chúng ta học về tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta và hai điều răn lớn. Chúng ta có thể kết luận rằng khả năng yêu thương có lẽ là trung tâm thực sự của phẩm giá con người; được mời vào trong tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng cho phẩm giá “vốn có” của con người, nhưng cũng là lời mời “ra khỏi chính mình” và gặp gỡ thế giới bằng tình yêu. Tình yêu này được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm về sự sống của Thiên Chúa. Và sự khao khát tình yêu của Thiên Chúa và sự khao khát bí tích Thánh thể trùng hợp với nhau. Và sự đói khát này, về mặt thần học, là một biểu hiện của phẩm giá con người mà không một nỗi khốn cùng nào có thể lấy đi được. Tôi muốn kết thúc bằng một trải nghiệm cảm động của Pedro Arrupe. Ngài đã mô tả sự khao khát bí tích Thánh thể và sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ vào ngày 07 tháng 8 năm 1945: Một ngày sau vụ nổ bom nguyên tử, tôi đang đi qua những con phố đầy rẫy đống đổ nát đủ loại. Tại nơi trước kia là ngôi nhà của một thiếu nữ, tôi tìm thấy một loại túp lều được chống đỡ bởi một số cột và được che chắn bằng những mảnh thiếc. Tôi đã đi lên đó… Tôi cố gắng bước vào nhưng một mùi hôi thối khó chịu đã xua đuổi tôi. Cô gái trẻ là một Kitô hữu, tên cô ấy là Nakamura, đang nằm dài trên một chiếc bàn gồ ghề nhô cao hơn mặt đất một chút. Cánh tay và chân của cô ấy bị duỗi ra và được bao phủ bởi một số mảnh vải vụn bị đốt cháy… Da thịt cô bị bỏng dường như chẳng có gì ngoài xương và vết thương. Cô đã ở trong tình trạng này mười lăm ngày không thể tự chăm sóc hay tắm rửa, cô chỉ ăn một ít cơm mà cha cô, người cũng bị thương nặng, đã đưa cho cô... Kinh hoàng trước cảnh tượng khủng khiếp như vậy, tôi im lặng không nói nên lời. Một lúc sau, Nakamura mở mắt ra và khi nhìn thấy tôi đến gần, mỉm cười với cô ấy, cô ấy nhìn tôi với hai hàng nước mắt và tìm cách đưa cho tôi bàn tay ương mủ và nói với tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, giọng điệu mà tôi sẽ không bao giờ quên: “Thưa cha, cha mang Mình thánh đến cho con phải không?”.

LM Antôn Hà Văn Minh

Lược dịch từchurchlifejournal.nd.edu

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top