Thánh Tâm Chúa Giêsu và linh mục
Tháng sáu đã về, cùng với màu sắc đỏ tươi của hoa phượng vĩ, chúng ta cùng chiêm ngưỡng màu đỏ của hy sinh, của yêu thương được thể hiện qua Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người với một tình yêu kỳ diệu. Tình yêu của Ngài được thể hiện qua biết bao điều tốt đẹp, nhằm mang cho con người được hạnh phúc. Tuy vậy, hình ảnh một trái tim bị đâm thâu có lẽ là bằng chứng hùng hồn nhất của tình yêu Thiên Chúa. Trái tim rướm máu của Đức Giêsu là lời khẳng định với con người “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16).
Có một thứ ngôn ngữ không được thể hiện bằng lời, mà được phát biểu bằng trái tim. Đó là ngôn ngữ của tình yêu. Người ta có thể nghe tiếng nói của trái tim trước khi quyết định một vấn đề quan trọng. Quả thế, khi hai bạn trẻ nam nữ quyết định kết hôn, họ được cố vấn bởi ngôn ngữ của trái tim. Nếu con người và ánh mắt của họ gặp gỡ nhau, thì trái tim là mối dây liên kết họ nên một, nhờ đó họ hiểu nhau và quyết định chung sống với nhau suốt đời.
Thiên Chúa yêu thương con người. Tình yêu ấy cũng không chỉ được phát biểu bằng lời, mà được nói qua chính Con Một của Ngài. Đức Giêsu là Lời của Chúa Cha. Qua Lời này, Chúa Cha đã bày tỏ hết thánh ý của Ngài. Ngài đã thâu tóm nơi Con Một Ngài tất cả những gì cần nói với con người. Cách thể hiện tình thương của Thiên Chúa thật diệu kỳ. Lời Ngài đã trở thành xương thịt, thành một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Lời của Ngài đã nhập thể, đã đến gặp gỡ những con người bất hạnh. Lời đã dừng lại bên chiếc quan tài, làm cho người đã chết được sống lại. Lời đã làm cho con người xích lại gần nhau trong tình nhân loại và trong tình anh em. Lời đã tha thứ cho nguời tội lỗi, khích lệ họ vững bước đứng lên. Trái tim Chúa Giêsu là ngôn ngữ bất tận kể với chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời cũng là lời mời gọi chúng ta hãy trở về với Ngài trong tình cha con thân thiết. Lời Chúa chính là ngôn ngữ của tình yêu. Tình thương của Chúa đã “ngôi vị hoá” nơi Đức Giêsu thành Na-gia-rét.
Trên cây thập giá, một người lính đã lấy giáo đâm thâu qua trái tim Chúa Giêsu. Từ trái tim bị đâm thủng, chúng ta học biết tình yêu thương kỳ diệu của Chúa. Nói cách khác, chúng ta được đi vào chính cung lòng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Vết thương nơi Thánh Tâm là “cửa” để chúng ta bước vào thế giới mới, nơi chỉ có tình yêu ngập tràn viên mãn.
Thiên Chúa muốn dùng nhiều phương tiện khác nhau để loan báo tình thương của Ngài, trong đó có những con người còn đầy khuyết điểm yếu đuối. Đó là các linh mục. Linh mục là sứ giả của tình Chúa yêu thương. Xuyên qua con người của linh mục, người ta thấy chính Chúa Giêsu đang hy sinh vất vả để phục vụ con người. Tháng kính Thánh Tâm cũng là tháng xin ơn thánh hoá các linh mục. Chức linh mục được ban cho con người như viên ngọc quý đựng trong chiếc bình sành dễ vỡ, vì vậy linh mục cần được thánh hoá mỗi ngày để trở nên xứng đáng với sứ vụ được trao phó.
Như Đức Giêsu giang tay trên đỉnh đồi cao năm xưa, linh mục khi cầu nguyện cũng giang rộng vòng tay để ôm trọn thế giới. Như vị ngôn sứ thành Na-gia-rét đã miệt mài đi khắp đó đây để loan báo Tin Mừng; linh mục được mời gọi lên đường để đến với muôn dân, đem cho họ niềm vui cứu độ. Như Đức Giêsu, một người sống độc thân để dành trọn vẹn cuộc đời cho công cuộc truyền giáo; linh mục chọn Chúa là sản nghiệp duy nhất, dâng cho Ngài một trái tim trọn vẹn. Cuộc đời linh mục gắn liền với cuộc đời Đức Giêsu, đến nỗi người ta gọi linh mục là Alter Christus, tức là “Đức Kitô khác”, hay “Đức Kitô thứ hai”. Thánh tâm Chúa Giêsu và linh mục, đó là hai chiều kích của một tình yêu duy nhất, tình yêu Thiên Chúa.
Đời linh mục vinh quang là thế, nhưng cũng bao gồm những đau khổ hy sinh. Quả thật, hoa hồng nào mà chẳng có gai, vòng nguyệt quế nào mà chẳng trải qua đau khổ. Từ trước tới nay, nào có ai nên thánh mà khước từ thập giá; từ xưa đến giờ, nào có ai thành đạt mà chẳng phải gian nan. Đời linh mục với chiếc áo dòng màu đen chấp nhận chết đi cho Danh Cha cả sáng. Tuy vậy, “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chính nhờ sự chết của Chúa Kitô mà muôn dân được sống. Chính nhờ sự hy sinh của linh mục mà muôn người được niềm vui. Huyền nhiệm đời linh mục là thế, như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để thắp sáng cuộc đời, như người mẹ chấp nhận gian lao để con cái thêm niềm vui mới. Và thế là, như một sự trao đổi kỳ diệu của tình yêu, thập giá Đức Kitô là nguồn mạch hạnh phúc cho các tín hữu; hy sinh đời linh mục là nguồn sống cho mọi tha nhân. Linh mục thấy niềm vui của mình qua niềm vui của mọi tín hữu. Linh mục chọn lẽ sống cho mình nơi hạnh phúc của những kẻ tin. Chỉ khi nào có được trái tim như trái tim của Chúa, linh mục mới có thể trở nên dấu chỉ của huyền nhiệm cao siêu này. Trái tim Chúa vẫn mở ra để thông ban cho các tín hữu suối nguồn hạnh phúc. Đời linh mục vẫn gánh chịu hy sinh để góp phần đem lẽ sống cho đời. Vâng, với tâm tình yêu mến, nước mắt sẽ trở thành niềm vui. Với trái tim chân thành, đau thương sẽ trở thành hạnh phúc. Nơi Thánh tâm Chúa Giêsu, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi cuộc đời của linh mục, chúng ta gặp Đấng là Tình Yêu. Nhờ được nên một với Chúa Giêsu, linh mục trở thành người hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.
Thánh Gioan Maria Vianey đã cảm nghiệm được vinh dự của thiên chức cao cả đó và đã thốt lên: “Nếu tôi hiểu hết được chức linh mục, có lẽ tôi sẽ chết, không phải vì sợ hãi, nhưng vì quá hạnh phúc”.
Linh mục là hồng ân vô giá mà Chúa ban tặng cho con người. Mỗi chúng ta hãy đón nhận món quà tặng ấy với lòng trân trọng, với sự cảm thông và chia sẻ. Các linh mục cần đến lời cầu nguyện và tình hiệp thông của chúng ta. Xin hãy cầu nguyện cho các ngài được ơn thánh hoá.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi