Thánh Raphael: nên Thánh chỉ bởi tình yêu
Thánh Raphael: nên thánh chỉ bởi tình yêu
Để nếm hưởng Thánh giá… để sống bệnh tật, không ai biết đến, mọi người đều bỏ rơi – chỉ mình Ngài… và trên Thánh giá. Ngọt ngào biết mấy nỗi đắng cay, sự cô độc, sầu khổ, đớn đau, bị nuốt chửng trong thinh lặng, không trợ giúp. Ngọt ngào biết mấy những giọt lệ nhỏ xuống gần bên Thánh giá Ngài.
Dứt ra khỏi bối cảnh của chúng, những lời này hẳn đến từ một kẻ đạo đức theo trường phái ái khổ, điều mà Kitô giáo không chủ trương. Vì Chúa chúng ta không cứu chúng ta bằng đau khổ, nhưng bằng tình thương. Đúng vậy, nhiều khi ta lại tin rằng công trạng phát sinh từ hành vi của ta trực tiếp tỷ lệ với những gian khó phải chịu khi thực hiện nó, hoặc từ mức độ của hy sinh mà điều đó đòi hỏi chúng ta làm. Thật sai lầm, đau khổ, trong chính nó, không phải thước đo của sự thánh thiện. Một người có thể bị đau đớn dày vò bởi bệnh ung thư quái ác, buộc phải nằm viện hàng tháng trời, bị người thân bỏ rơi ; nhưng nếu họ không sẵn sàng chấp nhận những dày vò ấy vì tình yêu Chúa, chúng sẽ chẳng có giá trị cứu độ gì cả, cho đương sự và cho tha nhân. Tệ hơn, vì tình huống bi kịch ấy mà anh lại phản kháng, thì những đau đớn đó có thể trở thành cớ khiến anh kết án tất cả và chính bản thân mình.
Thánh Raphael Arnaiz Baron sinh 9/4/1911 tại Burgos (Tây Ban Nha). Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc, anh đã gõ cửa Đan viện Tráppít San Isidro ở Dueñas. Trong hơn bốn năm đầy gián đoạn của đời sống đan tu với ba lần rời đan viện, khi vì thời cuộc, khi vì đau bệnh, anh đã được Chúa huấn luyện một cách đặc biệt, đến độ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đánh giá anh là « đỉnh cao của đời sống thiêng liêng » : được phú bẩm một nhân cách lớn và nhiều tài năng nhưng anh hoàn toàn xóa mình để sống kết hiệp với Chúa trong mọi biến cố. Qua đời 26/4/1938 ở tuổi 27 vì những di chứng của bệnh tiểu đường, nhưng đúng hơn vì một lòng mến cháy bỏng dành trọn cuộc đời cho Chúa như một lễ dâng tình yêu. |
Một ơn gọi yêu mến
Quả thật, giá trị siêu nhiên trong hành động của chúng ta phụ thuộc vào ý hướng mà ta thi hành. Raphael thừa biết : Chúa vui nhận bất kỳ của dâng nào, miễn là nó được dâng lên với trọn vẹn con tim. Ngài vui nhận thậm chí cái không không. Chính vì thế mà Raphael đã tuyên bố :
Tôi dâng lên Chúa sự khó nghèo tột cùng của tôi, linh hồn trống rỗng của tôi. Tôi cố gắng hát cho Người bản thánh thi của kẻ chỉ có thể dâng mọi nỗi khốn cùng. Nhưng chẳng hệ gì, vì nỗi khốn cùng và sự yếu đuối được dâng cho Giêsu, từ một con tim đầy tràn lòng mến, sẽ được Người chấp nhận như thể chúng là những nhân đức.
Phải đọc tư tưởng của Raphael cùng với ý hướng nội tâm của anh được kết hiệp với Chúa trong mọi sự, ta mới có thể hiểu được căn cơ của tình yêu Thánh giá nơi anh. Mà chắc hẳn đây là một ơn đặc biệt mà Chúa chỉ dành cho những bạn hữu thật sự của Người.
Thật ra tình yêu Thánh giá của Raphael là cả một tiến trình thanh luyện vốn đã khởi sự khi anh nhận ra tiếng gọi theo Chúa trong ơn gọi đan tu tráppít :
Đan sĩ tráppít là người không muốn điều gì khác trừ những gì Chúa muốn, rằng Thiên Chúa là bận tâm hàng đầu và duy nhất của anh, là khao khát hàng đầu và duy nhất của anh, là tình yêu hàng đầu và duy nhất của anh ; anh đầy tràn Thánh Thần của Chúa và mọi hoạt động trong cuộc sống của anh đều chỉ quy hướng về Chúa, vì vinh quang cao cả của Người và vì danh Người.
Đan sĩ rút lui vào nội cấm là để ca ngợi Chúa với một tự do lớn lao hơn.
Khác biệt với chúng ta, cách riêng với các đan sĩ thường khá trường thọ, cuộc thanh luyện của Raphael được đẩy ở tốc độ cao nhất, vì từ khi nhận ra tiếng gọi của Chúa, anh chỉ có bốn năm cho cuộc chạy nước rút mà đích đến là Thập giá vinh quang của Đức Kitô. Bốn tháng cuối đời trong lần trở lại đan viện sau cùng với tư cách là hiến sinh, thời gian mà đa phần là nằm liệt để được chăm sóc đặc biệt ở bệnh xá, anh hoàn toàn ý thức những gì mình chọn lựa. « La Trapa » của anh đã giúp anh hiểu rằng, điều quan trọng trong đời sống nội tâm không phải là những việc đền tội, kềm hãm giác quan, thậm chí là những lối tuân thủ « nhặt phép », nhưng là càng ngày càng yêu Chúa nhiều hơn.
Có lẽ đối với tôi điều dễ dàng hơn những điều ấy là giữ mình luôn vâng phục, theo một cách thức khiêm hạ, bất kể những gì mà tình yêu của Chúa chỉ cho tôi biết. Mọi sự đều đến từ tình yêu dành cho Chúa. Bạn sẽ thấy một khi mà đời sống nội tâm duy nhất của bạn chỉ là hoàn thiện tình yêu ấy, thì mọi sự khác sẽ chẳng quan trọng. Cùng tình yêu ấy sẽ làm bạn khiêm hạ, bỏ mình, bác ái… sẽ làm bạn thành thánh… một vị thánh bởi tình yêu… Một vị thánh có đặc thù chỉ bởi tình yêu… tình yêu là bận tâm duy nhất của tôi.
Sức mạnh và giá trị của đời sống chiêm niệm từ một lòng mến Thánh giá
Chính để hoàn thiện tình yêu này mà anh đón nhận mọi khó khăn đau khổ được gửi đến. Đau khổ không thể được giải thích trong chính nó, nhưng trong Đức Kitô, và phàm ai yêu mến Đức Kitô cũng yêu mến Thánh giá của Người.
Sức mạnh
|
Bức kính màu của nhà nguyện Thánh Raphael tại Đan viện San Isidro được gợi hứng từ bức tranh do anh sáng tác Omnis terra adoret te. Bên dưới là dòng chữ « Chỉ mình Thiên Chúa », châm ngôn sống của anh.
Mọi sự xảy đến với anh đều có ý nghĩa tích cực mang anh đến tình yêu Chúa, dù bề ngoài của nó đều đầy những gai nhọn. Anh đã giải thích sự hoán chuyển phi thường này như sau :
Mỗi ngày tôi càng hạnh phúc hơn khi phó thác trọn vẹn vào bàn tay Người. Tôi thấy ý Người thậm chí trong những điều nhỏ nhặt chẳng có ý nghĩa gì xảy đến với tôi. Trong mọi sự tôi nhận ra bài học giúp tôi hiểu hơn lòng thương xót của Chúa dành cho mình. Tôi yêu mến những hoạch định của Người với trọn con người tôi, và thế là đủ.
Sự chuyển hóa ấy, từ thánh giá đến tình yêu Chúa Giêsu, có thể được ví với cách giải thích truyền thống của người Do Thái về hình ảnh Thiên Chúa mạc khải chính Người cho Môisen trong đám lửa từ giữa bụi gai : gai góc ám chỉ những gian truân chờ đợi dân Chúa, nhưng ngọn lửa, chính là ngọn lửa tình yêu ; lửa ấy không hủy đi gai góc, không loại trừ những thử thách gian nan, nhưng là chuyển hóa nó : gai góc, khó khăn, thập giá của Raphael đều bén lửa tình yêu Chúa.
Hiểu được tình yêu điên rồ ấy, lòng mến Thánh giá của Raphael, ta mới hiểu được sự thanh luyện của Chúa dành cho anh triệt để đến đâu, để anh có thể sở hữu Người trọn vẹn.
Chúa ở trong tim ai thoát ly với mọi sự, trong thinh lặng của cầu nguyện, trong hy sinh tự nguyện trước mọi gian khó, trong sự rỗng không của thế gian và của mọi thụ tạo. Chúa ở nơi giá, chừng nào ta chưa yêu mến Thánh giá, ta sẽ chưa thấy Người, hoặc chưa cảm được Người… Giá như thế gian và người đời biết được… Nhưng họ sẽ không biết đâu, họ mải bận tâm với những thú vui của mình ; tim họ đầy mọi thứ không phải là Chúa.
Một khi nắm được chìa khóa nên thánh của Raphael, ta ắt sẽ hiểu được nụ cười diễn tả một niềm vui sâu xa ẩn sau bộ tu phục của thệ sĩ Dòng Tráp trong ảnh bìa tiểu sử tâm linh Chỉ mình Thiên Chúa. Chiếc áo Dòng Xitô tương truyền được chính Đức Mẹ trao cho Cha Thánh Albêricô, một trong ba đấng sáng lập dòng, vốn mang hình một cây thập tự trắng khổng lồ. Chiếc áo mà Raphael đã khôi hài khi trình diện với thân phụ lần cuối, năm ngày trước khi qua đời : Ở đây, bố có một sư huynh với nhiều vải. Con không biết làm gì với những tay áo này. Không, anh biết chứ, vì anh đã sáp nhập làm một với nó. Cánh tay áo rộng thùng thình và dài chấm đất như muốn diễn tả giá trị cứu độ từ tình yêu Thánh giá mà Raphael muốn ôm lấy toàn thể nhân loại khi tự nguyện sống cuộc « tử đạo trắng » đến cùng. Đấy là lễ dâng đẹp lòng Chúa như anh từng nói đến sứ mạng trong tư cách hiến sinh của mình :
Hiến sinh nghĩa là… một của lễ dâng hiến… Tôi dâng hiến cho Người những gì tôi là và như tôi là, tốt hoặc xấu, có hay không có sức khỏe, cuộc đời tôi, thân thể tôi, linh hồn tôi, con tim tôi, tất cả… tuyệt đối trọn vẹn. Tôi đã dâng chính mình vì mọi người : cho ba mẹ tôi, các em của tôi, cho các thừa sai, các linh mục… cho những ai đang đau khổ và những ai xúc phạm đến Người.
Niềm vui của hạt lúa vùi vào lòng đất cũng là xác tín mà một đan sĩ tráppít khác đã ngộ ra :
Niềm vui thiêng liêng tùy thuộc vào Thánh giá. Không có bỏ mình, trong mọi sự chúng ta chỉ tìm thấy mình mà thôi, và ta lại đau khổ. Nhưng một khi ta bắt đầu quên mình đi vì tình yêu của Chúa, ta sẽ tìm thấy chính Người, ít ra là một cách mù mờ. Và Thiên Chúa là niềm vui của chúng ta.(1)
(1) Thomas Merton, Dấu lạ ngôn sứ Jonas, Nxb. Albin Michel, 1955, tr. 249.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem
-
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19