Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng

Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng

Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng

TGPSG /  Catholicworldreport --- Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi nơi ta điều gì vượt quá sức mình. Ngài cũng không hứa sẽ cất đi mọi thử thách trên đường bước theo Ngài. Cái dằm trong thân xác Thánh Phaolô không mất đi - nhưng chính nhờ đó, ngài học cách sống trong ân sủng. Thánh ý Thiên Chúa luôn có thể được thực hiện - nhờ ơn Ngài.

Trong hành trình Mùa Chay, ta cùng suy niệm với các thánh, đặc biệt là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô  

Cũng như Phêrô, Phaolô có một quá khứ đầy biến động. Phêrô là người lao động, làm nghề chài lưới. Còn Phaolô là bậc trí thức, từng theo học thầy Gamaliel danh tiếng, nhưng vẫn lao động chân tay bằng nghề làm lều (Cv 18,3).

Khi còn mang tên Sao-lô, ông là một học trò xuất sắc, đầy nhiệt thành với Luật và Kinh Thánh. Ông tin rằng Thiên Chúa chỉ có thể hành động trong khuôn khổ niềm tin và truyền thống của mình. Vì thế, ông không ngần ngại bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên, buộc họ trở lại Do Thái giáo hoặc chấp nhận cái chết vì nghĩ rằng mình đang thi hành ý Chúa. Chỉ đến khi gặp sự cố trên đường đi Đa-mát, cái nhìn của ông mới hoàn toàn thay đổi.

Nhà văn Ba Lan Roman Brandstaetter có một truyện ngắn viết về ngôn sứ Giôna -người được Thiên Chúa sai đến Ni-ni-vê để kêu gọi sám hối. Nhưng Giôna lại bỏ trốn, cho đến khi bị một “con cá lớn” (Gn 2,1) chặn đường. Theo Brandstaetter, Giôna không chỉ bất tuân, mà còn không thể chấp nhận một Thiên Chúa vượt khỏi giới hạn giao ước với Israel để ôm trọn cả nhân loại trong lòng thương xót. Lòng thương xót dành cho dân ngoại là điều vượt quá khuôn khổ thần học mà ông từng hiểu. Ông thậm chí còn tự thuyết phục mình rằng tiếng gọi ấy đến từ ma quỷ, nên việc trốn tránh trở thành điều hợp lý. Cho đến khi “con cá lớn” đưa ông quay về đúng hướng đến Ni-ni-vê.

Giôna từng bất tuân vì không hiểu lòng thương xót vượt biên giới của Thiên Chúa. Phaolô cũng thế, ông nghĩ mình đang bảo vệ chân lý, cho đến khi gặp chính Đấng là Chân lý. Cả hai đều cần một lần bị chính Thiên Chúa “chặn đường” để nhận ra: thánh ý Ngài luôn vượt quá hiểu biết của loài người.

Phaolô, cũng như Phêrô, từng sống với những xác tín cứng rắn. Nhưng cả hai có lòng khiêm nhường và đủ rộng mở để đón nhận ân sủng, thay vì bắt Thiên Chúa phải phù hợp với suy nghĩ của mình. Chính nhờ vậy, khi Thiên Chúa can thiệp một cách không thể chối cãi, Saolô cũ đã chết đi, và Phaolô Tông đồ được sinh ra.

Tuy nhiên, ơn hoán cải không xóa bỏ quá khứ, mà biến đổi ý nghĩa của nó. Phaolô thú nhận rằng ông là người hèn mọn nhất trong các Tông đồ, không xứng đáng mang danh hiệu ấy “vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cr 15,9). Nhưng ông cũng xác tín: Thiên Chúa có thể viết đường thẳng trên những nét cong của con người. “Nhờ ơn Thiên Chúa, tôi là như tôi hiện nay” (1 Cr 15,10).

Trong bản Kinh Cáo mình hiện nay, ta thú nhận tội lỗi “trong việc tôi đã làm và những điều tôi thiếu sót.” Đời sống Thánh Phaolô phản ánh cả hai. Ông từng bắt bớ Hội Thánh - tội do hành động. Nhưng cũng có những thiếu sót - như khi ông chứng kiến cái chết của Thánh Stêphanô mà không can thiệp.

Stêphanô – vị phó tế tiên khởi và cũng là vị tử đạo đầu tiên - đã can đảm làm chứng cho Đức Giêsu, khiến giới lãnh đạo Do Thái nổi giận và ném đá ông. Khi ấy, một “chàng thanh niên tên là Saolô” được nhắc đến như người giữ áo cho những kẻ hành quyết (Cv 7,58), để họ ném đá dễ dàng hơn. Không chỉ chứng kiến, ông còn “tán thành việc giết Stêphanô” (Cv 8,1).

Phaolô dạy ta biết nhận ra cả tội ta đã phạm và những điều ta đã thiếu sót không làm. Và còn một bài học khác ông để lại cho những ai từng vấp ngã: trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, ông kể rằng Thiên Chúa đã ban cho ông “một cái dằm đâm vào thân xác” - “sứ giả của Xatan” - để giữ ông khỏi tự mãn (2 Cr 12,7-9). Ông đã ba lần cầu xin Chúa cất nó đi, nhưng Chúa trả lời: “Ơn Ta đủ cho con.”

Hội Thánh không giải thích “cái dằm” ấy là gì, và cũng không cần biết. Điều quan trọng là thông điệp đằng sau: nếu dựa vào sức riêng, Phaolô sẽ thất bại; còn nếu dựa vào ân sủng, ông sẽ chiến thắng. “Với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mt 19,26).

Đây là điều rất quan trọng, vì nhiều người trì hoãn việc hoán cải, nghĩ rằng mình cần phải “chứng minh” với Chúa bằng việc từ bỏ tội lỗi nhờ những nỗ lực lâu dài của sức riêng mình. Suy nghĩ ấy là sai. Điều kiện để hoán cải không phải là sức riêng, mà là ơn Chúa. Và để nhận được ơn ấy, ta chỉ cần ngưng cản trở Ngài. Ta không thể tự cứu mình, dù cố gắng đến đâu.

Không bao giờ có lý do buộc ta phải sa ngã phạm tội trọng - vì Thiên Chúa luôn ban đủ ơn để tránh điều đó. Ngài không đòi hỏi nơi ta điều gì vượt khả năng, cũng không bao giờ thiếu ơn cần thiết để ta sống theo thánh ý. Dẫu rằng, như cái dằm của Phaolô, ơn ấy không luôn khiến mọi sự trở nên dễ dàng, nhưng luôn đủ để ta sống trọn vẹn trong ân sủng Ngài.

Khi cầu xin Thánh Phaolô chuyển cầu, những tội nhân như ta có thể học nơi ngài cách nhìn lại chính mình, và can đảm để ơn Chúa biến đổi ta thành một con người hoàn toàn mới, theo những cách thức hết sức bất ngờ (1 Ga 3,2).

Tác giả: John M. Grondelski, Ph.D.

Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Catholicworldreport

Top