Tản mạn chuyện nước ngập

Tản mạn chuyện nước ngập

Chuyện nước ngập giữa đời thường

Đêm qua, Thứ Ba, 02.10.2012, Thành phố Sài Gòn mưa tầm tã. Mưa kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Cơn mưa khiến người dân Sài Gòn ngủ say. Cơn mưa làm nhiều con đường ở Sài Gòn ngập nước. Nước ngập ở quận Gò Vấp. Nước ngập ở quận 6. Nước ngập ở quận 4. Nước ngập ở rất nhiều con đường ở Sài Gòn.

Sáng nay, Thứ Tư, 03.10,2012, đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh ngập nước lênh láng. Xe tắt máy. Xe khác sụp ổ gà. Nhiều xe phải di chuyển ngược lại tìm con đường khác. Ai cũng than thở. Hối hả. Nước ngập làm ướt quần, ướt giày, ướt xe. Nước ngập làm nhiều người trễ giờ làm. Kẹt xe. Mệt mỏi. Anh tôi từ dưới quê đi lên Sài Gòn tới quận 6, xe tắt máy do nước ngập. Bực bội. Nhưng cũng đành phải chấp nhận chuyện của ông Trời thôi.

Phải chăng ai cũng thừa nhận nước cần cho nhu cầu của cuộc sống?  Cần nước để uống. Cần nước để nấu ăn. Cần nước để tắm. Cần nước tưới cây. Cần nước để rửa chén bát. Cần nước để rửa xe. Cần nước để chữa những tòa nhà đang bốc cháy dữ dội. Cần nước để tưới tiêu và thu hoạch mùa màng… Tóm lại, không có nước, con người không sống được. Bạn và tôi có thể nhịn đói được một tuần nhưng không thể nhịn khát trong quãng thời gian ấy. Nếu nhìn ở góc độ này, nước mang lại sự sống thể lý cho con người. Vì thế, con người không thể sống mà không cần nước. Tối nay khu nhà trọ tôi ở bị cúp nước do máy bơm hư. Cả xóm nhà trọ xôn xao, lo lắng vì sợ sáng mai không có nước để dùng cho sinh hoạt.

Mùa nước ngập, người dân miền Tây thả lưới bắt cá, tôm, cua. Nước ngập mang lại phù sa bồi đắp cho những cánh đồng mênh mông bát ngát của các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang. Sau mấy tháng nước ngập, người nông dân vào vụ lúa Đông Xuân. Mùa vụ này lúa rất tốt. Mùa màng bội thu. Người dân phấn khởi. Mùa nước ngập là dịp để những người làm nghề “lái đò” kiếm tiền. Người đưa đò. Kẻ nhờ đò đưa qua dòng sông mênh mông nước.

Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt. Nước cũng không ngoại lệ. Nước lũ tràn về vùng Đồng Tháp Mười thiệt hại biết bao mùa màng vụ lúa, nhiều người dân phải di tản vì nước ngập tới tận nóc nhà. Nước lũ ở miền Trung đã cuốn đi biết bao sinh mạng, nhà cửa, vật chất của người dân. Còn ở Sài Gòn thì sao? Hình như nước ngập thiệt nhiều hơn là hại. Nước ngập ảnh hưởng đến giao thông. Nước ngập ảnh hưởng đến công ăn việc làm và sinh hoạt của người dân.

Chuyện nước ngập thời ông Nôe

Chuyện nước ngập sáng nay làm tôi nhớ tới chuyện “Lụt đại hồng thủy” thời ông Nôe mà Sách Thế Ký thuật lại. Mưa liên tục 40 đêm ngày. Mặt đất chìm trong biển nước. Nước ngập hủy diệt nhà cửa, mạng sống của hàng trăm ngàn loài vật cũng như loài người, chỉ còn sót lại gia đình nhà ông Noê và súc vật mỗi loài một cặp. Tại sao lại có chuyện nước ngập dữ dội thời ông Nôe?

Vì loài người tội lỗi nên Thiên Chúa dùng dòng nước hủy diệt. Thiên Chúa dùng dòng nước để thanh luyện con người. Ông Nôe là người công chính nên được Thiên Chúa cứu. Ông Nôe ăn ở ngay lành, hết lòng tin tưởng Chúa. Còn hàng trăm ngàn người khác thì cười nhạo, phỉ báng về chuyện ông đóng chiếc tàu gần 100 năm. Ai cũng mang kiếp người như nhau nhưng nhận thức, cách sống của mỗi người không ai giống ai. Tựu trung lại, chuyện nước ngập thời ông Nôe là do tội lỗi của con người.

Bài học rút ra về chuyện nước ngập

Bạn thân mến, nước ngập là chuyện của thiên nhiên. Nước ngập do mưa bão. Nước ngập do phá rừng. Nước ngập do đường phố Sài Gòn không thiết kế những chỗ thoát nước. Tuy nhiên, nguyên nhân ẩn sâu của hiện tượng nước ngập phải chăng là do con người? Nhiều người khai thác rừng quá mức. Nhiều người không ý thức chuyện làm đường đúng kỹ thuật, không lắp đặt hệ thống ống thoát nước hiệu quả.

Vì thế, bạn và tôi cần sống hài hòa với thiên nhiên, với tha nhân và với Thiên Chúa. Hãy xem thiên nhiên là bạn. Hãy tôn trọng và tế nhị với tha nhân. Và quan trọng hơn cả là hãy tin tưởng Thiên Chúa là cội nguồn của vũ trụ, và Ngài làm chủ mạng sống của mỗi Kitô hữu chúng ta. Ngẫm nghĩ mới thấy, con người không thể sống một mình. Đời sống con người được dệt bằng nhiều mối quan hệ khác nhau. Vậy phải làm thế nào để những mối quan hệ mang lại giá trị cho đời sống chúng ta?

Top