Tâm Tình Mục Tử - tháng 3 năm 2024: Mùa Chay – Nên Thánh
TÂM TÌNH MỤC TỬ – THÁNG 3 NĂM 2024
MÙA CHAY – NÊN THÁNH
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Tâm tình mục tử hôm nay đến trên tay anh chị em còn trong mùa Chay Thánh. Con số bốn mươi gợi lên vừa thời gian vừa không gian đặc biệt. Thời gian và không gian là môi sinh của vũ trụ, là môi trường hiện sinh của loài người. Thời gian và không gian còn là ‘sinh thái thiêng liêng’ (ĐTC Phanxicô) đưa con người vào đời sống nội tâm.
Mùa Chay Thánh gợi lại cuộc tĩnh tâm của Chúa Giêsu trong hoang địa, phản ánh nỗi chờ mong về đất hứa suốt bốn mươi năm của dân xưa. Cuộc tĩnh tâm của Chúa Giêsu làm sống dậy sự chay tịnh của Môsê trên núi Sinai trước khi diễn ra Giao ước ban đầu và hành trình của Tiên tri Êlia qua sa mạc về núi Horeb gặp Chúa.
Toàn bộ mùa Chay Thánh hướng đến một chủ điểm quan trọng cho từng tín hữu là giúp họ sống ân huệ Nhiệm tích Thánh tẩy, ơn được nhận hiệu quả của lễ Vượt Qua Chúa đã chết và sống lại, ơn được đầy Thánh Thần mà thân thưa lời ‘Abba’ lên Chúa Cha. Đó là ‘nên thánh’.
Dù trong đời, chúng ta đã nghe, đã giảng dạy nhiều về nên thánh, nhưng hôm nay anh chị em hãy khoan thai thanh thản nghiệm lại căn cội, sự phong phú của mạc khải ‘sự thánh’ và lời gọi thiết tha Chúa ngỏ vào từng tâm hồn chúng ta.
Một
Trong Phụng vụ Giáo hội tôn vinh Thiên Chúa ba lần Thánh, tôn vinh Chúa Kitô ‘Solus Sanctus’, mừng kính các ‘Thánh’. Chúng ta nói tới Kinh Thánh, tuần thánh và chính chúng ta được mời gọi nên thánh. Sự thánh là thực tại chạm đến mầu nhiệm Thiên Chúa, phượng tự và luân lý. Sự thánh bao hàm ý niệm thánh thiêng, thanh khiết mà cũng siêu việt.
Kinh Thánh quan niệm sự thánh là thực tại tách biệt khỏi cái trần tục. Sự thánh đúng nghĩa là đặc tính của Thiên Chúa siêu phàm. Con người chỉ nhận biết ‘sự thánh’ nơi Đấng Thánh nhờ chính Đấng Thánh mạc khải qua lịch sử dân được tuyển chọn. Tại núi Sinai, sự thánh được mạc khải là quyền lực vinh quang ‘người phàm không thể nhìn thấy Ta mà lại vẫn sống’ (Xh 33:20), nhưng lại đầy nhân hậu, thương xót: ‘Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi, hỡi Ephraim, hay thí hẳn ngươi đi, hỡi Israel?… Lòng Ta đảo lộn trong Ta và mối chạnh thương sôi réo cả lên… Vì Ta là Thiên Chúa, không phải phàm nhân. Ở giữa ngươi Ta là Đấng Thánh’ (Hs 11:8.9). Trong đền thờ, Thiên Chúa mạc khải cho Isaia như Thượng Đế tạo thành vũ trụ, Đấng thánh vinh quang rạng ngời mà chính các thần sốt mến Seraphim cũng không thánh đủ để chiêm ngưỡng dung nhan (x. Is 6:1-7).
Đối với dân, Đấng ‘ở giữa ngươi Ta là Đấng Thánh’ (Hs 11:9), là Thiên Chúa Thánh, siêu phàm mà lại thu hẹp khoảng cách đến ‘bằng không’, đem lại niềm hân hoan, sức mạnh, nơi nương tựa, ơn cứu chuộc… qua tương quan Giao Ước. Danh Người là Thánh (Tv 33:21; Am 2:7; Xh 3:14). Thiên Chúa kết ước bằng sự thánh của Người. Giữa muôn dân, Israel được tuyển chọn và được tách riêng thuộc về Thiên Chúa, dân tư tế, ‘dân thánh’. Với tình yêu không thể lý giải, Thiên Chúa sống và đi giữa dân Người (Xh 33:12-17), biểu lộ bằng vầng mây, khám ước, đền thờ hay cô đọng trong cảm thức ‘vinh quang’, gắn bó với dân cả trong cay đắng chốn lưu đầy (x. Ez 1:1-28).
Sự hiện diện sống động của Thiên Chúa thông ban sự thánh, không theo cách một chiều để miễn trừ sự cộng tác thành tâm của dân. Các tiên tri không ngừng nhắc nhở các lễ tế không đủ làm vui lòng Đấng Thánh mà còn cần đời sống đi theo Đấng Thánh trong công chính, vâng phục và mến yêu. Trong mọi bình diện, lặng thầm hay công khai, gia đình hay cộng đồng, lao động hay tế tự… đều phải đạt mức ‘sự thánh sống’ (la sainteté vécue). ‘Hãy nên thánh vì Ta, Đức Chúa, là Thánh’ (Lv 19:2; 20:26).
Tiên tri Ezêkiel mơ ước một đền thờ mới ở trung tâm phần đất đã được thanh tẩy, nơi đó dân được hiến thánh và được đổi mới bằng Thần khí, sẽ sống trong sự hiện diện của Đấng Thánh. Nếu dân bị kết án, cái gốc sống còn là ‘hạt mầm thánh’ (Is 6:13). ‘Đức Chúa lớn lao ở Sion, Người cao vọi trên khắp muôn dân… Người là Đấng Thánh’ (Tv 99:2.3).
Hai
Giáo hội tiên khởi, cộng đoàn của các Tông đồ, đã hội nhập mạc khải về ‘sự thánh’ của Cựu ước. Thiên Chúa là ‘Cha chí Thánh’ (Ga 17:11), là Đấng Tạo Thành siêu việt, là Thẩm phán khi tận cùng thời gian (Kh 4:8). Người ban Lề luật và thiết lập Giao ước. Các Thiên thần, đền thờ và Giêrusalem trên trời là thánh.
Sự thánh nơi Chúa Kitô được mạc khải ngay từ biến cố Giáng Sinh: Đức Maria đầy ơn phúc, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai… bởi Thánh Thần và quyền năng Đấng Tối Cao… Trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, là Thánh (x. Lc 1:25-35). Tại dòng sông Jorđan, Chúa Cha mạc khải ‘Con yêu dấu’ được ‘xức dầu Thánh Thần’ (Lc 3:22; Tđcv 10:38). Đấng là Con Thiên Chúa, đầy Thánh Thần, biểu lộ sự thánh bằng những giáo huấn ‘về ân sủng’ (Lc 4:22), những dấu lạ chữa lành, quyền năng tiêu diệt satan. Đứng trước Con Thiên Chúa, người ta sẽ như ‘Simon Phêrô phục mình dưới chân Chúa mà rằng: xin hãy xa con, lạy Ngài, vì con là kẻ tội lỗi’ (Lc 5:8). Mầu nhiệm quyền uy siêu nhiên, khơi lên và soi rọi thân phận bé bỏng tội lỗi của người phàm.
Thánh Phêrô và Gioan được tha từ công nghị trở về gặp cộng đoàn, giữa gian truân bách hại, đã ca ngợi ‘Tôi tớ Thánh là Đức Giêsu’ (Tđcv 4:27). Dù là tác giả sự sống cho vũ hoàn, Người đã đón nhận cái chết và được Cha tôn vinh là Đấng Thánh (Kh 3:7). Phẩm thánh nơi Chúa Kitô là một với sự thánh của Chúa Cha siêu việt trên phẩm hạnh thánh của các thánh nhân. ‘Tôi tớ Thánh’ yêu thương người trần thế đến nỗi thông ban mạng sống, thông ban vinh quang nhận từ Cha… thông ban sự thánh cho họ’… ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật’ (Ga 17:19).
Tông đồ Gioan nâng niu lưu giữ ký ức về ‘Tôi tớ Thánh’, kể lại những điều mắt thấy tai nghe… ‘Ta khát’, ‘Đã hoàn tất’, ‘Gục đầu xuống phó thác Thần khí’(x. Ga 19:28-30). ‘Tôi tớ Thánh’ đã kiện toàn sứ mạng theo kế đồ đã báo trước trong Kinh Thánh (Ga 5:39; 20:9). ‘Phó thác Thần khí’ chỉ về sự tắt thở, nhưng cách diễn tả của ‘môn đệ tựa sát lòng Chúa’ hướng ta đến ý nghĩa của sự chết nơi Thầy Giêsu là khai mạc thời mới, thời Thánh Thần, ân huệ cánh chung, làm nên cuộc khải hoàn chiến thắng tội lỗi vốn ngăn chặn hiệu quả tỏa sáng của sự thánh.
Vào ‘ngày thứ nhất trong tuần’, ‘Tôi tớ Thánh’ đã ‘sống lại từ cõi chết’ (Ga 20:9), đã ‘thổi hơi’ trên các Tông đồ và nói: ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần’ (Ga 20:22). Giáo hội là Mẹ, bằng Nhiêm tích Thánh tẩy, sinh các con cái sống bởi hơi thở ‘Thánh Thần’, những người con mang ‘gène thánh’ trong hữu thể và hiện hữu của mình. Như Gioan Tẩy giả tiên báo, tín hữu được thánh tẩy trong Thánh Thần (x. Lc 3:16; Tđcv 1:5; 11:16), là ‘thánh trong Chúa Kitô’ (1Co 1:2; Ph 1:1).
Ba
Phẩm ‘thánh’ được chỉ cách độc đáo những ‘người được chọn’ trong thời sau hết, nhóm nhỏ ngày lễ Ngũ Tuần (Cvtđ 9:13; 1Co 16:1), những Kitô hữu của cộng đoàn sơ khai Giêrusalem, sau được hiểu rộng cho các anh em ở Giuđê (Tđcv 9:31-41), và cho mọi tín hữu (Rm 16:2; 2Co 1:1; 13:12). Thực sự chính Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu thông hiệp sự thánh của Thiên Chúa, làm nên dân thánh, dân cử hành phượng tự với Chúa Kitô dâng lên ‘hy tế thánh’ (Rm 12:1; 15:19; Ph 2:17).
Kinh Thánh đã lý giải về sự thánh của Kitô hữu. Sự thánh ấy xuất tự ơn được gọi (Rm 1:7; 1Co 1:2), hàm ẩn lập trường cắt đứt với tội lỗi và các thói tục dân ngoại (1Th 4:3) để sống theo sự thánh đến từ Thiên Chúa chứ không theo khôn ngoan xác thịt (2Co 1:12; Tt 3:4-7). Yêu cầu sống thánh là nền tảng của mọi truyền thống nhiệm nhặt Kitô, không dựa trên lý tưởng lề luật ngoại tại, nhưng chỉ dựa vào sự kiện Kitô hữu được Chúa Kitô chinh phục, nên tự nguyện thông phần những khổ đau và cái chết của Chúa để đạt ơn phục sinh (Ph 3:10-14).
Sự thánh của Thiên Chúa tiêu diệt sự tội của thế gian. Kitô hữu nỗ lực nên thánh đón mừng Chúa Quang lâm (1Th 3:13; Kh 22:11). Ngày ấy sẽ xuất hiện Giêrusalem mới, ‘thành thánh’ (Kh 21:2), nơi đó ‘cây sự sống’ trổ bông (Kh 21-22) và Chúa Giêsu được tôn vinh nơi các Thánh của Người (2Th 1:10; 2:14). Các Thánh mang y phục rực rỡ, được phiếu trắng tinh trong máu Con Chiên (Kh 7:14), chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Các Ngài thực sự đã luyện lại được ‘giống Thiên Chúa Ba Ngôi’ (imago Trinitatis, Augustinô) và đời đời thông hiệp với Thiên Chúa.
Thánh Tông đồ Gioan giáo huấn về thực tại thánh: ‘Ta biết rằng, một khi điều ấy được tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy’ (1Ga 3:2).
Truyền thống tu đức của Giáo hội phương Tây nhấn mạnh thực tại: ‘Vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy’. Mục tiêu và con đường nên thánh là ‘Phúc hưởng kiến Thiên Chúa’, tiêu biểu nơi giáo huấn của Thánh Augustinô. Ngay từ đầu được ơn quy phục Chúa, Augustinô đã trải nghiệm thân phận người: ‘Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng người xao xuyến mãi tới khi an nghỉ trong Chúa’. Mọi tâm hồn đều mang cái đà tự nhiên hướng về Chúa, đúng là một lời gọi đến sự thánh. Kinh nghiệm này làm vang dội lại tâm tình của Thánh Irênê: ‘Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sự sống con người chính là hưởng kiến Thiên Chúa’. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người là sinh động và mục đích Thiên Chúa tạo thành con người là để hưởng kiến Thiên Chúa. Hơn ngàn năm sau, Thánh Tôma Aquinô đề cập khát khao tự nhiên về sự hưởng kiến siêu nhiên: ‘Mục đích của một thụ tạo được phú bẩm lý trí là đạt đến mối phúc ‘hưởng kiến Thiên Chúa’. Nói rõ hơn, ‘trí tuệ khát khao một cách tự nhiên được hưởng kiến bản thể Thiên Chúa’.
Giáo hội phương Đông với truyền thống tu đức lâu đời dựa trên: ‘Ta sẽ được giống như Người’. Nền tu đức này nhận định rằng đối tượng của ‘Phúc hưởng kiến’ không đạt được yếu tính Thiên Chúa nhưng đạt năng lực thuộc về chính Thiên Chúa. Năng lực này là căn nguyên tỏa sáng như trong biến cố Chúa Kitô hiển dung trên núi Tabor. Tuy nhiên, những người ‘lòng trong sạch’ cầu nguyện bằng cả tâm hồn ‘prière du coeur’ có thể đạt được kinh nghiệm Thiên Chúa trực tiếp.
Các Giáo phụ phương Đông bảo vệ lập trường khả thể con người thông hiệp cùng Thiên Chúa và đề ra nguyên lý căn bản là sự phân biệt giữa yếu tính và năng lực của Thiên Chúa. Giáo lý này duy trì được vừa thực tại siêu việt của Thiên Chúa vừa thực tại thần hóa của con người. Khi chấp nhận ý niệm con người được thần hóa ta vẫn phải luôn luôn tin rằng con người không bao giờ ngang bằng Thiên Chúa. Con người được thần hóa nghĩa là được Thiên Chúa ban cho thông phần vào hữu thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thánh tự chính mình và con người được gọi thông hiệp với Đấng Thánh.
Định mệnh của con người là được thần hóa bằng cuộc chiến thắng sự chết. Chính nhiệm tích Thánh Thể thực hiện cuộc thần hóa này. Thánh Grêgôriô Nysse không mặn mà với ý tưởng đà tiến về Thiên Chúa chỉ đạt tới ‘sự hưởng kiến’ tĩnh, nhưng theo Ngài, cả trong thế giới sẽ đến, chúng ta sẽ trải qua từ sự khởi đầu này tới sự khởi đầu tiếp bằng những sự khởi đầu không bao giờ cùng’. Sự thần hóa hệ tại không phải đạt được bản tính Thiên Chúa, mà là đạt được cách là Thiên Chúa gồm các ngôi vị hiệp thông. Zizioulas cho rằng vì thần học phương Tây về Thiên Chúa Ba Ngôi chú trọng bản tính hơn là ngôi vị nên khó chấp nhận sự thần hóa của con người. Nhân tính của Chúa Kitô được thần hóa vì nhân tính được hội nhập ngôi hiệp của Chúa Kitô và nhân loại được thần hóa vì họ hội nhập tương quan ngôi vị của Chúa.
Thánh Công đồng Vaticanô II định nghĩa ‘sự thánh là thông hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô’. Chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi là thánh. Từ nguồn cội này, sự thánh được thông truyền vào Giáo hội bởi Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho Giáo hội để làm cho Giáo hội nên thánh. Mọi Kitô hữu được gọi nên thánh vì họ thuộc về Giáo hội, được thông dự vào sự thánh nhờ các nhiệm tích. Thánh Augustinô tự thuật ơn gặp Chúa trong nhiệm tích Thánh Thể, Chúa nói: ‘Con được nuôi dưỡng nhờ Ta. Tuy nhiên, con không biến đổi Ta thành con… chính con sẽ biến đổi thành Ta’. Sau khi đã được thông dự vào sự thánh và trở nên thánh, đến lượt họ, họ giúp những người khác nên thánh. Dù những hình thái và những bận tâm trong cuộc sống đa dạng, sự thánh vẫn duy nhất vì luôn được tác động hứng khởi bởi cùng một Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, Thánh Thần là bảo chứng cơ nghiệp của chúng ta (Ep 1:14), nên sự thánh không những mang tính Giáo hội mà còn mang tính cánh chung. Như Giáo hội, sự thánh chỉ hoàn hảo trong vinh quang trên trời.
Anh chị em rất thân mến,
Mỗi năm mùa Chay Thánh về, chúng ta thường nhắn nhủ đoàn chiên nên thánh. Riêng tôi thì sao?
Nên thánh không phải là việc tùy ý… Cuộc đời không thể để buông bỏ, trôi dạt vô định, theo dòng như cánh bèo…
Giáo hội, dân trung tín của Thiên Chúa tìm ra lối đường nên thánh nhờ Lời Chúa và Nhiệm tích, nhất là Thánh Thể.
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Mục tử hiệp hành cùng anh chị em
bài liên quan mới nhất
- Cầu nguyện như thánh Augustinô
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít -
Bốn cách để noi gương Thánh Giuse trong Mùa Vọng này -
Những Cánh Cửa của Hy Vọng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19