Tại sao nói “60 năm cuộc đời?”
TGPSG -- Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi (Tv 90,10). Tại sao “phần lớn chỉ là gian lao khốn khó”? Có một câu truyện vui kể rằng: Lúc đầu, Thượng Đế chỉ cho loài người sống 20 năm trên đời, nhưng, loài người lại muốn xin thêm, bởi vì, thấy mình khôn ngoan tài giỏi, trổi vượt hơn muôn loài muôn vật, vậy mà, chỉ sống 20 năm, thì tiếc quá. Chính vì thế, nhân lúc, thấy các loài khác xin rút ngắn thời gian sống lại, loài người đã tranh thủ và nài xin Thượng Đế cho mình thêm: 20 năm của con lừa, 10 năm của con chó, và 10 năm của con khỉ, và kể từ đó: 20 năm đầu con người sống vô tư vui vẻ, 20 năm kế tiếp làm việc quần quật như con lừa để lo cho gia đình, 10 năm sau đó ở nhà như con chó để trông nhà trông cháu, 10 năm sau cùng ngờ nghệch ngốc nghếch như con khỉ để mua vui cho lũ cháu.
Thánh Kinh cho thấy tuổi thọ của con người chỉ khoảng bảy chục, tám mươi; còn, chúng ta thì thường nói với nhau: cuộc đời 60 năm, hay “60 năm cuộc đời” Tại sao chỉ có “60 năm cuộc đời”? Nếu năm nay là năm 2025, năm Ất Tỵ, thì mãi đến năm 2085, mới có sự lặp lại năm Ất Tỵ, một lần nữa. Nếu ai sinh vào năm 2025: năm Ất Tỵ, thì mãi đến 60 năm sau, theo chu kỳ của “Lục Thập Hoa Giáp”, họ mới có thể mừng sinh nhật lần thứ 60 vào năm Ất Tỵ. Có lẽ vì thế, mà người ta thường nói “60 năm cuộc đời”.
Chúng ta thường nghe nói “60 năm cuộc đời”, cũng có thể do bởi: cuộc đời chỉ có 6 giai đoạn, như, theo cách phân chia của Khổng Tử:
1. Giai đoạn 15 tuổi (học tập): tập trung vào việc học hành: tích lũy kiến thức, tu dưỡng đạo đức, định hướng tương lai. Giai đoạn này gọi là: Thập hữu ngũ nhi chí vu học: chỉ lo trao dồi tri thức, đạo đức mà thôi.
2. Giai đoạn 30 tuổi (tự lập): phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp, xây dựng gia đình. Giai đoạn này gọi là: Tam thập nhi lập: lập thân, lập nghiệp, lập thất, “thành gia lập nghiệp”.
3. Giai đoạn 40 tuổi (biết rõ mình): có chính kiến, kiên định, xác tín, bởi vì, đã có những hiểu biết về tri thức, kinh nghiệm, vốn sống phong phú. Giai đoạn này gọi là: Tứ thập nhi bất hoặc: xác tín, chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa.
4. Giai đoạn 50 tuổi (biết rõ trời): thấu triệt các quy luật của cuộc sống, thông suốt các xu thế của thời cuộc, tức là hiểu được mệnh của trời. Giai đoạn này gọi là: Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: biết ý trời, thuận theo ý trời trong mọi hoàn cảnh.
5. Giai đoạn 60 tuổi (biết rõ người): thấu suốt mọi người, mọi việc; nhìn người, nhìn việc từ trên cao, bao quát được mọi chiều kích của vấn đề, thấu hiểu được đối phương đang đứng ở góc độ nào mà hành xử, và diễn đạt mình như thế, cho nên, rất dễ bao dung, dễ dàng chấp nhận những ý kiến trái chiều. Giai đoạn này gọi là: Lục thập nhi nhĩ thuận: thấu hiểu, cảm thông, đồng thuận, chứ không sốc nổi, phản bác, nổi loạn như khi còn trẻ.
6. Giai đoạn 70 tuổi (tùy cơ ứng biến): trở thành luật cho chính mình, không cứng nhắc theo những nguyên tắc có sẵn, “đồng kỳ quang, hòa kỳ trần”, làm gì cũng thuận theo ý mình, đúng với lẽ trời, và hợp với lòng người. Giai đoạn này gọi là: Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ: mọi sự xuất phát từ tâm thiện, mọi việc làm đều quy phục một lương tâm trong sáng.
Cuộc đời con người ngắn ngủi là thế: Ấy con người khác chi hơi thở: vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4). Chính vì thế, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90,12). Người khôn ngoan là người biết giới hạn của cuộc sống này, dù thành toàn viên mãn đến đâu thì cũng chỉ gói gọn trong “60 năm cuộc đời”, con số “6” con số chưa hoàn hảo, chúng ta phải hướng tới một đời sống của con số “7” hoàn hảo nơi “trời mới đất mới”, ở nơi đó, con người sẽ bước vào giai đoạn thứ bảy của cuộc đời mình.
Giai đoạn thứ bảy của cuộc đời, đòi hỏi những công dân của “trời mới đất mới” phải tuân theo một hiến pháp mới, phải hành xử theo một cung cách mới, khác biệt và vượt xa những gì thế gian có thể nghĩ tưởng được. Ai can đảm bước vào giai đoạn thứ bảy này, người đó sẽ được hưởng một cuộc sống bình an, hoan lạc trường tồn vĩnh cửu.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Hình ảnh và ý nghĩa của con rắn trong Kinh Thánh
-
Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba - Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối -
Bốn cử chỉ cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu trong năm 2025 -
Bạn còn muốn về nhà? -
4 lời khuyên cho cuộc sống Kitô hữu hạnh phúc -
Bí quyết để vượt qua thói xấu là thực hành nhân đức đối lập -
“Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19