Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Thường niên năm B
Ga 1,35-42
Hãy đến mà xem!
1. Một ngày kia có một vị ẩn sĩ đọc xong đoạn Tin mừng này thì hỏi các đệ tử của mình như thế này:
- Nếu phải chọn một câu trong bài Tin mừng hôm nay để suy niệm thì các con sẽ chọn câu nào ?
Người thì chọn câu;
- Các ngươi tìm gì ?
Người thì chọn câu
- Hãy đến mà xem.
Người khác nữa thi lại chọn:
- Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia nghĩa là Đấng Kitô.
Sau đó các đệ tử hỏi ngược lại:
- Còn Thầy, thầy sẽ chọn câu nào ?
Ông đáp ngay:
- Hãy đến mà xem.
Phải là người có tầm cỡ như Chúa Giêsu hay ít nữa dám sống tinh thần của Chúa Giêsu thì mới có đủ can đảm để nói lên một lời như thế.
Có thể nói câu này đáng trở thành khẩu hiệu cho các nhà quảng cáo cũng như cho các nhà lãnh đạo chân chính muốn thành công trong sự nghiệp của mình
Câu chuyện xảy ra đơn giản như thế này:
Hai môn đệ Gioan Tẩy Giả đến với Chúa và hỏi Chúa rằng:
- Thầy ở đâu ?.
Đức Kitô trả lời:
- Hãy đến mà xem.
Hai môn đệ đã đến nơi Đức Kitô ở. Họ đã chứng kiến tận mắt nơi chốn Ngài ở,
chỗ Ngài cầu nguyện,
chỗ Ngài làm việc, chỗ Ngài tiếp khách,
chỗ Ngài ăn uống,
chỗ Ngài nghỉ ngơi.
Họ đã chứng kiến tận mắt cung cách sống của Đức Kitô:
cách Ngài tiếp xúc,
cách Ngài nói năng,
cách Ngài ăn uống,
cách Ngài phản ứng.
Họ cũng thấy tận mắt thấy những cái gì thuộc về tính người và tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô và qua đó thấy được phương hướng đời Đức Kitô
qua những thao thức,
qua những vui buồn,
qua những tính toán,
qua những lo toan của Đức Kitô.
Chỉ sau một ngày một đêm, hai môn đệ ấy đã đi hết từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, từ mến phục này đến mến phục khác. Họ khám phá thấy nơi Đức Kitô những giá trị tuyệt vời, làm cho Đức Kitô có
một bản lãnh cao,
một nhân cách đáng phục,
một phẩm cách đáng kính.
Nghèo nhưng giàu tư cách,
khiêm nhường nhưng đầy tính văn hóa,
đơn sơ nhưng làm cho người ta kính trọng.
Chỉ một ngày một đêm, được nhìn tận mắt thấy cách sống của Đức Kitô, hai môn đệ đã bị thuyết phục, đã bỏ hết mọi sự và tình nguyện đi theo Đức Kitô.
Kết quả thật tuyệt vời
Chúa đã không khuất phục họ bằng tiền bạc, bằng chức tước bổng lộc, bằng đền vàng điện ngọc
Nhưng bằng nhân cách, bằng bản lãnh đạo đức, bằng cuộc sống cao thượng và bằng tình yêu của Ngài.
Đó là đối với Chúa Giêsu.
2. Còn sau Chúa Giêsu thì thế nào. Khẩu hiệu “Hãy đến mà xem có còn một giá trị nào nữa không ?
Nó vẫn được tiếp tục hiện diện, hiện diện nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Những người ngoài công giáo đã được mời gọi đến để xem các cộng đoàn Đức tin lúc đó.
Họ đã đến và họ đã thấy
Họ thấy cách cầu nguyện của những cộng đoàn sơ khai là rất sốt sắng, sốt sắng ở chỗ nó tập trung vào sự ca tụng Thiên Chúa. Không xin cho khỏi bị bắt bớ, không xin của cải. Cầu nguyện chủ yếu là ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa.
Rồi người ta cũng đã nhận thấy cái bầu khí của cộng đoàn. Các thành phần đối với nhau tình nghĩa chan hòa, chia sẻ của cải, phục vụ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.
Rồi họ cũng thấy được đức tính nhân bản của cộng đoàn, mọi người cần cù làm ăn, chuyên chăm trau dồi văn hóa.
Họ đã đến và đã thấy những giá trị ấy của những cộng đoàn đức tin. Và họ đã phải mến phục. Nhiều người đã trở lại đạo công giáo.
3. Bây giờ thì khẩu hiệu đó có còn giá trị gì không ?
Hiện nay khẩu hiệu “Hãy đến mà xem”, vẫn còn là một khẩu hiệu đang được thực hiện và gây được nhiều kết quả tốt.
Đức Cha Bùi Tuần Giám Mục Giáo phận Long xuyên sau một chuyến đi nước ngoài về Ngài có kể lại một câu chuyện như sau:
“Tháng trước đây trong dịp ghé lai Paris, tôi có hỏi thăm về một tư đoàn mới, thì người ta trả lời: “Xin Đức cha cứ đến mà xem”. Tôi đã đến với một nhóm của tu đoàn đó. Người ta dẫn tôi đến một căn nhà giữa một khu phố rộng lớn của Paris nổi tiếng là khu phố ăn chơi. Tôi lên gác thì thấy một căn phòng nhỏ để Mình Thánh Chúa, và luôn luôn có người quỳ chầu Mình Thánh đêm ngày thay phiên nhau.
Tôi hỏi: Đây là những người nào ? thì họ nói: Đây là những người thuộc về tu đoàn, nhưng một phần khá lớn là những người tình nguyện. Vì thấy ảnh hưởng của tu đoàn nên họ tình nguyện đến chầu Mình Thánh. Tôi bước xuống tầng trệt, thì đây là một quán ăn không sang không nghèo nhưng rất lịch sự. Một nét đặc biệt trong quán ăn này là những người hầu bàn lại là những linh mục trẻ của tu đoàn, quần đen, sơ-mi xanh, đeo thánh giá.
Trước khi xuống phục vụ bàn ăn cho các khách, các linh mục đó đã viếng Mình Thánh, đã suy gẫm. Họ rất ít nói, cần lắm mới nói nhẹ nhàng nhưng rất lịch sự. Ai cũng cho các linh mục trẻ đó là những người của văn hóa, những người của Thiên Chúa. Rất nhiều người đã đến ăn ở quán này. Chính tôi cũng đã thử. Tôi đã thấy một bầu khí cầu nguyện trong chính quán ăn của các linh mục trẻ đó. Và cho đến bây giờ, một trong những hình ảnh đẹp nhất còn ghi lại trong tôi từ chuyến đi vừa qua là hình ảnh những linh mục trẻ ở quán ăn đó. Sở di họ gây được ảnh hưởng lớn như vậy là vì họ có văn hóa, có đời sống nội tâm rất sâu. Cứ đến mà xem rồi thấy mình bị thuyết phục bởi những chứng từ sống động của Phúc Âm.
Giờ đây, nhìn vào cộng đoàn chúng ta, chúng ta có thể gửi đến những người xa gần lời kêu gọi như Chúa Giêsu thuở xưa: “Hãy đến mà xem” không ?
Hãy đến mà xem nhà thờ chúng tôi với những người đang dự lễ và sinh hoạt trong nhà thờ này như thế nào ? Đáng tự hào hay đáng phê phán ?.
Hãy đến mà xem cộng đoàn giáo xứ chúng tôi xem chúng tôi sống hiệp nhất, công bình, bác ái, lương thiện, văn hóa ra sao.
Hãy đến mà xem cách chúng tôi tham dự thánh lễ, cách chung tôi làm việc tông đồ, cách con em của chúng tôi học hỏi Lời của Chúa. Cách mọi người trong giáo xứ chúng tôi sống đùm bọc thương yêu nhau.
Rồi hãy đến mà xem gia đình của chúng tôi
xem chúng tôi sống yêu thương nhau
xem chúng tôi cầu nguyện
xem cung cách sống của chúng tôi:
cách chúng tôi tiếp xúc,
cách chúng tôi nói năng,
cách chúng tôi sử dụng đồng tiền Chúa ban cho
cách chúng tôi ăn mặc
cách chúng tôi phản ứng trước những biến cố vui buồn trong cuộc sống vv và vv
Hỏi chúng ta có đủ can đảm và sẵn sàng để gửi đi lời kêu gọi như Đức Kitô ngày xưa “Hãy đến mà xem” không ?
Và cuối cùng thử hỏi mỗi người chúng ta tự đáy lòng của mình, chúng ta có thể nói với chính Đức Kitô: Lạy Chúa, hãy đến mà xem.
Xem lòng dạ của chúng con,
xem chính nội tâm của chúng con.
Xem những thao thức, những ước muốn của chúng con
Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ được Chúa Giêsu khen sau khi Chúa đến và xem. Chúa sẽ nói: “Phúc cho các con, những đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.
Nhưng tôi cũng e ngại biết đâu sau khi Chúa đến và xem chúng ta, nhất là kiểm tra tâm hồn của chúng ta. Chúa lại nói như trong Phúc Âm: “Ta không biết các ngươi là ai”.
Nếu kết quả mà như thế thì quả là một đại họa.
Xin Chúa giúp chúng ta biết điều chỉnh lại cuộc sống của mình để khi Chúa nhìn vào, để khi mọi người nhìn vào đều có thể nhận ra hình ảnh của Chúa thật rõ nét trong cuộc đời của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B