Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B
Mc 1, 29-39
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt,
Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.(Mc 1,25)
Bài Tin Mừng hôm nay vắn gọn nhưng chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống đức tin của chúng ta.
1. Trước hết là câu chuyện xảy ra tại nhà Ông Simon Phêrô.
Tin mừng ghi: Ra khỏi Hội đường Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa đâu cần phải làm thế. Chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng đủ chữa bệnh cho bà. Hơn nữa ở hoàn cảnh xã hội Do Thái lúc đó, một xã hội trọng nam khinh nữ, việc cầm tay phụ nữ có thể gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng Chúa đối với bà.
Sự kiện này cho chúng ta thấy điều gì ?
Chẳng cần phải dài lời, chúng ta cũng có thể thấy là Chúa đối xử một cách ưu ái quảng đại với gia đình ông Simon. Tại sao thế ? Thưa vì gia đình đã hy sinh dâng cho Chúa một người con là ông Simon, cột trụ của gia đình. Những ai hy sinh cho Chúa cũng đều được Chúa ưu ái như vậy. Việc Chúa đến tận nhà của Ông Simon hôm nay là một bằng chứng rất cụ thể cho chúng ta thấy điều đó.
Vâng! Xưa là như thế và sẽ mãi mãi là như vậy.
Người ta kể lại rằng, sau khi vẽ xong bản họa đồ kiến trúc cho ngôi thánh đường nổi tiếng tại Roma - Đại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Kiến trúc sư Bramante dắt đứa con nhỏ của ông cùng đi vào để yết kiến Đức Thánh Chúa và trình lên cho Ngài xem. Lúc đó là Đức Thánh Chúa Juilio II. Đức Thánh Cha xem xong Ngài rất vui. Bản họa đồ kiến trúc đã thể hiện được đúng ý muốn của Ngài. Để tưởng thưởng cho những công lao vất vả của Kiến trúc sư Bramante, Ngài tế nhị dẫn đứa con nhỏ của ông đến chỗ ngài để tiền rồi bảo cậu bé:
- Con bốc đi. Bốc đầy hai bàn tay của con. Phần thưởng cho con đó.
Cậu bé do dự mãi không bốc. Đức Thánh Chúa chờ mãi... Sau đó Ngài thò tay vào bốc và bảo cậu bé đưa vạt áo ra. Ngài bốc bỏ đầy vạt áo của cậu.
Lúc ra về ông bố hỏi cậu con
- Sao Đức Thánh Chúa bảo con đưa tay mà bốc mà con không bốc ?
- Ồ, bố không biết là tay con nhỏ còn tay Đức Thánh Cha lớn hơn sao ?
Chúa cũng đối xử với những ai biết hy sinh cho Chúa như thế.
2. Sau câu chuyện tại nhà mẹ vợ của ông Simon.
Tin Mừng ghi: "Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, Người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa" (Mc 1,32-34)
Còn cảnh nào cảm động hơn. Cả thành đến với Chúa. Cả thành xúm lại trước cửa để được gặp Chúa.
Họ không đến một mình. Họ còn mang đến với Chúa những con Người bất hạnh: ốm đau, bị quỉ ám vv.
Chúa đã làm gì ? - Ngài chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma quỉ và trả lại cuộc sống bình thường cho tất cả mọi người cần đến Ngài. Chú giải về đoạn Tin Mừng này Charles Erdman đã nói: "Giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó"
Vâng giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó.
Các tông đồ bị bão tố giữa biển khơi - Chúa đứng đó ngay trên mặt nước.
Lêvi người thu thuế ngồi tại bàn thu thuế tưởng như cuộc đời của mình sẽ mãi mãi như vậy, bị khinh bỉ, bị mọi Người xa lánh. Chúa có mặt đứng ở đó ngay trước mắt ông.
Người mù nằm chờ bên bờ suối Siloe đã bao nhiêu năm mà không tìm thấy một hy vọng nào - Chúa đã đến và đứng ở đó cũng ngay trước mặt anh ta mặc dầu anh không thấy Ngài.
Vâng! Giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó"
Tại một trung tâm chuyên trị về tim, một người đàn ông đang chuẩn bị lên bàn giải phẫu. Một ngày trước khi thực hiện cuộc giải phẫu, một nữ y tá đến bên cạnh ông, đưa tay ra về phía ông và nói:
“Ông hãy cầm lấy tay tôi”, rồi cô giải thích: “Ngày mai, trong suốt cuộc giải phẫu, trái tim của ông sẽ hoàn toàn bị cô lập khỏi ông. Ông tiếp tục sống là nhờ một số máy móc. Cuối cùng, trái tim của ông được bình phục, và cuộc giải phẫu chấm dứt. Có lẽ ông sẽ tỉnh lại trong một phòng hồi sức, nhưng trong 6 giờ đồng hồ liền, ông sẽ hoàn toàn bất động, ông sẽ không cử động được, không nói được mà có lẽ cũng không mở mắt nổi. Dù vậy ông sẽ tỉnh táo hoàn toàn để nghe được và biết được mọi sự đang xảy ra chung quanh mình. Trong 6 tiếng đồng hồ ấy, tôi sẽ thường xuyên ở bên cạnh ông. Tôi sẽ nắm tay ông như tôi đang làm đây. Tôi ở bên ông cho đến khi ông hoàn toàn bình phục. Cho dù ông cảm thấy hoàn toàn bất lực, nhưng ông vẫn cảm nhận được bàn tay của tôi, ông hãy tin rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ ông”.
Mọi sự đã diễn ra như cô y tá tiên liệu. Người đàn ông đã tỉnh lại sau cuộc giải phẫu, nhưng ông không thể làm được gì. Dù vậy ông vẫn cảm nhận được bàn tay của cô y tá đang nắm chặt tay ông hằng giờ, và đó chính là sự khác biệt.
Chúa Giêsu Chúa của chúng ta còn hơn thế. Ngài đang nắm chặt cuộc đời của chúng ta cho dẫu nhiều khi chúng ta bất lực không nhận ra được sự hiện diện của Ngài. Hãy tin tưởng vào Ngài chúng ta sẽ được an vui.
3. Rồi sau đó Tin Mừng ghi tiếp:
"Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó."(Mc 1,35)
Chúa Charles de Foucauld đã có lần viết cho các môn sinh của Ngài như thế này: "Cầu nguyện là lẽ sống"
Chúa Giêsu cầu nguyện và Ngài coi việc cầu nguyện như một nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống.
Frédéric Ozanam, một nhà hoạt động Xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin rất trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.
Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi Thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ nhìn lên anh thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Tò mò đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không là ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc và theo dõi từng cử chỉ của nhà bác học. Rồi khi nhà bác học cầu nguyện xong, vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, anh cũng theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề có liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm!
Chúng sinh viên liền hỏi:
- Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại lại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không ?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của Người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.
Vâng! Chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện chúng ta mới trở thành vĩ đại, trở thành dũng mãnh....Vì chúng ta có Chúa phù trợ chúng ta. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 24 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 23 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh