Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

Ga 3,14-21

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người
thì được sống muôn đời”. (Ga 3,14-15)

Phụng vụ hôm nay chủ ý nhằm đề cập đến một sự kiện có liên hệ đến cây Thánh Giá Chúa sắp nằm trên đó để thực hiện việc cứu độ loài người. Câu chuyện có liên hệ đến một sự việc đã xảy ra và được kể trong sách Dân số (21,4-9).

          Hồi ấy, sau khi ra khỏi Ai Cập để tiến về đất hứa, dân Do Thái đã phải ngày đêm băng qua sa mạc. Ngày thì nóng như thiêu. Đêm thì lạnh như cắt. Hơn nữa đời sống trong sa mạc đâu có phải là đời sống bình thường. Sa mạc là một nơi thiếu thốn đủ mọi thứ. Có lúc dân Do Thái bị đói, có lúc họ bị khát. Chúa đã phải làm phép lạ cho họ có của ăn thức uống, nhưng rồi vì phải đi quá lâu trong sa mạc, sức chịu đựng của họ cũng có giới hạn, họ đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môisen. Họ kêu trách không tiếc lời. Sự việc đó đã khiến Chúa phải dùng đến hình phạt. Chúa đã cho những con rắn lửa bò ra gieo chết chóc và tang thương cho dân. Sau đó dân hối hận và Chúa lại thương, Người truyền cho ông Môisen đúc một con rắn đồng rồi treo lên một cây cột cao để như Lời Chúa nói với Môisen: “Ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống” (Ds 21,8) Và quả đúng như thế, tất cả những ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng đó thì đều được sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắc lại câu chuyện xưa. Chúa biết Nicôđêmô là một bậc thầy về Kinh Thánh. Chúa dùng một biến cố mà Nicôđêmô biết tường tận để giúp ông hiểu một việc Chúa sắp làm trong tương lai. Chúa Giêsu nói với ông: “Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong hoang địa, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống đời đời” (Ga 3,14). Chúa muốn bảo với Nicôđêmô rằng: Con rắn đồng trong sa mạc chỉ là hình bóng xa xa nhắc cho con người biết việc Chúa sẽ chịu chết trên Thánh Giá để ban ơn cứu độ cho con người, tức là làm cho con người được hưởng sự sống đời đời.

Nhưng muốn được Chúa cứu, chúng ta phải làm gì ?

Thưa, phải tin tưởng vào lòng yêu thương nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Qua lịch sử, Thiên Chúa từ từ mạc khải cho dân Do Thái thấy Ngài không phải là Thiên Chúa hay phạt, nhưng là Chúa nhân từ hay tha thứ. Mỗi khi dân bỏ Chúa đi thờ các thần khác, hoặc vi phạm giao ước đã ký kết, thì Ngài phạt họ rất nặng nề, như câu chuyện rắn đồng chẳng hạn. Nhưng nếu họ biết hối hận ăn năn quay trở về thì Chúa lại yêu thương và tha thứ. Dần dần họ nhận ra Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi đúng như Ngài nói: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề: Ta đâu có muốn kẻ dữ phải chết, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống!” (Ez 33,11).

Vâng! Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa mà vì yêu thương, Ngài đã ban cho thế gian để ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.

Nhưng tin vào Chúa thì phải làm gì ? Là phải nhận ra tội lỗi mình, sám hối và quyết tâm sửa lại.

Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về vấn đề sám hối.

Vậy thế nào là sám hối ?

Một cách thật đơn sơ chúng ta có thể trả lời như sau: Sám hối là hối hận về tội lỗi của mình.

Như vậy, muốn có được lòng sám hối thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người tội lỗi.

1. Làm sao để biết mình là người có tội ?

* Ngày trước người Do Thái cho rằng, muốn biết ai là người có tội, thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài, thí dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt v.v…

Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự kiện: Một là việc Philatô giết một số người Galilê - những người Galilê nói ở đây là những người đến Jêrusalem dâng lễ tế, chắc họ đã gây ra một vài hỗn loạn nào đó trong khuôn viên Đền thờ, do đó đội binh Rôma ở trong đồn Antônia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nương tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó.

Phải những người đó có tội nên bị giết và bị chết như thế ?

Đối với người Do Thái thì quả là như vậy.

Nhưng thử hỏi đối với Chúa thì Ngài nghĩ làm sao ?

Chúa không khẳng định cũng như không phủ định nhưng Chúa muốn coi đó như một cơ hội để cho người ta cảnh tỉnh mà rà lại cuộc sống của mình. Đây, ta hãy nghe lời của Chúa: “Không phải đâu nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy” (Lc 13,5)

2. Trước mặt Chúa, mọi người chúng ta đều có tội. Chẳng có ai hoàn toàn trong trắng vô tội trước mặt Chúa.

Một mục sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông ấy cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.

- Sao, con mơ thấy gì ?

- Con mơ thấy một chiếc thang bắc lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn và mỗi người phải lấy phấn viết hết các tội mình đã phạm lên chiếc thang đó thì mới lên được.

- Hay thật! Rồi con thấy gi nữa ?

- Con thấy con leo lên, nhưng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.

- Ai vậy ?

- Ba chứ ai.

- Ba ?

- Thế ba leo xuống để làm gì ?

- Ba lấy thêm phấn!

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khiêm nhường trước mặt Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của Thánh Phaolô: “Những ai đang đứng vững hãy coi chừng kẻo té” (1Cr 10,12).

3. Như vậy, vấn đề còn lại là mỗi người phải thấy được tội lỗi của mình và can đảm sửa lại. Chúa ghét tội, nhưng luôn yêu thương tội nhân và sẵn lòng đổ tràn ơn tha thứ trên họ.

Có hai hành khách ngồi chung trong một chuyến xe lửa từ Tôrinô tới Paris.

Vào một ngày mùa đông, bầu trời xanh xám không một tia sáng mặt trời, xe lửa chạy tới biên giới nước Pháp thì tuyết bắt đầu rơi, bên ngoài trời giá lạnh, nhưng trong xe hơi ấm của lò sưởi rất dễ chịu, thêm vào đó là tiếng máy đều đặn như tiếng nhạc ru ngủ cho cuộc hành trình thêm thoải mái. Một trong hai người khách tỏ vẻ băn khoăn lo lắng lạ thường, mỗi lần tới một nhà ga người ấy lại giựt mình đứng phắt lên, đến gần cửa nhìn nhà ga đọc lớn tên ga rồi ông trở về chiếc ghế ngồi và thở dài một cách thảm não. Sau nhiều trạm như thế, người bạn bên cạnh lên tiếng hỏi với tất cả sự quan tâm và tế nhị.

- Có điều gì làm ông khó chịu hoặc ông bị đau chăng ? Ông ta thở dài một cách thảm não và nói:

- Tôi không đau ốm gì cả, chỉ có điều là tôi đã lấy chuyến xe đang chạy ngược chiều với hướng của tôi định đi. Lẽ ra tôi phải xuống xe từ những trạm trước kia rồi để đổi sang chuyến xe khác, nhưng tôi không có can đảm bước xuống giữa làn mưa tuyết trắng. Ngồi trong xe với hơi ấm thế này dễ chịu hơn.

Biết mình đang là người tiến trên con đường tội lỗi, phải quay về con đường thiện. Nếu không đủ can đảm cởi bỏ những thói quen cũ và những tiện nghi vui sướng tạm bợ của đời sống đang sống thì chắc chắc đích điểm mà mình muốn nhắm tới sẽ càng ngày càng bỏ xa mình. Than vãn thở dài nào có ích lợi gì đâu.

Thống hối cải tà quy chánh là phải can đảm đôi khi phải trả giá rất cao. Qua miệng các ngôn sứ, chúng ta biết Thiên Chúa rất nhân từ và đầy lòng thương xót luôn chờ đợi các tội nhân ăn năn thống hối trở về với ngài.

Lạy Chúa, xin ban cho con cánh cửa tình thương để con biết can đảm trở về với Chúa.

Xin ban cho con lòng khiêm nhượng để con biết nhìn nhận tội lỗi của con.

Xin ban cho sức mạnh để con biết mau mắn chỗi dậy sau khi sa ngã.

Xin hãy thay đổi sự cứng cỏi lòng chai dạ đá, để con chỉ biết ước muốn và thi hành những gì Chúa yêu thích nơi con mà thôi. Amen.

Top