Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B
Ga 12,20-33
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi,
thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
(Ga 12,24)
Lời Chúa chúng ta vừa nghe mở ra cho chúng ta những viễn tượng hết sức mới mẻ về ý nghĩa và giá trị có liên quan đến việc chịu nạn chịu chết của Chúa Giêsu sắp tới và về những đòi hỏi Chúa muốn những ai đi theo Chúa phải chấp nhận.
1. Có thể nói khi Chúa bộc lộ những lời rất chân thành còn được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang hướng về cái chết sắp tới mà Ngài phải chịu.
Ngài sẽ phải chết nhưng cái chết của Ngài sẽ đem lại cái gì cho nhân loại ?
Thông thường chúng ta thấy chết là chấm hết mọi sự.
Còn đối với Chúa cái chết không những không chấm dứt mà còn đưa cuộc đời của Ngài lên một tầm cao mới. “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12,23).
“Giờ” ở đây không phải là một khoảnh khắc chiếm một chỗ xác định rõ ràng trong dòng thời gian, mà là một thời điểm vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu sự khởi đầu một thời đại mới sẽ kéo dài đến mãi mãi.
Giờ ở đây chính là lúc Đức Giêsu bước lên Thập giá. Khi đó mọi trục trặc vướng víu trong liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa được tháo gỡ hết, tương giao giữa loài người với Thiên Chúa sẽ được thông suốt, nhờ thế tình thương và sức sống dồi dào của Thiên Chúa sẽ được chuyển thông dào dạt cho loài người.
Như vậy chết đối với Chúa chính là lúc được tôn vinh và Chúa còn cho cả con người được tôn vinh với Chúa “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32).
Chúng ta tìm được bài học nào ở đây ?
Tôi tưởng bài học quí giá nhất mà chúng ta học được từ Chúa ở trong hoàn cảnh này là biết nhìn ra những giá trị nơi những cái mà người đời cho là tầm thường. Khi đối diện với cây Thập Giá, người đời cho đó là một hình phạt đáng nguyền rủa nhưng Chúa Giêsu đã nhìn nó như một phương tiện mang lại ơn cứu rỗi.
Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ Judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật. Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất.
Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:
- Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao ?
Ông trả lời:
- Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, và đây cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.
Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.
Nhiều tháng sau, võ sư dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi Judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu. Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thể võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.
Lần này đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dạn kinh nghiệm. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu để kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:
- Cứ để cậu bé tiếp tục. - Võ sư yêu cầu.
Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thể võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn. Cậu bé đã đoạt chức vô địch.
Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu. Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:
- Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế ?
- Con chiến thắng vì hai lý do. - Người thầy trả lời - Lý do thứ nhất, con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thể võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại - mà con lại không có tay trái.
Trong cuộc sống đôi khi một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn. Chúa Giêsu đã biết biến thất bại của cây Thập Giá thành chiến thắng vinh quang. Ngài đã nhìn thấy ở nơi cây Thập Giá ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha và Ngài đã đón nhận cây Thập Giá với tất cả tấm lòng của người con thảo để từ đó Ngài mở ra cho Thiên Chúa Cha một dân tộc mới, dân tộc được cứu rỗi.
2. Những đòi hỏi Chúa muốn những ai đi theo Chúa phải chấp nhận.
Đây là Lời của Chúa: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12,25-26).
Người ta kể lại rằng Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến...Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn. Làm sao mình có thể cho búp non xoè lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non ? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ... Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Vâng có được sự sống đời đời những người môn đệ của Chúa cũng phải bước vào một quá trình thay hình đổi dạng để có thể trở nên giống Chúa Giêsu.
Như hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt thì những ai muốn được ở một nơi với Chúa cũng phải làm như thế.
“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen “ (Manna 85).
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B