Suy gẫm những lời của ĐGH về đức tin
Tông thư thứ tư của ĐGH về Chân lý
WGPSG/ZENIT -- San Marcos - California, ngày 30-7-2010, trong những tuần lễ gần đây, ĐGH Bênêđíctô thứ 16 đã “nghỉ dưỡng” tại Castel Gandolfo và, theo như giới truyền thông đưa tin, đang thực hiện tập thứ ba của cuốn Chúa Giêsu tại Na-gia-rét và một Tông thư mới về đức tin. Nhiều người cho rằng Tông thư thứ ba sẽ nói về chủ đề đức tin, nhưng ĐGH - với cương vị là vị chủ chăn của GH tin rằng một tông thư về “Bác ái trong Chân lý” là cần thiết hơn. Như vậy, một Tông thư về đức tin được dự đoán sẽ có hơn trước đó.
Mục đích của bài báo này không phải để dự đoán công việc của Chúa Thánh Thần hay những giáo huấn của ĐTC, nhưng là để suy gẫm những gì ĐTC đã nói liên quan đến đức tin trong các Tông thư trước của ngài. Và quả thực, có rất nhiều điều chúng ta cần chú tâm vào khi nhìn lại. Đâu là cách tốt hơn để đạt đến trạng thái tinh thần “đầy đức tin” đối với Tông thư sắp tới?
Tông thư “Thiên Chúa là tình yêu”
Một chủ đề phổ biến xuyên suốt hai Tông thư “Deus Caritas Est” và “Spe Salvi” (Được Cứu rỗi nhờ đức cậy) là sự liên kết giữa tất cả các nhân đức đối thần. Đức tin cho ta niềm tin vững chắc rằng Chúa sẽ ban chính Ngài trong tình yêu cho chúng ta.
Ngài viết trong tông thư “Deus Caritas Est” rằng: “Đức tin cho biết Chúa đã ban Con Một của Ngài vì chúng ta và cho chúng ta niềm tin vinh thắng rằng điều đó là sự thật: Thiên Chúa là tình yêu! Đức tin do vậy, sẽ biến đổi sự thiếu kiên nhẫn và những nghi toan của chúng ta thành niềm tin vững chắc rằng Thiên Chúa gìn giữ thế giới trong bàn tay của Ngài, và rằng, như hình ảnh ấn tượng mà phần cuối Sách Khải huyền đã gợi lên, cho dù trong bóng tối tội ác, Ngài vẫn toàn thắng trong vinh quang. Đức tin, điều giúp ta có thể thấy được tình yêu của Thiên Chúa được hé lộ qua trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên Thập giá, gia tăng thêm tình mến.” (No. 39).
Ngài cũng viết rằng niềm tin, chính là cuộc gặp gỡ với Chúa Hằng sống trong chính đức tin, không những mở ra “những chân trời mới vượt ra ngoài phạm vi lý trí” mà còn thanh tẩy bất kỳ lý lẽ mù quáng nào. Vì vậy “đức tin cho phép lý trí làm việc hiệu quả hơn và nhận ra đối tượng thích hợp cách rõ ràng hơn”.
Tông thư “Spe Salvi”
Nay là thời điểm rất thích hợp để đọc lại Tông thư “Spe Salvi”, vì trong ba Tông thư của ĐGH, không có Tông thư nào lại tập chú về đề tài đức tin như Tông thư này. Lý do nằm ở sự đồng nhất sâu sắc trong Tân Ước giữa khái niệm của đức tin và đức cậy. Đức tin chính là “chất thể” của đức cậy, dẫn đến sự sống đời đời.
Dựa trên Thư gửi người Do Thái của thánh Phaolô, ĐGH Bênêđíctô giải thích bản chất của đức tin: “Đức tin không đơn thuần chỉ là việc một người muốn vươn đến những gì sắp xảy đến nhưng chưa hiện diện, nghĩa là nó sẽ đem đến một điều gì đó. Đức tin cho chúng ta, ngay cả hiện tại, điều gì đó thực tế mà chúng ta đang chờ đợi, và điều hiện thực này cho chúng ta một “bằng chứng” của những điều hiện vẫn chưa được tỏ bày. Đức tin phác ra tương lai ngay trong hiện tại, khiến nó không còn chỉ đơn thuần là điều “chưa xảy đến.” (No. 7).
Trong thời điểm hiện tại, ĐTC đã nhận thấy một cuộc khủng hoảng đức tin và đức cậy, điều mà ngài thấy đã xuất hiện từ thời của Francis Bacon đến ngày nay: niềm tin thời nay là một nỗ lực xây dựng vương quốc mang tính nhân loại. Nhưng niềm tin này đã làm con người thất vọng, cho thấy rằng bản thân nó là “mối đe dọa” phản bội lại phẩm giá và sự tự do con người. (No. 17-23).
Ở phần sau của Tông thư, ngài phát triển chủ đề Thế mạt qua ánh sáng đức tin – trông đợi trong tin tưởng thân xác sẽ sống lại và sự phán xét như là đường dẫn đến công lý cuối cùng. Thiên Chúa chính là Đấng đem đến công lý; đức tin cho thấy điều chắc chắn rằng cái chết không phải là hết và rằng chính Chúa sẽ thực hiện điều này. Trong sự chắc chắn này, chúng ta cũng có được niềm tin vững chắc về một cuộc sống đời đời (xem Nos. 41-44). Ngài viết: “Chỉ trong mối quan hệ với điều bất khả thi rằng bất công trong lịch sử sẽ bị luận phạt, mà cho sự trở lại của Đức Kitô và cuộc sống mới thật sự cần thiết và trở nên hoàn toàn thuyết phục.”
Tông thư “Bác Ái trong Chân lý”
ĐTC viết trong tông thư “Bác ái trong Chân lý” rằng sự thật là việc làm bác ái phản ánh gấp đôi chiều kích về đức tin, việc mà thuộc về mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Hơn nữa, Học thuyết Xã hội của GH là một “sự bối cảnh mang tính công cụ và không thể thiếu” cho sự hình thành đức tin.
Lặp lại lời ĐGH Phaolô thứ 6, ĐGH Bênêđíctô thứ 16 đã nêu rõ, trong khi lý trí có thể nắm giữ sự bình đẳng của các dân tộc, nhưng nó không thể thiết lập tình huynh đệ mà không có niềm tin. Chỉ có niềm tin vào Mạc khải của Thiên Chúa khiến chúng ta có thể nhận thức rằng chúng ta là một gia đình với Chúa là Cha. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại giữa niềm tin và lý trí trong việc phát triển con người đích thực.
Nhiều hình thức sai lầm của niềm tin đe dọa sự phát triển – tin tưởng vào sự tiến bộ của nhân loại, tin vào các tổ chức, các cơ cấu chính trị, vào công nghệ. Nhưng thiếu đức tin vào Thiên Chúa, thì tất cả những “niềm tin” này đều chỉ lợi dụng, làm yếu đi hay tiêu diệt con người. Tin vào sự hiện diện của TC trong sứ mạng phát triển đem lại mục đích và hy vọng cho những ai đang phải đối diện với một lượng công việc quá lớn như thế.
Liệu một chủ nghĩa nhân bản thiếu niềm tin có thể giúp con người trong quá trình phát triển? Đối với câu hỏi này, ĐTC đưa ra một câu trả lời gây ấn tượng: “Một chủ nghĩa Nhân bản loại trừ TC là một chủ nghĩa Nhân bản mang tính Phi nhân bản.” Sự phát triển đích thực không bỏ qua chiều kích tâm linh của con người. Do vậy, chỉ sự phát triển cởi mở với TC mới là đúng đắn với con người. ĐTC kết luận Tông thư của ngài với sự thật cốt yếu là sự phát triển cần đến lời nguyện cầu.
Noi theo Đức tin của Mẹ Maria
Điều cần thiết cho sự phát triển trọn vẹn của bản chất đức tin là nhu cầu đối với GH và thế giới. Tôi hơi ngại khi nói về những gì mà ĐGH Bênêđíctô thứ 16 sẽ nói trong Tông thư sắp tới của ngài, nhưng tôi có thể nói rằng ngài sẽ đem đến cho chúng ta một thuyết thần học phong phú về đức tin. Chúng ta có thể khẳng định về điều đó.
Nhưng chắc chắn, trong Tông thư này, như vẫn thường làm, ngài sẽ đưa lên một gương mẫu về đức tin. Đó là Mẹ Maria, Đấng mà ĐGH đã thường dành để nói về phần cuối của mỗi Tông thư.
ĐTC thường ca ngợi về đức tin của Mẹ Maria, một gương mẫu cho việc tuyên xưng Chúa Kitô và đáp lại lời mời gọi TC. Vào cuối Năm Linh Mục, ĐGH Bênêđíctô thứ 16 đã gọi Mẹ Maria là “người phụ nữ tuyệt vời của đức tin và tình yêu, người qua mọi thế hệ đã trở thành suối nguồn của đức tin, tình yêu và sự sống. (Bài giảng ngày 11-7-2010).
Ngài thường nhấn mạnh sự vâng phục của Mẹ với kế hoạch của TC qua việc Truyền Tin, hành trình đức tin của Mẹ khi chia sẻ tin vui với người chị họ Elizabeth, sự hiện diện không nao núng của Mẹ dưới chân Thập giá, và niềm hy vọng của Mẹ suốt màn đêm của thứ Bảy Tuần Thánh chờ đợi bình minh mà Con Mẹ sẽ thực hiện lời hứa.
Trong bức Tông thư “Spe Salvi”, ngài đặt câu hỏi: “Liệu đức tin của Mẹ có thể chấm hết trước đó chăng? Không, dưới chân Thập giá, bằng lời nói mạnh mẽ của chính Chúa Giêsu, Mẹ đã trở nên mẹ các tín hữu. Trong niềm tin này, niềm tin mà thậm chí trong bóng tối của ngày thứ Bảy Tuần Thánh đã sinh ra niềm cậy trông chắc chắn, Mẹ đã đi trên đường tiến đến buổi sáng Phục Sinh.” (No. 50).
Dù gì đi nữa, chúng ta cũng sẽ đến với một sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách sống “niềm tin” trong nhân đức Tin noi theo gương Đức Trinh nữ Maria, mà bà Elizabeth đã nói: “Phúc thay những ai tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện.” (Lc 1,45).
Chắc chắn đây là một nhiệm vụ lớn lao cho cuộc tĩnh tâm, để ĐGH soạn thảo tập thứ ba của cuốn Chúa Giêsu tại Na-gia-rét và một Tông thư – thời gian mà ngài sẽ làm việc trong khoảng thời gian thư thái nhẹ nhàng. Nhưng nếu có ai đó thành công, hãy tin rằng người đó không ai khác hơn là ĐTC chúng ta.
***
Kevin M.Clarke có bằng thạc sĩ Thần học của trường Đại học Franciscan tại Steubenville, và hiện đang giảng dạy tôn giáo học tại Học viện Thánh Giuse tại San Marcos, California. Ông là tác giả một chương trong phần Thánh Mẫu học của ĐGH Bênêđíctô thứ 16 trong cuốn “De Maria Numquam Satis (Nói về Mẹ Maria không bao giờ đủ): Tầm quan trọng của Học thuyết Công giáo về Đức Nữ trinh Maria đối với Nhân loại” (NXB Đại học Mỹ, năm 2009), và gần đây là cộng tác viên cho cuốn Tân Bách khoa Toàn thư Công giáo.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô