Sự sống - sự chết

Sự sống - sự chết

Theo quan niệm thông thường, sống và chết là hai cõi âm dương cách biệt. Người không có tín ngưỡng cho rằng chết là hết. Vì thế, một người đã nhắm mắt xuôi tay là ra đi mãi mãi; một người đã nằm xuống là ngàn thu vĩnh biệt. Nếu thân nhân bạn hữu có nhớ ngày kỵ giỗ, âu cũng là để ôn lại kỷ niệm về một kiếp người.

Đức tin Kitô giáo nói với chúng ta, sống và chết không hẳn là chia ly đôi ngả. Chết không phải là hết nhưng vẫn còn. Nếu cuộc đời là một chuyến đi đường dài thì lúc nhắm mắt là khi họ tới đích. Nếu cuộc sống là nô dịch gian nan thì lúc xuôi tay là khi con người được an nghỉ. Trước thi hài người vừa nằm xuống, người có đức tin chỉ nói lời tạm biệt vì tin rằng sẽ được gặp lại nhau trong cõi vĩnh hằng.

Trong những ngày cử hành cuộc khổ nạn và tưởng nhớ cái chết của Đức Giêsu, chúng ta hãy cùng suy niệm về sự sống, sự chết.

Sống và chết đang cùng hiện hữu nơi một kiếp người

Nhờ đức tin mà chúng ta có một cái nhìn mới mẻ về kiếp nhân sinh: nơi cuộc đời con người, sống và chết hoà quyện với nhau. Trong sự chết bừng lên sự sống; nơi sự sống, sự chết luôn hiện hữu. Sống và chết cùng song hành gắn bó với nhau.

Có nguời định nghĩa cuộc sống là một hành trình để tiến tới… cái chết. Thật thế, mỗi ngày sống là đời ta ngắn lại; mỗi hoàng hôn ta mất đi một ngày. Ngày đầu xuân, người lạc quan thì chúc nhau thêm tuổi; người bi quan lại thấy cái chết đến gần hơn. Sống là đang đi dần tới cõi chết. Vì vậy mà người ta gọi người già là tuổi “gần đất mà xa trời ”.

Thế nhưng, ngay trong sự chết, chúng ta lại nhìn thấy sự sống. Khi xác định kiếp người như lá rụng về cội, chúng ta lại thấy mỗi ngày qua đi làm cho ta tới gần Chúa hơn. Khi một người nhắm mắt xuôi tay lại là lúc người ấy bước vào cuộc sống mới. Vì thế người có đức tin gọi người già là tuổi “gần trời mà xa đất”.

“Người già thấy sự chết trước mặt, người trẻ thấy sự chết sau lưng”, chết và sống luôn hiện hữu trong đời một con người. Nếu chúng ta có được sự sống, là nhờ sự hy sinh của bao người. Trước hết, ta sống là nhờ cha mẹ và người thân. Quả vậy, chúng ta lớn dần lên trong sự vất vả một nắng hai sương của cha mẹ. Từ những đêm thức trắng lo toan, đến những tần tảo quanh năm suốt tháng để ta được nuôi dưỡng nên người. Trong nụ cười của chúng ta có sự chết (hy sinh) của cha mẹ. Trong niềm vui của chúng ta có đau khổ của đấng sinh thành. Và thế rồi, dầu cha mẹ có khuất núi, thì các ngài lại đang hiện diện nơi con cháu là chúng ta, vì chúng ta mang trong mình huyết nhục cũng như sự hy sinh của các ngài.

Sự sống của chúng ta còn được tồn tại nhờ biết bao loài thảo mộc cũng như động vật làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Những loài thảo mộc và động vật ấy đã chấp nhận chết đi để bữa cơm của chúng ta ngon hơn, vui hơn và nhờ đó chúng ta được sống.

Nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ giúp ta hãy sống với tâm tình hiếu thảo tri ân.

Nghĩ đến sự chết của muôn loài giúp ta tôn trọng và biết ơn thiên nhiên vạn vật.

Sống và chết là một cuộc tranh đấu không ngừng

Vì sự sống và sự chết cùng song hành nơi con người, nên cuộc đời là cuộc giao tranh liên lỷ khôn nguôi giữa sự sống và sự chết. Ranh giới giữa sự sống và sự chết thật quá mong manh: người ta có thể biến từ người sống thành người chết trong một tích tắc. Giao tranh “sống – chết” cũng là cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Một người tốt có thể trở thành kẻ sát nhân vì một cơn nóng giận không kiềm chế nổi mình. Một người hiền lành có thể trở nên kẻ hung dữ khi thiếu suy nghĩ khôn ngoan. Khoảng cách giữa tốt và xấu mỏng manh là thế. Cảm nghiệm được sự nghiệt ngã của cuộc tranh đấu ngay trong chính bản thân mình, thánh Phalô đã thốt lên: “Tôi thật là một người khốn nạn ! ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Đích điểm của con người nói chung và của người tín hữu nói riêng là vươn tới sự sống, tiêu diệt sự chết, vươn tới cái thiện, từ bỏ gian manh.

Trong cuộc chiến cam go này, chúng ta có thể chiến thắng nhờ noi gương Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đến để phục vụ con người và nói với họ về tình thương của Chúa Cha. Người đã làm mọi sự để Chúa Cha được tôn vinh. Thật kỳ diệu biết bao khi suy niệm về hình ảnh Thiên Chúa làm người. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người, trở nên bạn hữu với họ, lau khô nước mắt họ và tặng cho họ nụ cười bình an.

Khi bước ra khỏi nấm mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết. Người cũng chiến thắng sự thù ghét của những người đã lên án tử cho Người. Người không oán thù nhưng tha thứ và cầu nguyện cho kẻ giết mình; Người không hờn căm nhưng một niềm phó thác nơi Chúa Cha. Đức Giêsu là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta sống nhờ sự chết của Con Thiên Chúa

Đức tin Kitô giáo còn dạy: chúng ta sống là nhờ sự chết của Đức Kitô Giêsu. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Khi tuyên bố điều đó, trước hết Đức Giêsu muốn tiên báo cái chết của Người. Người như hạt lúa, chấp nhận hy sinh vì sự sống của nhân loại. Người chết để cho người khác được sống. Máu của Người đổ ra để cho “nhiều người được tha tội”. Đàng khác, Đức Giêsu cũng muốn qua hình ảnh hạt lúa mục nát để nói về sự hy sinh của mỗi tín hữu, vì nước trời mai sau: “Ai yêu quý mạng sống mình ở đời này, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Như thế, một đàng, người tín hữu sống nhờ sự chết của Đức Giêsu, đàng khác, trong cuộc sống làm người, họ như hạt lúa mì chấp nhận hy sinh mỗi ngày để đem niềm vui cho tha nhân, cùng với họ hướng tới đời sau. Triết lý hạt lúa bình dị mà rất sâu xa, vì nó cổ võ sự cao thượng của con người, hy sinh bản thân vì người khác, hy sinh đời này để được sống đời sau. Mỗi ngày, chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể, là tấm bánh được làm nên bởi những hạt lúa mì chịu nghiền nát, được thánh hiến do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhờ việc rước Thánh Thể, nơi chúng ta có sự sống của Chúa, Đấng yêu thương và hiến mình cho nhân loại. Khi cử hành Thánh Thể là chúng ta loan truyền sự chết của Đức Giêsu, đồng thời chúng ta tuyên xưng vững vàng Người đã sống lại và sẽ đến trong tương lai (x. 1 Cr 12,26).

“Khi nào các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). “Tôi Hằng Hữu”, đó là danh Thiên Chúa được mạc khải cho ông Môi-sen trong câu chuyện bụi gai (x.Xh 3,14). Thật là một nghịch lý! vinh quang Thiên Chúa không tỏ hiện vào những lúc huy hoàng theo quan niệm thông thường của con người. Ngài tỏ mình trong một khung cảnh trái ngược, nơi một con người trần trụi, bầm dập, đau khổ, cô đơn và bị phỉ nhổ. Chính vào lúc này, Thiên Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài. Giờ phút đau thương trên đồi Can-vê lại là một cuộc phong vương hùng vĩ của Thiên Chúa làm người. Nét đẹp của hy sinh được thể hiện qua đau khổ. Bằng chứng của tình yêu được minh chứng qua thập hình. Đức Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương đến cùng (Ga 13,1). Chính nơi thập giá, chúng ta nhận ra, chỉ có Thiên Chúa mới thể hiện tình yêu thương đến như thế. Đức Giêsu đã thực hiện điều Người đã nói về tình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Những lễ nghi Tuần Thánh giúp ta suy tư về sự sống và sự chết. Vâng, chính từ cạnh sườn bị đâm thâu qua mà chúng ta được tái sinh. Chính từ trái tim mang thương tích mà chúng ta được chữa lành. Khơi nguồn từ mầu nhiệm phục sinh, nơi sự sống của tôi có sự chết của Chúa. Nơi cuộc đời của tôi có Chúa hiện diện. Chúa ở với tôi để nâng đỡ tôi trong cuộc giao tranh khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thánh thiện và tội lỗi. Đáp lại lời Chúa dạy, tôi phải chết đi mỗi ngày, cụ thể bằng việc từ bỏ những khuyết điểm, sống quảng đại hơn với mọi người, thực hành tình yêu thương đối với anh chị em. Sự chết sẽ bị đẩy lùi và sẽ bị tiêu diệt, nếu ta chấp nhận để cho ánh sáng huy hoàng của Đấng Phục Sinh chiếu rọi trên chúng ta.

Tuần Thánh năm 2011

+Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên

Top