Sự Quyến Rũ của Mẹ
TGPSG -- Chữ quyến rũ dễ làm cho mọi người nghĩ đến mặt tiêu cực nhiều hơn, và đúng là như thế, trong toàn bộ Kinh Thánh chỉ có 11 câu có chữ quyến rũ, nhưng chỉ có 2 câu diễn tả tích cực ý nghĩa của từ này. Trong sách ngôn sứ Giêrêmia có viết: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7); còn sách ngôn sứ Hôsê viết: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).
Có phải chỉ có cái đẹp trần tục mới quyến rũ chúng ta? Sự thiện hay ân sủng có đủ sức quyến rũ chúng ta hay không? Chắc hẳn Mẹ Maria đã để cho ân sủng của Thiên Chúa quyến rũ Mẹ như ngôn sứ Giêrêmia và Hôsê vậy, và Mẹ cũng đã trở nên người đẹp đẽ, quyến rũ là nhờ đó. Còn chúng ta những người con của Giáo Hội có thật sự trở nên quyến rũ nhờ ân sủng hay không và có dám quyến rũ người khác bằng việc tin vào ân sủng hay không?
Chúng ta hỏi rằng, Mẹ quyến rũ ở điểm nào, đâu là vẻ đẹp làm cho Mẹ của chúng ta được như thế? Thưa chỉ có ân sủng, người mà được sứ thần chào mừng trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng…” Tại sao thiên thần không chỉ chào “Mừng vui lên, hỡi Maria”, nhưng lại là “Đấng đầy ân sủng”. Nếu chúng ta đọc những đoạn Kinh Thánh này trong cái nhìn tổng hợp về ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta sẽ nhận ra rằng, ân sủng luôn là việc “đi bước trước” của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Cantalamessa đã có một nhận định rất hay khi nói về lề luật và ân sủng trong câu Lời Chúa “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17); ngài nói: “Điều đó có nghĩa là không phải việc tuân giữ các giới răn sẽ làm cho Nước Thiên Chúa đến; nhưng chính sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa mới cho phép việc tuân giữ các giới răn. Con người không đột nhiên thay đổi và trở nên tốt hơn để Nước Trời có thể đến với trần gian. Không, con người vẫn như vậy, nhưng chính Thiên Chúa, vào thời viên mãn, đã sai Con của Ngài đến, nhờ đó ban cho con người khả năng thay đổi và sống một cuộc sống mới.”[1]
Trước đây, chúng ta biết đến một cuộc cách mạng Copernic đảo ngược về định luật Mặt trời quay quanh Trái đất thành Trái đất quay quanh Mặt trời; thì giờ đây chúng ta có một cuộc cách mạng khác trong suy nghĩ về ân sủng của Thiên Chúa. Không phải con người cố gắng làm ơn phúc đức rồi chỉ nhờ vào đó để lay động lòng thương xót, tình yêu thương, sự tha thứ của Thiên Chúa.
Không phải vậy! Nhưng là Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc, đi bước trước để ban ân sủng, tình yêu cho con người trước để rồi nhờ đó con người có khả năng để sống tốt, để làm ơn làm phúc. Như thế chúng ta mới thấy được, vẻ đẹp của Đức Maria, sự quyến rũ của Mẹ nằm trong ý nghĩa này. Đó là Mẹ đẹp là nhờ Thiên Chúa, và Mẹ có khả năng quyến rũ cũng là nhờ được tràn đầy ân sủng. Bức tranh mà chúng ta đang chiêm ngắm đó là một người nữ thấp hèn, rất bình dân ở làng quê nhưng vẻ đẹp và quyến rũ hiện lên trên một hậu cảnh có tên là ân sủng. Bức tranh rất đẹp không phải do người nữ, nhưng là do hậu cảnh.
Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì không đủ. Ân sủng Mẹ đã được lãnh nhận sẽ có ý nghĩa tròn đầy nếu có hành vi đáp trả của Mẹ. Hành vi mà Đức Maria đã đáp trả đó là gì nếu không phải là “Tin”. Chúng ta không thể xem nhẹ hay lãng quên về cuộc sống đầy thử thách, gian truân của Mẹ dù biết là Mẹ đã được “đầy ân sủng”. Trong Tân ước, hành vi tin của Mẹ là một câu hát điệp khúc được lặp đi lặp lại giữa tất cả mọi trạng huống cuộc sống của Mẹ. Tin Mừng Luca với câu chuyện Thiên thần Gabrien chào mừng Mẹ và sự đáp trả “Xin vâng” trong tin yêu của Mẹ dành cho kế hoạch Thiên Chúa; hay là câu chuyện Mẹ cùng với Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới trong Tin Mừng Gioan, Mẹ đã ngỏ lời với Con của Mẹ với cả một đức tin trọn vẹn, rồi Mẹ bảo các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5) ; và thái độ tin khi lắng nghe và thi hành Lời Chúa của Mẹ đã được Chúa Giêsu khen ngợi một cách vừa kín đáo vừa công khai trong Tin Mừng Matthêu; tuy nhiên, có một thời điểm rất đặc biệt mà chúng ta không thể bỏ qua đó chính là lúc mà giọng hát của Đức Maria đạt đến nốt cao nhất giữa lúc màn đêm tối nhất bủa vây của Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Mẹ đang ở dưới chân thánh giá nhìn lên Chúa Giêsu sắp tắt thở, Mẹ đã tin đến cùng trong khi lòng Mẹ thì đau đớn đến tột độ. Giữa màn đêm tối nhất, giữa lúc bi thảm nhất, bi thảm đến mức chính Người Con, Đấng sẽ mang lại niềm hy vọng, Đấng là chỗ cho Mẹ cậy dựa, Đấng mà từ đó, Mẹ được đầy tràn ân sủng, Đấng đó đang thoi thóp trên thánh giá; thật kỳ diệu và quyến rũ biết bao đó là ngay lúc đó Mẹ vẫn tin mình là “Đấng đầy ân sủng”; bởi vì Mẹ vẫn luôn nhìn thấy hậu cảnh của bức tranh thánh giá.
Sự quyến rũ đó cũng đã hiện lên khi chúng ta suy nghĩ tại sao sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh, thì nhiều năm sau đó, các thánh sử lại có thể viết được những trang sách Tin Mừng để ca ngợi đức tin của Mẹ Maria như thế. Chúng ta biết rằng, “Thánh Kinh được viết chủ yếu trên trái tim của Hội Thánh hơn là trên những vật liệu thể chất”[2]. Điều chúng ta phải thán phục đó là Mẹ đã sống một cuộc đời rất cụ thể, rất bình dị nhưng cũng rất trổi vượt vì Mẹ đã tin. Nét đẹp rất thật đó đã đi vào trong trái tim của Giáo Hội, ký ức sống động của Giáo Hội mà chúng ta gọi là Thánh Truyền; và từ đó, Thánh Thần đã vẽ nên khuôn mặt Maria qua các Tin Mừng thật quyến rũ nhờ đức tin của Mẹ; một đức tin rất thật, rất rõ ràng, rất cụ thể và đã in vào trong tâm trí của dân làng Nazareth thời đó, cũng như những Kitô hữu sơ khai lúc bấy giờ.
Chiêm ngắm Mẹ Maria với sự quyến rũ thật hấp dẫn lôi cuốn chắc chắn không thể làm cho chúng ta quên được một người Mẹ nữa; và khi nói đến người Mẹ này, thì cũng là nói đến mỗi Kitô hữu chúng ta; người Mẹ này cũng quan trọng không kém, thậm chí là quan trọng hơn, đó chính là Mẹ Giáo Hội. Thánh Augustino đã nói rằng: “Đức Maria thánh thiện, Đức Maria được chúc phúc, nhưng Giáo hội quan trọng hơn Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao vậy? Bởi vì Đức Maria là một phần của Giáo Hội, một thành viên thánh thiện, xuất sắc, trổi vượt hơn tất cả những thành viên khác, nhưng Mẹ vẫn là một phần của toàn thân thể. Nếu Mẹ là một chi thể của toàn thân thể thì chắc chắn thân thể quan trọng hơn một chi thể.”[3]
Chúng ta nghĩ gì về vẻ đẹp quyến rũ và sự thánh thiện nơi Mẹ Giáo Hội của chúng ta. Chúng ta không thể nào để cho Mẹ Giáo Hội chúng ta khác với Mẹ Maria được; không thể nào để cho Mẹ Giáo Hội bị thương nặng trong khi chúng ta ca ngợi về Mẹ Maria được!
Thời các tông đồ, Giáo Hội đâu phải toàn là “màu hồng”, thời đó cũng tràn đầy những thói tục của ngoại giáo thấm nhiễm, cũng đầy những tội lỗi của những Kitô hữu, thậm chí còn có những người được mệnh danh là “phản Kitô”. Thời các Giáo phụ thì ồ ạt những lạc giáo. Thời Trung cổ, dù là được xem rất là thịnh vượng nhưng Giáo Hội thời đó đã bị nhiễm nặng mùi tục hóa của thế quyền. Thời Cận đại, hiện đại thì bị nhiễm mùi của chủ nghĩa khoa học, thực chứng, vô thần. Còn hiện nay, thì ĐTC Phanxicô lại muốn diễn tả một thứ tục hóa trong Giáo Hội rất nguy hiểm với một cái tên mới lạ, đó là “trần tục thiêng liêng”… Dường như Giáo Hội thời nào cũng có tội lỗi, sự dữ. Thế nhưng, mỗi Kitô hữu chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta đã có lúc làm xấu Mẹ Giáo Hội. Trong Gaudium et Spes, số 19 có viết: “các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo.”. Chúng ta có lỗi khi không sống đức tin, nghĩa là không tin vào Thiên Chúa, không tin vào ân sủng trong cuộc đời này. Chúng ta đã quên mất đi hậu cảnh ân sủng nơi bức tranh tổng thể của Mẹ Giáo Hội chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng, Mẹ Maria, các thánh tông đồ, các giáo phụ, các thánh sáng lập dòng… không phải đã làm cho Giáo Hội hấp dẫn, quyến rũ được nhiều người trước nghịch cảnh của sự dữ, tội lỗi lan tràn là nhờ đức tin đó sao? Giáo Hội hiện tại mà chúng ta đang sống liệu rằng có thể quyến rũ người khác bằng ân sủng và đức tin hay không?
Chúng ta đều xác tín rằng, Giáo Hội được sinh ra từ ân sủng, Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô và Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Cho nên, Giáo Hội cũng thật đáng để gọi là “đầy ân sủng”. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng không phải là “đầy ân sủng”, dĩ nhiên chúng ta không được diễm phúc như Mẹ nhưng ít ra chúng ta giống Mẹ. Chúng ta không phải là những người đã nhận được tràn đầy ân sủng trong ngày Rửa tội, Thêm sức hay sao? Chúng ta không phải là những người đẹp, có khả năng lôi cuốn đó sao? Nhưng chưa đủ, chúng ta có tin giống Mẹ Maria hay không? Tại sao chúng ta không xin Thiên Chúa gia tăng thêm đức tin cho chúng ta? ĐTC Phanxicô gần đây có tếu táo về nhân đức này: “đây là nhân đức duy nhất mà chúng ta được phép ghen tị.”[4]
Tuy nhiên, trong thế giới này, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta vẫn còn có một vẻ đẹp quyến rũ khác làm cho chúng ta bị mê muội, cái đẹp đó được trang điểm bởi một loại son phấn của thế gian, loại son phấn mang tên “pêlagiô” với nhãn hiệu: “Bàn tay ta, sức lực ta, đầu óc ta, con người ta làm nên tất cả”. Tưởng chừng nó hấp dẫn lôi cuốn thật, nhưng dần dần mới thấy được, con người có thể tưởng là làm nên tất cả đó rồi cũng kiệt sức, hao mòn, rụng rời và buông xuôi theo năm tháng. Đến khi nhìn lại thì ta mới bàng hoàng là một khuôn mặt thật khô khan, hốc hác đang dần dần lộ diện dưới một lớp son phấn dày đặc, giả dối; đó là một bức tranh thật xấu xí và ảm đạm vì không có hậu cảnh ân sủng.
Mẹ của chúng ta đẹp, mộc mạc, chân thật và quyến rũ là nhờ đức tin vào ân sủng. Là những đứa con của Mẹ, chúng ta phải đẹp giống Mẹ! Nhiều lúc chúng ta đều thấy rằng đức tin của mình sao khác với đức tin của Mẹ Maria quá! Và có lẽ vì thế mà Giáo Hội chúng ta vẫn chưa đẹp, chưa hấp dẫn, quyến rũ được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ… Khi nào chúng ta có thể đẹp quyến rũ giống Mẹ? Điều đó không ai biết; thế nhưng một sự thật mà chúng ta cần nhận ra đó là đức tin sẽ làm cho quảng đường xa sẽ trở nên rất gần, sẽ biến đổi sự chết thành sự sống, sẽ làm cho những người sau hết lại trở nên trước hết: đức tin có thể làm cho những người thu thuế, gái điếm có thể vào Nước Trời trước (Mt 21, 31); đức tin có thể đưa kẻ tử tội vào được thiên đàng ngay ngày hôm nay (Lc 23, 42-43); và thật vĩ đại hơn bao giờ hết chính đức tin của Mẹ Maria đã làm cho khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người trở nên thật gần gũi, mật thiết hơn bao giờ hết! Đức tin xóa bỏ mọi khoảng cách giữa trước và sau, giữa xa và gần, giữa sống và chết. Đó mới thật là một vẻ đẹp có sức quyến rũ mãnh mẽ!
Mẹ thật đẹp, quyến rũ, thật duyên dáng, mỹ miều, Mẹ “khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1); Mẹ được phủ đầy ân sủng và do đó Mẹ có khả năng quyến rũ. Giáo Hội chúng ta chắc chắn cũng sẽ quyến rũ và hấp dẫn như thế; không thể nào là già nua, hốc hác vì Mẹ Giáo Hội cũng tràn đầy ân sủng. Chắc hẳn Mẹ Maria đang phù hộ chúng ta bằng cách Mẹ quyến rũ chúng ta tin vào ân sủng của Chúa và khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ là lúc chúng ta cũng đang được quyến rũ bởi Mẹ - Đấng đầy ân sủng. Mẹ Maria sẽ phù hộ chúng ta để chúng ta có thể đẹp quyến rũ như Mẹ vậy! Xin mượn tâm tình của thánh Augustinô, hy vọng rằng, đây cũng chính là mơ ước và nguyện cầu của mỗi người chúng ta trong tâm tình của Tháng Hoa để dâng lên Mẹ; thánh nhân đã nói rằng: “Đức Maria đã tin, và điều Mẹ tin đã trở thành hiện thực trong cuộc đời Mẹ. Chúng ta cũng hãy tin rằng điều đã thành hiện thực nơi Mẹ cũng có thể mang lại lợi ích cho chúng ta!”[5]
Đaminh Trường Sơn, SDB (TGPSG)
[1] Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, O.F.M
Bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Mùa Vọng 2023: Bài 1 - Tiếng của người kêu trong sa mạc,
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-tinh-tam-danh-cho-giao-trieu-mua-vong-2023-bai-1-tieng-cua-nguoi-keu-trong-sa-mac-53189
[2] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 113
[3] Augustinô Bài giảng, 215,4.
ĐHY Cantalamessa, Bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Mùa Vọng 2023: Bài 2 - Em thật có phúc, vì đã tin
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-tinh-tam-danh-cho-giao-trieu-mua-vong-2023-bai-2-em-that-co-phuc-vi-da-tin--54334
[4] GIÁO LÝ VỀ THÓI XẤU VÀ NHÂN ĐỨC (01.05.2024): BÀI 18 - ĐỨC TIN
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-ve-thoi-xau-va-nhan-duc-01052024-bai-17---duc-tin
[5] Augustinô Bài giảng, 215,4.
ĐHY Cantalamessa, Bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Mùa Vọng 2023: Bài 2 - Em thật có phúc, vì đã tin
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-tinh-tam-danh-cho-giao-trieu-mua-vong-2023-bai-2-em-that-co-phuc-vi-da-tin--54334
bài liên quan mới nhất
- Nét đẹp của giờ kinh Mân côi
-
Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà -
Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm