Sáng tạo trong cuộc sống thường ngày

Sáng tạo trong cuộc sống thường ngày

Sáng tạo trong cuộc sống thường ngày

SÁNG TẠO TRONG VIỆC HỌC Ở BẬC ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC

Tại hội thảo do chương trình Song bằng Quốc tế Olympia tổ chức ngày 21/12/2019, thầy Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ), chỉ ra sáu năng lực học sinh còn thiếu, dẫn đến trượt học bổng du học hoặc không thể trụ được khi học tập trong môi trường quốc tế. Năng lực đầu tiên mà tiến sĩ Hiếu đề cập là Tư duy sáng tạo. Tại cuộc hội thảo, tiến sĩ cho biết:

Khi đưa ra câu hỏi “Cây cần gì để lớn”, nhiều học sinh THCS trả lời là đất, nước, không khí, ánh sáng, dinh dưỡng. Câu trả lời không sai và thường được điểm 9, 10 nếu đang trong một buổi học bình thường trên lớp. Thế nhưng, khi dùng câu trả lời này trong một buổi phỏng vấn xin học bổng du học, khả năng cao là bạn sẽ trượt bởi nó cho thấy bạn chỉ nắm được kiến thức mà hầu hết học sinh khác cũng biết chứ không thể hiện được tư duy sáng tạo.

Thay vào đó, nếu các bạn đưa ra được những câu trả lời mới lạ hơn như cây cần sự chăm sóc, thời gian để lớn, cần âm nhạc để không bị stress… bạn sẽ được đánh giá cao. Nhà tuyển sinh thích thú và trao học bổng cho những người mà khi đụng đến một vấn đề, đầu của họ đã nghĩ tới những câu trả lời khác hơn số đông còn lại.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Hiếu, các sinh viên muốn tiến xa hơn cần có thêm những năng lực khác như: Viết lập luận và phân tích; Tư duy phản biện (đặt câu hỏi); Giải quyết vấn đề đa chiều; Thông minh cảm xúc (biết quản lý tốt cảm xúc cá nhân); Quản lý con người (nếu không quản lý được cảm xúc thì cũng khó quản lý được người khác).

Những năng lực này không phải tự nhiên mà có. Chúng là kết quả của việc học có phương pháp, biết sắp xếp thời gian học, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí cho phù hợp, ham thích việc đọc sách và đọc với tâm trạng chủ động và phê phán, đọc với tâm trạng hiếu học và chú tâm, kiểm soát tốt việc sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ.

SÁNG TẠO TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY

    1. Cuộc sống thường ngày và sáng tạo

Không phụ thuộc vào vấn đề lớn hay nhỏ, sáng tạo luôn đi liền với cuộc sống hằng ngày, thể hiện ở sự độc đáo trong cuộc sống mà trước hết ở “năng lực sống sót” và phát triển.

Khác với quan niệm trước đây, sáng tạo chỉ được coi là có chỗ trong khoa học, nghệ thuật, và do vậy hoạt động sáng tạo dành riêng cho những người kiệt xuất. Chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của mình, và chúng ta đánh mất cơ hội phát triển khả năng sáng tạo của mình.

Sáng tạo thường ngày không cụ thể về hoạt động nào mà về cách tiếp cận cuộc sống, giúp chúng ta mở rộng kinh nghiệm và lựa chọn, và chính việc đó đã tác động sâu sắc đến việc chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành người như thế nào.

Sáng tạo thường ngày cho chúng ta sự thú vị, năng lượng và cả những thách thức nữa. Màu sắc trở nên tươi mới hơn, âm thanh trở nên ngọt ngào hơn với sáng tạo thường ngày. Thậm chí một thời khắc của mưa rơi tí tách, của cơn gió hiu hiu cũng cho chúng ta sự ngạc nhiên. Nó cho ta cơ hội kiến tạo và làm mới lại mọi thứ.

    1. Quan niệm về sáng tạo trong cuộc sống thường ngày

Sáng tạo cần đáp ứng hai tiêu chuẩn: độc đáo và có ý nghĩa (có giá trị). Sáng tạo là tạo ra cái gì mới cho dù đó là hành vi hay ý tưởng. Sản phẩm mới không phải là tình cờ, cũng không theo phong cách quen thuộc. Các nhà tâm lý, triết học, giáo dục và các nhà khoa học trong các lãnh vực khác cũng như các nhà nghệ thuật quan tâm đến nguồn gốc của tính độc đáo hay tính mới trong kinh nghiệm con người.

Nhà triết học và giáo dục học John Dewey xem xét tính thẩm mỹ, tính phong phú của cuộc sống. Tính thẩm mỹ được hòa quyện vào việc chúng ta sống mỗi ngày như thế nào. Một công nhân làm việc trong công xưởng với tinh thần trách nhiệm cao, với sự say mê và cảm xúc tốt. Điều này có nghĩa là người đó đang gắn bó với công việc một cách “nghệ thuật”. Có thể nói, công nhân này làm việc với tinh thần sáng tạo.

Freud và trường phái phân tâm học coi ý tưởng sáng tạo là sự thăng hoa từ những xung đột vô thức hay tiềm thức thành trạng thái cân bằng hơn.

Các nhà tâm lý học nhân văn và nhân cách thì nhìn vào các khía cạnh phát triển có tính định hướng của cá nhân và coi sáng tạo như là trung tâm của sự phát triển liên tục của con người.

Còn nhà tâm lý học Maslow thì quan tâm đến sáng tạo như là sự “tự hiện thực bản thân” (self-actualization). Chúng ta sẽ nói rõ hơn quan niệm này trong phần kế tiếp.

    1.  Sáng tạo là năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người

Sáng tạo thường ngày là một trong những năng lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta sống sót, tác động tới sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta, tạo ra sự phong phú và những lựa chọn đa dạng trong công việc và giúp chúng ta phát triển về năng lực và nhân cách.

Sáng tạo thường ngày liên quan đến việc chúng ta làm công việc hằng ngày như thế nào. Chúng ta thích nghi một cách mềm dẻo, thử các phương án khác nhau…

Sáng tạo thường ngày liên quan đến phẩm chất được Maslow nhắc đến như sự tự hiện thực bản thân, nghĩa là thực hiện ở mức cao nhất những tiềm năng của mình. Vd. một nghệ sĩ thể hiện tiềm năng sáng tạo, một bậc cha mẹ có tài tề gia, một giáo viên dầy công đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành đạt… Đó là xu hướng làm mọi cái một cách sáng tạo. Maslow phát hiện rằng những người có xu hướng tự hiện thực bản thân sẽ sống hạnh phúc hơn, hoàn thiện hơn, bình an và có động lực cao trong tìm kiếm cách thức làm việc mới.

Mỗi người đều có tiềm năng sáng tạo, nhưng sự thể hiện ra bên ngoài rất khác nhau, nguyên nhân do những cản trở bên trong hoặc bên ngoài khác nhau.

    1. Những cản trở bên trong đối với sáng tạo thường ngày

Chúng ta gặp cản trở khi có tư duy tiêu cực về bản thân và nghĩ rằng mình không có khả năng để làm điều này điều nọ. Có lúc chúng ta sợ rằng sáng tạo là “không bình thường” vì sáng tạo tiềm ẩn một nguy cơ nào đó. Để thay đổi, chúng ta phải có cái nhìn khác đi, cởi mở hơn với chính mình, bỏ đi những lo ngại, những buồn phiền bên trong.

    1. Những cản trở bên ngoài

Cản trở từ thói quen của người lớn. Người sáng tạo thường bị coi là nỗi đe dọa, là người khiêu khích, người gây phiền toái và tạo ra những thay đổi. Khi một nhân viên muốn thay đổi cách bài trí trong văn phòng thì người quản lý thường từ chối rằng “xưa nay vẫn vậy, đừng làm khác!” Khi đứa bé nói rằng chúng có một ý tưởng gì đó thì người lớn trả lời rằng “không có thời gian để nghe những chuyện vớ vẩn”. Đứa trẻ cứ thế lớn lên mà không phát triển được óc sáng tạo.

Môi trường học đường. Trẻ ít sáng tạo thường có trách nhiệm, đáng tin cậy, chân tình, chúng thường được giáo viên khen ngợi. Trong khi đó, trẻ sáng tạo thường ưa thích đặt ra luật chơi, có cảm xúc hơn, bốc đồng và ít tuân thủ hơn. Những đặc điểm này thường không được giáo viên ưa thích. Trong thời gian học tại Đại chủng viện, tôi thích làm nhiều cái mới cho cuộc sống tu trì mang sắc thái vui tươi, trẻ trung, hăng say và sáng tạo. Ban đầu, các thầy đàn anh góp ý với tôi “mọi thứ trước nay đều chuẩn mực rồi, chớ có thay đổi, thêm bớt điều gì!” Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm “sáng chế” một vài điều mới liên quan đến âm nhạc, hội họa, và cả trong việc viết các khảo luận nữa. Tạ ơn Chúa, những cái mới đó đã được các anh em trong Đại chủng viện tán thành. 

Sáng tạo bị cản trở bởi những lực cản có ý thức và vô thức từ bên ngoài. Đổi mới, sáng tạo làm thay đổi cái cũ và điều đó đe dọa sự tồn tại của cái cũ. Lực lượng chống đối đổi mới rất mạnh, trong khoa học cũng như trong quản lý. Vấn đề không phải là quan điểm đổi mới đúng hay sai mà là các ý kiến có được đưa ra tranh luận tự do hay không, và kết luận cuối cùng có được đưa ra dưới sức ép của số ít người có quyền lực hay không. Nếu sức ép của môi trường giảm đi, sự tranh luận cởi mở, ý tưởng mới được khuyến khích, tư duy và văn hóa của cá nhân và của nhóm sẽ có cơ hội phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường sáng tạo thường ngày.

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: WGPSG

CÁC BÀI VIẾT VỀ SÁNG TẠO:
Óc sáng tạo trong khoa học & nghệ thuật
Sáng tạo trong cuộc sống thuờng ngày
Những đặc điểm của cuộc sống sáng tạo
- Những nẻo đường sáng tạo nên thánh.

Top