Quà tặng

- Nè, anh ơi, đây xuống Chợ Lớn bi nhiêu vậy?

- Dạ, Chợ Lớn, mà chổ nào chị?

- Ngay cửa chợ Bình Tây cho tui xuống.

- Dạ, cho em mười hai đồng.

- Tám đồng… Thôi, mười đồng.

- Dạ được, mời chị lên.

Vừa trả lời, Tường vừa hạ càng xe xuống sát đất. Chị phụ nữ đẫy đà bước vội lên xe, tay phải cầm chặt giỏ hàng to tướng.

- May cho mình là trong giỏ không có hàng, bà này đi Chợ Lớn lấy hàng đây... Tường vừa rướn người cố sức đạp lấy trớn, vừa suy nghĩ mông lung.
Mặt trời đã đứng bóng. Ban nãy, Tường đang đẩy xe ghé vô tiệm cơm bình dân cặp bên hông chợ Bà Chiểu, định kêu một dĩa cơm đậu hũ kho... nào ngờ bà khách này đến gọi Tường chạy tiếp. Anh cúi rạp người xuống, dồn hết sức xuống hai bàn chân, cố đạp thật nhanh đến chợ Bình Tây để còn ăn cơm, anh cảm thấy đói cồn cào. Ở dưới đó có nhiều quán cơm bình dân, ngon mà rẻ...

- Ghé vô, ghé vô...

Đang đạp ngon trớn, anh giật mình, ngửa người với tay ra phía sau yên xe kéo mạnh càng thắng. Chiếc xe xích lô già nua lết bánh xoèn xoẹt trên mặt đường.

- Sao? Chị...

- Sao anh không kéo mui xe lên dùm tui, nắng quá nè!

Tường vội nhảy xuống, bật mui lên. Xong, anh vội nhảy thót lên yên xe, mải miết đạp, cố lờ đi những lời lầm bầm của bà khách về cái mui xe rách tơi.

Trời không chút mây, nắng thật. Mấy ngày giáp tết, mặt trời rực lửa. Sài gòn nóng bức lạ. Mồ hôi anh đổ dài từ trán xuống ướt đẫm đôi chân mày, chui vào tận hai khóe mắt; cũng từ lưng anh toát ra ướt cả áo, đẫm cả thắt lưng. Tường gắng sức đạp nhanh để mong có chút gió làm dịu bớt mồ hôi, nhưng anh càng cố sức đạp mồ hôi càng đổ ra như tắm. Mới cách đây mươi lăm ngày, ông trời còn mưa tầm mưa tã... Anh thuê chiếc xe xích lô này đã gần hai năm. Không phải vì xe mướn mà anh không thay mui đâu. Tiền đâu mà thay tấm mui mới. Cái nón lá trên đầu anh còn tơi tả hơn cái mui xe nhiều! Xe đẹp, khách đông. Biết vậy, nhưng cái khó bó cái khôn. Hai đứa con anh còn quá nhỏ, vợ thì đang mang bầu. Nghề chạy xe bữa nắng bữa mưa. Tiền thuê nhà phải sòng phẳng bất kể tháng mưa hay tháng nắng. Gặp ngày đắt khách, anh liền mua chút thịt về để cải thiện bữa ăn cho hai đứa nhóc đang tuổi háu ăn, và còn bồi dưỡng cho đứa nhỏ trong bụng mẹ nó... Do đó tết tới, nắng gắt, mà anh cũng không kiếm đâu ra mươi đồng để thay tấm mui và sơn mới chiếc xích lô đã bạc màu qua bao mùa mưa nắng như mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” của các cụ ngoài bảy mươi!

Nghĩ tới đây, thì xe cũng vừa trờ tới cổng chợ Bình Tây. Bà khách béo phì nặng nề bước xuống khỏi xe. Nhẹ nhàng. Anh tà tà đạp xe tìm đến quán cơm quen thuộc. Bất ngờ một bà khách khác, hai tay xách hai giỏ đầy, bước lên xe và bảo anh chạy về cảng 4, quận 4. Không kịp gọi cơm, anh lại tiếp tục đạp xe.
Chiếc xe thân thương của anh cố sức đi ngang qua nhiều chợ nhỏ, chợ lớn. Nhiều chợ hoa muôn màu muôn vẻ đã lùi lại phía sau anh. Thật sự Tường không dám nhìn thẳng vào hàng hàng lớp lớp những chậu hoa rực rỡ sắc xuân ấy mặc cho bụi, khói giăng giăng phủ ngập thành phố này. Không phải anh muốn trốn chạy khỏi ánh xuân đang đến, nhưng đúng hơn anh không muốn gợi nhớ đến những ngày tết nhà anh đầy hoa, những mùa xuân sung túc bạc tiền và ngất ngưỡng danh vọng trong quá khứ của anh… Đã quá trưa, mà chợ nào cũng còn tấp nập người mua. Kẻ ra người vào, chen lấn nhau. Tường cũng được đông khách. Tết có khác. Quên đi cái đói cồn cào, anh cố sức đạp, đạp mãi, đạp mãi...

- Hôm nay nhịn cơm một bữa cũng không sao, vì một năm mới có tết một lần. Thời cơ kiếm tiền đây mà! - anh thầm nghĩ vậy.

Ngày hôm qua, thấy nhà hàng xóm mua sắm tết, vợ anh thinh lặng không nói gì. Sáng nay, khi anh chuẩn bị đẩy xe ra thì vợ anh nói.

- “Xin Chúa cho anh chạy xe đắt khách, để mai em đi chợ tết mua thịt, mua mứt cho mấy con”.

Đứa con trai cũng thỏ thẻ với anh:

- “Hồi tối, con với mẹ có cầu xin Chúa cho ba chạy xe có tiền nhiều... Ba nhớ mua cho con một ký thịt heo với hai trái dưa hấu nhe”.

Hôm nay là 28 tết rồi, nhà anh chưa sắm sửa gì! Người ta làm cơ quan có tiền thưởng tết, vợ ôm tiền rủng rỉnh sắm tết. Còn nghề lang thang này, ngày tư cũng như ngày tết. Trừ phi có trúng số !

Ngồi chót vót trên cao, anh vừa cố đạp cho nhanh, vừa liếc mắt xuống, nhìn mãi hai giỏ xách đầy ắp hàng tết của bà khách giàu tiền đang ngồi bên dưới: nào thịt, nào giò chả, nào bánh mứt... buồn, tủi cho thân phận nhập cư của gia đình anh.

Đời anh đã một thời vi vút trên cao. Suốt hai năm qua, có rất nhiều vị khách đã ngồi bảnh chọe trên chiếc xe xích lô đạp cà tàng này, nhưng không ai hiểu được quá khứ của anh. Một quá khứ không đến nỗi tệ!

Tường là một sĩ quan của chế độ cũ. Vợ anh là một cô giáo chánh ngạch hẳn hoi. Anh đã từng được cấp một chiếc xe Jeep và một tài xế riêng. Ngoài việc theo anh trong công vụ, hàng tuần chú tài xế trung sĩ còn đưa vợ anh đi chợ mua sắm nữa...

Sau khi học tập cải tạo về, anh đã đến nhiều cơ quan xin việc... Khi nhìn thấy lý lịch anh xám đen, họ lạnh lùng từ chối dù vẫn biết chất xám anh có thừa... Anh đành chạy xe đạp ôm để cải thiện kinh tế gia đình. Sống với đồng lương còm của cô giáo không được phép dạy kèm tư gia, gia đình anh thiếu thốn mọi thứ. Thế mà suốt mười năm anh đi học tập cải tạo, người vợ đảm đang đã làm tròn bổn của người mẹ và cả bổn phận của người cha thay cho anh, để nuôi dạy hai con mọn, lúc đó một đứa chưa được ba tuổi còn đứa kia mới tròn ba tháng tuổi. Vợ anh buồn bã kể lại, trong thời buổi “củi quế gạo châu” ấy, cả ba mẹ con ăn hạt bo bo thay cơm gạo là chuyện thường ngày. Anh mãi ghi nhớ công ơn ấy của vợ. Ngày đoàn tụ, nhìn hai đứa con gầy guộc, mà lòng anh quặn đau.

Đứa nhỏ mười tuổi phải gần mười ngày sau mới gọi Tường, một người “khách lạ”, bằng tiếng BA nho nhỏ... Sống ở tỉnh lẻ ấy quả thật khó khăn! Anh muốn lên thành phố này với một hy vọng sẽ khấm khá hơn, và cũng vì muốn quên đi một quá khứ vi vu ngày nào... Vợ anh thinh lặng, nhưng anh hiểu nàng cũng quá xót xa cho anh trong nghề xe đạp ôm. Ông sĩ quan ngày trước luôn có tài xế đưa đón, lên xe xuống ngựa, nay phải đón khách từ bến phà tỉnh lẻ đi khắp hang cùng ngõ hẻm của cái thị xã rất đỗi bình lặng và an phận này...

Rồi trong một ngày mùa hè đỏ lửa màu phượng vĩ, vợ chồng anh đã âm thầm giã từ thị xã u buồn và bình lặng, đã chứng kiến biết bao kỷ niệm đẹp của thời “thanh mai, trúc mã” và những kỷ niệm vàng son của thời thượng ấy... Riêng nàng, không dám giã từ đám học trò coi cô như mẹ để khăn gói lên thành phố này. Khi gia đình anh chầm chậm bước chân lên chiếc phà bập bềnh quen thuộc từ tấm bé, có lẽ chỉ có tiếng nhạc ve sầu nhẹ nhàng tiễn đưa, tiếp đó là tiếng còi phà lạnh lùng dội xuống mặt sông, bật lên không trung, rú lên inh ỏi báo hiệu giờ rời “bến xưa”, làm ù tai nhói tim những kẻ trên đường tha phương cầu thực!...

- Cho xuống, cho xuống đi.

Giọng nói the thé của bà khách kéo giật anh trở về với thực tại, giã từ khỏi dĩ vãng sống động mà anh không bao giờ quên. Bà khách trả tiền, bước vào ngôi nhà sang trọng, đóng cửa lại. Nhưng anh vẫn còn đứng tần ngần, ngó sang bên kia đường. Đó là lối vào một ngôi chợ gì đó mà anh không biết tên. Một ngôi chợ khá sầm uất. Bóng người thấp thoáng ra vào…Anh chỉ cảm nhận vậy thôi, ngoài ra anh không có một cảm thức gì rõ nét. Có lẽ những hoài tưởng vi vu trên cao chưa thả hồn anh xuống thực tại mặn đắng mồ hôi của anh hiện giờ.

Sau tiếng hú ga của chiếc xe gắn máy đời mới vọt nhanh ngang tầm mắt, bỗng anh thấy một vật gì to, nặng, rơi bịch xuống lòng đường... Anh cố nhướng mắt nhìn kỹ. Nhưng cái nắng gay gắt của đất Sài Thành, cái đói âm ỉ gặm nhấm âm thầm nhưng cũng gay gắt không kém làm mắt anh mờ đi... Sau một lúc định thần nhìn kỹ, anh đã thấy rõ một mảng thịt đang nằm vừa hớ hênh, vừa gọn ghẽ trong một tấm lá chuối to trên mặt đường nhựa, cách chỗ anh đứng khoảng hai mét.

- Ai làm rớt vậy?

Anh vừa tự hỏi vừa rảo mắt nhìn quanh xem có ai đến nhặt lên không. Nhưng năm phút, rồi mười phút trôi qua, không ai đến nhặt. Chỉ thấy nhiều xe cộ ngược xuôi qua lại. Thậm chí không ai đến gần khối thịt ngon lành đó. Không ai để ý tới nó, rõ ràng không ai nhìn thấy nó, ngoại trừ anh.

- Tôi có thể lượm lên và mang về cho gia đình không? Một phần thịt ngon “trong tầm tay” nhưng lại ngoài khả năng tài chánh của tôi! Tôi có bị tội tham của người không? Của vô chủ mà! Không, có chủ chứ! Nhưng chủ làm rớt, không hay biết và bỏ đi rồi! Nhưng có thể kẻ đánh rơi sẽ quay trở lại. Bao lâu nữa? Khi chủ quay lại, có lẽ một chiếc xe tải nào đó đi ngang qua sẽ làm dập nát nó rồi chăng? Sau một hồi đấu tranh tư tưởng giữa lấy hay không lấy, anh từ từ bước ra đường để nhặt cục thịt ấy... nhưng!

- Trời! Trời! Trời ơi! ...KÉT, KÉT, KÉT

Anh giật nẩy mình. Chết, kẻ đánh rơi đã quay lại, anh nghĩ vậy.

- Không có ai quay lại!

Nhưng có một chiếc xe hơi đã rướn sát bên anh, vừa dừng lại, rít bánh, cách anh nửa gang tay. Anh tài xế trẻ, thò đầu ra khỏi xe, miệng làu bàu:

- Có đánh rơi thì cũng từ từ mà nhặt chứ, bố ạ!

- Suýt nữa toi mạng ông xích lô rồi đó...

Nhiều tiếng xì xào từ bên kia đường vọng sang, nhưng anh không muốn nghe thêm. Thong thả anh treo cục thịt bên hông xích lô, rồi vội vàng đạp xe thật nhanh ra khỏi khu vực đó... giấu đi vẻ vui mừng. Không phải vui vì mình vừa thoát chết, nhưng vui vì người làm rơi đã không trở lại tìm gói thịt mà. Thật vậy, quên mất cơn đói gay gắt trong lòng, anh đạp thẳng một mạch về nhà.

- Ba mua thịt, ba mua thịt nhiều quá mẹ ơi! Các con anh mừng rỡ.

Nhìn các con xúm xít lại, sờ mó cục thịt đùi nặng hơn hai ký, một chân giò, hai miếng thịt ba rọi cũng khoảng hai ký, còn có thêm xương sườn và xương ống cuộn tròn trong những tấm lá chuối lấm lem cát bụi... Anh cố giấu dòng nước mắt trôi dài trên đôi má xạm đen nắng gió. Chỉ có vợ anh biết rõ nguồn gốc cục thịt ấy. Anh khóc vì niềm vui vô tư, tíu tít của các con, hay vì câu nói của vợ:

- Chúa ban ơn cho nhà mình đó!

Từ lâu rồi, anh là một kẻ khô đạo. Có thể đây là của dư thừa của một gia đình giàu có vô tình hay cố ý đánh rơi chăng?

- Chúa ban ơn cho mình? Đó chỉ là ý nghĩ của vợ anh thôi.

Trong chiến tranh, cận kề với sự chết và chứng kiến nhiều cái chết đau thương của biết bao đồng đội nên anh quý cuộc sống hơn ai hết. Nhưng anh không quý cuộc sống bằng cách sống tốt, sống đúng nghĩa sống như ba má anh vẫn khuyên nhủ anh, như vợ anh vẫn nguyện cầu cho anh. Anh lại sống vội vã, tận hưởng mọi lạc thú trên đời như sợ rằng “...chết xuống âm phủ biết có hay không!”. Anh sống không có ngày mai. Những ngày phép ngắn ngủi, sau hàng tháng hành quân miệt mài gian khổ, thường bị anh bán rẻ nơi các quán bar tràn ngập rượu mạnh cay đắng và khói thuốc cay xè, khác hẳn mùi thơm quen thuộc của thuốc súng thường ngày... Sau mười năm học tập, sống sót trở về, anh khô nước mắt, khô cả lòng nhân ái.

* * *

- Sao ngoại khóc vậy?

Tiếng nói bập bẹ của đứa cháu ngoại làm anh trở về với thực tại. Những ký ức từ hai mươi năm qua như dòng sông cứ mãi tuôn trào. Năm xưa anh giấu kín được niềm cảm xúc trào dâng. Con gái anh không thấy ba nó khóc trong ngày 28 tết ấy, nhưng nay thì anh không giấu được đứa cháu ngoại mới lên ba tuổi. Hiện nay anh đang sống tại xứ Hoa Kỳ sung túc. Anh khó mà quên được kỷ niệm nhiễu đầy nước mắt ấy.

Anh chợt nghĩ đến Thánh Giuse, gia trưởng của Thánh Gia Thất ngày xưa. Có lẽ Ngài cũng đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy Chúa Giêsu mừng rỡ mân mê món quà nhỏ mà Ngài đã mang về sau một chuyến giao hàng. Khó mà đánh giá tầm cỡ cao thấp giữa tình thương của người cha và tình yêu của mẹ. Chỉ có khác nhau ở hình thức bên ngoài như xưa nay người ta vẫn ví von: “Công cha như núi Thái, nghĩa mẹ như nước nguồn chảy ra”. Tình cha cũng dạt dào như tình mẹ nhưng luôn ẩn tàng kín đáo, âm thầm yêu thương và phục vụ vợ con mà ít khi bộc lộ tình cảm đối với con cái nhất là bằng lời nói. Do đó, không lạ gì trong Tân Ước, các Thánh sử không ghi được một lời nào của Cha Thánh Giuse.

Ngày xưa, cha của anh cũng khá nghiêm khắc với anh, anh không khỏi bất mãn, dầu mẹ anh đã cố gắng nói tốt cho ông. Cho đến khi anh hiểu được thế nào là tình cha, thì người cha đáng kính, đáng yêu của anh đã về bên kia thế giới ngàn thu. Nhiều lần ngồi một mình lắng đọng tâm tư trên tầng thượng này, anh rất thèm được nghe lại giọng nói dạy dỗ nghiêm nghị của ông, nhưng không bao giờ có thể.

Không thể... mãi cho đến ngàn thu...

Ngày nay, anh cũng đã nghiệm được tình Cha trên trời khi anh được định cư sang Mỹ cách thật dễ dàng và thật nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của anh và bạn bè. Lúc đó, vì chán cảnh nhân tình thế thái, anh đã xếp xó diện H.O của anh. Anh đã bỏ địa chỉ gốc, nhập cư tận Sài Gòn. Anh muốn xóa bỏ quá khứ, nhìn về tương lai. Nhưng tương lai không nhìn đến gia đình anh, nơi quê hương của anh. Mọi cơ quan, xí nghiệp đều không mở cửa cho anh vì một lý do giản dị là anh không có hộ khẩu thường trú! Tương lai của gia đình anh là gì?!!! Vợ anh đã cảm nhận được điều đó. Nàng đã không cam phận. Nàng không đành lòng nhìn cảnh “ông sĩ quan” sáng sáng hăng hái đạp xích lô đi, chiều chiều uể oải đẩy xích lô về... và lũ con gầy yếu, vô tư vui đùa quanh anh...

Nàng đã âm thầm cầu nguyện thật nhiều. Nàng dâng cả tương lai của gia đình mình trong tay Chúa, nàng cố gom góp đủ hồ sơ để làm thủ tục xuất ngoại – và Chúa đã nhậm lời. Giờ đây, anh mới có dịp cảm nhận và nhìn ra điều này: Chúa luôn đồng hành với anh và gia đình anh trong cuộc sống.

Kính dâng lên Đức Cố TGM Phaolô NGUYỄN VĂN BÌNH, vị Cha Chung của Gia đình Tổng Giáo phận, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người.
Minh Tâm k1

Top