Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật IV Phục sinh năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật IV Phục sinh năm B

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
(Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)

ĐỨC KITÔ - MỤC TỬ TỐT LÀNH
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.
Mục Tử nhân lành hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11)

Hình ảnh mục tử và đàn chiên rất quen thuộc với dân Do thái cổ xưa cũng như các dân tộc lân cận. Các dân tộc này cũng đã đưa những hình ảnh của đời sống sinh hoạt hàng ngày vào đời sống tôn giáo. Nếu như các vị thần dân ngoại được xem là mục tử của các dân này, thì Thiên Chúa cũng là Mục tử của Israel. Các sách Ngôn sứ và tập Thánh vịnh đã diễn tả sự chăm sóc và hướng dẫn đàn chiên Israel của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử của họ. Người cũng đã dùng các mục tử để thay mặt Người chăm sóc đàn chiên. Cựu Ước cũng loan báo về một ngày Thiên Chúa sẽ qui tụ đàn chiên của Người qua vị Mục Tử của Người. Vị Mục Tử đó chính là Đức Giêsu, vị Mục Tử tốt lành hi sinh vì đàn chiên, để đàn chiên được sống. Các bài đọc của ngày Chúa nhật thứ IV Phục Sinh trình bày cho chúng ta hình ảnh của vị Mục Tử đích thật được Chúa Cha sai đến.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 4,8-12)

Sau khi Phêrô và Gioan chữa cho người què nhân danh Đức Giêsu, và rao giảng về Người, Đấng mà người Do thái đã giết đi nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại, hai ông bị bắt và bị đưa ra xét xử trước Thượng Hội Đồng. Cũng như khi giảng dạy cho dân chúng, trước Thượng Hội Đồng, Phêrô can đảm lập lại, chính nhờ danh của Đức Giêsu mà người què được chữa lành. Vậy Đức Giêsu đó là ai mà nhân danh Người mọi bệnh tật được chữa lành? Đó chính là Đấng đã chịu đóng đinh vào thập giá nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại; Người là tảng đá quý mà thợ xây loại bỏ nhưng đã trở nên tảng đá góc tường. Cái chết của Đức Giêsu đã được loan báo qua miệng các ngôn sứ và cũng qua chính lời của Người. Người chính là vị Mục Tử duy nhất dám hi sinh mạng sống, để chỉ nhờ danh của Người ơn cứu độ đến với mọi dân nước. Chính nhờ cái chết khổ hình của Người mà con người được tha thứ tội lỗi, được giao hòa cùng Thiên Chúa và nhận ơn làm nghĩa tử qua chính người Con của Chúa Cha.

2. Bài đọc II (1Ga 3,1-2)

Thánh Gioan xác quyết rằng Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được là con Thiên Chúa. Lời khẳng định này song song với lời Chúa Giêsu đã nói cùng ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người được thể hiện qua việc trao ban ngay chính Con Một, để cho con người được trở về làm con Thiên Chúa, trở nên giống hình ảnh của Con Một, Đấng vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, vì yêu thương con người đau khổ, đã thực hiện chương trình cứu độ bằng cách dâng hiến chính mạng sống của mình.

3. Bài Tin Mừng (Ga 10,11-18)

Chúa Giêsu phân biệt giữa mục tử và người chăn thuê. Mục tử tốt có thể là người làm nhiều điều tốt cho đàn chiên như: đưa chúng đến nơi có đồng cỏ xanh, có suối nước trong; bảo vệ chúng khỏi thú dữ; chăn giữ để chúng khỏi lạc xa đàn, chăm sóc khi chúng đau ốm thương tật, vv. Nhưng ở đây Chúa Giêsu xác định ngay: mục tử tốt lành là người hi sinh mạng sống cho đàn chiên. Điều này có thể hiếm thấy nơi những mục tử bình thường, nhưng lại chính là đặc tính mà Chúa Giêsu xác định khi tuyên bố Người là Mục tử nhân lành. Cựu Ước có nói đến việc mục tử đón nhận những nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên, và đôi khi chết khi bảo vệ đàn chiên. Chúa Giêsu là Mục tử tốt lành, Người hi sinh mạng sống cho đàn chiên; Người nghĩ đến chiên trước khi nghĩ đến mình. Trái với những mục tử giả hay người chăn thuê chỉ làm vì công việc; đàn chiên không thuộc về họ nên họ không tha thiết với đàn chiên; khi gặp nguy hiểm thì sẽ bỏ đàn chiên để cứu mạng sống mình. Nhìn từ bên ngoài, có thể mục tử tốt và mục tử giả đều làm việc như nhau, nhưng tình yêu dành cho đàn chiên của mình thì khác nhau, và từ đó dẫn đến mức độ hi sinh và gắn bó giữa mục tử và đàn chiên cũng khác biệt.

Chúa Giêsu chính là vị mục tử tốt lành, Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người. Như Người biết và yêu mến vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu biết chiên của mình và hi sinh cho đàn chiên. Đây là cái biết của tình yêu; cái biết dẫn đến sự quan tâm, nhìn thấy những nhu cầu và sẵn sàng làm điều tốt cho người mình yêu. Chiên của Người nên Người phải có trách nhiệm chăm sóc, đồng thời cũng có quyền sở hữu và làm cho chúng thuộc về Người hoàn toàn. Đó cũng là lý do tại sao Người phải đưa những con chiên còn xa đàn trở về. Người đã xác định chính Người là vị mục tử nhân lành, là vị Mục tử mà các con chiên sẽ nghe tiếng để đi theo, chính Người sẽ hi sinh mạng sống để đàn chiên được sống và bình an. Chính Người đã lãnh nhận đàn chiên của Người từ Chúa Cha và Người sẽ yêu thương và đưa chúng về một đàn dưới sự hướng dẫn của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Ta là Mục Tử tốt lành.” Người vẫn hiện diện đó trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Người không chỉ là vị Mục Tử của một thời đại nào đó, hay của một vùng đất nào đó. Nhưng như Người đã sống lại và mãi mãi hiện diện bên Chúa Cha, Người vẫn là vị Mục Tử chăm sóc tâm hồn chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có tin tưởng phó thác cuộc đời của mình để cho Người chăm sóc hướng dẫn hay không. Và quan trọng hơn nữa chúng ta phải nhận ra Người, Mục Tử của mình và chúng ta thuộc đàn chiên của Người. Nhiều khi chúng ta còn mải ham thích tự do dễ dãi, hạnh phúc trần gian mà quên rằng chính Chúa mới là Đấng dẫn chúng ta đến hạnh phúc thật.

2. “Ta biết chiên Ta.” Chúng ta không quên ngày Chúa nhật thứ IV Phục Sinh được dành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Các mục tử cũng được lời Chúa mời gọi để suy nghĩ lại vai trò và trách nhiệm mà Chúa đã trao khi mời gọi chia sẻ sứ vụ mục tử của Người. Các mục tử có thật sự biết những nhu cầu, hoàn cảnh, vv. của đàn chiên của mình không, và đã làm gì để săn sóc và an ủi họ.

3. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.” Thao thức của Chúa Giêsu cũng gợi lên trong lòng mỗi người chúng ta sứ mệnh truyền giáo của mình. Làm sao trình bày cho mọi người thấy được chân dung của vị Mục Tử nhân lành để họ đi theo. Chúng ta mỗi người là mục tử với anh chị em qua sự quan tâm đến mỗi người: nhìn thấy và chia sẻ những nỗi đau thất vọng, cúi xuống nâng đỡ những anh chị em vấp ngã mệt mỏi, chia sẻ một miếng bánh, vv. Chúng ta có thể làm được? Chúng ta là những mục tử Chúa Giêsu đang dùng để đến với các con chiên của Người.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến,

Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta cùng hướng lòng lên Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành, để chân thành dâng lời cảm tạ và tha thiết nguyện xin:

1. Đức Kitô đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết noi gương Chúa: tận tình quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của đàn chiên, sẵn sàng trở nên như tấm bánh bẻ ra cho mọi người.

2. “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người trên khắp thế giới chưa đón nhận đức tin chân thật, biết khát khao tìm kiếm chân lý và mở lòng cho tin mừng cứu độ, để họ cũng được thuộc về một đoàn chiên duy nhất.

3. Chúa Giêsu nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hiến thân trong đời sống tu trì và tích cực trở nên những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền giáo hôm nay.

4. Cổ võ và khích lệ ơn gọi là trách nhiệm chung của các tín hữu. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục - tu sĩ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày cùng với những nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, Chúa hằng yêu thương hết mọi người chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp sức để mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng thuộc về đàn chiên của Chúa hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top