Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa giàu lòng xót thương
và rất mực yêu mến chúng ta …
Người tỏ lòng nhân hậu đối với chúng ta
trong Đức Giêsu Kitô…”
(Ep 2,4.7)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: 2Sb 36,14-16.19-23
2Sb 36,14-16.19-23 thuộc chương cuối của Sách Sử Biên Niên 2. Đoạn sách thánh này có thể được xem như bản tóm lược lịch sử dân Israel vào cuối thời quân chủ ở vương quốc Judah (thuộc nhà David), vốn được tiếp nối bằng thời lưu đày tại Babylon, và kết thúc bằng viễn tượng dân Israel được khôi phục.
Vào cuối thời quân chủ, vương quốc Judah chứng kiến sự bất trung bất tín ngày càng tăng của dân đối với Thiên Chúa. Sự bất trung bất tín này lan đến mọi thành phần dân Chúa: các thủ lãnh, các tư tế, và dân chúng (x. c14). Giới lãnh đạo chính trị, giới lãnh đạo tôn giáo, và dân chúng nói chung, đã học theo thói ghê tởm của chư dân, và làm cho Đền Thờ kính Đức Chúa ra ô uế (x. c14). Đứng trước sự bất trung này của dân Israel, Thiên Chúa vẫn tỏ lòng thành tín với dân Người. Thiên Chúa không bỏ mặc họ, nhưng luôn gửi các sứ giả của mình đến cảnh tỉnh họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người (x. c15).
Nhưng dân Chúa không biết hoán cải tự tâm mà trở về với Người. Họ đã đối xử bất công và bất xứng với các sứ giả của Thiên Chúa. Đối với các sứ giả, dân Israel nhạo cười và chế giễu. Đối với lời Chúa được các sứ giả công bố, họ tỏ sự khinh thường (x. c16). Như một liều thuốc mạnh để chữa trị căn bệnh “bất trung” trầm kha, Thiên Chúa đã để họ rơi vào tay quân Canđê. Quân ngoại bang này đã tận diệt tất cả những gì tạo nên một phần căn tính của dân Israel: Đền Thờ, thành Giêrusalem, các lâu đài dinh thự (x. c19). Nhiều người sống sót nay trở thành những kẻ phải sống cảnh lưu đày (x. 20).
Thiên Chúa chỉ dùng một liều thuốc cực mạnh để chữa trị căn bệnh trầm kha của dân Israel, chứ Người không muốn tiêu diệt họ hết thảy. Thật vậy, Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương dân Người, khi Người tác động trên tâm trí vua Cyrô (nước Ba-tư) để vua này ra sắc chỉ cho phép dân Israel được hồi hương. Nếu như Thiên Chúa đã để quân Canđê phá hủy Đền Thờ, thì nay chính Người sẽ trao cho vua Cyrô trách nhiệm tái thiết Đền Thờ tại Giêrusalem cho Người (x. c23).
2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10
Thư gửi tín hữu Êphêxô có lẽ được thánh Phaolô viết khi ngài bị cầm tù tại Roma (x. Cv 28). Qua Ep 2,4-10 chúng ta được thánh nhân dạy cho biết những điểm chính sau đây:
1/ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Vì yêu thương chúng ta nên Người đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô (x. c5), cùng được sống lại và ngự trị với Đức Kitô (x. c6).
2/ Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (x. c7).
3/ Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng của Người và do lòng tin của chúng ta (x. c8, ss. Rm 3,19-20.27-31; 9,30-32; Gl 2,15-16); thế nên, chúng ta chớ khoe khoang về những điều lành phúc đức chúng ta đã làm, mặc dù cuộc sống của người tín hữu phải được thấm đượm bởi những việc làm tốt đẹp này (x. c10).
3. Bài Tin Mừng: Ga 3,14-21
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay thuộc về phần cuối của cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô (x. Ga 3,1-21). Trong lúc đối thoại, ông Nicôđêmô đã nêu ra vấn nạn: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được” (c9), như thể chất vấn hai phát biểu của Chúa Giêsu trước đó: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (c4) và “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (c5).
Trong phần diễn giải của Chúa Giêsu cho vấn nạn mà ông Nicôđêmô nêu ra, Chúa Giêsu đã nêu bật những điểm thần học quan trọng sau đây:
1/ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người sẽ không phải hư mất, nhưng được sống muôn đời (c16).
2/ Người Con ấy sẽ được giương cao lên như con rắn đồng xưa trong sa mạc, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (cc14-15).
3/ Người Con ấy là ánh sáng đến trong thế gian (c19), ánh sáng này làm lộ rõ những việc tốt xấu từng người chúng ta đang làm. Những người sống theo sự thật thì đến với ánh sáng này, để những việc tốt đẹp họ thực hiện trong Thiên Chúa được tỏ bày. Còn những kẻ làm điều ác thì ghét ánh sáng này và không đến cùng ánh sáng này để các việc họ làm khỏi bị chê trách (x. cc20-21).
II. GỢI Ý SUY TƯ
1/ Đức Giêsu Kitô là quà tặng đặc biệt nhất mà Thiên Chúa có thể tặng ban cho nhân loại. Quà tặng này phát xuất từ chính tình yêu và lòng xót thương Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người không muốn nhân loại phải hư mất trong tình trạng tội lỗi của mình, nhưng muốn họ được cứu độ và được sống muôn đời, nhờ đức tin của họ vào Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc sống của bạn, bạn cảm nghiệm thế nào về “quà tặng đặc biệt” này của Thiên Chúa?
2/ Xưa kia trong hành trình tiến về Đất Hứa, dân Israel đã kêu trách Thiên Chúa, Người đã cho rắn độc đến hại họ. Họ đã ăn năn, nài xin Môsê khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho họ. Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê làm một con rắn đồng và treo nó lên, để ai bị rắn cắn mà nhìn vào con rắn đồng ấy thì được chữa lành (x. Ds 21,4-9). Con rắn đồng là biểu tượng của lòng xót thương và sự chữa lành của Thiên Chúa cho dân. Chỉ là biểu tượng thôi, chứ tự con rắn đồng không thể cứu chữa dân bị rắn cắn. Chính Thiên Chúa cứu chữa họ qua biểu tượng đó. Còn Chúa Giêsu Kitô khác xa con rắn đồng xưa. Ngài là Con Một của Thiên Chúa, và là Thiên Chúa, chính Ngài qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh sẽ cứu những ai biết nhìn lên Ngài với lòng sám hối ăn năn và tin tưởng vào Ngài. Đức Giêsu Kitô là ai trong cuộc sống của bạn?
3/ Đức Giêsu Kitô là ánh sáng đến trong thế gian. Ngài chiếu rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống từng người chúng ta, vào không gian gia đình, vào nơi làm việc, vào xứ đạo, vào các cộng đoàn tu trì, vào xã hội… Bạn cảm thấy, đâu là những chỗ bóng tối đang hoành hành? Đâu là những nơi cần ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu đến nhất? Bạn cần làm gì để ánh sáng ấy dễ dàng đến những nơi cần ánh sáng này nhất?
4/ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Người không bỏ rơi dân Người, dù họ đã sống bất tín bất trung với Người. Người luôn tìm cách đến với dân Người và tìm mọi phương cách để phẩm giá làm người và làm con Chúa của họ. Thiên Chúa gây ngạc nhiên cho nhiều người dân Israel khi tiên báo Người dùng chính một vị vua dân ngoại để tái thiết Đền Thờ tại Giêrusalem. Có bao giờ bạn nghiệm thấy Thiên Chúa cũng đang dùng nhiều người không phải là Kitô hữu để mưu ích cho Giáo Hội của Người hay mưu ích cho xã hội? Đó là những trường hợp cụ thể nào? Bạn học được điều gì qua những trường hợp này?
5/ Chúng ta được cứu độ do ân sủng hải hà của Thiên Chúa và lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô. Nhưng như thánh Giacôbê minh định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Theo bạn, làm thế nào đức tin và hành động (tốt) song hành với nhau trong cuộc sống của bạn, nhất là trong Mùa Chay thánh này?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng gìn giữ, bảo vệ và phát triển kho tàng đức tin chân thật. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết ý thức chu toàn sứ mạng cao cả của mình, luôn trung thành với đức tin tinh tuyền khi đối thoại với những người không tin vào Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa đã sai Con của Người giáng trần không phải để luận phạt nhưng để cứu độ thế gian. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết tin nhận Đức Giêsu Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống”, để khi hết lòng thờ phượng và bước đi trong ánh sáng của Người, họ sẽ thực sự được biến đổi.
3. Thánh Phaolô khẳng định: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi kitô hữu, cách riêng những ai đang lầm đường lạc lối, biết nhận ra lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa mà hoán cải trở về với Người trong mùa chay thánh này.
4. “Ai hành động theo sự thật thì đến cùng ánh sáng.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tôn trọng và bênh vực sự thật, để qua đời sống quảng đại tha thứ và nhiệt tình phục vụ, mỗi người trở nên gương sáng trong môi trường và hoàn cảnh sống của mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và thương ban muôn ơn lành cùng một niềm tin kiên vững, để chúng con luôn can đảm dõi theo ánh sáng và làm chứng cho tình yêu của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023