Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay năm B

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
St 22,1-2.9a.10-13.15-18
Rm 8,31b-34
Mc 9,2-10

TRAO BAN ĐẾN TẬN CÙNG

“Đến như chính Con Một,
Thiên Chúa cũng chẳng tha,
nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”

(Rm 8,32)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Câu chuyện Abraham sẵn sàng vâng lệnh Thiên Chúa mà dâng con một, đứa con yêu dấu, làm của lễ hiến tế, cho thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và lòng tin sắt son của Abraham.

Đứa con một đối với Abraham là báu vật vô giá mà ông đã được Thiên Chúa ban cho trong tuổi già. Đứa con chính là sự sống của ông, là tương lai của dòng dõi ông. Lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông về một dòng dõi đông đúc khi ông rời bỏ quê hương nay dần được sáng tỏ qua đứa con này. Khi mà niềm hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa lớn dần thì lại là lúc Thiên Chúa yêu cầu ông hiến tế chính con một của mình.

Abraham đứng trước một sự chọn lựa không hề dễ dàng: vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa; điều này đồng nghĩa với việc mất đi đứa con nối dõi. Sự dứt khoát đến lạnh lùng của Abraham dường như không cho thấy ông có bất cứ sự do dự nào trước mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đối với ông, đứa con thừa kế là báu vật Chúa ban nên ở trong bàn tay quan phòng của Ngài, nên ông mau mắn thi hành điều Thiên Chúa truyền mà không hề nghi ngờ hay lo sợ.

Sự vâng phục tuyệt đối của Ápraham, niềm tin sắt đá của ông vào lời hứa của Thiên Chúa là cơ sở vững chắc để Thiên Chúa chúc phúc cho ông: “bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát  ngoài bãi biển » (St 22,16-17).

Câu chuyện của Ápraham trở nên mẫu mực cho lòng tin và sự phó thác cho ý định và sự xếp đặt của Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô diễn tả tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người, tình thương cao cả đến nỗi Ngài chẳng từ chối con người điều gì.

Đứng trước những đau khổ và thử thách của đức tin, các tín hữu Rôma cảm thấy nản lòng như thể Thiên Chúa bỏ rơi họ. Thánh Phaolô khẳng định với họ rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía họ để bênh vực và chở che họ. Thiên Chúa yêu thương họ nhiều đến nỗi chẳng hề tiếc bất cứ điều gì với họ. Đến như Con Một của mình là Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng ban cho họ.

Đức Giêsu Kitô đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho họ. Đó là dấu chứng rõ ràng nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho các tín hữu. Tình yêu đó là bảo đảm chắc chắn cho họ trước bất cứ khó khăn, thử thách nào của đời sống đức tin, vì không có gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Người, cho dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo (Rm 8,35).

Nếu như Abraham chẳng tiếc dâng con yêu dấu của mình cho Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng chẳng tiếc ban Con Một mình cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là sức mạnh cho các tín hữu trước bất kỳ gian nan thử thách nào trong đời sống đức tin.

3. Bài Tin Mừng:

Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài nơi con yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, nhưng đó không phải là vinh quang theo nghĩa trần thế mà là vinh quang thập giá.

Biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi hé lộ cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang của Thiên Chúa. Từ hình dạng đến y phục của Đức Giêsu đều biến đổi làm cho các môn đệ cảm thấy lâng lâng, ngây ngất khi có cả sự hiện diện của Môsê và  Êlia. Trong lúc ngất ngây đó, các ông nghe tiếng từ đám mây tuyên phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Lời Thiên Chúa mang hai thông điệp quan trọng:

Trước hết, Thiên Chúa long trọng xác định Đức Giêsu chính là “Con Yêu Dấu” của Ngài. Vì là “Con Yêu Dấu” của Thiên Chúa, Đức Giêsu mang nơi mình tất cả vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa. Lời xác quyết của Thiên Chúa và sự biến đổi diệu kỳ của hình dạng và y phục nơi Đức Giêsu là một cách biểu lộ vinh quang và quyền năng đó. Các môn đệ ngỡ ngàng và ngây ngất khi được chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Giêsu.

Sau nữa, Thiên Chúa truyền cho các môn đệ “hãy vâng nghe lời Người”. Những gì Đức Giêsu căn dặn các môn đệ khi Thầy trò xuống núi mặc khải cho các môn đệ “lời” của Người. Đức Giêsu cho các ông hiểu rằng vinh quang mà các ông vừa chứng kiến chỉ được rao giảng công khai khi Con Người “từ cõi chết sống lại”. Các môn đệ hãy vâng lời Đức Giêsu dù con đường đến vinh quang của Người phải đi qua cái chết.

Lời Thiên Chúa qua cuộc biến hình hé lộ rằng chỉ qua cái chết, vinh quang của “Con Yêu Dấu” mới được thể hiện trọn vẹn. Và dù đó là con đường khó khăn, thử thách đối với các môn đệ, các ông hãy “vâng nghe lời Người”.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Abraham được Thiên Chúa chúc lành khi ông hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả trong tay Thiên Chúa. Tôi có dám hy sinh ý riêng để ý định của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc đời tôi?

2/ Thánh Phaolô khẳng định  rằng đến như Con Một của Ngài mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc trao ban cho con người. Tôi có sẵn sàng trao dâng cho Thiên Chúa những gì Ngài cần nơi tôi để hoàn tất chương trình của Ngài?

3/ Thiên Chúa truyền cho các môn đệ hãy nghe lời “Con Yêu Dấu” của Ngài. Tôi có sẵn lòng vâng theo “lời” của Đức Giêsu, dù con đường phải đi đôi khi lắm gian nan, thử thách?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta được biến đổi trở nên con người mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúng ta cùng cảm tạ tình thương cứu độ của Thiên Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. Đức Giêsu đã tỏ vinh quang cho các Tông Đồ đang khi Người cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn phản ánh khuôn mặt đích thực của Đức Kitô cho con người thời đại hôm nay, qua đời sống gương mẫu thánh thiện.

2. “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và sự thật trong khi thực thi quyền bính, nhằm đem lại hoà bình và công lý cho mọi người.

3. Đức Giêsu đã trải qua đau khổ để bước vào vinh quang. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang phải gánh chịu đau khổ về thể xác hay tinh thần, biết nhìn lên thập giá để kết hiệp với Chúa và can đảm biến những đau khổ ấy thành niềm vui cứu độ.

4. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ “ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nỗ lực canh tân bản thân mỗi ngày để nên giống Chúa Giêsu hơn, hầu xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Người.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, Cha đã tỏ cho chúng con thấy quyền năng và tình thương của Cha qua Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con luôn trung thành bước theo Người, thực thi lời Người truyền dạy, để cùng được dự phần vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top