Phóng sự: 10 năm bác ái yêu thương
TGPSG -- Bác ái là gì?
Theo Wikipedia: Bác ái (tiếng Latinh: caritas, nghĩa là "tình yêu cao cả, rộng khắp", đôi khi cũng được gọi là đức mến), theo thần học Kitô giáo được hiểu là "tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa". Đối với nhà thần học Tôma Aquinô, bác ái "không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn để tình cảm dành cho những người xung quanh chúng ta". Caritas còn là tên một tổ chức trong Giáo hội Công giáo có nhiệm vụ cổ võ việc thực thi bác ái xã hội trên khắp thế giới, trong đó có Ban Caritas tại Việt Nam.
Suốt 10 năm qua, Ban Caritas giáo xứ Thị Nghè đã thực thi bác ái yêu thương cho những nơi thiếu thốn, cho những người nghèo khổ, neo đơn… Một thập kỷ tuy không dài, nhưng cũng không gọi là ngắn với những yêu thương mà Ban Bác ái đã chia sẻ cho tha nhân khắp nơi như hai câu thơ của một thi sĩ đã diễn tả:
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Chia sẻ tình thương nơi cao nguyên
Vào cuối năm 2013, khi mới về nhậm xứ, cha sở Phêrô đã lập ra Ban Caritas để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo, không chỉ riêng trong khu vực họ đạo mà còn lan tỏa tới các tỉnh miền Tây Nam bộ, các vùng sâu vùng xa ở Tây nguyên, và cả tới miền Trung khi có bão lũ… Ngay cả khi cha sở đi dạy học ở bất cứ nơi nào, ngài cũng chú ý lắng nghe các nhu cầu cần thiết của người nghèo nơi đó và bàn với Ban Caritas để lo hỗ trợ.
Chung tay chia sẻ bác ái
Ngoài việc chăm lo thể lý cho người nghèo, cha sở và Ban Bác ái còn xây dựng Nhà Nguyện ở Huế, và hai Nhà Nguyện ở Kontum để lo cho tinh thần của các tín hữu. Ở những vùng cao nguyên, xa xa mới có một Nhà Nguyện, có những gia đình vợ chồng con cái phải cơm đùm cơm nắm đi bộ từ hai ba ngày trước mới tới kịp lúc để tham dự Thánh lễ Chúa nhật.
Ban Caritas thực thi bác ái tại cao nguyên
Ban Caritas có 11 thành viên chính thức và 7 cộng tác viên. Nguồn kinh phí cho bác ái có được từ Thư Quán của giáo xứ, từ các nhà tài trợ, ân nhân và từ thu thập ve chai mỗi thứ Ba hằng tuần. Sáng thứ Ba có các cộng tác viên đẩy xe đi khắp các khu xóm để góp nhặt ve chai, về phân loại, và bán lại cho các nơi thu mua.
Cha Adam phụ phân loại ve chai
Ngoài các cộng tác viên thường xuyên, tùy theo thời điểm còn có các cha phó, cha Adam và Martin (hai cha người Ba Lan thuộc Dòng Thừa Sai tới ở tại giáo xứ để học tiếng Việt), … và một số cộng tác viên khác phụ giúp phân loại ve chai. Mỗi tháng, số tiền trợ giúp cho các người nghèo, từ 8-9 triệu đồng.
Quà Tết cho người nghèo
Các ngày Tết, ngoài những nhu yếu phẩm, các người có hoàn cảnh khó khăn còn có thêm tiền lì xì để xài Tết.
Cha Adam và hai cha phó phân loại ve chai
Đặc biệt nhất là trong thời dịch bệnh COVID, từ khi có chỉ thị giãn cách xã hội, Ban Caritas đã sử dụng hết phần quỹ còn lại để phát gạo và nhu yếu phẩm cho những người trong vùng phong tỏa…
Cha Phêrô và các cộng tác viên chất hàng lên xe cứu trợ
Để công việc bác ái yêu thương của giáo xứ được thuận lợi và không bị gián đoạn, cha sở Phêrô đã gởi thư ngỏ mời gọi cộng đoàn Dân Chúa và các ân nhân cùng chia sẻ, đóng góp cho công việc bác ái của họ đạo. Những thực phẩm khô thì từ từ chia ra, còn rau củ quả nửa đêm xe về tới nhà thờ phải có lực lượng thanh niên đón để xuống hàng. Sáng sớm, mọi người quy tụ ngay lập tức để chọn lựa rau và bỏ vào từng bao ni-lông để chuyển tới tay người dân trong vùng ngay trong ngày bằng những chiếc xe đi thu gom ve chai.
Các sơ Dòng Phaolô và Tiểu Muội chia rau vào từng bao
Như boomerang quay vòng trở lại, lòng bác ái Kitô giáo được thể hiện ngay tại những nơi còn nghèo khổ như Dòng Con Mẹ Đi Viếng, Đại chủng viện Huế v.v…, các thầy các sơ đã lập tức đóng góp cho giáo xứ. Các cha, các thầy ở Đà Lạt cũng đóng gói rau củ quả ngay trong đêm để kịp tới Sài Gòn sớm nhất.
Làm sạch rau trước khi phân phối
Các xe rau, chuối từ Xuân Lộc và các xe chở gạo cũng mau chóng chuyển về giáo xứ để trợ giúp cho những nơi đang thiếu thốn. Ba cha nhà xứ, các sơ của các dòng tu đang hiện diện trong khu vực giáo xứ và các thiện nguyện viên đã cùng nhau góp tay đóng gói quà. Cha sở cũng lo mua thuốc để giúp cho người dân đang bị dịch bệnh. Khi nghe tin có ai bị bệnh, cha liền đem thuốc tới tận nơi.
Trong suốt mùa dịch, ngoài người nghèo trong khu vực giáo xứ, việc chia sẻ cũng nhân rộng cho các phường trong Quận Bình Thạnh. Mỗi khi rau củ quả về tới nhà thờ, các thiện nguyện viên phải làm việc từ sáng tới tối để kịp chọn lựa và chia vô từng bao để chất vào xe đẩy tới phát cho các nơi bị giãn cách.
Phân loại rau khi trời hừng sáng
Mỗi lần nhu yếu phẩm và rau củ quả về, chính quyền địa phương Phường 19 và 21 cùng Mặt trận Tổ quốc Quận cũng tới đăng ký và nhận hằng trăm phần quà cho các hộ gia đình đang ở trong các khu vực bị phong tỏa. Các phần quà cứu trợ gồm gạo, trứng, đường, mắm, muối, rau củ quả... Nhờ vậy mà cư dân trong vùng từng bước vượt qua những đói khát trong mùa dịch.
Rau cải cần cắt sạch và chuyển đi ngay trong ngày
Khi cha sở Phêrô nhậm chức ở giáo xứ khác, cha sở Giuse về Thị Nghè cũng tiếp tục hợp tác với Ban Caritas trong việc chia sẻ bác ái yêu thương. Hằng tháng cha Giuse hỗ trợ gạo, còn Ban Caritas gởi tiền cho 40 gia đình nghèo khổ, neo đơn. Cha sở còn lo phát gạo cho 50 người khuyết tật và bán vé số mỗi tháng. Những người lớn tuổi trong các khu xóm cũng nhận được bột ngũ cốc dinh dưỡng cha gởi đến tận từng nhà.
Một thập kỷ chia sẻ bác ái yêu thương của Ban Caritas và các cha xứ đã thể hiện tình thương yêu thuần túy của Đức Kitô, đem lại cho người nghèo khổ, neo đơn trong vùng những niềm vui, sự an ủi và lòng biết ơn.
Tạ ơn Chúa đã giúp cho công việc bác ái yêu thương của Ban Caritas được bắt đầu và vẫn đang tiếp tục lan rộng ‘khắp muôn vạn nẻo đường’.
Bài & Ảnh: Tóc Ngắn (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ