Niềm vui đi ra vùng ngoại biên

Niềm vui đi ra vùng ngoại biên

Niềm vui đi ra vùng ngoại biên

TGPSG  - “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô”.

Lời mời gọi “Đi ra vùng ngoại biên” của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng” vẫn mãi luôn là lời mời gọi cấp thiết đối với mọi Kitô hữu trong mọi thời đại.

Thật may mắn khi tôi cùng chị em trong gia đình Học viện có được trải nghiệm quý giá và ý nghĩa trong dịp hè này sau những tháng ngày miệt mài với sứ vụ học tập.

Thực hiện lời mời gọi của vị cha chung khả kính, chúng tôi bước ra khỏi nơi quen thuộc và an toàn hằng ngày của mình tại đất Sài Thành để lên đường đến với các bệnh nhân tại Phòng Khám Thiên Ân thuộc Dòng Gioan Thiên Chúa.

Tại đó, chúng tôi có cơ hội được gặp những “chi thể đau khổ” của Đức Kitô. Họ là những con người xa lạ, chúng tôi chưa một lần gặp mặt hay quen biết, nhưng khi đến với họ, chúng tôi cảm nhận sự gần gũi, thân quen đến lạ thường mà họ dành cho chúng tôi. Phải chăng đó là một phép màu? Vâng, đó là phép màu và phép màu đó đến từ những trái tim chan chứa tình yêu. Chính tình yêu là sợi chỉ đỏ nối kết chúng tôi, từ những con người xa lạ trở thành những người bạn, người con, người cháu trong đại gia đình nhân loại.

Hành trang chúng tôi mang theo để gửi gắm cho các bệnh nhân chẳng có gì ngoài tình yêu Đức Kitô vì chính “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14). Chúng tôi đến với các bệnh nhân, trao đổi, thăm hỏi và lắng nghe họ chia sẻ.

Ôi, phận người là thế, mỗi người mỗi cảnh, ai cũng có những nỗi đau mà có lẽ chỉ một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể xoa dịu và chữa lành cho họ. Các bệnh nhân mà chúng tôi gặp gỡ có đủ các thành phần, lứa tuổi, già có, trẻ có, Kitô hữu có và cả những người ở các tôn giáo bạn.

Khi chứng kiến và lắng nghe họ tâm sự, tôi nhận ra, họ không chỉ đau đớn về bệnh tật thể xác mà còn phải mang lấy cả những nỗi đau trong tâm hồn.

Có nỗi đau nào cho bằng nỗi đau bị người mình thương mến, người mà mình thề non nguyện ước sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời phũ phàng bỏ rơi khi thấy người bạn đời của mình bị lâm cảnh bi đát trong bệnh tật.

Trong số các bệnh nhân chúng tôi gặp, có hai người đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất, đó là người có tên là “Tượng chịu nạn” và người mẹ đang chăm sóc anh.

Nhờ một chú vui tính đang đi chăm người thân mà chúng tôi biết anh, chú vui tính nói nửa đùa nửa thật với chúng tôi: “Các soeur đi tu là cõi phúc đó, ngoài đời người ta phũ phàng lắm, thấy chồng, thấy vợ bệnh tật là người ta bỏ rơi”. Tôi trả lời chú: “Nhưng cũng tùy chú ạ, chứ thực ra cũng có nhiều người thủy chung lắm ạ”.

Rồi chú giới thiệu và dẫn chúng tôi đến thăm người có tên là “Tượng chịu nạn”. Chúng tôi tò mò, tại sao chú vui tính lại gọi người đó là “Tượng chịu nạn”? Chúng tôi đi theo chú đến gặp người ấy.

Không biết lúc này tôi phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào khi gặp người “Tượng chịu nạn” đáng thương ấy. Lòng tôi quặn thắt khi thấy anh nằm bất động trên giường bệnh trong một thân xác tiều tụy, chỉ còn da bọc xương bên cạnh người mẹ khả kính của mình.

Anh tên là Nhật Tài, năm nay anh 37 tuổi, mẹ anh kể, cách đây 11 năm, anh bị điện giật, tử thần không lấy anh đi, nhưng từ lúc đó, anh bị nằm liệt bất động như người sống đời sống thực vật. Anh Tài đã có vợ và một người con. Khi thấy anh bị như vậy, người vợ ôm con bỏ anh ra đi. Thế là, không còn ai ngoài người mẹ ruột của anh, bà đã chăm sóc anh tận tình, chu đáo hết mức có thể suốt 11 năm qua. Bà làm tất cả vì con, cho dù anh Tài bây giờ chỉ nằm bất động trên giường bệnh. Bà nói, dù anh Tài không nói được nhưng qua ánh mắt của con trai, bà hiểu anh vui hay buồn, anh muốn gì hay cần gì. Bà chỉ có hai người con và bà không muốn mất đi người con nào, bà chấp nhận nuôi anh Tài chứ không chịu chứng kiến cảnh anh phải ra đi về lòng đất.

Chỉ có tình mẹ mới có thể làm được điều đó. Tôi thầm cảm phục người mẹ kiên cường và tình mẫu tử cao cả nơi mẹ anh Tài đã dành cho anh.

Và còn nhiều hoàn cảnh đáng thương khác mà chúng tôi được gặp, họ đã không chỉ cho chúng tôi được đồng cảm với họ trong sự lắng nghe, an ủi, trong những giọt nước mắt, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng nhưng họ còn cho chúng tôi những bài học quý giá từ tình yêu và nỗ lực trong sức mạnh nội tâm của họ.

Trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng” số 49 Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô”.

Tôi đã đi ra, nhưng tôi thấy rằng tôi chẳng cống hiến được gì nhiều nhưng chính tôi lại được đón nhận sự cống hiến từ các bệnh nhân dành cho tôi. Họ không thể ra đi bằng thân xác thể lý nhưng họ đã ra đi bằng tâm hồn cởi mở, đón nhận và sự kiên cường của mình. Tưởng chừng như họ chẳng làm được gì nhưng họ đã cống hiến rất nhiều bằng những đau đớn của họ cả ngoài thân xác và trong tâm hồn. Cùng với Chúa Giêsu, họ đã thánh hóa chính bản thân họ và cả nhân loại qua bệnh tật của mình. Dù người đời có bỏ rơi họ nhưng họ không đơn độc một mình vì Chúa Giêsu luôn đồng hành cùng họ, chính “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17).

Chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã để lại trong tôi nhiều niềm vui, cảm nghiệm và những bài học ý nghĩa. Tôi được đụng chạm cách sống động đến những “chi thể đau khổ” của Chúa Kitô qua các bệnh nhân.

Tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý của mẹ anh Tài gợi lên trong tôi tình mẫu tử của Thiên Chúa: “Giêrusalem, Giêrusalem! - đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” (Mt 23, 37-38).

Mẹ anh Tài đã thể hiện tình mẫu tử cao cả trong thân phận của một con người còn giới hạn, nhưng với Thiên Chúa, Đấng là chân thiện mỹ, chắc chắn tình mẫu tử của Ngài còn cao lớn và vĩ đại gấp ngàn lần tình mẫu tử nơi con người.

Ngài vẫn luôn yêu thương và ấp ủ chúng ta trong đôi cánh tình yêu của Ngài. Nhưng liệu rằng, tôi có trung thành với tình yêu của Ngài không?

Sự phũ phàng của những ai bỏ rơi người bạn đời của mình cho tôi nhìn lại chính mình trong việc sống trung thành với giao ước tình yêu Đức Kitô. Cách nào đó, tôi có đang “bỏ rơi” Ngài không?

Tôi đã dần hiểu hơn về phận người, về những trái ngang trong cuộc đời.

Tôi tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Ngài đã dành cho tôi, đặc biệt là tình yêu và hồng ân sự sống mà Ngài vẫn đang gìn giữ và bảo vệ, che chở tôi mỗi ngày.

Ước gì mỗi Kitô hữu luôn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa và trao ban tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể đối với anh em đồng loại, đặc biệt với những “chi thể đau khổ” của Đức Kitô và trở thành những người thân cận của họ như người Samari trong dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” (Lc 10, 25-37). Đó là cách thế hữu hiệu để niềm vui Tin mừng của Đức Kitô được lan rộng khắp muôn dân.

A little flower, SJP (TGPSG)

Top