Những tấm bánh nhỏ nơi tuyến đầu

Những tấm bánh nhỏ nơi tuyến đầu

Những tấm bánh nhỏ nơi tuyến đầu

TGPSG -- Tôi tin Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ kỳ diệu từ những con số ít ỏi và giới hạn, cho Sài Gòn trở lại sức sống như xưa

Ráng chiều vàng rực rỡ cả khung trời, nhẹ nhàng đưa hoàng hôn xuống dần bên kia thành phố. Sài Gòn thân yêu đã lên đèn nhưng không còn quyến rũ như những ngày bình yên chưa có đại dịch. Sài Gòn đang trăn trở vì có những người con của Sài Gòn đang trở mình mệt nhoài, khát khao, đau đớn nơi các bệnh viện dã chiến và những khu vực cách ly, phong tỏa.

Ánh chiều vàng nhắc tôi nhớ về câu chuyện ngày xưa, nơi sườn đồi dốc đá, có đoàn người cũng bơ phờ, mệt nhoài, khát khao: Mệt nhoài trong thân xác và khát khao trong tâm hồn. Giữa đoàn người đang khát khao đó có Thầy Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và các môn đệ đã trao tấm bánh lại cho đoàn người. Năm chiếc bánh và hai con cá là thức ăn chỉ đủ cho một đứa bé nhà nghèo ăn chiều, nguồn tài nguyên thật ít ỏi, năng lực thật giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã làm phép lạ kỳ diệu từ con số ít ỏi và giới hạn đó (x. Mc 6, 34-44).

Các em của tôi lên đường thiện nguyện cũng có nguồn tài nguyên thật ít ỏi và năng lực thật giới hạn: thời gian, sức khỏe, sự can đảm, lòng tận tụy, sự nhiệt thành, khả năng chuyên môn… Số lượng y bác sĩ và thiện nguyện viên cũng thật ít ỏi, thật giới hạn so với con số bệnh nhân Covid tại các bệnh viện. Nhưng tôi tin Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ kỳ diệu từ con số ít ỏi và giới hạn này cho Sài Gòn trở lại sức sống như xưa.

Những tin nhắn vội em gởi về có khi không tròn chữ, có khi chỉ gồm những ký hiệu, ngắn gọn, giản đơn, nhưng chúng cũng đã được kết lại để chúng tôi hiểu được những câu chuyện cảm động nơi tuyến đầu sóng gió. Em kể rằng nhóm 62 tu sĩ sẽ phân làm hai, một nhóm sẽ phục vụ tại bệnh viện Hùng Vương, và nhóm còn lại sẽ phục vụ tại bệnh viện Bạch Mai, nơi có các bệnh nhân trở bệnh nặng, phải thở bằng máy, được chuyển từ các bệnh viện khác tới - đây là “vùng đỏ” có nguy cơ lây nhiễm cao mà bất cứ ai bước vào khu vực này đều phải mặc áo bảo hộ màu trắng. Nhưng sau đó quyết định cuối cùng là tất cả sẽ cùng làm việc ở khu vực bệnh viện Bạch Mai vì nhu cầu khẩn thiết hơn.

Những lời khuyến nghị của các bác sĩ trong hai ngày tập huấn thật cảm động, chan chứa tình Chúa tình người:

  • Phải có tinh thần tốt, con tim tốt, sức khỏe tốt.
  • Cần tập trung bảo vệ sức khỏe của mình trên hết.
  • Nếu không bảo vệ và chăm sóc chính mình được, thì sẽ không bảo vệ và chăm sóc bệnh nhân được.
  • Chúng tôi mong muốn tất cả các thiện nguyện viên đều khỏe mạnh.
  • Trong nhóm nếu một người bị nhiễm, cả nhóm sẽ bị cách ly.
  • Quy trình mặc và thay áo bảo hộ rất quan trọng, vì sự lây nhiễm sẽ xảy ra vào lúc này nếu không thực hiện đúng quy trình.

Những lời hướng dẫn tận tình với tất cả con tim của các bác sĩ đã làm cho các thiện nguyện viên tập trung nhiều hơn vào việc thực tập quy trình mặc và tháo cởi những bộ đồ bảo hộ. Hình ảnh các em gửi về thật sự chạm đến trái tim tôi, nhìn em loay hoay với những bộ đồ bảo hộ trắng xanh, lòng tôi chợt thắt lại. Những thao tác nhỏ bé nhưng cực kỳ quan trọng, nó quyết định sự sống còn cả cho mình và cho người khác. Lưu tâm đến từng thao tác nhỏ bé như những tấm bánh nhỏ dâng lên Chúa để bảo vệ sự sống Chúa ban.

Tôi nhớ lại trước ngày lên đường, em cũng nhẹ nhàng với một việc làm nhỏ bé nhưng không kém phần quan trọng: Giống như nhiều bác sĩ trước khi ra tuyến đầu đã cắt ngắn những mái tóc đẹp của mình, em cũng đã cắt ngắn mái tóc đen tuyền như suối thơ để lên đường phục vụ - mái tóc em đã nâng niu suốt hơn 20 năm chưa một lần cắt ngắn. Em nói em thích mái tóc dài con gái nhưng giờ đây em đã hy sinh, dâng lên Thiên Chúa như tấm bánh nhỏ để Chúa làm nên những điều kỳ diệu cho dân Người. Tôi hỏi: “Có tiếc không?”, em vuốt mái tóc ngắn mỉm cười: “Cắt tóc rồi, em thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và thanh thản lên đường, chắc Chúa Giêsu cũng thích kiểu tóc này của em.”

Tin em nhắn về, ngày mai chúng em sẽ chia ca làm việc: ca sáng từ 7g-14g, ca chiều từ 14g-21g, ca tối từ 21g-7g. Sáng hôm sau, các tu sĩ được chia làm 4 nhóm, thay ca xoay vòng. Công việc của chúng em là động viên các bệnh nhân an tâm điều trị, thăm hỏi những người còn khả năng nói chuyện, giúp họ liên lạc với người thân và gia đình, hỗ trợ các điều dưỡng cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân và tắm gội khô cho bệnh nhân, vệ sinh lau dọn các phòng bệnh, phân loại và thu gom rác thải. Một lần nữa tôi nhận ra những tấm bánh nhỏ, những công việc âm thầm, khiêm tốn của các tu sĩ đang tin tưởng dâng lên Thiên Chúa để Ngài làm những điều kỳ diệu trên dân Ngài.

Không phải tự sức mình mà các tu sĩ có thể can đảm làm chọn lựa này, nhưng từng bước trong đời, Chúa đã yêu thương dắt dìu; từng bước trong đời Chúa đã soi sáng hướng dẫn; từng bước trong đời Chúa đã gọi, đã chọn, đã thánh hiến và giờ đây Chúa sai lên đường. Chúa mời gọi các tu sĩ thiện nguyện bước vào một hành trình mới lạ mà họ chưa một lần trải nghiệm trong đời, để hiến thân cho Chúa và cho anh chị em đang nguy khốn vì đại dich trong các bệnh viện dã chiến, thu dung và điều trị.

Lạy Chúa, xin đón nhận sự hăng say, nhiệt thành, dấn thân, quảng đại, cùng những lo lắng, khắc khoải, e ngại, những giới hạn của các anh chị em tu sĩ trong hành trình đặc biệt này. Xin Chúa che chở, đồng hành, ban sức mạnh, sự can đảm, lòng kiên trì và đổ tràn niềm vui phục vụ trong tâm hồn các tu sĩ thiện nguyện nơi các tuyến đầu chống dịch.

Sr Tuyết Mai Rndm. (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

Top