Những món nợ ân tình nơi tuyến đầu

Những món nợ ân tình nơi tuyến đầu

Những món nợ ân tình nơi tuyến đầu

TGPSG -- Món nợ nào cũng có dấu nặng! Vì thế không ai muốn mình phải mang nợ. Tuy nhiên, có những món nợ không làm chúng ta nặng lòng, nhưng là nặng tình: những món nợ ân tình!

Còn nhớ, khi đọc được thư mời gọi tham gia chương trình tu sĩ thiện nguyện của Đức Tổng Giuse, bên trong tôi trỗi dậy một thôi thúc mãnh liệt, nhưng tôi không diễn tả được chính xác thôi thúc đó. Và khi nhận được lời chúc của một người anh em cùng hội dòng, tôi hiểu thôi thúc đó mang ý nghĩa gì. Anh chúc tôi lên đường vào tâm dịch, lan tỏa yêu thương và trao ban tấm lòng mục tử cho đoàn chiên đau yếu. Đi là để trao ban trái tim mục tử của Chúa Giêsu. Giờ đây sau 1 tháng thiện nguyện, tôi đã hiểu, lời mời gọi hôm đó là món quà Chúa ban cho tôi. Đó là cơ hội quý báu để tôi hiểu được trái tim mục tử của Chúa và để trái tim tôi được uốn nắn nên giống trái tim Chúa. Có thể nói khi lên đường là tôi đã mang một món nợ, món nợ ân tình!

Trong thời gian phục vụ, lần nọ tôi đi cùng một em điều dưỡng, xuống nhà xác để làm phép xác cho bác họ của em. Em xúc động kể tôi nghe đêm cuối cùng của bác. Một đêm không có người thân bên cạnh, xung quanh đều xa lạ, tiếng máy móc và tiếng những con người xa lạ. Tôi giật mình trước hai chữ “xa lạ.” Phải chăng những bệnh nhân Covid không chỉ vật lộn với bệnh tật, mà còn phải đấu tranh với điều không kém phần đáng sợ, “xa lạ.” Tôi chợt hiểu sự hiện diện của các TNV chúng tôi cần phải đẩy lùi “xa lạ”, ngõ hầu kiến tạo sự thân quen và gần gũi ngang qua chính thái độ phục vụ của chúng tôi. Và như thế, nhờ việc đến với các bệnh nhân, TNV chúng tôi học được cách trở nên một người thân của họ. Và tôi lại có thêm một món nợ, món nợ ân tình!

Có lần một người bạn của tôi xem những clip ngắn mà chúng tôi quay lại trong khi làm việc. Cô ấy bị ấn tượng bởi ánh mắt của các tu sĩ, vì chúng thật tươi tắn và ấm áp. Bộ đồ đồng phục cản trở bệnh nhân nhìn thấy khuôn mặt của các y bác sĩ và TNV chúng tôi, nhưng không thể ngăn cản sự tương tác ánh mắt giữa chúng tôi và bệnh nhân. Tôi học được tầm quan trọng của “cửa sổ tâm hồn”. Một ánh mắt quan tâm và nâng đỡ có khả năng khích lệ và an ủi bệnh nhân rất nhiều. Thêm một điều phải học và vì thế thêm một món nợ ân tình.

Một phụ nữ trung niên được tôi xức dầu. Tôi cầu chúc cô mau khỏi bệnh và trở về đoàn tụ với gia đình. Thế mà, chưa đến một tuần lễ, tôi không còn cơ hội gặp lại cô. Tôi chỉ có thể đi với cô một đoạn đường ngắn ngủi! Một thân nhân xin tôi giúp em được làm tình nguyện viên trong bệnh viện, được phục vụ như tôi. Em tha thiết điều đó vì lẽ mẹ em đang được điều trị trong phòng cấp cứu. Trước đó khi xức dầu cho mẹ của em, cả tôi và em đều lạc quan và tin tưởng. Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng mẹ em sẽ mau chóng khỏi bệnh. Nhưng khi sức khỏe của mẹ em dần trở nên xấu đi, tôi thấy lòng nặng trĩu trước những lời động viên trước kia của mình. Thấy em rối bời, tôi không biết phải nói sao. Có lẽ đó là thực tế cuộc đời: chúng ta chỉ có thể đi với nhau một đoạn đường đời. Đây là một trong những bài học khó nhất của đức tin. Cả tôi và thân nhân của bệnh nhân phải học cách buông tay, để tin tưởng rằng sẽ luôn có bàn tay cuối cùng nắm lấy các bệnh nhân trong giây phút cuối đời của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những giọt nước mắt, thì tôi vẫn thấp lấp lánh những nụ cười. Tôi nhớ rõ khuôn mặt của một cụ bệnh nhân, ông bị liệt, một mắt bị hư, nhưng ông có nụ cười thật đôn hậu và sáng ngời. Mỗi lần tới thay tã cho ông, tôi hỏi và ông luôn trả lời bằng nụ cười, như thể đó là thứ duy nhất ông có. Không biết ông có hiểu lời tôi, nhưng nụ cười của ông đã tạo nên những giây phút ấm áp và bình yên nơi đây. Bệnh viện hồi sức Covid đâu chỉ có mất mát và đau thương, những vẫn lấp lánh đâu đó nhiều niềm vui và hy vọng.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang, SJ (TGPSG)

Top