Những cột trụ trong đời sống

Những cột trụ trong đời sống

Trong thời chiến hồi đó, 5 nữ tu, hai linh mục và một thầy trợ sĩ đã đi bộ từ miền Sepik tới Benabena vùng cao nguyên mạn đông bắc Phi Luật Tân, để trốn thoát khỏi tay quân lính Nhật lùng bắt. Họ khởi hành từ bờ sông Sepik và sau 123 ngày, họ đã tới làng Benabena. Họ vượt rừng, lội suối, leo núi, mò mẫm bước đi, vì không có một đường lộ nào, ngay cả đến một con đường mòn cũng không. Tuy nhiên, có một điều đã giúp họ rất nhiều trong suốt cuộc hành trình trốn thoát. Đó là, sau khi khởi hành, họ đã gặp được hai anh chỉ huy trưởng đoàn hướng đạo. Họ chỉ lối cho vì là những người rất thông thạo đường.

Các bạn thân mến, còn gì sung sướng và an ủi cho những người đang lúc phân vân vì lầm đường lạc hướng được người thông thạo dẫn đường chỉ lối cho!

Đời sống con người là cuộc hành trình duy nhất, ra đi mà không bao giờ trở lại, bởi vì chúng ta chỉ sống một lần trên đời này mà thôi. Vì thế chúng ta cần đến kinh nghiệm của những người đã đi trước như địa bàn chỉ lối cho. Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta cần đến những cột trụ của lề luật như những bảng chỉ đường để sống trong an bình và trật tự, để bảo vệ quyền lợi cá nhân cũng như lợi ích chung.

Tại trường Don Bosco, trong ngày đầu niên học, các học sinh cũng như các giáo sư thường tụ họp tại hội trường lớn với một nghi thức khai mạc trang nghiêm, tức là lắng nghe đọc bản quy luật của trường.

Với kinh nghiệm và năng khiếu phú bẩm của một nhà giáo dục, Don Bosco quá biết rõ sự yếu dòn của tuổi trẻ, tuy là gia sản và là tương lai của xã hội, nhưng lại là lứa tuổi dễ bị băng hại, không phải vì bản tính hoặc ý hướng xấu cho bằng vì những nông nổi không được tự chủ kịp thời. Vì thế cần được bàn tay dịu hiền uốn nắn và trái tim nhân từ nâng đỡ, dìu dắt.

Với trực giác bén nhạy của một người cha và thày dạy lành nghề, Don Bosco đã ghi chép cách vắn tắt, nhưng rất rõ ràng những điều các học sinh phải làm và phải xa tránh. Đối với Don Bosco, sự hiểu biết về một số quy luật rõ ràng và thực tiễn là chìa khóa căn bản của phương pháp giáo dục qua mọi thời đại.

Xã hội của chúng ta ngày nay xem như là một xã hội có chiều hướng ngầm khai trừ mọi luật pháp. Có những người chủ trương thăng tiến ngoài vòng luật lệ. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng vô kỷ luật không thể nào là con đường của thăng tiến và phát triển được, nhưng chỉ dẫn đưa đến sự hỗn loạn và bất an về mọi mặt. Nhất là các bạn trẻ, tuy là tuổi lý tưởng, nhưng nhiều khi vì thiếu kinh nghiệm nên chỉ biết suy luận một cách cụ thể để bảo vệ sự sống còn của giây phút hiện tại mà thôi, chứ không biết nhìn xa thấy rộng.

Hơn nữa, trước những sụp đổ của lý tưởng và thiếu bậc thang giá trị trong môi trường xã hội, các bạn trẻ bước đi như con thuyền không lái, không biết định hướng thế nào, lảo đảo giữa những thăng trầm của thế sự. Một số nhà học giả xã hội gọi giới trẻ ngày nay là “giới trẻ không có địa bàn”.

Vấn đề không phải là vì họ thiếu địa bàn, nhưng là vì không có ai biết cho họ một địa bàn hoặc một hướng đi nào cả. Ngay cả đến các phụ huynh, nhiều khi cũng đầy những băn khoăn lo lắng, không biết họ muốn gì, và muốn cho con cái họ đi về đâu nữa.

Ngay từ đầu Don Bosco đã hiểu rõ nhu cầu cần thiết của một số quy luật bên ngoài để dần dần trở thành những quy luật nội tâm mà mỗi người phải tự gây xác tín cho mình. Nó là như những cột trụ, những điểm quy chiếu cho đời sống mai ngày. Để được như thế, những cột trụ ấy cần có những đặc điểm sau đây:

1. Con cái cũng như các học sinh cần được biết rõ đâu là những bậc thang giá trị của cha mẹ và của thầy dạy. Biết rõ những gì phải tôn trọng, dĩ nhiên sẽ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm phải tôn trọng. Vì thế cần được hiểu biết trước, hiểu rõ kịp thời. Nhiều phụ huynh chỉ can thiệp khi sự việc đã xảy ra đành lỡ, khi những thói hư nết xấu đã ăn rễ quá sâu rồi. Do đó không lạ gì những hình phạt, những lời quở trách nặng nề, những than khóc giận dữ chỉ là phương thuốc vô hiệu mà thôi.

2. Quy luật tốt và hữu hiệu là ít quy luật, nhưng rõ ràng và có thể thực hiện được. Không cần phải nhiều lời mới được việc. Đối với tuổi trẻ, những lời nói lải nhải, lặp đi lặp lại một điệp khúc, những lời cấm đoán, chỉ làm cho các bạn trẻ càng thêm bực tức, chống đối, và cuối cùng là bỏ ngoài tai tất cả mọi lời răn dạy của cha mẹ.

3. Đừng nói một đàng làm một nẻo. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ bắt chước gương đời sống hơn là làm theo các lời dạy. Trong các bức tranh khôi hài về giáo dục có bức vẽ một người cha cầm roi đánh con. Vừa đánh con ông vừa nói:

- Với cái roi này, mày sẽ hiểu rằng không được đánh em là gì !

4. Các quy luật thỉnh thoảng cần được duyệt xét lại để thích ứng với nhu cầu và hoàn cảnh thực tế, với lứa tuổi, với khả năng, với bản lãnh của con cái cũng như với những đổi thay bên ngoài.

Tuân giữ các quy luật sẵn có không hẳn là đảm bảo tránh khỏi lỗi phạm. Trái lại, việc tuân giữ luật phải là hoa trái nảy sinh từ mối liên hệ thân mật, của lòng tín nhiệm, tinh thần đối thoại cởi mở và quý trọng giữa con cái và cha mẹ.

5. Phương pháp hai hàng cột. Hiện nay trong các buổi họp mặt các phụ huynh thường có phần trình bày phương pháp giáo dục mang tên là “phương pháp hai hàng cột”.

Phương pháp này nhắm mục đích cổ võ tinh thần đối thoại và cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Trong bầu khí gia đình, phụ huynh và con cái ngồi trước một trang giấy trắng được chia thành 2 cột bằng một đường gạch thẳng từ trên xuống dưới. Sau khi đã đồng ý thỏa thuận với con cái, cha mẹ sẽ viết xuống trên giấy bên cột phía tay trái, những điểm cần thiết phải tuân giữ. Trong cột bên tay phải, họ sẽ liệt kê những điều có thể gây xung khắc và làm cho bầu khí gia đình trở nên căng thẳng, cần phải tránh. Tuy nhiên, sẽ được trao phó cho lương tâm và tinh thần trách nhiệm của mỗi phần tử trong gia đình.

Phương pháp trên đây còn là cơ hội thuận tiện gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ trong gia đình. Phương pháp này đã giúp thay đổi bầu khí trong nhiều gia đình, giải tỏa những căng thẳng, những hiểu lầm và bắc lại nhịp cầu thông cảm giữa hai thế hệ xem như càng ngày càng xa cách nhau hơn.

-----------

Cf * FERRERO Bruno, I pilastri della vita, in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 45 - 47;

* MIHALIC Frank, 1000 Stories You Can Use, Vol. 2, Divine Word Publications (1989) N. 905.

Top