Nhà nguyện Đắc Lộ: Đêm canh thức Vọng Giáng Sinh

Nhà nguyện Đắc Lộ: Đêm canh thức Vọng Giáng Sinh

WGPSG -- Lúc 21g00 ngày 24/12/2014, Nhà nguyện Đắc Lộ đã tổ chức đêm canh thức Vọng Giáng Sinh với chủ đề: CON CHỜ CHÚA hay CHÚA CHỜ CON. Khoảng 250 tín hữu đã đến tham dự buổi canh thức này.

Để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đi vào đêm canh thức, ca đoàn Đắc Lộ đã trình diễn thánh ca:

  1.  Bài “Trông đợi” của Văn Khoa nói lên khát vọng của toàn dân đang trông đợi Chúa đến: Chúa ơi, con tìm nơi đâu con vẫn cô đơn...
  2. “Hãy thét vang” là tâm tình của những con người quá cùng cực, bật lên tiếng thét của niềm vui vì Chúa đã đến giải thoát họ: Hãy thét vang khắp núi rừng đồi báo tin vui Chúa Giêsu đến rồi...
  3. “Vui lên Sion” của Thành Tâm: Hãy tin chắc Chúa sắp đến để đem cho chúng ta niềm an vui...
  4. “Thiên thần Gabriel” của Hoàng Kim với âm điệu bình ca, kể câu chuyện sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria: Mừng vui lên hỡi Đấng đầy hồng ân...
  5. Cuối cùng, nhóm thiếu nhi của ban hợp xướng Piô với bài hát “Hài đồng và trẻ thơ” đã khuấy động bầu không khí vui hẳn lên với những giọng ca trẻ thơ nhưng không kém phần điêu luyện.

Sau đó, phần thánh ca tạm lắng đọng nhường chỗ cho buổi cầu nguyện Taizé bắt đầu. Ánh sáng đèn pha tạm rút lui, bóng tối tràn ngập không gian, nhờ đó những ngọn nến leo lét lại dần sáng tỏ. Với bóng tối làm chùng tâm trí lại và tay cầm ngọn nến sưởi ấm tâm hồn, cộng đoàn bắt đầu đi vào chủ đề cầu nguyện: “Con chờ Chúa hay Chúa chờ con”.

“Hãy biết đợi Chúa, đây ngày gần rồi, chờ mong Thiên Chúa, tâm trí kiên cường”. Lời bài hát được lập đi lập lại, nhỏ dần, thấm sâu vào tâm hồn.

Bóng tối chiến tranh và tội ác vẫn còn và có phần mãnh liệt hơn. Người ta lấy việc chặt đầu con người làm dấu chỉ của niềm tin tôn giáo, lấy việc xả súng vào trẻ em làm niềm vui. Con người đang khát khao ánh sáng và sự sống. “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến”. Lời bài hát khẩn thiết vang lên.

Lời Chúa trong sách Khải Huyền vang lên: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Hóa ra, Lời Chúa đã nói lên điều ngược lại: không phải ta chờ Chúa mà chính Chúa đã chờ ta. Chúa đã đứng trước cửa nhà ta, đã gõ cửa, đã chờ đợi. Cửa đã được khóa chốt từ bên trong. Cái khó là nghe được tiếng gõ cửa. Nhiều tiếng ồn ào chung quanh làm ta không nghe được tiếng gõ cửa hoặc tiếng gõ quá nhỏ? Khi Chúa đã vào nhà ta thì việc gì sẽ xảy ra? Chúa dùng bữa với ta và ta dùng bữa với Chúa? Ai đãi ai? Con chờ Chúa hay Chúa chờ con? Hóa ra là, để có cuộc gặp gỡ, hai bên phải chờ nhau. Không chỉ là con chờ Chúa nhưng Chúa chờ con trước. Đôi lúc con mất kiên nhẫn vì đã chờ Chúa lâu quá. Xin cho con cũng biết nhiều khi Chúa cũng mất kiên nhẫn vì đã chờ con quá lâu! Đối với con, chỉ cần đưa tay ra, kéo chốt là Chúa có thể vào nhà. Xin cho mỗi người chúng ta hôm nay khám phá ra rằng đúng là Chúa chờ chúng ta và xin cho mỗi người đang hiện diện nơi đây đều sẵn sàng mở cửa cho Chúa.

Giờ cầu nguyện Taizé kết thúc, ánh sáng lại bừng lên, mọi người chuẩn bị kiệu Chúa Hài Đồng. Khoảng 10 phút sau, tượng Chúa Hài Đồng đã được nhóm Taizé và sinh viên Hiệp Thông cung nghênh vào lễ đài, theo sau là đoàn linh mục đồng tế.

Thánh lễ hôm nay được chủ sự bởi cha Bề trên Antôn Nguyễn Cao Siêu và 4 linh mục Dòng Tên từ xa về. Trước khi dâng Thánh lễ, linh mục chủ tế đã mời gọi mọi người nhìn lại tội của chúng ta, đó là tội không mở cửa đón Chúa vào nhà nhưng lại để Chúa phải lang thang ngoài trời giá lạnh và sinh ra trong chuồng bò.

Trong bài giảng, cha Antôn đã chia sẻ tâm tình khi nhìn vào máng cỏ. Cha đã khám phá ra 3 nét đặc biệt:

  1. Tình yêu mở ra: Từ hai cánh tay mở ra của Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta thấy từ trên cao, chính Chúa Cha đã mở ra trước; Ngài đã mở ra để con của Ngài được xuống thế gian cứu độ mọi người. Chúa Giêsu mở ra: “Mọi người hãy đến cùng tôi, tôi sẽ bổ sức cho”. Chúa Thánh Thần mở ra để cho quyền năng của Ngài bao trùm xuống trên Đức Trinh Nữ Maria. Và tới phiên Đức Maria, Trinh Nữ cũng đã mở ra để Chúa Cứu Thế đi vào cung lòng của mình, vào cuộc đời của mình. Thế thì nhìn vào hang đá còn ai mở ra nữa? Vâng, còn một nhân vật không kém quan trọng mà mọi người hay quên: Thánh Giuse. Nếu Ngài không mở ra mà lìa bỏ Maria một cách kín đáo thì Chúa Giêsu không cha, Đức Maria không chồng, gia đình thánh thất không biết xảy ra như thế nào nữa! Cám ơn Thánh Giuse vì đã mở ra. Thiên Chúa đã mở ra như thế nhưng loài người lại hay khép lại. Họ không mở ra cho những người khác màu da với mình, khác tôn giáo với mình, khác đẳng cấp với mình, thậm chí khác nhóm với mình!
  2. Tình yêu khiêm tốn: Con Thiên Chúa cao sang giờ trở nên người phàm; Đấng tạo thành vũ trụ và con người, giờ phải gọi một con người là mẹ! Một tình yêu dịu dàng: mời gọi mà không cưỡng ép, làm rung động mà không làm tổn thương. Một tình yêu không phải từ trên áp xuống, chiếm hữu, trịnh thượng mà là một tình yêu khiêm tốn.
  3. Tình yêu tự hủy: Hủy những vinh quang của Thiên Chúa để mặc lấy thân phận yếu đuối của con người.

Để kết thúc, cha Antôn yêu cầu một điều ngộ nghĩnh: hễ ai muốn chụp hình trước hang đá thì phải đọc một kinh Kính Mừng, chụp 2 pô thì đọc 2 kinh, chụp 50 pô thì kể như lần nguyên chuỗi. Tại sao vậy? Vì sự tục hóa đã len lỏi khắp nơi; người ta làm hang đá không phải để cầu nguyện! Một hang đá mà người ta đến đó và không thể cầu nguyện được thì đó không phải là hang đá nữa!

Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể, và sau đó là lời chúc Giáng sinh của Đức Giáo hoàng Phanxicô viết bằng tiếng Ý được một vị linh mục đọc và cha Antôn đã dịch ra cho mọi người cùng nghe. Mọi người ra về vui tươi vì đã được canh thức, được đón Chúa vào lòng và được Đức Giáo hoàng từ nơi xa xăm gởi lời chúc Giáng sinh đến!

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top