Người Thầy không ăn lương

Người Thầy không ăn lương

Người Thầy không ăn lương

Mưa, mưa tầm tã mấy ngày liền. Dải đường uốn quanh vào giáo xứ Lộc Quang trơn tuột. Con suối đầu sóc Lộc Quang chảy xiết.

Trận mưa chiều nay đã làm cho bọn trẻ con chǎn trâu trong Sóc ướt sũng. Thoát khỏi nhóm bạn, Kleng thúc trâu chạy thật nhanh về nhà, cởi vội cái mõ và lùa trâu vào chuồng. Nó chạy lên nhà rửa chân tay và thay quần áo rồi chào mẹ đi học.

Kleng cùng đám bạn chạy ùa tới nhà thầy Hải học tiếng Khơmer, học tiếng Việt. Thầy Hải là người thành phố lên Lộc Quang gần 20 năm, sống với bà con người Stiêng, Khơmer. Cùng ăn, cùng ở, cùng chịu đói khổ, thầy cũng trồng khoai mì để ăn như mọi người. Thầy thấy các em không biết chữ của dân tộc mình, nên thầy mở lớp dạy tiếng Khơmer. Sau một thời gian ,các em đã biết đọc sách, đọc truyện bằng tiếng của mình. Già làng rất vui, khen thầy chịu khó. Nhờ chịu khó mà thầy đã dạy được một lớp 20 em đọc viết thành thạo chữ Khơmer. Thầy còn giúp một số em có tinh thần truyền giáo học đọc Kinh Thánh bằng chữ Khơmer. Tôi hỏi thầy: “Các em đã biết đọc chữ của dân tộc mình rồi thì cũng đọc được Thánh Kinh chứ?” Nhưng thầy cho biết chữ của người Khơmer khác với chữ của người Kinh. Ai đọc viết thành thạo vẫn chưa có thể đọc Kinh thánh được, phải học thêm một khóa về Kinh thánh mới đọc được. Hôm tôi đến lần sau thấy các em mỗi bạn ôm một cuốn Kinh Thánh bằng chữ Khmer chào thầy rồi đi. Thầy cho biết các em đã biết đọc Kinh Thánh bằng tiếng Khơmer, nên tối nào cũng vào các sóc cầu nguyện cùng với bà con của mình.

Thầy còn mở thêm lớp học tiếng Việt cho một số người lớn, ngoài ra có lớp đàn guitar, lớp đàn organ. Người tới người lui, lớp học nhộn nhịp rất vui, chỉ riêng có thầy là bận bịu không dám đi đâu xa, có người mời thầy xuống thành phố thầy không dám đi vì thương các bạn đang học không nỡ để các em nghỉ.

Tuy bận bịu như thế thầy vẫn dành thời gian đến từng nhà, từng sóc để thăm hỏi động viên những bạn nản, muốn bỏ học. Một lần vào dịp Noel, đang đêm thầy kéo tôi đi. Đang nghĩ xem thầy dẫn mình đi đâu thì thầy chở tôi vào nhà một bạn, gọi là nhà chứ chỉ là một cái lán trên lá cỏ tranh kết lại, xung quanh những tấm phên bằng tre. Bạn này chưa có chồng nhưng lại mang một cái bầu rất to. Vào đến nhà, em đó đang ngủ, thầy gọi dậy để đọc kinh. Chúng tôi và em đó đứng trước bàn thờ cầu nguyện với Chúa. Trước lời nguyện cá nhân của mỗi người, thầy kêu mời: "Chúa thương chúng ta lắm, chúng ta hãy dâng mọi khó khăn, những yếu đuối của mình cho Chúa, Người sẽ bù đắp cho". Khi về nhà thầy, thầy mới nói cho tôi hiểu. Em này đi làm thuê cho họ, không biết bị anh chàng nào đó làm cho như vậy, nhưng mọi người trong sóc, cả cán bộ địa phương đều nói sản phẩm đó là của thầy. Họ bắt phá cái bào thai đó đi, nhưng thầy cứ một mực nói em này phải giữ bào thai đó lại. Vì đang trong tầm ngắm của mọi người, thầy không dám đến vào ban ngày. Thầy sợ em đó do sức ép của mọi người mà bỏ cái bào thai nên lúc nào thuận tiện là thầy đến để động viên, cầu nguyện cho em đó, bất chấp mọi người dị nghị bàn tán, thầy vẫn luôn đồng hành để bảo vệ sự sống. Đêm đó tôi cứ nghĩ miên man, đúng là một con người chính trực, hơn thế nữa, là người “biết chiến đấu mà không sợ thương tích” ( Kinh dâng hiến của Thánh Ignatio )

Một thời gian sau gặp lại thầy tôi hỏi lại chuyện cũ, “Em bé sao rồi. Có giống thầy không? Thầy cười nói: Nó mà giống mình thì họ đâu có cho mình ở đây”. Lần này đến đã thấy các em đông vui hơn. Mới sáng sớm đã có các em nhỏ tíu tít ngoài sân thi nhau quét dọn, làm vệ sinh lớp trước khi học. Các em đến nhà thầy vừa được học chữ, học nhạc, đàn lại được xem phim, thầy còn có một tủ phim giáo dục mà ở thành phố ít ai có được như thầy, nhiều lúc lên thăm thầy tôi cũng tranh thủ xin copy ít phim về cho tủ phim của mình. Mỗi lần phải đi đâu thầy để chìa khoá trên hộc sau nhà để có em nào đến còn mở cửa, có gì lấy ra ăn với nhau, lấy đĩa mở phim coi, có bạn thì lấy sách, truyện ra đọc. Thầy không giữ riêng cho thầy mà biến cái nhà của mình thành nhà chung của mọi người. Có lúc tôi hỏi thầy, thầy không sợ mất đồ sao? Thầy cười nói mình đi thì mình gửi nhà cho Chúa coi còn sợ gì, nhiều người thấy thầy sống một mình như vậy mới hỏi; Thầy ở dòng nào, thầy được chức mấy rồi? Thầy chỉ gãi đầu cho qua chuyện. Có người lo cho thầy ở một mình giữa rừng như vậy lúc ốm đau, lúc về già ai nuôi. Thầy cho biết mình đi theo Chúa, dấn thân cho Chúa , chả lẽ Người bỏ mình sao. Có lần thầy bệnh mọi ngưởi trong các sóc kéo nhau ra thăm thầy ngồi kín cả nhà, tràn ra ngoài hiên, họ tới thăm thầy với tấm lòng chân thành, bánh trái, đường sữa thì họ không có, chỉ có củ khoai, củ mì mang cho thầy, thầy ăn cho đỡ bệnh. Mặc dù đang bệnh nhưng thầy cũng cố dậy mang bánh kẹo người nhà gửi cho thầy chia cho mọi người cùng ăn. Nhiều lần về thành phố có người thấy thầy ốm quá, thương thầy, có hũ thuốc bổ mua từ bên Mỹ về đưa ra biếu Thầy và căn dặn; Thuốc bổ này thầy để dành chỉ thầy uống thôi, không được cho ai. Thầy vâng để đấy, về nhà được mấy bữa có bà con đau bệnh đến xin thuốc thầy đem hũ thuốc bổ đem chia hết cho những người bệnh. "Phương châm của Thầy là khó với mình và dễ với mọi người", mình mới chỉ có ốm, còn họ thì đau bệnh, gầy yếu không đủ ăn nên họ đuối sức, nhìn họ mà mình không đành lòng giữ để dùng cho mình.

Lần thăm thầy gần đây nhất vào Lễ Các Thánh năm 2009, thầy đã đào tạo được 3 em phụ thầy dạy những em nhỏ, năm bạn lớn chuyên về Thánh Kinh bằng tiếng Khơmer và mời được bác Ba Đoan trong ban hành giáo cũng vào phụ thầy dạy chữ Khmer, một nhóm đồng hành 15 người mỗi tối vào các sóc cùng đọc Kinh cầu nguyện cho họ. Các em nay đã tự lập, tự giúp cho nhau, dạy chữ cho nhau, tự tổ chức đọc thánh kinh bằng tiếng Khơmer cho sóc của mình. Một số người già theo Chúa nhưng không hiểu về lời của Chúa, họ khao khát được nghe lời của Chúa, người già không biết tiếng kinh, giờ họ được nghe lời Chúa họ mừng lắm.

Qua những lần lên Lộc Quang tôi mới có cơ hội được biết về một người thầy âm thầm hy sinh, dấn thân cho công cuộc truyền giáo, giúp xoa mù chữ mà không cần thi đua khen thưởng, không một chút danh tiếng, không hưởng một đồng lương nào. Hơn thế nữa thầy còn khát vọng muốn giúp đồng bào xoá đói, xoá cái nghèo để mọi người mạnh khỏe, trẻ em được học hết cái chữ như những người kinh mà không phải bỏ học sớm.

Tấm gương của thầy làm cho tôi phải soi rọi lại mình để từ nay tôi sẽ cố gắng hy sinh hơn cho anh em, chịu tiêu hao sức khỏe, thì giờ, dùng chút khả năng nhỏ bé Chúa ban để giúp ích người khác, cho họ được thăng tiến hơn.

Top