Người Thầy chân chính
TGPSG -- “Người Thầy Chân Chính” là một câu chuyện mà người viết nhận được từ một người bạn thân thiết. Có lẽ, trong số các độc giả có người đã từng nghe câu chuyện này và cũng có thể có số ít chưa biết đến nó. Vì vậy, người viết xin được kể lại câu chuyện để sau đó trải lòng mình ra với một vài suy tư nhỏ).
Câu chuyện
Một chàng trai nhận ra Thầy giáo dạy tiểu học của mình đang đi trên đường. Anh lại gần Thầy giáo già và hỏi:
- Thầy có nhận ra em không? Em là học sinh của Thầy đây.
- Ừ, Thầy nhớ là dạy em hồi năm lớp nhất.
- Bây giờ em làm gì rồi?
- Em cũng đi dạy học. Chính Thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến em, nên em cũng muốn đi dạy những em nhỏ.
- Vậy sao? Cho phép tôi tò mò một chút, ảnh hưởng của tôi thể hiện ở việc nào?
- Thầy thực sự không nhớ gì sao? Thầy cho phép em nhắc lại chuyện cũ nhé:
Có lần, một bạn học đến lớp đeo một chiếc đồng hồ rất đẹp được bố mẹ tặng.
Bạn ấy tháo ra và đặt nó vào ngăn bàn. Em luôn mơ ước có một chiếc đồng hồ như thế. Em đã không kiềm chế được lòng tham và quyết định lấy chiếc đồng hồ đó từ ngăn bàn của bạn ấy. Một lúc sau, bạn ấy đến chỗ Thầy, vừa khóc và vừa than bị mất đồ. Thầy nhìn khắp cả lớp một lượt rồi nói: “Ai đã lấy chiếc đồng hồ của bạn, xin hãy mang trả cho bạn ấy”.
Em rất xấu hổ, nhưng em không muốn bỏ chiếc đồng hồ ra, do vậy em đã không nhận lỗi. Thầy đi ra đóng cửa lớp lại và ra lệnh cho tất cả học sinh nam đứng dọc bờ tường. Thầy báo trước: “Thầy sẽ khám túi tất cả các em với một điều kiện: tất cả phải nhắm mắt lại”.
Chúng em nghe lời Thầy, và em cảm thấy, đó chính là khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong thời thơ ấu của mình. Thầy đi từ đứa này đến đứa khác, sờ từ túi quần này sang túi quần khác. Khi rút chiếc đồng hồ ra khỏi túi quần của em, Thầy vẫn tiếp tục đi đến đứa học trò cuối cùng. Sau đó, Thầy nói:
“Các em, tất cả đã xong. Các em có thể mở mắt ra và đi về bàn của mình”. Thầy đưa trả lại chiếc đồng hồ cho bạn ấy và không bao giờ nói một lời nào về sự việc đó.
Ngày hôm đó, như vậy là Thầy đã cứu vãn danh dự và tâm hồn em. Thầy đã không tố giác em là kẻ cắp, kẻ lừa dối, là đứa vô tích sự. Thầy cũng không cần nói chuyện với em về sự việc đó. Mãi sau này, em mới hiểu tại sao. Bởi vì, Thầy là người Thầy chân chính, nên Thầy không muốn làm hoen ố phẩm cách một đứa trẻ chưa trưởng thành. Bởi vậy, em đã trở thành Thầy giáo như Thầy.
Cả hai cùng im lặng, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Sau đó, Thầy giáo trẻ hỏi:
- Chẳng lẽ hôm nay nhìn thấy em, Thầy không nhớ đến chuyện này?
Thầy giáo già trả lời:
- Vấn đề là khi Thầy soát túi các em, Thầy cũng NHẮM MẮT.
LUẬN VỀ NGƯỜI THẦY CHÂN CHÍNH
Câu chuyện “Người Thầy Chân Chính” thật hay và ý nghĩa. Đó là sự nối tiếp trong cách ứng xử của hai thế hệ. Người viết dùng cụm từ sự nối tiếp ở đây trong ý nghĩa tốt lành và tích cực của nó. Hai người Thầy thuộc hai thế hệ và cũng trong hai bối cảnh cuộc sống khác nhau nhưng lại gặp nhau trong cái Tâm của “Nghề Giáo”. Chúng ta không rõ lí do chọn nghề giáo của Thầy giáo nhưng chúng ta biết được lí do của cậu học trò: “Chính Thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến em, nên em cũng muốn đi dạy những em nhỏ”. Câu đáp của cậu học trò tưởng là rất đơn giản, ta tưởng chỉ là việc học đòi theo những gì Thầy của anh ta từng biểu lộ nhưng không. Câu nói của người học trò sâu sắc hơn nhiều và nó còn thật sự sâu sắc trong câu chuyện mà anh ta đã cảm nghiệm và hồi tưởng lại.
Câu chuyện về lòng tham, câu chuyện mất chiếc đồng hồ là hai trong số nhiều câu chuyện mà chúng ta cứ gặp đi gặp lại mãi trong kiếp nhân sinh. Còn câu chuyện về cách xử lí tinh tế của Thầy giáo lại là một câu chuyện đặc biệt và nó khiến chúng ta phải dừng lại, ưu tư và kiên nhẫn. Tại sao chúng ta lại phải kiên nhẫn? Thưa, vì có lẽ chúng ta đã đọc, đã biết hay đã cảm được câu chuyện này nhưng có khi chúng ta lại hơi vội vàng bỏ qua và không cho mình có được chút trải lòng nào vào trong thực tế của cuộc sống. Chúng ta đã đủ kiên nhẫn để ở lại trong tâm thế của cậu bé bị mất cắp chiếc đồng hồ đẹp chưa? Chúng ta đã đủ kiên nhẫn để ở lại trong nỗi sợ hãi bị vạch trần thói xấu của cậu bé lấy cắp đồng hồ của bạn hay chưa? Và, chúng ta đã đủ kiên nhẫn để ở lại trong suy nghĩ của Thầy giáo: tôi phải làm gì trong tình cảnh éo le này hay chưa? Với một lũ học trò nhỏ, dù chúng có tinh ranh đến mấy, chúng cũng sẽ sợ đòn roi, sẽ sợ bị mời phụ huynh và tất nhiên chúng cũng sẽ rất sợ bị đuổi học. Vậy thì, có gì khó để Thầy giáo phải ưu tư khi cách thức để tìm thấy chiếc đồng hồ bị mất quá đỗi dịu dàng? Và sự tinh tế hay chân chính của một con người nằm ở đó.
Kết thúc câu chuyện thật tưởng là hài: “Vấn đề là khi Thầy soát túi các em, Thầy cũng NHẮM MẮT”. Ôi, cái nhắm mắt sao mà nhiệm mầu. Con mắt thể lý của Thầy giáo đã nhắm nhưng con mắt tâm hồn của Thầy thật sự rộng mở để có thể: lắng nghe nhịp thở của cảm xúc và con tim của chính mình; lắng nghe nhịp thở của lũ học trò đang bị tầm soát và lắng nghe nhịp thở đầy não nề và đầy sợ hãi của cậu bé đang cất giữ chiếc đồng hồ. Một hành động tưởng chừng vô ý như Thầy đã nhận định nhưng thực sự lại vô cùng “hữu ý”. Chúng ta nhận ra một nhân cách, một con tim tràn đầy Lòng Thương Xót. Thầy đã giữ thể diện cho trò. Tâm tình này, chúng ta gặp thấy qua lời huấn dụ của Thánh Phanxicô dành cho các anh em của ngài: “Tất cả các anh em khác, nếu biết người ấy đã phạm tội, thì đừng làm người ấy hổ thẹn, cũng đừng nói xấu người ấy, nhưng hãy tỏ lòng thương xót và giữ kín tội lỗi của người anh em mình”. Thầy giáo vẫn làm việc bổn phận: đưa vấn đề ra ánh sáng, tìm lại sự thật và công lý cho những ai có liên quan. Thầy đã chu toàn đúng nghĩa chức phận của mình. Nhưng sâu xa hơn cả, cách làm của Thầy quá đỗi tinh tế. Và rồi, mọi thứ được giải quyết cách êm đẹp: đủ cả lí và và thấm đượm tình người.
Đọc đi rồi đọc lại câu chuyện “Người Thầy Chân Chính”, mỗi chúng ta lại có thêm kinh nghiệm về Cái Đẹp và Cái Tốt. Cái Đẹp không bao giờ bị mất và Cái Đẹp luôn mang lại giá trị tích cực và lan tỏa. Tốt là sự nhìn nhận và tưởng thưởng mà mọi người sẽ dành cho bất cứ ai có hành vi “mang và vượt trên tính nhân bản”. Hành vi xử lí hệ quả mất trộm là hành vi Tốt và đó là điều cần phải làm: vì ai cũng cần Sự Thật. Nhưng hành vi ấy còn Đẹp vì nó đã vượt qua cách thức xử lí bình thường của con người. Cái Đẹp khởi sự từ Tâm Đẹp, Tâm Từ Bi, Tâm Thương Xót thì sẽ cho ra các hành động Đẹp. Cậu học trò xưa quá đỗi may mắn. Cậu may mắn không phải vì không bị tố giác nhưng cậu may mắn vì đã được thấu hiểu. Một chút “khắc nghiệt” trong cách ứng xử của Thầy giáo có thể sẽ tạo nên một tương lai khác cho cậu học trò. Cậu học trò nhỏ bé xưa cần và rất cần sự chữa lành. Liều thuốc cần cho cậu là sự đồng cảm, tha thứ và một lối mở tinh tế. Và điều này, như chính Thầy Giêsu Nhân Lành đã nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12).
Trở về để gặp lại cố nhân, Thầy giáo trẻ lòng đầy hân hoan. Sau bấy lâu “dằn vặt” của con tim, nay anh đã được giải thoát và có thể công khai lại chuyện cũ với vị Đại Ân Nhân của mình. Chúng ta có thể thấu cảm được cảm xúc của Thầy giáo trẻ lúc gặp lại Thầy giáo già. Có lẽ, Thầy giáo trẻ sẽ chờ đợi một sự khích lệ, động viên hay một lời giải thích “có cánh” từ người Thầy của mình… nhưng không? Trong cái giây phút đầy thăng hoa cảm xúc của cậu học trò cũ, Thầy giáo già lại tiếp tục cho cậu một bài học khác: “Ta đã chỉ NHẮM MẮT mà thôi. Con có hiểu ý Ta không? Mắt Thể Lý nhắm nhưng Mắt Tâm Hồn phải luôn rộng mở. Con Mắt Thể Lý khiến chúng ta nhiều phen phải đau đớn và đau đớn tột độ. Con hãy biết dùng và điều chỉnh nó. Như ngày hôm nay, Ta lại một lần nữa đóng Con Mắt Thể Lý của Ta để nói chuyện với con và ta không muốn khơi lại quá khứ vốn đã dày vò tâm hồn và thể xác của con. Con hãy tiếp tục sống với kinh nghiệm của Cái Đẹp và Cái Tốt mà mỗi người trong chúng ta đã có cơ hội nhận lãnh ngang qua ngàn vạn biến cố của cuộc đời. Con hãy lớn lên trong tâm hồn và hãy làm lan tỏa Cái Đẹp và Cái Tốt cho những ai mà con có cơ hội gặp gỡ.”
Bài: Nguyễn Bảo (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Hát mừng Giáng Sinh gây quỹ bác ái
-
Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự -
Những trái tim cùng nhịp đập -
Ba tôi là máng thông ơn Chúa -
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ