"Người Samari" nhân hậu hôm nay

"Người Samari" nhân hậu hôm nay

WGPSG -- Đã hơn một tuần lễ nay, các phương tiện truyền thông ồ ạt đề cập đến chuyện một cô gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) bị bọn cướp mang trong người dòng “máu lạnh”, chém cánh tay phải gần đứt lìa, hiện đang còn nằm bệnh viện Chấn Thương - Chỉnh Hình Tp. Hồ Chí Minh. Tai nạn kinh hãi này đã làm cho biết bao người không khỏi bàng hoàng, xót xa và lo lắng; đồng thời đã làm dấy lên một làn sóng dư luận xôn xao phẫn nộ trước những con người tàn ác, hoặc những người đi đường vô cảm bỏ mặc chị Thúy bị cướp chém lìa cánh tay khi đang chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng từ quận 7 về quận 2.

Thế nhưng, có một người đàn ông can đảm, tốt bụng, đã động lòng xót thương, ra tay cứu giúp chị Thúy trong cơn hoạn nạn “thập tử nhất sinh”. Đó là ông Đặng Văn Nỡ (42 tuổi, ngụ quận 2, Tp. Hồ Chí Minh). Hành động yêu thương xuất phát từ tình người của ông làm tôi nhớ đến người Samari mà Chúa Giêsu đã đề cập trong Tin Mừng gần 2000 năm qua (Lc 10,25-37). Phải chăng vì hành động can đảm, yêu thương như thế mà mỗi Kitô hữu chúng ta có thể ví ông như người Samari nhân hậu hôm nay?

Hành động yêu thương cứu người của ông Đặng Văn Nỡ

Trên tờ báo Dòng Đời số 28, thứ Sáu 30.11.2012, có đề cập đến tình huống ông Đặng Văn Nỡ bắt gặp người bị bọn cướp chém gần đứt lìa cánh tay phải: “Khi vừa đổ dốc cầu Phú Mỹ, trong ánh đèn lờ mờ, ông thấy một cô gái còn rất trẻ đang bò lết dưới đường, trên người đầy máu… Ông vội ra tín hiệu cho một số xe dừng lại cùng ứng cứu nạn nhân nhưng không một xe nào đáp ứng.” Tình huống này làm tôi nhớ đến những người kinh sư, biệt phái đã lặng lẽ làm ngơ bỏ đi khi một người đàn ông đang kêu cứu vì bị bọn cướp chặn đường đánh một trận nhừ tử và cướp hết tài sản. Trong tình huống ấy chỉ có một người Samari tốt bụng, đến gần người bị nạn, cho lên ngựa, đưa về quán trọ nhờ người săn sóc và sẵn sàng thanh toán mọi chi phí cho chủ quán.

Trong trường hợp tai nạn thương tâm và kinh hãi của chị Thúy, xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 24.11 cũng tương tự như dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Người đàn ông cứu giúp chị hoàn toàn xa lạ, không nghĩ đến chuyện sợ bị người khác làm liên lụy đến bản thân, sẵn sàng giúp người chị em đồng loại bằng tất cả tình người: “Lúc này, khi bọn cướp đã bỏ đi, nhiều người dân mới dừng lại xôn xao bàn tán. Cô gái đang trong tình thế rất nguy hiểm, máu tuôn xối xả từ cánh tay bị đứt lìa, ông Nỡ nhanh chóng lấy áo của mình bó chặt vết thương cho nạn nhân. Lúc này, có rất nhiều người đứng xem, ông Nỡ nhờ người phụ đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng ai cũng từ chối. Không thể trễ hơn, một tay điều khiển xe, một tay quàng ra sau ôm nạn nhân, ông vội đưa cô gái đi cấp cứu. Sau hai lần chuyển viện, ông ngủ lại ở Bệnh Viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. HCM. Chờ ca cấp cứu thành công và người nhà nạn nhân đến ông mới ra về.”

Những “người Samari” nhân hậu hôm nay

Bạn thân mến, cuộc sống hôm nay luôn biến động, khó khăn về mọi mặt, và ngày càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như cướp của, giết người, xì ke, ma túy, hay những trò đỏ đen thâu đêm suốt sáng… Điều này dẫn đến những hậu quả tai hại cho chính cá nhân, gia đình và xã hội như vướng vào những căn bệnh nan y, vào tù ra khám, nợ nần chồng chất, người dân hoang mang không dám ra đường vì sợ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, an ninh và trật tự xã hội lộn xộn. Hơn thế nữa, cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay chạy theo đồng tiền, hưởng thụ cá nhân đã làm cho não trạng, tâm lý của phần đông người ta chỉ biết nghĩ đến bản thân, ngại dấn thân và nghĩ đến tha nhân bằng những nghĩa cử giúp đỡ với hết tấm lòng như ông Nỡ đã làm trong câu chuyện trên đây.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn ý nghĩa khi có những người Samari tốt bụng hôm nay. Đó là những mạnh thường quân ủng hộ hàng trăm ngàn phần cơm từ thiện cho nhiều bệnh nhân từ Bắc, Trung, Nam vào Tp. HCM trị bệnh. Đó còn là những người phụ nữ âm thầm, một tuần ba ngày vào bệnh viện gội đầu miễn phí, hoặc chăm sóc những bệnh nhân nghèo neo đơn, ít người thân chăm sóc. Động lực của những người Samari hôm nay là gì? Phải chăng đó là tình thương, sự sẻ chia không toan tính vị lợi đối với những mảnh đời nghèo túng, bệnh tật và cô thế cô thân?

Vậy thì điều cốt lõi để trở nên người Samari nhân hậu hôm nay như Chúa Giêsu muốn đó chính là tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thế nhưng, phải làm gì để gọi là yêu thương thật sự, hay tình yêu thương dựa vào những điều gì? Phải chăng đó là những hành động xuất phát từ quả tim muốn sẻ chia và đồng cảm với những buồn vui của kiếp người, hay với những người anh em đồng loại đang trong cảnh nghèo túng, hoạn nạn và khổ đau?

Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta sẽ là những người Samari nhân hậu, trở nên dấu chỉ tình yêu như Chúa muốn trong cuộc sống luôn biến động, phức tạp hôm nay, và cho những con người chưa một lần biết yêu thương bao giờ.

Top