Người mang Chúa đến đời tôi

Người mang Chúa đến đời tôi

Người mang Chúa đến đời tôi

TGPSG -- Tôi sinh ra trong một gia đình đạo Công giáo gốc. Tuy nhiên tuổi thơ tôi có thể nói là không được may mắn vì những bất hoà, xáo trộn của gia đình. Có thể vì vậy mà trong những năm tháng học trò, những buổi đi lễ luôn khiến tôi thấy chán và buồn ngủ, lớp học giáo lý cũng chỉ là một chỗ để tôi đến chơi vì không muốn ở nhà.

Cho đến tận khi tôi được mời gọi vào giáo lý viên - vì kết quả học tập thường xếp hạng cao và tính cách hòa đồng nên đã được các anh chị động viên tham gia, tôi vui và hãnh diện lắm nhưng cũng thấy áp lực vì lúc đó tôi vẫn không cảm thấy yêu thích khi đọc sách nhà đạo, rất sợ mình không phải “một người con xứng đáng” với Chúa. Tôi rất thích đọc sách, nhưng chỉ là đọc truyện, tiểu thuyết, sách kiến thức khoa học - đời sống, hay đắc nhân tâm… Nhưng cứ đọc Kinh Thánh, Hạnh các Thánh hay bất cứ sách gì liên quan đến đạo là tôi không tiếp thu nổi, cảm thấy văn chương rất khó hiểu, ý tưởng rất xa vời.

Cho đến một ngày, trong một đêm, đã có một sự biến đổi rất lớn trong tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận Chúa tồn tại, thì ra Ngài luôn hiện diện và gần gũi với tôi biết bao. Lần đầu cảm nhận được điều đó, tôi thấy mình xúc động và thổn thức, trái tim như muốn vỡ tung! Đó là vào đám tang của ông ngoại, người đàn ông tôi rất yêu thương và là người yêu thương tôi hết mực. Đêm đó, tôi đã thức nguyên đêm, ngồi một mình bên linh cửu ông và những kí ức đã sống lại, trải ra như một cuốn phim:

Khi còn bé, tôi thường nghĩ ông ngoại tôi giống như một ông bụt với mái tóc trắng; làn da ông cũng trắng, dáng người ông cao gầy, hơi lom khom. Mỗi lần tôi từ thành phố về quê chơi vào dịp Hè và Tết là ông lại dắt tôi theo mỗi khi ông đi đâu. Kẹo bánh mà tôi thích, bị bà ngoại giấu đi vì sợ tôi ăn nhiều, thì ông luôn lén lấy rồi giắt tôi đi chơi một vòng trong xóm để tôi được ăn cho thỏa thích. Ông luôn hiền từ và nhỏ nhẹ. Mỗi lần gặp nhau, câu nói tôi thường nghe từ ông nhiều nhất là: “Con có cần mua gì không? Con có thèm gì không? Để ông mua cho con.” Và dù tôi luôn trả lời: “Dạ, con không cần gì hết, ông ngoại ơi!” Nhưng sau đó ông vẫn luôn nhét tiền vào tay tôi và dặn: “Cần gì con nhớ nói cho ông biết nghe!”.

Ông ngoại không chỉ hiền từ với con cháu trong gia đình, ông còn luôn được hàng xóm láng giềng yêu mến vì cách sống dung dị, tử tế với mọi người. Ông làm việc trong ban hành giáo của giáo xứ, mỗi ngày đến nhà thờ đi lễ 2 lần, đi đọc kinh cầu nguyện theo hội đoàn và tham gia các công việc của nhà thờ. Ông không biết nhậu, không hút thuốc, không có đam mê giải trí nào, khi rảnh tôi chỉ thấy ông nghe nhạc giao hưởng rồi mỉm cười nhìn tôi ngồi chơi ở hiên nhà. Ông luôn quan tâm giúp đỡ mọi người và ngại làm phiền hàng xóm. Tôi nghe mẹ kể, ông hay dặn người nhà sau này ông mất rồi, đám tang đừng cho thổi kèn trống, đừng mở nhạc to…vì sợ ồn ào, phiền hàng xóm. Có lần đi ăn phở với ba tôi, trên đường đi về nhà, ông phát hiện quán phở thối nhầm nên bị thừa tiền cho ông. Dù đã đi bộ được hơn nửa tiếng rồi nhưng ông vẫn muốn quay lại để trả cho họ. Rất nhiều điều tốt lành ông làm với mọi người nhưng đối với ông, đó chỉ là chuyện cần làm, không nên nhắc đến.

Vào một dịp Tết nọ, ông đi bộ chúc Tết lối xóm thì gặp tai nạn giao thông. Sau khi được cấp cứu, lúc tỉnh dậy, việc đầu tiên ông hỏi khi biết bản thân bị người ta lái xe tông vào là: “Rồi người ta có bị sao không?”. Khi biết người gây tai nạn đang bị công an giam giữ để xử phạt thì ông nói: “Tha cho họ đi, đừng có bắt phạt họ, cũng đừng bắt họ đền chi cả.”

Từ đó, ông không còn đi lại được nữa, ông bị liệt và ngồi xe lăn, rồi sức khỏe yếu dần cho đến lúc mất. Những năm tháng ông phải đau yếu vì bệnh, tôi càng thấy thương và xót cho ông. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng ông rên rỉ hay than thở. Chỉ những khi im lặng quan sát từ xa, tôi thấy ông mím môi, quặn người và nhăn mặt, có vẻ như ông đau đớn lắm, nhưng không phát ra tiếng rên nào. Luôn luôn trong tay ông là tràng hạt Mân côi và mỗi ngày ông chỉ mong có người đẩy xe đưa ông đi lễ. Cho đến giây phút lìa đời, ông cũng vẫn đang kêu xin Danh Thánh Chúa!

Từng kí ức về ông sống lại trong đêm đó, và giây phút đó, tôi chợt nhận ra, tôi hiểu vì sao ông tôi đã sống một cuộc đời như vậy. Ông sống cho điều ông đã tin, điều ông yêu mến, đó chính là Thiên Chúa. Ông sống như lời Chúa dạy, từng ngày, cho đến hơi thở cuối cùng.

Hay nói cách khác, nhờ Chúa, mà tôi có một người ông như thế để được yêu thương, để sưởi ấm trái tim cô đơn của tôi và để dẫn tôi đến với Chúa. Cũng trong đêm đó, tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa thật sống động. Tôi nhận ra, Chúa chẳng xa lạ chút nào. Trong đêm đó, lần đầu tôi cảm nhận Chúa ngay bên cạnh tôi. Chúa nhìn tôi mỉm cười, nụ cười hiền từ như ông ngoại. Chúa từ tốn yên tĩnh ngồi bên cạnh tôi, cùng tôi chào biệt ông ngoại. Tôi nhận ra, Chúa hiểu rõ lòng tôi, và Chúa cùng tôi trải qua mọi cảm xúc. Và điều làm tôi xác tín về sự hiện diện này, chính là Bình An của Chúa. Lòng tôi ngập tràn bình an.

Sau đám tang ông, tôi trở về với cuộc sống, mọi thứ vẫn diễn ra như thường nhật, nhưng bên trong tôi đã có một sự thay đổi rồi. Tôi đọc Kinh Thánh và các sách về đạo bỗng nhiên thấy dễ hiểu và cảm thấy rất hứng thú. Tôi bắt đầu thích đi nhà sách Công giáo để mua sách, và cũng tự nhiên không còn thấy thích đọc các sách xã hội nữa. Tôi thấy các sách này không còn chinh phục và thuyết phục tôi nữa. Bởi vì, chân lý vĩnh cửu tôi đã tìm thấy nơi Lời Chúa!

Tôi luôn nhớ đến ông ngoại và biết ơn ông, người mang Chúa đến cho tôi. Và tôi cũng luôn cảm tạ Chúa, vì Người là Đấng đã đi bước trước trong tình yêu, đã luôn kiên nhẫn và chủ động tìm đến, mời gọi tôi bước vào tình yêu của Ngài, để nhờ ở trong tình yêu của Ngài mà tôi được sống và sống dồi dào mỗi ngày trong cuộc đời.

Top