Nghe, theo và về…
TGPSG -- Khoảng 20 năm về trước, vào buổi chiều ngày 27-12-2003, theo lời khuyên của một anh bạn, tôi và anh rời Sài Gòn, cùng nhau hướng về Gia Lai, nơi tôi chưa từng đến.
Xuất phát từ quận Sáu TP.HCM, sau một đêm đi xem các hang đá Noel tại quận Tám, chúng tôi tiến về Tây Nguyên, vượt không dưới 600 km trên một chiếc xe Honda Trung Quốc. Khởi hành từ 18 giờ, chạy qua đêm, đến trưa hôm sau chúng tôi mới tới thành phố Pleiku.
Tưởng rằng, lên đó chỉ để cho biết Gia Lai là gì thôi, tôi thầm nghĩ, mình ở đây tầm một tuần. Mọi sự yên ổn, rồi sẽ quay về lại Sài Gòn.
Chúng tôi làm đủ mọi thứ việc ở đây để kiếm chút tiền tiêu xài. Một ngày kia, đang trên đường cùng đi xem khai thác gỗ với anh bạn thì gặp công an. Khi kiểm tra thấy chiếc xe Honda của chúng tôi không có giấy tờ, công an đã thu giữ chiếc xe máy này.
Không còn cách nào khác, tôi ở lại và đi làm rẫy cà phê cùng với một anh bạn để có tiền trở về Sài Gòn.
Sau một tháng làm cùng với anh, nào tưới, nào trồng, nào làm cỏ…, khi chuẩn bị ra về, tôi hỏi tiền lương, anh nói: thực sự anh cũng đang hết sức khó khăn: “Bây giờ trong người anh chỉ còn 200 ngàn. Em cầm tạm 100 ngàn để về Sài Gòn nhé!”
Khi ra bến xe, hỏi giá vé lại là 125 ngàn. Vậy là không thể rời Gia Lai. Lại lang thang lẩn quẩn tại thành phố Pleiku.
Tình cờ, tôi thấy tấm bảng tuyển nhân viên tại một khách sạn nhà hàng trên đường Wừu… Mạnh dạn, tôi vào hỏi để xin việc, mong cho có tiền để về nhà. Bà chủ hỏi: “Mi làm được việc chi?”
Tôi trả lời: “Việc gì cũng được, miễn là có đủ tiền để mua vé xe về Sài Gòn.”
Bà nói: “Bây giờ, ở đây chỉ còn thiếu người giữ xe. Mi làm được không?”
Tôi trả lời: “Cháu làm được.”
Thỏa thuận xong, bà nói: “Vậy tối nay bắt đầu thử việc trong 3 ngày. Nếu được, sẽ nhận. Nếu không được, thì thôi.”
Tôi nói: “Nếu tối nay thấy được hay không, xin cô cứ cho biết. Vì cháu chỉ còn 100 ngàn trong người. Nếu chờ tới 3 ngày mà không được thì cháu cũng sẽ không đủ tiền để gọi điện thoại nữa!”
Hôm đó, làm từ chiều đến nửa đêm, không thấy bà chủ nói gì. Mấy người làm trước nói rằng: “Như vậy, mày được nhận rồi đấy!” Tôi vừa mừng vừa lo vì không biết thế nào…
Một ngày… hai ngày… một tuần… hai tuần và… một tháng. Cuối cùng tôi cũng nhận được số tiền lương đầu tiên.
Trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến lịch trình: chiều mai sẽ có mặt ở Sài Gòn, sau vài tháng xa cách.
Thế nhưng khi chuẩn bị về Sài Gòn thì bà nói: “Mi làm được, gắng ở đây mà làm để có tiền”. Và thế là tôi đã tiếp tục công việc trông giữ xe tại nhà hàng khách sạn này.
Vài tháng sau, người cháu phụ trách quản lý tại đây bất ngờ nghỉ việc không rõ lý do. Và tôi là người được bà chủ nhắm đến để thay thế. Bà hỏi: “Nó đi rồi, cháu có thay công việc của nó được không?”
“Công việc gì vậy?” Tôi hỏi.
“Đứng quầy, thu tiền và trông coi nhân viên…”
“Cần làm như thế nào thì xin chỉ cháu làm.” Tôi trả lời.
Và thế là công việc tiếp tục làm tôi quên đi việc quay trở lại Sài Gòn.
Sau một năm, phần vì vẫn còn sợ bị mất chiếc xe Honda, phần vì công việc, tôi rất ít liên lạc với gia đình.
Sau 2 năm, rồi 3 năm, thân nhân của tôi ở Sài Gòn, người thì nói nó mất tích, người thì bảo nó chết, người khác thì nói: chắc nó buôn lậu, hay thua lỗ gì đó rồi không dám về... Mọi người quen biết đều không biết gì về tin tức của tôi. Mẹ tôi thì xin cầu nguyện, xin lễ cầu bình an, mà mãi vẫn không thấy hồi âm.
Một ngày kia, có anh bạn từ Malaysia trở về. Đây là người duy nhất tôi vẫn thường liên lạc. Anh gặp tôi tại Gia Lai và trở về Sài Gòn nói rằng: “Cháu gặp nó rồi. Nó không chết mà cũng chẳng mất tích.”
Trong gia đình, mọi người đều không tin và nói: “Làm gì có chuyện mày đi nước ngoài mà biết được… Các bác và gia đình ở đây đã đi tìm, đi hỏi nhiều nơi mà còn không thấy…”
Dù không tin, nhưng cô em gái và anh họ tôi đã âm thầm tìm và đến nơi để gặp và đã gặp tôi. Tôi hẹn sẽ thu xếp để về khi có người làm thay thế công việc của tôi ở khách sạn.
Vào ngày 15-6-2005, trong lúc các nhân viên nghỉ trưa, tôi là người trực ca đó. Cũng như mọi ngày, khách khứa vẫn vào ra uống nước. Bất ngờ một bạn trẻ chạy vào la thất thanh: “Em cháu, em cháu…”
“Sao vậy?” Tôi hỏi.
“Nó nhảy từ sân thượng tầng 6 xuống sảnh và chết rồi. Nó là em họ của cháu…”
Tôi chạy ra và nhìn xuống từ tầng 6 thì thấy toàn là máu me và một đám rất đông những người hiếu kỳ.
Người đầu tiên bị chất vấn từ công an chính là tôi, vì lúc này cả gia đình nhà chủ đang đi nghỉ ở rất xa. Lần đầu tiên bị hỏi cung, tôi lo âu và run sợ, nhưng chỉ nói sự thật qua những gì đã thấy. Qua vài lần chất vấn tôi cùng lời khai người em họ, công an biết đây là trường hợp thất tình. Tôi bớt bị chất vấn và hỏi cung.
Tình hình đã dịu, nhưng cảnh tấp nập của khách vào ra… đã không còn. Thay vào đó là sự im lặng và sợ hãi đến lạnh người.
Tưởng chừng mọi thứ đã qua, thì sau 3 ngày, vào lúc 12g đêm, gia đình người chết đến hiện trường cùng “thầy cúng” để gọi hồn. Cảnh máu me tại hiện trường và cảnh gặp công an khiến tôi sợ một, thì cảnh này còn khiến tôi sợ gấp mười lần.
Đợi gia đình chủ về, tôi gặp và xin nghỉ với một lý do là quá sợ và quá nhớ nhà.
Thu xếp xong mọi thứ, tôi trở về và tiếp tục theo đuổi con đường tu trì vì trước đó tôi đã từng tìm hiểu và sống ơn gọi.
Hai năm sau khi trở về, thi tuyển vào Chủng viện Hà Nội, tôi vẫn ngập ngừng chưa dứt khoát được. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Tạ ơn Chúa, mọi thứ cứ như đang mơ. Khi nhìn lại, tôi mới thấy thật đúng: Chúa đã dẫn con về…
Xuân Đỉnh
Lớp MVTT khoá 1, 2023
bài liên quan mới nhất
- Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...
-
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi -
Và con tim đã vui trở lại -
Hãy ký thác đường đời cho Chúa -
Có Chúa dẫn đưa -
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Phóng sự: 10 năm bác ái yêu thương -
Tôn vinh Mẹ Maria giữa mùa Hè -
Tìm lại bình an trong Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái