Nghệ thuật lắng nghe
Thầy Ben là một tu sĩ phi công. Mỗi tuần thầy đáp trực thăng xuống miền truyền giáo hẻo lánh xa xăm. Ai ai cũng mong đợi lần viếng thăm thường xuyên của thầy. Nơi thầy người ta có thể dốc cạn bầu tâm sự và mọi lo lắng sầu muộn để tìm lại sự an bình và thanh thỏa của tâm hồn, bởi vì thầy có cả một nghệ thuật biết lắng nghe.
Thế nhưng, thầy Ben không phải là người bẩm sinh với tài lắng nghe ấy. Đó là cả một nghệ thuật mà thầy đã dày công luyện tập trong suốt nhiều năm. Trong gia đình thầy có một người em trai và một em gái bị bệnh câm điếc từ thuở mới sinh, vì thế thầy phải dùng ngôn ngữ bằng các dấu hiệu của tay để nói chuyện với các em. Để thực hành thứ ngôn ngữ này thầy đã phải hết sức chú tâm để ý đến mọi cử chỉ thật nhỏ bé, từ cái nhìn, ánh mắt, nụ cười, tất cả đều phải hết sức chú ý đến người mình đang nói chuyện với, bởi vì không thể dùng một lời nói nào cả. Đó là cả một trường huấn luyện và thực tập dài hạn đối với thầy trong những năm sống dưới mái gia đình. Nhờ đó thầy đã phát triển khả năng biết lắng nghe đối với cả những người có thể đối thoại bằng tiếng nói nữa.
Các bạn thân mến, còn ai có thể diễn tả cho chúng ta biết những điều liên quan đến đứa trẻ cho bằng chính nó. Và để có thể thu lượm được những điều đó, điều kiện trước hết là biết lắng nghe các em nói. Nhiều khi chúng ta quá bận tâm đến công việc đang làm hoặc vì lơ đãng, tuy đang nghe các em nói, nhưng thực sự chúng ta không biết các em đang nói gì. Kết quả của một số cuộc tra cứu cho biết phần lớn các cha mẹ chỉ hiểu được 1/4 những gì các trẻ em muốn nói.
Sau đây là 5 khoản luật vàng của nghệ thuật biết lắng nghe.
1. Không nên làm một lúc hai ba việc
Nếu như khi chúng ta đang bận công việc và đứa trẻ chạy đến muốn nói gì, thường thì chúng ta chỉ lắng nghe với một tai mà thôi, nên cũng không thể hiểu hết được những gì các em muốn nói. Vấn đề là phải dừng lại trong chốc lát và nhận định xem đâu là việc cần được ưu tiên. Nếu điều các em muốn nói thực sự là quan trọng hơn việc chúng ta đang làm thì hãy dừng lại để lắng nghe các em nói. Nhưng nếu việc chúng ta đang làm thực sự quan trọng và khẩn thiết hơn, chúng ta nên hẹn với các em một lúc khác để có thể lắng nghe dễ dàng và kỹ càng hơn. Làm như thế chúng ta không những không làm phật lòng đứa trẻ, mà càng làm cho nó cảm thấy mình là người quan trọng và điều nó muốn nói cũng là điều đáng được lắng nghe, bởi vì chúng ta biết dùng thời giờ để lắng nghe nó nói.
2. Đừng lắng nghe khi tâm hồn đang bị xáo động, bất an
Thật vậy, những lo lắng, áy náy, bần thần trong tâm hồn là như cái kiếng màu không thể nào không ảnh hưởng đến những gì chúng ta đang nhìn thấy. Cũng vậy một khi tâm hồn chúng ta bị xao xuyến, áy náy, sự xáo trộn tâm hồn ấy dễ trở nên như cái bình lọc những điều người khác muốn nói với ta. Chúng ta rất dễ trở nên chủ quan trước những điều thực sự cần được lắng nghe với cái nhìn khách quan hơn.
3. Đừng quá coi thường những điều làm các em lo lắng
Một em bé xin má để đèn sáng trong phòng cho tới khi em đã ngủ say. Bà mẹ la rầy em và nói:
- Con đi chơi về tối con đâu có sợ gì !
Em bé trả lời:
- Vâng, con biết vậy, nhưng trời tối ở ngoài khác với bóng tối trong nhà !
Câu nói ngây thơ của đứa bé có thể biểu lộ một thực trạng về bầu khí gia đình mà nó đang cảm nghiệm. Nếu bà mẹ thực sự là người biết lắng nghe, câu nói đó sẽ làm bà phải suy nghĩ nhiều hơn. Tại sao nó lại sợ bóng tối trong nhà hơn là bóng tối bên ngoài ? Bóng tối trong nhà là gì mà lại làm nó lo sợ, bất an đến thế ? Có thể đó là dịp tốt để bà giúp nó cởi mở tâm hồn, bày tỏ những băn khoăn lo lắng của nó, thay vì chỉ gạt ngang một cách dễ dàng và coi đó là chuyện con nít.
4. Lắng nghe cách chủ động
Tức là biết lắng nghe bên kia lời nói, biết đi xa hơn những gì được diễn tả bằng lời nói, qua ánh mắt, gương mặt, giọng nói và những cử chỉ bên ngoài. Dĩ nhiên cần thời giờ để có thể đọc được ý nghĩa của những ngôn ngữ ấy.
Cả những khi điều đứa trẻ nói thực sự làm chúng ta phải xúc động hoặc xao xuyến, điều quan trọng là chúng ta biết làm chủ những xúc cảm ấy, đừng tỏ lộ cho đứa trẻ những lo lắng của mình. Trái lại nên tỏ lộ những cử chỉ và lời nói trấn an để các em được thêm lòng tín nhiệm và tự tin hơn.
5. Đặc biệt chú ý đến giọng nói
Chúng ta thường nghe nói : “Của cho không quý bằng cách cho”. Cũng một cách tương tự, có thể nói được rằng : cách nói quan trọng hơn điều muốn nói. Thật vậy, sự xung khắc giữa điều muốn nói và giọng nói tỏ lộ một cách rất tự nhiên những cảm xúc đau đớn thầm kín bên trong. Chỉ cần có trực giác bén nhạy là có thể hiểu được những điều không được diễn tả bằng lời nói.
Trong những lúc như thế, nên cẩn thận tránh những lời nói bày tỏ mặc cảm thương hại, cho dù chỉ với tư cách đùa giỡn, hoặc với nụ cười trêu ghẹo. Làm như thế chỉ tăng thêm sự lo lắng bất an của đứa trẻ mà thôi.
Cũng đừng bỏ qua những ngập ngừng, do dự, những giây phút yên lặng, hoặc những lời nói lặp đi lặp lại của đứa bé trong lúc nó nói. Cả những khi nó lỡ lời, buột miệng, điều đó cũng có thể là dấu hiệu tỏ lộ những điều bị đè nén hoặc đang giữ kín bên trong. Đừng vội dùng lời nói để lấp đầy những khoảng trống ấy. Đừng vội phán đoán những điều sai lỗi của các em, hoặc cắt ngang điều các em đang nói. Hãy khích lệ các em nói cách tự nhiên thoải mái, trong khi chúng ta chăm chú lắng nghe và tự đặt mình trong hoàn cảnh của các em.
Một khi nhận ra cuộc đối thoại bị gián đoạn vì ngượng ngùng, chúng ta có thể khơi lại bằng cách lặp lại lời nói cuối cùng của người đang nói. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang lắng nghe , đã hiểu và đang theo dõi những gì người ấy đối phương muốn nói.
Tóm lại, biết thực sự chú tâm lắng nghe một cách chủ động không hẳn là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi tình thương kiên nhẫn và bền tâm luyện tập. Biết lắng nghe là cả một nghệ thuật khôn ngoan. Vì thế, trước khi lắng nghe bất cứ ai, đòi hỏi người lớn cũng như trẻ nhỏ một thái độ nội tâm tích cực hơn cả là tự xét, là nhìn lại những tình cảm của chính mình, những lo sợ cá nhân, mà có khi một cách vô tình chúng ta lại muốn trút đổ lên người khác. Nhiều khi thay vì xét đoán phê phán lời nói của con cái, các phụ huynh nên kiểm xem lại hai tai của mình, để chuẩn bị nghe rõ hơn, hiểu sâu xa hơn những gì con cái muốn nói, bên kia lời nói.
-----------
Cf * FERRERO Bruno, Per favore, mi ascolti un momento in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 33 - 36;
* MIHALIC Frank, 1000 Stories You Can Use, Vol. 2, Divine Word Publications (1989) N. 848.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19