Ngày Trở Về

Ngày Trở Về

Ngày Trở Về

TGPSG -- Gia đình ông bà Bảy là một gia đình công giáo và cũng là một gia đình nho giáo. Ông bà Bảy có 3 người con gái đều là giáo viên. Ba của bà Bảy ngày trước cũng là giáo sư dạy ở trường Petrus Ký.

Sau biến cố 1975, gia đình bà chuyển về sống ở xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, trước thuộc tỉnh Đồng Nai nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 1977, ông Bảy khi đó là chàng thanh niên 20 tuổi đi thanh niên xung phong làm kinh tế mới ngay khu vực nhà bà Bảy sinh sống. Chính cái sự nhiệt tình và sự khéo léo mà ông đã chiếm được cảm tình của bà và gia đình bà.

Thực ra mà nói thì hai ông bà đến với nhau cũng không hề đơn giản chút nào. Tình cảm đó đã phải trải qua biết bao là sóng gió. Sóng gió từ nhà gái cũng có mà từ nhà trai cũng nhiều. Nhà gái can ngăn không cho bà lấy vì ông là một người lương dân và là cán bộ. Nhà trai cũng không cho ông lấy bà vì bà là một người Công giáo, sẽ ảnh hưởng đến việc thăng tiến của ông. Hơn nữa, cơ quan ông lúc ấy cũng không cho phép nhân viên kết hôn với người Công giáo. Rào cản là vậy, thế mà ông cũng đã vượt qua tất cả mọi sự để cưới bà.

Trước khi cưới, ông đã hứa với bố mẹ bà Bảy đủ điều để cưới được bà. Nào là sau này con sẽ đi đạo. Nào là con sẽ cho con cái con theo đạo. Nào là con hứa thế này, con hứa thế kia. Ông nghĩ thầm cứ hứa, cứ làm hết mọi nghi thức Công giáo sao cho cưới được bà Bảy rồi sau đó tính tiếp. Thế nên ông cũng đã rửa tội và lễ cưới hai người cũng đã được diễn ra trong nhà nguyện giáo xứ Hòa Sơn vào một ngày trung tuần tháng 8 năm 1979.

Sau đám cưới, vì cơ quan biết việc ông lấy vợ có đạo Công Giáo mà không khai báo nên đã khuyên ông nên tìm việc khác để làm. Từ đó, ông Bảy làm nghề thợ mộc tại nhà và vì chuyện đó mà ông cấm bà không được liên quan đến đạo, không được đến nhà thờ. Mặc cho mọi người khuyên can, giải thích nhưng bản tính con người nóng nảy, gia trưởng và có phần hơi tính toán đã không làm thay đổi được ý nghĩ của ông về việc theo đạo chẳng có ích gì, chỉ sinh ra đủ chuyện phiền phức.

Trong thời gian đầu “tạm dừng đạo”, ông bà Bảy cũng đã tiếng qua tiếng lại với nhau. Thậm chí bà còn đòi bỏ về nhà ba mẹ ruột của mình. Nhưng bà bỏ làm sao được khi mà “thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng”. Ba mẹ ruột của bà cũng chẳng làm thế nào được, chỉ biết an ủi con mình “Thôi thì đó là chọn lựa của con mà. Ba mẹ đã can ngăn khi chuyện chưa đến, nhưng con nào đâu có nghe. Giờ đây ba mẹ cũng chỉ biết cầu nguyện thôi chứ biết làm sao được”. Trong những ngày đó, mỗi lần nhớ tới lời này của ba mẹ, bà vừa buồn tủi vừa giận chồng vì không ngờ chồng bà đã trở mặt nhanh như vậy. Có lúc quá tức giận mà bà đã nói: “Sao anh lại bắt em phải bỏ đạo? Mặt mũi em để đâu khi nhìn ba mẹ, họ hàng bà con được! Anh làm sao còn dám nhìn ba mẹ, họ hàng nhà em nữa!” Đáp lại bà chỉ là câu trả lời phũ phàng: “Kệ tôi. Lấy nhau được thì bỏ nhau được. Thích thì làm đơn ra tòa.” Nghe tới “làm đơn ra tòa” bà Bảy đã im bặt, không dám nói thêm lời nào. Vì với bà, li dị là một khái niệm không thể có trong từ điển người Công giáo. Thế là bà chấp nhận “tạm dừng đạo”.

Kể từ đó, bà không còn thực hành bất cứ điều gì liên quan đến đạo nữa. Ngay cả làm dấu trước mỗi bữa ăn, bà cũng không làm. Ba mẹ bà rất buồn vì đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, đứa con mà chính tay mình bế lên nhà thờ rửa tội khi còn đỏ hỏn giờ đã bỏ đạo. Ngay cả sau này khi bà sinh ra ba đứa con gái cũng chỉ cho rửa tội lúc mới sinh, còn việc học giáo lý như bao trẻ em gia đình Công giáo khác thì không.

Cho đến một ngày, chị Hải - người con gái lớn của bà Bảy lấy chồng. Anh Thọ - chồng chị Hải là một người thuộc gia đình mang truyền thống Phật giáo. Ban đầu, anh chị chỉ định làm lễ cưới theo phép chuẩn. Khi hai vợ chồng đi học giáo lý hôn nhân thì anh Thọ lại được “đánh thức con tim” để tìm đến Chúa qua một bài hát “Cho con vững tin”. Anh và chị quyết định đi học tiếp lớp giáo lý dự tòng và cả hai đã được lãnh nhận các Bí tích khai tâm do Đức TGM Giuse Nguyễn Năng cử hành trong đêm lễ Vọng Phục Sinh năm 2022.

Từ ngày vợ chồng người con gái lớn theo đạo, hai vợ chồng tham gia ca đoàn nhà thờ Đức Bà, cùng nhau đi học thêm các lớp đào sâu đức tin ở Trung tâm Mục vụ đã làm cho bà Bảy cảm thấy khát khao được trở lại đạo. Bà khát khao tìm lại đức tin mà bà đã đánh mất mấy chục năm nay. Bà cảm thấy hối hận khi bỏ Chúa từng ấy thời gian. Bà cũng cảm thấy có lỗi với ba mẹ ruột của mình vì vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ba mẹ trước khi ra đi “Con phải trở về với Chúa thì ba mẹ mới ra đi thanh thản được”.

Hiểu được tâm ý của bà, con gái và con rể thường dẫn bà đi tham dự các ngày lễ trọng, các thánh lễ Chúa Nhật tại nhà thờ Đức Bà. Tuy nhiên, bà chỉ đi tham dự thánh lễ mà không dám rước lễ vì trong lòng bà cảm thấy mình còn tội lỗi quá nhiều. Bà tự nhủ rằng lỗi của mình lớn nhất là đã làm cho một người vì mình mà bỏ Chúa, xa rời nhà thờ. Chính việc bà Bảy đi lễ nhà thờ cùng với gia đình người con gái lớn đã làm cho chồng bà cảm thấy khó chịu, ông không muốn bà trở lại đạo. Ông tìm mọi cách để đuổi vợ chồng người con gái lớn ra khỏi nhà, không cho ở chung với ông bà để khỏi đưa bà Bảy đi lễ ở nhà thờ nữa.

Từ ngày gia đình Hải dọn đi, cuộc sống của bà lại rơi vào bế tắc như ban đầu. Vì mặc dù nhà có 3 người con, nhưng hai người con gái còn lại khi lập gia đình cũng không giữ đạo. Tuy nhiên, khi bà đang loay hoay để tìm cách giải thoát khỏi cảnh bế tắc thì chồng bà, ông Bảy lại bị tai biến. Mọi thứ giờ đây như đảo lộn hoàn toàn. Bà không còn tâm trạng nào để lo nghĩ đến những chuyện khác, ngay cả chuyện quay trở lại đạo. Tất cả tâm lực bây giờ bà dành hết cho chồng. Bà mong sao chồng bà thoát khỏi cảnh bạo bệnh đang hành hạ ông. Bà chăm lo cho ông từng ly từng tí, hơn cả chăm lo bản thân mình. Sáng sáng chiều chiều bà đều có mặt bên ông để thuốc thang, để xoa bóp. Ông bị tai biến phải ngồi một chỗ thế là việc vệ sinh cá nhân của ông cũng một tay bà lo tất.

Kể từ ngày ông Bảy bị tai biến, vợ chồng người con gái lớn cũng về lại nhà ông bà để phụ chăm sóc cho ông. Hàng ngày, anh Thọ mở những bài giảng Lời Chúa để bên cạnh giường cho ông nghe với hy vọng rằng những bài giảng đó sẽ thấm dần dần vào tâm trí ông.

Căn bệnh tai biến của ông không có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù đã trải qua một thời gian chữa trị. Bác sĩ cũng cho biết rõ vì tuổi già, sức lại yếu nên khả năng phục hồi hoàn toàn của ông khó xảy ra. Thế nhưng bà vẫn không từ bỏ niềm hy vọng. Chỉ cần mỗi lần ông rên nhẹ bà lại thức dậy để xoa bóp. Có những hôm ông lên cơn đau, bà phải thức suốt đêm canh lo giấc ngủ của ông. Tuy nhiên nhiều lúc ngẫm nghĩ bà thấy cuộc đời bà sao khổ quá, từ lúc về làm dâu tới bây giờ dường như cái khổ không chịu buông tha cho bà. Khổ là vậy nhưng bà không hề hé môi than van lấy một lời.

Một hôm, bà Bảy đang đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện bên cạnh giường ông. Lúc này ông chủ động đề cập đến chuyện đạo nghĩa mà bà từng nói trước đây. Ông cho phép bà tự do đi lễ nhà thờ. Ông không còn ép bà thế này thế kia nữa.

Ông nói: “Bà ơi, mặc dù bấy lâu nay tôi cấm bà không được đi lễ, không được tới nhà thờ, thế nhưng bà không ghét tôi, không căm hờn tôi. Nghĩ lại tôi thấy đã phụ bạc bà quá nhiều. Hơn cả tháng nay tôi nghe các bài giảng lễ của Cha Toại, tôi đã biết mình nghĩ sai về Chúa. Tôi muốn trở lại đạo. Tôi đã hiểu được thế nào là người Công giáo khi chứng kiến cách bà sống. Bà đã đối xử tốt với mọi người, với ba mẹ chồng, và nhất là với tôi. Tôi cũng cảm thấy hổ thẹn với con rể khi nó cũng như tôi lúc đầu đều là lương dân, nhưng sau khi cưới con gái mình, nó đã cố gắng sống đạo và chính đức tin của nó đã làm tôi suy nghĩ nhiều. Những điều đó đã đánh động tâm hồn tôi. Bà biết đấy, tôi vào đạo chỉ muốn cưới bà mà thôi, chứ tôi đâu có ý định theo đạo đâu. Giờ đây tôi muốn mình là một người Công giáo chính hiệu chứ không phải nửa vời như mấy chục năm nay. Thế nên bây giờ bà cứ quay trở lại đạo, cứ đi lễ nhà thờ. Tôi sẽ không cấm bà nữa đâu… Xin bà thứ lỗi cho tôi vì tôi đã không nói được điều này với bà sớm hơn. Xin Chúa thương xót mà đón nhận gia đình mình trở lại.”

Nghe được những lời đó từ chồng, bà Bảy rất đỗi vui mừng. Bà mừng hớn hở như người chết sống lại. “Tôi mừng quá ông ơi. Cuối cùng tôi cũng đã toại nguyện trong tuổi già. Cuối cùng ba mẹ tôi cũng nhắm mắt xuôi tay được. Tôi cảm ơn ông vì ông đã hiểu thấu nỗi lòng tôi. Con tạ ơn Chúa vì Ngài đã không bỏ rơi con khi con chạy trốn khỏi Ngài mấy mươi năm nay.”

Ngày hôm đó bà cùng gia đình người con gái lớn đưa ông tới nhà thờ để ông bà cùng xưng tội và tham dự thánh lễ. Và cũng từ đó, khi những cơn đau không hành hạ ông thì cứ mỗi ngày sáng tối, hai ông bà lại cùng nhau đọc kinh.  Những lúc ông bà không thể đến nhà thờ trực tiếp được thì hai người ngồi tham dự thánh lễ trực tuyến dành cho các bệnh nhân trên kênh youtube của TGP Sài Gòn. Giờ đây hai ông bà cảm thấy tinh thần thanh thản, vui tươi và cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.

Bài: Giuse Nguyễn Lộc Thọ (TGPSG)

Top