Nét đẹp chia sẻ
WGPSG -- Trong khoảng nửa đầu tháng 11/2013, các phương tiện truyền thông Việt Nam cũng như thế giới tập trung vào hai sự kiện: siêu bão Haiyan ở Philippines và lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Biết bao mất mát, sợ hãi và lo lắng ập xuống người dân đất nước Philippines và bà con ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Được biết đã có 28 quốc gia trên thế giới tiếp tay cứu trợ người dân chịu sự tàn phá dữ dội của cơn siêu bão Haiyan càn quét thành phố Tacloban, Philippines. Giáo hội Công giáo chúng ta cũng đã chia sẻ vật chất, cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và còn sống sót sau cơn bão tại Philippines. Đó chính là nét đẹp của tình yêu thương chia sẻ. Vậy nét đẹp này xuất phát từ đâu, vì điều gì, và ích lợi như thế nào trong đời sống đời thường cũng như đời sống tâm linh mỗi Kitô hữu chúng ta?
Chia sẻ là nét đẹp xuất phát từ quả tim yêu thương mà con người dành cho nhau. Người giàu chia sẻ với người nghèo; Quốc gia phát triển xóa những khoản nợ lớn cho những nước nghèo; Quốc gia này cứu trợ quốc gia kia trên khắp thế giới trong những lúc gặp hoạn nạn thiên tai. Điều này được thể hiện rõ nét qua những nghĩa cử yêu thương chia sẻ mà nhiều nước trên thế giới đang tiếp tay chính phủ Philippines cứu trợ những người dân bị cơn bão Haiyan tàn phá dữ dội. Mỹ đã huy động binh lính, tàu chiến, trực thăng tức tốc đến Philippines để cứu trợ người dân với những lương thực thực phẩm cần thiết. Ngoài ra, đã có hơn 27 quốc gia khác trên thế giới cũng tích cực hoạt động cứu trợ, viện trợ cho người dân thành phố Tacloban sau cơn siêu bão đi qua, thiệt hại hàng ngàn sinh mạng của người dân, tàn phá toàn bộ nhà cửa của người dân tại thành phố này. Giáo hội Công giáo chúng ta vô cùng đồng cảm trước nỗi đau mất mát mà người dân thành phố Tacloban phải hứng chịu sau cơn bão. Đức Thánh Cha đã quyết định chia sẻ với người dân với số tiền khá lớn. Giáo hội Việt Nam, thông qua Ủy ban Caritas của HĐGMVN cũng đã chia sẻ với người dân thành phố Tacloban 50.000 USD. Đây chính là những nghĩa cử yêu thương rất cụ thể và ý nghĩa, không phân biệt khoảng cách địa lý, màu da, sắc tộc hay ngôn ngữ. Đây chính là những nét đẹp chia sẻ của tình Chúa và tình người, nhằm xoa dịu những nỗi đau mất mát và tuyệt vọng cho những người anh em đang trong cơn hoạn nạn và bế tắc.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người sống để yêu nhau.” Vâng, yêu thương chính là nét đẹp cốt lõi tô điểm cho vườn hoa hạnh phúc giữa đời thường của con người. Yêu thương không chỉ dừng lại nơi chót lưỡi đầu môi nhưng còn thể hiện bằng những nghĩa cử sẻ chia về tinh thần lẫn vật chất như lời của một linh mục đã nói xác tín thế này: “Tình yêu thương giữa các đồ đệ với nhau phải là một thực tại có thể thấy được và có thể được mọi người nhận biết. Vì thế, tình yêu ấy cần phải được diễn tả bằng những hành động thực tế, như Đức Giêsu đã thực hiện.” (Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT). Tình thương ấy sẽ không qua đi nhưng còn đọng lại trong tâm khảm và trái tim của biết bao người như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Corintô: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.” (1Cr 13,8) Vì thế, người dân Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã có những hoạt động cứu trợ cho bà con các tỉnh miền Trung bị lũ lụt tàn phá vào hai ngày 15,16.11.2013 vừa qua. Những chia sẻ ấy được thể hiện qua những thùng mì gói, thùng nước suối, quần áo, thuốc men. Những chia sẻ này cũng phần nào xoa dịu và giảm bớt những mất mát mà bà con các tỉnh miền Trung phải hứng chịu vì lũ lụt. Đây chính là những nét đẹp của hạt giống Tin Mừng mà Chúa Giêsu gieo vào lòng mỗi Kitô hữu chúng ta như lời Người đã dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34) Điều này đã được thể hiện nơi cuộc đời và con người của Chúa Giêsu.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ cho người què quặt, đui mù, quỷ ám, câm điếc, bệnh hiểm nghèo. Người cũng đã từng làm phép lạ tại Cana, biến nước lã thành rượu để phục vụ khách mời đến dự tiệc cưới; Người cũng từng làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi hàng ngàn người dân Do thái đi theo nghe Người giảng dạy năm xưa. Điều này cho thấy Chúa Giêsu luôn quan tâm đến người khác, Ngài sẵn sàng dấn thân, xả thân vì người khác, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và hoạn nạn. Vì vậy, Ngài đã làm gương cho chúng ta về tình yêu thương chia sẻ với tha nhân. Tình yêu thương ấy đòi hỏi mỗi chúng ta phải ra khỏi chính mình để hướng lòng về người khác. Đó là những phận người kém may mắn, đau khổ và túng thiếu, cô đơn hơn chúng ta. Đó là những tiếng kêu cứu, là cơ hội để mỗi Kitô hữu chúng ta sống những lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Noi gương Chúa Giêsu, mỗi giáo phận, giáo xứ của Giáo hội Việt Nam đều có Ủy ban Bác Ái. Ủy ban này ra đời nhằm giúp đỡ những người già yếu, nghèo khổ, những em thiếu nhi vùng sâu vùng xa thiếu thốn. Noi gương Chúa Giêsu, các giám mục, linh mục, phó tế và nữ tu, giáo dân sẵn sàng dấn thân phục vụ những mảnh đời bất hạnh giữa lòng thế giới hôm nay.
Tóm lại, có rất nhiều nét đẹp trong cuộc sống và thế giới này. Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội, của trăng sao cá nước chim trời, hay của những cánh đồng mênh mông bát ngát trĩu nặng phù sa, hay nét đẹp của những hoa hậu sắc nước nghiêng thành. Thế nhưng, nét đẹp của lòng bao dung độ lượng tha thứ, nét đẹp của tình yêu thương chia sẻ đó chính là nét đẹp cốt lõi của Tin Mừng mà Chúa muốn gieo vào lòng mỗi Kitô hữu chúng ta như lời Chúa Giêsu đã nói năm xưa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35)
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19