Nền giáo dục và những điều nghịch lý

Nền giáo dục và những điều nghịch lý

Nền giáo dục và những điều nghịch lý

Từ những diễn đàn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tại quốc hội cũng như trong các cuộc hội thảo và làm việc của các giới chức chuyên môn, đặc biệt trong thời gian một năm trở lại đây, vấn đề giáo dục của nước ta thường được đem ra mổ xẻ, phê bình, khen thì ít mà chê thì nhiều. Rõ ràng là có những điều xem ra nghịch lý trong giáo dục. Ở đây tôi chỉ xin đơn cử mấy điều quan trọng hơn cả.

I. Có một sự sai biệt lớn lao giữa những mục tiêu đã được xác định và việc thực hiện chương trình giáo dục nhằm đạt các mục tiêu đó.

Luật Giáo dục, điều 27, xác định như sau: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Mục tiêu được xác định như vậy thì lý tưởng rồi, nhưng việc thực hiện các mục tiêu đó thông qua các chương trình từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông xem ra lại không thích hợp - nghĩa là không giúp đạt được những mục tiêu như đã nêu ra. Ở vĩ mô, giáo dục chưa đáp ứng thực sự những yêu cầu nâng cao dân trí và phát triển kinh tế như mong muốn. Chính một giới chức có thẩm quyền trong ngành giáo dục đã có nhận xét như sau:

- “Nội dung chương trình này còn nặng hơn chương trình hiện hành, do đưa vào những nội dung mới và khó đối với khả năng tiếp thu của đa số học sinh. Nội dung chương trình còn có thêm chương trình giáo dục tự chọn, giáo dục ngoài giờ, giáo dục hướng nghiệp, nhưng thời gian học vẫn không tăng.

- “Mỗi môn học có dung lượng kiến thức khá nhiều, thời lượng dành cho từng chương, từng bài quá ít, không đủ thời gian để thực hiện các khâu lên lớp hoàn chỉnh. Tất cả các giáo viên bộ môn đều yêu cầu phải tăng thêm thời gian, đặc biệt là các môn tự nhiên.

- “Phân phối thời lượng chưa thật hợp lý giữa lý thuyết, thực hành cho các tiết ôn tập, kiểm tra... khiến học sinh không có thời gian nghỉ ngơi, ôn tập chuẩn bị cho kiểm tra, thi cử, tạo ra hiện tượng quá tải về thời gian để dạy và học. Giáo viên phải làm việc với cường độ rất cao (ở trường, ở lớp, ở nhà) mới đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch giáo dục theo chương trình đổi mới.

- “Thiết bị, đồ dùng dạy học chưa theo kịp yêu cầu của nội dung chương trình.

- “Chương trình chưa thật chú ý đến điều kiện của các vùng, miền khó khăn, đến trình độ học sinh, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị, môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế...”(*).

Nói cách khác, chúng ta đặt kỳ vọng rất cao vào giáo dục, và do đó, chúng ta đã đưa quá nhiều nội dung vào các chương trình học trong những điều kiện thực tế không kham nổi: thời lượng dạy học không tương xứng, trường ốc và giáo chức không đủ để có thể chăm lo học sinh đúng mức (lớp quá đông, học một buổi thay vì hai buổi). Chúng ta chỉ trông vào ý chí! Do đó chương trình trở thành quá tải! Thầy cô lúc nào cũng nơm nớp sợ cháy giáo án. Những người có trách nhiệm quản lý lúc nào cũng chỉ lo không dạy hết chương trình. Sức khỏe thể chất của cả Thầy lẫn trò cũng như chất lượng giảng dạy và học tập không còn được đảm bảo.

II. Trong khi nhu cầu giáo dục đòi hỏi công sức của giáo chức rất cao thì lương bổng lại quá thấp, không tương xứng với những gì xã hội đòi hỏi ở giáo chức.

Theo một tài liệu của Sở Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT) Tp. HCM vừa được phổ biến, thu nhập của giáo chức thuộc biên chế ở đây như sau:

- Bậc tiểu học: bình quân hơn 1.000.000đ/tháng ở trường dạy 2 buổi và dưới 1.000.000đ/ tháng ở trường dạy 1 buổi/ngày.

- Bậc THCS: bình quân 700.000đ/tháng.

- Bậc THPT: bình quân 1.500.000đ/tháng.

Trong thực tế, nhu cầu tối thiểu của gia đình họ (gồm vợ chồng và 2 đứa con) cũng phải trong khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy mà nhiều Thầy cô giáo nếu không có thể dạy thêm cho học trò thì cũng phải làm thêm một công việc nào khác nữa mới may ra đủ sống (nhất là đối với các giáo viên nặng gánh gia đình), và như thế sự bồi dưỡng và thời gian nghỉ ngơi cần thiết để tái tạo sức lao động hầu đạt hiệu năng trong công tác không được bảo đảm.

Như vậy, sự kiện có những nhà giáo vẫn chu toàn được nhiệm vụ của mình với mức lương thấp kém như thế mới là chuyện lạ. Chính vì thế mà người ta hiểu được tại sao có những hiện tượng tiêu cực nơi một số giáo viên. Chẳng qua là ‘cái khó bó cái khôn’, vì ‘có thực mới vực được đạo’. Chúng ta luôn nhắc tới câu ‘tôn sư trọng đạo’, nhưng quyền lợi vật chất của giáo chức vẫn đang bị coi nhẹ một cách thê thảm. Và như thế làm sao bảo đảm được chất lượng của công tác giảng dạy.

III. Việc quá chú trọng đến thi đua trong giáo dục trong khi thiếu thốn những điều kiện tối thiểu để hoàn thành nhiệm vụ thường làm hao mòn sức lực và niềm vui của nhà giáo và dẫn đến hiện tượng khá phổ biến là thiếu trung thực, lừa dối nhau bằng những thành tích ảo và vô số những hiện tượng tiêu cực khác.

Việc báo chí mới đây nêu lên hàng loạt những trường hợp học sinh ‘ngồi nhầm lớp’ từ tiểu học tới cả trung học: chẳng hạn ngồi lớp ba, lớp bốn mà chưa biết hết mặt chữ, ngồi ở cấp II mà chưa đọc trôi chảy, ngồi lớp mười mà chưa làm được các phép tính đơn giản như 1 cộng với mấy để thành 5, hay 8 phải trừ cho mấy để còn 6, không phân biệt được hình thoi với hình tam giác, và ngồi lớp mười hai mà không chia nổi động từ To Be trong tiếng Anh. Có những phụ huynh thấy con dốt quá nên xin cho con ở lại lớp mà cũng không được, vì cô giáo sợ mất điểm, và tổn hại thành tích của nhà trường. Một giáo viên viết trên báo Thanh Niên số ra ngày 08.01.2007:

“Bệnh thành tích trong giáo dục đang giết chết một bộ phận thế hệ trẻ, nhiều học sinh càng ngày càng thụ động, lười biếng (vì không học gì cũng chẳng ai dám cho các em ở lại lớp). “Thủ đoạn không phải là bản chất của người giáo viên, nhưng hoàn cảnh đã tạo ra những con người như thế... Các đồng nghiệp của tôi xích mích với nhau vì những thành tích hão huyền đến nỗi không nhìn mặt nhau, phải lôi nhau lên Ban Giám Hiệu để giải quyết vấn đề. Rồi những đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, những người ra đề và duyệt đề thao túng, gian lận để học sinh mình có điểm cao, và cái chính là để bản thân mình đạt thành tích cao hơn người khác. Chúng tôi sống mà phải cảnh giác, đề phòng nhau. Vì sao chúng tôi và các em học sinh phải chịu áp lực của bệnh thành tích như thế?”

Theo báo cáo mới đây nhất của Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng thì kết quả rà soát sau học kỳ I năm 2007 cho thấy tổng số học sinh ‘ngồi nhầm lớp’ trên toàn quốc lên đến một con số báo động là 2,1 triệu em, trong đó ở bậc tiểu học chiếm 5,7% (400.000 em), bậc trung học cơ sở chiếm 16,9% (hơn 1 triệu em), bậc trung học phổ thông chiếm 23,16% (gần 700.000 em). Càng lên bậc trên thì tỷ lệ học sinh yếu kém càng lớn (Báo Giáo Dục ngày 12.03.2007).

Người ta cứ ‘đến hẹn lại lên’, phát động hết cuộc thi đua này đến cuộc thi đua khác để ‘cho có phong trào’ và có ‘thành tích để chào mừng’, dù thường khi đó chỉ là những thành tích ảo, những cuộc sắp xếp ngoạn mục. Và chính từ đó dẫn đến não trạng xa dần sự trung thực trong học đường.

Nạn quay cóp, gian lận, sử dụng tài liệu dưới mọi hình thức - nhiều khi rất tinh vi - trong các kỳ thi hết sức phổ biến. Còn nói gì đến các kỳ thi tú tài hay thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Đặc biệt lộn xộn nhất là các kỳ thi văn hóa bổ túc. Những sự hỗn độn thường thấy trong các kỳ thi này càng là điều nhức nhối khi đa số thí sinh không còn phải là trong lớp tuổi loai choai, ăn chưa no lo chưa tới, mà đa số lại là những người trưởng thành, những công nhân viên chức muốn qua thi cử mà thăng tiến! Và cứ theo Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì nạn tiêu cực ở các trường đại học còn nhiều hơn ở các trường phổ thông, đặc biệt là tình trạng “thăm Thầy trước khi đi thi(!)”.

Báo Giáo Dục ra ngày 22.01.2007 còn cho biết: “Ngay trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ, thạc sĩ cũng còn nhiều trường hợp vi phạm quy chế, thậm chí có cả hiện tượng thi hộ (như tại Huế).

Trong chấm thi cũng còn nhiều biểu hiện vi phạm, như chấm không theo đáp án, nâng điểm bài thi vô nguyên tắc, cụ thể như Trường Sư Phạm Hà Nội chấm phúc tra 199 bài thi thì thấy có tới 124 bài được nâng điểm từ dưới trung bình lên trên trung bình”.

Cũng Báo Giáo Dục ra ngày 25.01.2007 đăng bài của tác giả Nguyễn Mỹ Văn cho biết: “Ông Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu đã thừa nhận việc chỉ đạo nâng điểm để nâng tỉ lệ tốt nghiệp từ 55% lên 79,04%, hệ bổ túc từ 17% lên 47%. Để có được cái tỉ lệ ấy, lãnh đạo ngành GD&ĐT đã trực tiếp chỉ đạo nâng điểm cho 1.740 thí sinh. Có cả những thí sinh được nâng từ 5 điểm lên thành 30 điểm!” Và tác giả còn viết thêm: “...một điều dễ nhận thấy từ vụ việc này là căn bệnh thành tích đã ăn sâu bám rễ vào một số vị lãnh đạo nêu trên. Cũng không loại trừ chuyện tư lợi cá nhân trong chuyện tiêu cực này, (vì) trong lá đơn từ chức của mình, ông giám đốc này cũng đã kèm theo danh sách có đủ tên tuổi chức vụ của 20 cán bộ quan chức cấp tỉnh gửi gắm nhờ nâng điểm cho con cháu họ”.

Đó có lẽ chính là lý do tại sao Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân ngay khi vừa nhận nhiệm vụ đã phải hô lên lời kêu gọi “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Nếu Bộ Trưởng chỉ thực hiện một điều này thôi trong nhiệm kỳ của mình - thực hiện được đến nơi đến chốn - thì ông cũng đã xứng đáng ghi danh trong bảng vàng của lịch sử giáo dục hiện đại rồi.

IV. Ai cũng biết chỉ có giáo dục mới là yếu tố then chốt làm cho đất nước không bị tụt hậu và nền kinh tế được phát triển và ổn định, và giáo dục phải được chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu, nhưng ngân sách chúng ta đầu tư vào giáo dục còn rất thấp, và quá thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Ngân sách dành cho giáo dục của ta chỉ bằng 1/3 của Phi Luật Tân, 1/7 của Thái Lan, 1/19 của Malaysia và 1/65 của

Singapore. Do đó học sinh ở các nước đó từ lâu đã được học hai buổi mỗi ngày và lớp học có sỉ số khoảng 30 em trở lại. Trong khi đó, học sinh của ta đa số chỉ được học một buổi mỗi ngày và sỉ số thường đông gấp đôi, thường là từ khoảng 40 đến 50 hay hơn nữa. Thời lượng dạy và học của chúng ta cao lắm cũng chỉ bằng 2/3 của họ, nhưng nội dung chương trình của chúng ta nói chung chẳng những không thua kém mà có thể có phần còn nặng hơn. Trong khi ở các nước đó trợ huấn cụ và các phương pháp giảng dạy hiện đại được đem vào sử dụng đều khắp từ lâu, còn chúng ta, ngoại trừ một số ít những trường thí điểm hay được chiếu cố đặc biệt ở các thành phố lớn, còn rất nhiều trường trong khắp nước thường vẫn chỉ có phấn trắng với bảng đen là chính, giáo viên ở nhiều nơi vẫn chỉ “dạy chay”.

 

Đành rằng: trong nhiều kỳ thi quốc tế, học sinh nước ta vẫn thường chiếm được những thứ bậc cao rất đáng tự hào, nhưng nguyên nhân những thành quả đó chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh đặc biệt cộng với nỗ lực đáng khen của các học sinh đó (và của cả Thầy cô dạy các em đó).

Nếu có những chương trình học hợp lý hơn thì chắc chắn sẽ còn có nhiều học sinh hơn nữa đạt được những thành tích như thế hoặc thậm chí còn lẫy lừng hơn nữa. Không lẽ một đất nước có chỉ số tăng trưởng cao hàng đầu Châu Á, có nhiều dầu hỏa, xuất khẩu lúa gạo cũng vào hàng đầu thế giới và đã là thành viên của WTO và dù muốn hay không cũng phải hội nhập vào bối cảnh toàn cầu hóa trong đó cuộc cạnh tranh về kinh tế tri thức là mãnh liệt mà lại có một nền giáo dục tụt hậu như vậy được sao?

V. Điều nghịch lý cuối cùng được nêu lên ở đây, đó là giữa bối cảnh đầy dẫy những bất cập, khuyết điểm và tiêu cực như thế, vẫn có vô số những con người đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Điều đáng chú ý và cũng là điều rất đáng tự hào ở nước ta, đó là có rất nhiều, có thể nói là đại đa số, những nhà giáo ở nước ta là những người hết sức yêu nghề mến trẻ, tận tụy với thiên chức của mình. Cho dù nhận được đồng lương không tương xứng với công sức, cho dù vật giá leo thang và về kinh tế thì càng ngày càng xuống thấp trong vị trí xã hội, nhưng đa số các nhà giáo vẫn gắn bó với nghề nghiệp của mình, vẫn ‘an bần lạc đạo’. Có thể nói như thế mà không sợ mang tiếng đại ngôn. Hình như đã thành truyền thống lâu đời đó là: đã mang lấy thiên chức nhà giáo, thì phải chấp nhận một đời sống thanh bạch. Những Thầy cô giáo giàu có không phải là không có, nhưng rất hiếm hoi. Và nếu thấy có những nhà giáo giàu có đi nữa thì nhiều khi sự giàu có đó cũng là do một nguyên nhân may mắn nào khác hơn là do ‘nghề gõ đầu trẻ’. Có không ít gia đình cứ giữ lấy truyền thống theo đuổi nghề dạy học, từ thế hệ này sang thế hệ kia, không màng vinh hoa phú quý.

Cũng có nhiều người khác, tuy không phải là nhà giáo chuyên nghiệp, nhưng luôn nặng lòng với sự nghiệp giáo dục. Chẳng hạn chúng ta đã đọc nhiều lần trên báo chí tin tức có những người nông dân chân chất sẵn sàng hiến đất đai, có khi trị giá lên tới cả tỷ đồng, để có chỗ xây cất trường học cho địa phương. Có không ít những vị trong giới tu hành, thậm chí có cả những cá nhân rất bình thường tự nguyện đứng ra mở những lớp học tình thương, hay sẵn lòng để cho những người giàu thiện chí mở những lớp học miễn phí tại khuôn viên những nơi thừa tự hay chốn tu trì, hoặc ngay tại tư gia mình, để cho các trẻ cơ nhỡ, hay thuộc các gia đình nghèo túng được hưởng nhờ phần nào giáo dục. Đây mới chính là những người thực sự hiểu thế nào là ‘bách niên chi kế mạc như thụ nhân’, thế nào là tính thiêng liêng quý báu của ‘quyền được giáo dục’.

Chính những con người vừa được đề cập đến trên đây mới diễn tả, phản ánh rõ nét truyền thống ‘bốn ngàn năm văn hiến’ của dân tộc chúng ta. Họ chính là những ngọn đuốc sáng bừng lên, là tiếng nói nhắc nhở không ngừng lương tâm toàn xã hội về trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với hạnh phúc của trẻ em, đối với tương lai của đất nước và dân tộc.

Nguồn: 

 Theo Bản Tin Hiệp Thông Số 41

Top