Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (2)

Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (2)

Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (2)

2.2. Tâm tình sám hối và canh tân

Khi rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô luôn lặp lại lời mời gọi hoán cải của chính Chúa Giêsu Kitô. Người tín hữu phải từ bỏ ngẫu tượng mà «sám hối và trở về cùng Thiên Chúa, đồng thời làm những việc chứng tỏ lòng ăn năn sám hối» (Cv 26,20; x. Mc 1,15; Rm 1,18-32; 1Tx 1,9). Thực vậy, ân sủng của Thiên Chúa đòi hỏi người kitô hữu «phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này» (Tt 2,12). Sự từ bỏ và quay về này là một sự biến đổi hoàn toàn, một sự giải phóng của toàn nhân loại khỏi sự trói buộc của tội lỗi và sự chết. Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu sống theo tinh thần Tin Mừng, nghĩa là cố gắng sống thánh thiện và xa lánh tội lỗi, biết xem xét mọi sự, bỏ điều xấu giữ điều tốt. Từ bỏ tội lỗi để quay trở về làm hoà cùng Thiên Chúa không hẳn là một tiến trình dễ dàng trong một xã hội mà chủ nghĩa tục hoá đang thao túng, khiến cho người ta đề cao những giá trị vật chất và dường như đánh mất ý niệm về Thiên Chúa. Đây cũng là tâm điểm của tấn thảm kịch mà con người hiện nay đang sống khiến người ta đánh mất đi cảm thức về tội lỗi: «Tội của con người thời nay là đánh mất cảm thức về tội lỗi»[27]. Khi con người không còn ý thức về tội lỗi và không nhận ra ơn tha thứ Thiên Chúa tặng ban, họ «dễ bị lôi cuốn vào cơn lốc của vòng xoáy đồi bại kinh khủng: bỏ mất ý thức về Thiên Chúa, người ta lao tới chỗ đánh mất cả ý thức về con người, về phẩm giá và sự sống con người; và đến lượt mình, sự vi phạm có hệ thống luật luân lý, đặc biệt trong vấn đề quan trọng là tôn quý sự sống và phẩm giá của sự sống con người, sẽ tạo ra một bóng tối càng ngày càng mù mịt che lấp khả năng nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống và ơn cứu độ»[28]. Vì vậy, việc giáo dục luân lý đòi hỏi cấp thiết nhất là việc giúp cho con người nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình mà sám hối và quay trở về giao hòa cùng Thiên Chúa. Theo thánh Phaolô, một khi khiêm nhường ý thức về những yếu đuối của mình, con người thêm tín thác vào lòng thương xót, ân sủng và sức mạnh biến đổi của Đức Kitô: «Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng làm cho tôi được mạnh mẽ» (Pl 4,13). Hiểu biết và nhìn nhận những yếu đuối của mình sẽ làm cho con người mở lòng ra đón nhận ơn tha thứ và sự hiện diện quyền năng của Đức Kitô nơi chính bản thân mình.

2.3. Đời sống mới theo Thần Khí

Giáo dục luân lý theo thánh Phaolô còn là việc giúp cho mọi người mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần và để cho Ngài hoạt động nơi tâm lòng của mỗi con người. Trong thư gửi tín hữu Galát (5,13 - 6,10) thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy đón nhận tình thương và ân sủng của Chúa Kitô để sống một đời sống mới theo Thần Khí. Trong Chúa Thánh Thần, con người được giải phóng khỏi lề luật và tội lỗi để bước vào đời sống mới trong ân sủng và trong tình thương của Thiên Chúa, được thừa hưởng kho tàng khôn tả là ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Những người tin và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì «không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới» (Rm 8,9-11).

Với bản tính tự nhiên yếu đuối và hay sa ngã, con người sống là tiến dần đến sự chết, hướng chiều về sự dữ, chỉ có Thiên Chúa mới thay đổi được chiều hướng ấy của con người. Dù rằng con người dễ sa ngã và phạm tội, nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thánh Thần của Người để nâng đỡ giúp người tín hữu chiến đấu và chiến thắng. Nhờ sự chết phục sinh, Chúa Giêsu Kitô đã huỷ diệt tội lỗi để đem ơn cứu chuộc đến thánh hoá toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa đã ban Thần Khí cho con người để họ làm hoà với Thiên Chúa và được sống. Cũng như nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết (x. Rm 4,24; 10,9), thì quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng chúng ta cũng làm cho chúng ta được sống lại như Đức Kitô như vậy. Bởi đó, con người có thể sống một đời sống mới nhờ Thần Khí và sự công chính Thiên Chúa ban tặng. Ngay từ bây giờ, công trình phục sinh ấy đã được khởi sự trong đời sống ân sủng bằng cách tháp nhập vào với Đấng Phục Sinh nhờ đức tin và Phép Rửa, nhờ đó người kitô hữu trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa theo hình ảnh của Chúa Kitô. «Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới» (Rm 6,4). Thánh Phaolô liệt kê những hoa trái của đời sống mới trong Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ; cũng trong Chúa Thánh Thần, người tín hữu mới có đủ sức mạnh đẩy xa mọi thứ ham muốn của xác thịt khiến cho con người trở thành dâm bôn, ô uế, phóng đãng,thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (x. Gl 5,19-23).

2.4. Đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô

Sống “trong Đức Giêsu Kitô” là một thành ngữ được thánh Phaolô sử dụng với một ý nghĩa rất sâu xa. Ở trong Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là được tháp nhập vào Chúa Kitô, được hoàn toàn chia sẻ với Ngài trong một thân thể duy nhất. Nhờ Bí tích Rửa Tội, con người chết đi đối với tội lỗi, cùng chết với Chúa Kitô để được sống lại với Ngài trong một cuộc sống hoàn toàn mới (x. Rm 6,11). Những ai sống trong Chúa Kitô sẽ tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Người (x. Rm 6,8-11), nghĩa là họ hoàn toàn phục tùng quyền năng của Chúa Kitô, sẵn sàng để cho Chúa Phục Sinh hướng dẫn toàn bộ cuộc sống của mình đến độ «tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20). Theo thánh Phaolô, người tín hữu trở nên giống Chúa Kitô nghĩa là phải mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô, tỉnh thức tránh xa tội lỗi, luôn sống trong tươi vui, hy vọng, kiên trì cầu nguyện và nhẫn nại, biết canh tân tâm trí, sống khiêm nhường và yêu thương liên đới với nhau (x. Rm 12,1 - 15,13). «Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi» (2Cr 5,17). Như vậy, con người được biến đổi hoàn toàn nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận thành quả của ơn cứu chuộc nơi Đức Kitô Giêsu, họ trở nên những chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người[29].

Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (x. 2Cr 4,4), Ngài đến thế gian, nhập thể làm người để tái tạo một thế giới mới (x. 2Cr 5,17), và trả lại cho nhân loại vẻ huy hoàng của hình ảnh thần linh mà tội lỗi đã làm lu mờ (x. St 1,26; Rm 5,12). Hơn thế nữa Ngài còn làm cho con người được thông phần với Ngài chung hưởng phúc làm con Thiên Chúa (x. Rm 8,16-17). Nhờ đó con người tìm lại được sự khôn ngoan thông hiểu (x. Cl 3,10) và được quyền hưởng vinh quang mà tội lỗi đã cướp mất (x. Rm 3,23). Vinh quang của Đức Kitô bao phủ, thấm nhập và biến đổi nội tâm người kitô hữu (x. 2Cr 3,18), làm cho họ được nên đồng hình đồng dạng cách trọn vẹn trong ngày Đức Kitô quang lâm (x. 1Cr 15,49). Điều mà thánh Phaolô muốn làm nổi bật là sự tiến đến và sự đón nhận vinh quang vĩnh cửu mà Đức Kitô đã có và Ngài sẽ thông ban cho chúng ta: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang» (Rm 8,29-30). Chính Thiên Chúa có sáng kiến từ trước, Ngài chỉ đòi con người hưởng ứng công trình của Ngài. Do đó, chúng ta có quyền trông đợi vào tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu vô biên không bao giờ rút lại (x. Rm 11,29).

Như vậy, giáo dục luân lý theo thánh Phaolô chính là việc huấn luyện con người trở nên thánh thiện như những người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Trở thành môn đệ của Chúa nghĩa là bước đi theo Chúa Kitô noi gương bắt chước Ngài để trở nên giống như Ngài, thuộc trọn về Ngài và sống kết hiệp mật thiết với Ngài như trong một thân thể duy nhất. Gương Chúa Giêsu yêu thương hiến mình vì nhân loại là nguyên do cho các tín hữu trong một đời sống hy sinh phục vụ vô vị lợi (x. Rm 8,17; 2Cr 1,18; Ep 5,1; Pl 2,4-8). Các kitô hữu được mời gọi sống hiệp thông chia sẻ hoàn toàn với Chúa Kitô trong sự chết và phục sinh của Ngài (x. 2Cr 4,11; Pl 3,10). Nhờ đó cả cuộc đời của họ là một cuộc sống trong Đức Kitô, sống cùng Đức Kitô và cho Đức Kitô (x. Gl 2,19; Rm 14,17; Pl 1,2). Kinh nghiệm từ chính cuộc sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô theo lời dạy của thánh Phaolô, Đức Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ: «Thánh Phaolô nhấn mạnh sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong mọi lúc, tới độ tạo ra một thứ từ vựng mới có sức diễn tả như: “cùng chịu đóng đanh vào thập giá” (Gl 2,19) “cùng được mai táng” (Rm 6,4; Cl 2,12), “chúng ta đã cùng chết”, “cùng sống” (2Tm 2,11; x. 2Cr 7,3), “cùng sống lại” (Cl 3,1). Thánh Phaolô đề cập tới sự kết hiệp của Chúa Giêsu với chúng ta như một thực tại không tàn phai, một sức sống liên lỉ khiến cho chúng ta dấn thân hoàn toàn và chờ đợi sự đáp trả của chúng ta: Đức Kitô đã chết và đã sống lại để trở thành Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Vì thế “dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8-9)»[30]. Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, sống trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần không bao giờ là một đời sống cô lập đơn lẻ. «Việc sống sự cảm nghiệm này “trong Đức Kitô” đối với thánh Phaolô là một điều vô giá, đến nỗi ngài đã sử dụng hơn 100 lần hình ảnh về sự tâm giao với Đức Kitô, để trình bày cuộc sống kết hiệp mới mẻ của các kitô hữu và với nhau. Còn phương diện xã hội của cuộc sống “trong Đức Kitô”, thì theo thánh Phaolô, luôn được thể hiện một cách sâu xa và cụ thể qua sự tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà. Nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28)»[31]. Nhờ phép Rửa trong cùng một Thánh Thần duy nhất, người kitô hữu được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và được liên kết với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ của những người con cùng một Thiên Chúa là Cha. Sống “trong Đức Giêsu Kitô” mỗi tín hữu phải ý thức được mình là một chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Trong cộng đoàn Hội Thánh, mỗi người có phận vụ đặc thù khác nhau cần chu toàn với ý thức trách nhiệm cao. Mỗi người đều nhận được các đặc sủng khác nhau, cần tận dụng và sinh lợi cho toàn thể Giáo hội. Theo thánh Phaolô, cộng đoàn những người tin sống trong Chúa Kitô được liên kết thành một thân thể mà Đức Kitô là Đầu và mỗi người tín hữu là một chi thể. Chính từ nơi Đầu này, toàn thân nhận được sự sống và tăng trưởng, tất cả các chi thể được hoạt động trong trật tự và sự thống nhất (x. 1Cr 12,12-17; Ep 4,1-16; Cl 2,19). Vì thế, «nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung» (1Cr 12,26). Trong ý nghĩa này, các kitô hữu có trách nhiệm thực hành các nhân đức xã hội để «xây dựng cho nhau» (1Tx 5,11; Rm 14,19; 1Cr 10,23), và «hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau» (Ep 4,1-3; Cl 3,11-15).

Kết luận

Để kết luận, chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh thánh Phaolô đang giơ cao một thanh gươm lớn biểu tượng của Lời Chúa được thánh nhân giảng dạy sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi «để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng» (Gr 1,10). Thực vậy, dựa trên sứ điệp Tin Mừng mà ngài đã lãnh nhận trực tiếp từ Chúa Giêsu Phục Sinh, thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người hãy dứt khoát cắt đứt mọi liên hệ với nếp sống cũ trong nô lệ tội lỗi, đồng thời xây dựng một đời sống mới theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật, củng cố các nhân đức đối thần và tự nhiên, thực hành các việc lành trong tình thương mến tha nhân, và nhất là để cho ân sủng của Thiên Chúa là Cha tràn đầy và thống trị lòng người. Sứ mạng của những người làm công tác giáo dục, nhất là những thầy dạy đức tin và luân lý, được mời gọi hãy noi gương bắt chước thánh Phaolô dấn thân phục vụ tha nhân, sống gương mẫu, tràn đầy niềm tin yêu tín thác để dạy cho thế hệ trẻ biết cách làm người, biết sống hữu ích, biết sống thánh thiện, biết theo đuổi những điều cao đẹp và can đảm làm chứng cho chân lý Tin mừng[32]. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy «chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng» (1Tm 1,18-19). Chúng ta được mời gọi hãy chết cho chính mình để được sống lại trong Đức Kitô, hãy ôm lấy Thánh Giá Chúa Kitô và luôn nhớ lời dạy của thánh Phaolô sống yêu thương và hy vọng: «Đức ái chấp nhận tất cả, tin tất cả, hy vọng vào tất cả, chịu đựng tất cả. Đức ái không bao giờ mất được» (1Cr 13,7-8). Ước chi các tu sĩ, linh mục chúng ta trở nên những nhà giáo dục đạo đức tài năng, biết đưa ra đường lối giáo dục và phương pháp sư phạm phù hợp, để có thể giúp cho con người và xã hội thời nay can đảm đối diện với lương tâm và bước đi trên con đường ngay thẳng của tình thương và chân lý.

------------------------------------------------------------------------------

[1] x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu Ecclesia in Asia (6/11/1999), số 37. Thực thi sứ vụ là Mẹ và Thầy, Giáo Hội nỗ lực tìm cách làm cho tất cả mọi người đều được quyền hưởng một nền giáo dục phù hợp với phái tính, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc.

[2] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2007. Về giáo dục Kitô giáo, số 2; x. số 11-15. Chúng ta không phủ nhận nhiều điểm tích cực và đáng lạc quan trong lãnh vực giáo dục hiện nay như những nỗ lực lành mạnh hóa môi trường giáo dục, sự quan tâm của các bậc phụ huynh dành cho con cái ăn học, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và tin học được ứng dụng rộng rãi trong mọi lãnh vực xã hội và góp phần hiện đại hóa ngành giáo dục (x. số 8-10).

[3] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2007. Về giáo dục Kitô giáo. Cụ thể, các Đức Giám Mục đưa ra một lộ trình chấn chỉnh lại nền giáo dục bằng việc thực hiện ba bước, với những mục tiêu mũi nhọn cho từng giai đoạn: năm 2008 chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo; năm 2009: chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên; năm 2010: chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ. (x. số 3. 38). x. G. LÊ CÔNG ĐỨC, «Vài suy nghĩ về giáo dục đức tin toàn diện trong tầm nhìn sứ mạng», Hiệp Thông 45 (2008), 35-48.

[4] Năm Thánh Phaolô không phải chỉ là một năm kỷ niệm bình thường nhân dịp 2000 năm thánh Phaolô sinh ra, mà đây là lần đầu tiên, Giáo Hội dành trọn một Năm Thánh để học hỏi và sống theo tinh thần của một vị thánh. Sự kiện có một không hai này đủ cho thấy tầm quan trọng của vị thánh mà cho đến nay, người ta vẫn chưa nắm hết được mọi khía cạnh linh hứng từ con người và trước tác của ngài.

[5] x. BÊnÊđictô XVI, Bài giảng trong buổi đọc Kinh Chiều khai mạc năm Thánh Phaolô (28/06/2008): «Chính ngày hôm nay mà Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta. Đó cũng chính là lý do mà tôi muốn khai mạc Năm Thánh Phaolô này, để chúng ta nghe ngài nói và để ngày nay ngài dạy chúng ta, với tư cách là tôn sư, “đức tin và chân lý”, nơi bén rễ những lý do hiệp nhất của các môn đệ Chúa Kitô». Trong khuôn khổ bài chia sẻ ngắn này, chúng ta chỉ đặt trọng tâm vào vấn đề giáo dục đức tin và luân lý, tuy nhiên việc giáo dục toàn vẹn luôn bao gồm mọi phương diện của đời sống con người: giáo dục nhân bản, tri thức, tâm lý, thể lý, tâm linh.

[6] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum educationis (28/10/1965), số 1. Ngạn ngữ Trung Hoa thì dạy: Để có lợi một năm hãy gieo hạt, để có lợi mười năm thì trồng cây, để có lợi trăm năm thì phải giáo dục con người.

[7] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2007. Về giáo dục Kitô giáo, số 32.

[8] CÔNG ĐỒNG CHUNG Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum educationis (28/10/1965), số 2.

[9] x. F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân Hy Vọng. Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, 97-98. Noi gương thánh Phaolô, từ nơi bị giam giữ Đức Hồng Y đã viết sách Đường hy vọng như một “sứ điệp lao tù” để củng cố niềm tin của cộng đoàn tín hữu đang phải đối diện với những gian nan thử thách.

[10] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Tin Mừng sự sống Evangelium vitae (25/3/1995), số 24.

[11] x. F. X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 543-556. Thánh Phaolô nói về sự khôn ngoan của thế gian: «Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người» (1Cr 1, 20-21).

[12] BÊNÊĐICTÔ, Bài giáo lý về thánh Phaolô trong buổi tiếp chung hàng tuần tại Quảng Trưởng Thánh Phêrô (30/10/2008). Trong 2Cr 5,4-21, thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một tổng hợp thần học tuyệt vời về Thập Giá: một đàng, Đức Kitô đã gánh lấy tội lỗi trần gian và đã chết cho chúng ta, nhờ đó Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Chính Ngài, mà không quy tội cho chúng ta.

[13] R. D. WITHERUP, 101 câu hỏi đáp về thánh Phaolô, Bản dịch của UBLBTM/HĐGMVN, 2008, 151-152.

[14] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2007. Về giáo dục Kitô giáo, số 15.

[15] PHAOLÔ VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii nuntiandi (8/12/1975), số 41; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc Redemtoris missio (7/12/1990), số 42.

[16] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á châu Ecclessia in Asia (6/11/1999), số 42.

[17] F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng. Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang 2000,136.

[18] GRÊGÔRIÔ NISSÊ, Bài giảng về sách Giảng viên, PL 23, 1057-1059 (x. Các Bài Đọc Kinh Sách, tập 3, thứ Ba tuần VII Thường Niên).

[19] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, I/2, (VietCatholic News Thứ Sáu 26/09/2008).

[20] x G. LÊ CÔNG ĐỨc, «Vài suy nghĩ về giáo dục đức tin toàn diện trong tầm nhìn sứ mạng», Hiệp Thông 45 (2008), 35. Tình trạng quay cóp, gian lận trong thi cử, bằng cấp đã ở vào mức báo động đỏ. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đi về đâu, nếu học đường lại là phường lừa dối và các thầy cô chỉ là những con rối dạy điều dối trá?!

[21] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1777. Thánh Phaolô cho thấy những người chưa đón nhận đức tin vẫn có thể sống ngay lành theo tiếng của lương tâm: «Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải» (Rm 2,15).

[22] CÔNG ĐỒNG CHUNG Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et spes (7/12/1965), số 16. «Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người» (Ibidem).

[23] x. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1789; J. HOÀNG VĂN TIỆM, Thư mục vụ (15/10/2006): «Quy luật nội tại hướng dẫn chúng ta canh tân bản thân là sống theo lương tâm “làm lành lánh dữ”. Mà sống theo lương tâm là nhìn nhận sự thật, chấp nhận sự thật và tranh đấu cho sự thật» (số 3).

[24] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Tin Mừng sự sống Evangelium vitae (25/3/1995), số 24. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo đưa ra những lý do để giải thích cho hiện tượng lương tâm sai lầm: «Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh; thiếu hoán cải và bác ái» (số 1790-1794).

[25] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, I/2, (VietCatholic News Thứ Sáu 26/09/2008).

[26] Giáo huấn của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ hơn như thế nào là trở nên như trẻ nhỏ theo lời mời gọi sống thánh thiện của chính Chúa Giêsu: «Nếu anh em không hoán cải và nên như trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời» (Mt 18,3-4). Ở đây, chúng ta có thể hiểu theo lời căn dặn của Chúa Giêsu khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng: «anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu» (Mt 10,16).

[27] PiÔ XII, Sứ điệp truyền thanh gửi Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Hoa Kỳ (26/10/1946), in Discorsi e Radiomessaggi VIII (1946), 584; x. PhaolÔ VI, Huấn dụ (8/3/1972), in Insegnamenti di Paolo VI, X (1972), 223-224. Khai triển đề tài này trong Tông huấn về việc Hòa Giải và Thống Hối Reconciliatio et paenitentia (2/12/1984), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: «Cũng như người ta không thể nào xoá bỏ hoàn toàn cảm thức về Thiên Chúa, và không thể nào dập tắt được tiếng lương tâm, cũng vậy người ta không thể nào xoá bỏ hoàn toàn được cảm thức về tội lỗi» (số 18).

[28] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Tin Mừng sự sống Evangelium vitae (25/3/1995), số 21; x. CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ Vui mừng và hy vọng Gaudium et spes, số 36: «Thụ tạo mà bỏ Đấng Tạo Hoá của mình thì tiêu vong. [...] Mà cả đến chính thụ tạo cũng bị u mê vây hãm, nếu nó quên Thiên Chúa». Về tình trạng này, Việt Nam là một thí dụ điển hình với hậu quả là con số ly dị và phá thai ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình, mỗi năm toàn quốc có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai, đây chỉ là con số được thống kê chính thức, không kể các trường hợp phá thai riêng lẻ. Trầm trọng hơn nữa là con số phá thai thường lớn hơn con số trẻ em được sinh ra (x. VŨ HOÀNG NGÂN, «La planification familiare», in Y. CHARBIT - C. SCORNET, Société et politique de population au Vietnam, L’Harmattan, Paris 2002, 105-140; http://www.asianews.it, 15/01/2008; http://dantri.com.vn/suckhoe/2008/8/248715.vip).

[29] x. R. D. Witherup, 101 câu hỏi đáp về thánh Phaolô, Bản dịch của UBLBTM/HĐGMVN, 2008, 156-157. Khi tìm hiểu về thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, thánh Têrêsa Lisieux đã nhân thấy rằng tình yêu và Đức Ái là con đường tuyệt hảo nhất để đến được với Chúa cách chắc chắn: «Ôi Giêsu Tình Yêu của con! Ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy! Ơn gọi của con là Tình Yêu! Vâng, con đã tìm thấy chỗ của con trong trong lòng Hội Thánh, và chỗ này, ôi lạy Chúa, chính Người đã ban cho con: Trong lòng Hội Thánh là Mẹ của con, con sẽ là Tình Yêu!» (x. Một Tâm Hồn, Chương 11).

[30] F.X. NguyỄn Văn ThuẬn, Chứng nhân hy vọng. Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, 93. Sống trong Chúa Kitô vâng phục thánp ý Chúa Cha là nguồn sức mạnh giúp ĐHY vượt qua được những năm tháng tăm tối trong ngục tù. Trong Năm chiếc bánh và hai con cá, ngài chia sẻ cảm nghiệm giữa chốn lao tù, nhất là những lúc kiệt quệ vì đau khổ bệnh tật tưởng chừng sắp chết, ngài chỉ còn có thể thều thào: Giêsu có con đây! Và ngài cảm thấy từ nơi sâu thẳm tâm hồn tiếng Chúa Giêsu đáp lại: Thuận ơi có Giêsu đây!

[31] NGUYỄN HỮU THY, Thánh Phaolô và nền Thần học Paulinienne, VietCatholic News (Thứ Sáu 26/09/2008).

[32] x. BÊNÊĐICTÔ, Huấn dụ cho những người sống đời thánh hiến, (2/2/2009): «Đối với các tu sĩ nam nữ, thánh nhân cũng lập lại lời mời gọi thân ái và rõ ràng: “Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11,1)… Thánh Phaolô làm trung gian sư phạm chắc chắn cho chúng ta: bắt chước thánh nhân trong việc theo Chúa Giêsu chính là con đường trổi vượt để đáp lại trọn vẹn ơn gọi thánh hiến».

Nguồn: 

 betrenthuongcap.net

Top