Năm cách thực hành sự hy sinh theo thánh Josemaría
NĂM CÁCH THỰC HÀNH SỰ HY SINH THEO THÁNH JOSEMARÍA
Karen Hutch
WHĐ (27.02.2024) – Trong Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta thực hành khổ chế, ăn chay, và bố thí để có thể gặp gỡ Đức Kitô trong hành trình 40 ngày này qua sự hy sinh.
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, nếu muốn đạt tới cùng đích thiên đàng thì chúng ta phải vượt qua thập giá: “Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng. Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc” (số 2015).
Sự khổ chế và hy sinh hãm mình ở đây có nghĩa là hy sinh sự tiện nghi thoải mái để nhận ra rằng những ham muốn của thân xác không thể thống trị chúng ta. Nói cách khác, sự khổ chế và hãm mình là những bài tập rèn luyện và củng cố sức mạnh ý chí của chúng ta, để khi cám dỗ hoặc dịp tội đến, chúng ta biết đáp trả bằng việc nói “không!” một cách dứt khoát.
Vì khổ chế và hãm mình là một trong những chìa khóa để đạt tới sự thánh thiện, nên chúng ta thực hành sự hy sinh không chỉ trong Mùa Chay mà còn hàng ngày, trong những điều bình thường của cuộc sống.
Làm thế nào để tôi biết đâu là sự hy sinh phù hợp với mình?
Vị sáng lập hội Opus Dei, Thánh Josemaría Escrivá, mời gọi chúng ta thánh hóa cuộc sống hằng ngày với tinh thần sám hối thực sự. Dưới đây là một số điểm thánh nhân gợi ý giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cho những hy sinh thường ngày của mình:
1. Duyệt xét lại ngày sống của bạn
Hãy dành vài phút để nhìn lại các hoạt động trong ngày của bạn, từ lúc thức dậy cho đến khi màn đêm buông xuống.
Việc duyệt xét lại một ngày sống sẽ giúp bạn biết lĩnh vực nào là quan trọng trong cuộc đời và xác định những nơi chốn hoặc những người mà bạn ở bên cạnh nhiều nhất.
Vào thời cổ đại, sa mạc và núi cao được xem là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa vì đó là những nơi cách xa mọi thứ khác và người ta thường đến để cầu nguyện. Ngày nay, bạn cũng hãy vào “sa mạc” ngay trong phòng của bạn và dành thời gian để duyệt xét xem bạn có thể cải thiện từ đâu.
2. Hy sinh trong những điều bình thường
Đôi khi chúng ta có thể thực hiện việc hãm mình cách thái quá, chẳng hạn như nhịn ăn đến độ không có sức để thi hành nhiệm vụ của mình. Hoặc ngược lại, chúng ta có thể dâng lên Chúa những thứ mà thực sự không tốn công sức vì đàng nào chúng ta cũng làm mà không bận tâm đến điều đó lắm. Ví dụ, đối với một người ăn chay chặt chẽ (vegan), có nghĩa là người không ăn mà cũng không dùng bất cứ thực phẩm nào từ động vật, thì việc kiêng thịt trong Mùa Chay chẳng chút gì là phải hy sinh. Đây là lý do tại sao việc hy sinh những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta lại quan trọng.
Sự hy sinh có thể là điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn như cách chúng ta bắt đầu một ngày mới. Nếu là người khó có thể thức dậy đúng giờ, thì trong trường hợp này, bạn có thể hy sinh bằng việc việc dậy sớm hơn 10 phút so với bình thường.
3. Tại nơi làm việc
Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy khó tập trung vào công việc và làm việc bổn phận của mình một cách nhiệt tình? Thánh Josemaría nói với chúng ta rằng, khi đối diện với sự lười biếng hoặc thiếu nhiệt tình trong công việc, chúng ta nên dâng hiến như một sự hy sinh khi thực hiện công việc của mình “một cách mãnh liệt, kiên định và lớp lang, ý thức rằng tinh thần hy sinh tốt đẹp nhất là kiên trì hoàn thành một cách chỉn chu công việc chúng ta đã bắt đầu”.
4. Hãy lấp đầy ngày của bạn bằng những khoảnh khắc anh hùng
Hãy coi sự hy sinh như một điều gì đó đơn giản, một điều gì đó không cần mất quá một phút để thực hiện. Như thế, chúng ta sẽ nhận ra một ngày sống với rất nhiều cơ hội nhỏ bé để làm điều tốt và giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn. Thánh Escrivá viết rằng chúng ta nên tìm cách hy sinh hãm mình trong những việc bình thường hàng ngày:
Trong việc chăm sóc những thứ chúng ta có và sử dụng; trong sự háo hức phục vụ, chúng ta hoàn thành những việc nhỏ nhất một cách trọn vẹn; và trong những chi tiết nhỏ của đức ái, làm cho lộ trình thánh thiện trên thế giới trở nên đáng yêu đối với mọi người: một nụ cười đôi khi có thể là dấu chỉ tốt nhất về sự hy sinh của chúng ta.
Cũng đừng quên lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về việc ăn chay:
"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,16-18).
5. Tránh xa những thứ không giúp bạn trở thành người tốt hơn
Chúng ta có thể hy sinh bằng cách tránh xa những thứ mà chúng ta biết là không tốt cho mình, đó là những thứ mà thay vì dẫn chúng ta tới thiên đàng, lại khiến chúng ta lạc lối.
Chúng ta nên rút lui khỏi những nơi mà thay vì giúp chúng ta nên hoàn thiện lại khiến chúng ta trì trệ và tạo dịp cho chúng ta chiều theo cám dỗ để phạm tội.
Hãy nhớ rằng nếu rèn luyện ý chí bằng những hành động hãm mình nho nhỏ, chúng ta sẽ có thể diệt trừ ngay từ trong trứng nước tội lỗi hoặc những sai phạm có thể biến thành thói xấu.
Sự kiên định
Thánh Josemaría cảnh báo chúng ta không nên rơi vào cạm bẫy hoặc những điều không thúc đẩy việc hy sinh hãm mình tốt:
Tinh thần khổ chế không phải là có ngày thì hy sinh nhiều có ngày lại bỏ bê không hy sinh chút nào. Trái lại, tinh thần khổ chế có nghĩa là biết làm sao để vượt thắng bản thân mỗi ngày, dâng hiến mọi thứ – dù lớn hay nhỏ – với tình yêu mà không phô trương.
Đây chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (23. 02. 2024)
bài liên quan mới nhất
- Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào?
-
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19