Miệt mài việc nhà Chúa

Miệt mài việc nhà Chúa

Miệt mài việc nhà Chúa

TGPSG -- “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi mà chưa thấy một trường hợp nào như thế này!” - một lão làng cảm thán.

Đó là trường hợp của chú – một người phải về hưu non vì vấn đề sức khỏe. Nghe đâu là do tim mạch và huyết áp, ‘chúng nó đình công và phản kháng mãnh liệt khi chú làm việc. Với tình hình sức khỏe ấy, hưu non không phải điều gì lạ. Nhưng người về hưu non chắc chắn sẽ nhận lấy những ánh mắt kỳ lạ của những người xung quanh, nhất là khi kẻ hưu non ấy lại tham gia việc chung nơi nhà sinh hoạt mục vụ giáo xứ.

Nhà sinh hoạt mục vụ của giáo xứ là một nơi quan trọng nhất nhì trong giáo xứ nên cần người túc trực và chăm nom. Khi xưa còn có các thầy dòng đến hỗ trợ. Về sau, vì nhu cầu của nhà dòng, các thầy được thuyên chuyển đi nơi khác. Cha xứ mời gọi các tín hữu quan tâm và cộng tác trong việc coi sóc và hỗ trợ điều hành mục vụ nơi nhà sinh hoạt này. Ngài mời gọi mãi mà chẳng thấy ai đáp lời, khổ tâm hết sức nhưng chẳng biết làm sao. Ngài đâu thể làm hết cả mọi việc được. Đang lúc tưởng chừng như vô vọng thì chú mạnh dạn đảm nhận trách vụ này.

Ban đầu, đâu mấy người biết chú là ai. Rất nhiều những quan tâm, hiếu kỳ, tò mò tập trung vào chú. Một thời gian, họ lắc đầu chê chán, ngán ngẩn mà thở than, càm ràm: Hết người hay sao mà tuyển cái ông này vô đây?

Số là chú cứ hay chửi đổng và đập phá lung tung. Cũng chẳng biết là tính nết chú như vậy hay do áp lực, kìm nén từ chuyện hưu non. Chú vô cùng nóng tính, người ta nóng như hỏa lò, còn chú thì nóng như lựu đạn. Cứ hễ nóng nảy, tức giận là chú đập đồ, đập bất cứ thứ gì cầm trên tay hay vớ được. Có lần, chú đập cả cái di động của mình… mà đâu chỉ một lần. Hàng xóm xung quanh rất khó chịu vì cách chú hành xử và phản ứng. Họ gọi chú là “bệnh thần kinh”.

Nhiều người kéo nhau lên cha xứ mà phàn nàn về chuyện của chú. Họ yêu cầu cha suy xét tìm người khác, chứ ông này thì không biết làm được việc gì chưa đã đầy gương mù gương xấu. Ban đầu, cha xứ còn từ tốn tiếp chuyện và mời gọi họ trợ giúp thay vì phán xét. Nhưng theo số lần họ kiện cáo tăng cao, cha cũng không muốn mỏi miệng phân trần, ngài bảo: “Nếu có ai khác xung phong đảm nhận và làm tốt hơn ông ấy thì tôi sẽ nói ông ấy nhường lại cho mà làm”. Từ đấy, mọi sự mới tạm êm xuôi.

Có điều, mọi người đều lấy làm lạ vì trước đây, lượng việc làm của nhà sinh hoạt mục vụ giáo xứ cần đến bốn, năm thầy dòng mới có thể làm xong, thì nay một mình chú “cân tất”. Một tầng thượng, ba tầng lầu, một tầng trệt, mấy chục gian phòng, bếp núc, nhà kho v.v… mọi thứ trật tự, gọn gàng, sạch sẽ, không chỗ nào chê, không cách nào bắt bẻ.

Có lần, giữa trưa nắng gắt, chú cong lưng quét sân, tiếng chổi chà xào xạt cọ sát mặt đất, gió nhẹ vi vu, tiếng mồi hôi rơi vương vãi trên tầng lá rụng… Đau xót, người chứng kiến cảnh ấy mới nói với chú rằng: “Trưa trời trưa trật, nắng noi oi bức thế này, ông không đi nghỉ đi, quét tước làm gì?” Chú lấy tay quệt mồ hôi trên mặt, mắt cay xè vì muối mặn đau rát khiến chú phải hớp vào một hơi thật sâu. Chú cười cười nói: “Đâu có được! Nhà sạch sẽ để mà sinh hoạt chứ, để bẩn thỉu hay ngổn ngang mấy thứ này thì ai mà dám vào!”. Một năm cũng như một ngày, cứ ngần ấy công việc lặp đi lặp lại, chú cứ thế mà làm, khi khỏe cũng như lúc bệnh đau. Phải, kể cả lúc đau bệnh thì chú vẫn hoàn thành trách nhiệm mình đảm nhận. Chỉ là, những điều này đâu mấy ai biết, cho tới khi họ biết thì, oan tình mới được giải và những lời đàm tiếu thị phi mới dần chấm dứt.

Nhiều năm sau, khi đã quen việc và mọi sự đã trở nên dễ dàng, chú mới có được thời gian rỗi rãi để đọc sách. Được cha xứ tín nhiệm và được Chúa chọn gọi, chú đảm nhận thêm việc chuyên trách phòng thánh của giáo xứ, hỗ trợ cha xứ trong lễ lạy hằng ngày.

Vài năm sau, cảm được tiếng gọi của Đấng Tuyệt Đối, chú gia nhập huynh đoàn Đa Minh, trở thành một tu sĩ giữa đời thường. Sớm nguyện, chiều kinh, chuyên chăm nhân đức và hăng say phục vụ, chú được mọi người yêu mến và kính phục.

Nhiều năm sau, khi cha xứ về hưu, trong tiệc chia tay thân mật, mọi người tò mò hỏi chú về sự đổi thay này, lời giải cho bí ẩn này là chi, và bí quyết của chú là gì? Chú cười ha hả trả lời: “Nhờ ơn mọi người cả …”

Thuở ban đầu, khi chân ướt chân ráo vào nhà sinh hoạt mục vụ, chú chọc cho chúng nộ, nhiều người vào kiện cáo cha xứ. Cha xứ cũng gọi chú đến mà cho chú hay những điều này. Chú cứ ngỡ là cha sẽ đuổi khéo chú, ngờ đâu, cha bảo: “Ông được ơn lắm đấy, Chúa thương ông quá thể!” Chú ngỡ ngàng hết sức và chẳng hiểu gì. Cha giải thích: “Mọi người đều nhận ra hồng ân tỏ tường Chúa tuôn đổ đầy tràn trên ông. Trong thân thể yếu đuối của ông, Chúa ban cho sinh khí dồi dào, sức lực sung mãn. Ông dùng không hết được sinh lực Chúa ban nên mới ứ đọng và dồn nén thế đấy.

“Các vị nói xem, Chúa thương tôi như vậy, tôi không thay đổi, không đáp đền thì có phải tôi rất vô ơn và vô dụng? Nếu tôi có làm điều gì trái khoáy, xin đừng bỏ qua mà hãy góp ý và cầu nguyện cho tôi. Đa tạ!”

Tiếu Hồng Trần (Tác viên Tin Mừng TGPSG)

 

Top