Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó

Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó

Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó

TGPSG /CatholicExchange “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, Vua Israel! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt. 21,9)

Để đồng hành và kết hợp tha thiết với Đức Giêsu khi khởi sự bước vào Tuần Thánh, trước hết chúng ta hãy cùng suy ngẫm Lời Chúa của Lễ Lá.

BÀI TIN MỪNG: Lc 22,14 - 23,56

Vào Chúa nhật Lễ Lá, người Công giáo trên toàn thế giới - dù ở quốc gia nào, trong bất kỳ múi giờ nào - đều trang nghiêm lắng nghe bài Tin Mừng dài nhất trong năm phụng vụ. Trình thuật sống động này không cần giải thích thêm. Già trẻ, trí thức hay bình dân, tất cả đều bị cuốn vào và cảm nhận sâu sắc. Vì sao trình thuật này có sức lan tỏa rộng rãi đến vậy?

Đơn giản vì đây là một bi kịch mang tính nhân loại, với những nhân vật, cảm xúc, cao trào và đau khổ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua. Ai trong chúng ta chưa từng biết đến phản bội, sợ hãi, nhục nhã, sự xuyên tạc, bất lực, hối hận hay cảm giác tối tăm khôn tả?

Trình thuật Thương Khó không sử dụng ngôn ngữ triết học hay thần học cao siêu; đây là câu chuyện của đời người, của mỗi cá nhân, chứa đựng những chân lý sâu sắc mà ai cũng có thể cảm nhận được.

Với độ dài và chiều sâu của trình thuật, bài suy niệm này chỉ gợi lên ba chủ đề nổi bật để suy gẫm: cô đơn, vô tộinghịch lý.

Cô đơn

Dù luôn hiện diện giữa đám đông, Đức Giêsu ngày càng trở nên cô lập - ngay cả giữa những người thân tín nhất. Tại Bữa Tiệc Ly, dù Người tha thiết nói: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình,” các môn đệ lại tranh luận xem ai là người lớn nhất trong họ. Tâm trí họ thật xa vời khỏi Người!

Phêrô thề thốt sẽ theo Thầy đến cùng, nhưng Chúa Giêsu tiên báo rằng trước khi gà gáy, ông sẽ ba lần chối bỏ Người. Không chỉ Phêrô, các môn đệ cũng hiểu sai lời Chúa, tưởng Người bảo họ sắm gươm để chiến đấu. Khi Chúa đau khổ cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, các ông lại ngủ thiếp đi. Một nụ hôn - biểu tượng của tình bạn - lại trở thành dấu hiệu phản bội. Khi vác thập giá lên đồi Sọ, Người được một người xa lạ là ông Simôn thành Kyrênê giúp đỡ, còn các môn đệ thì đã tan tác.

Khi chết, Người hoàn toàn cô đơn. Riêng trong Tin Mừng Luca, lời cuối cùng của Người là một lời phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nhưng trước đó, Người đã cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng mà nhân loại từng phải gánh chịu. Chính sự cô đơn này - một nỗi cô đơn mà không ai có thể cảm nhận sâu sắc hơn - là một phần trong hành trình cứu độ mà Đức Giêsu đã tự nguyện bước vào.

Vô tội

Nhiều người, từ các lập trường khác nhau, đều xác nhận rằng Chúa Giêsu vô tội. Chính Người hỏi những kẻ đến bắt mình: “Các ông đến bắt tôi như bắt một tên cướp sao?” Quan Philatô, sau ba lần thẩm vấn, tuyên bố: “Ta không thấy người này có tội gì.” Vua Hêrôđê cũng không kết án. Một tên gian phi chịu đóng đinh cạnh Người nhận ra: “Ông này đâu có làm điều gì ác.” Sau cùng, một viên đại đội trưởng Rôma đã tuyên xưng: “Người này đích thật là người công chính.”

Con Thiên Chúa - Đấng Công Chính tuyệt đối - đã trở thành nạn nhân của bất công cùng cực. Tuy nhiên, sự vô tội của Người lại là điều tạo nên nghịch lý lớn lao trong cuộc Thương Khó: Đấng vô tội lại phải chịu chết, một cái chết tủi nhục và đầy đau đớn, để cứu chuộc nhân loại.

Nghịch lý

Trình thuật Thương Khó được dệt nên bởi những nghịch lý - những điều thoạt nhìn đã thấy ngay là mâu thuẫn hoặc vô lý, nhưng lại ẩn chứa chân lý sâu xa trong kế hoạch cứu độ.

Phêrô tưởng mình đủ mạnh mẽ để trung tín, nhưng lại sụp đổ chỉ vì muốn được sưởi ấm bên bếp lửa trong sân dinh thượng tế. Đám đông chọn tha cho Baraba - kẻ nổi loạn - thay vì tha cho Đức Giêsu. “Baraba” nghĩa là “con của cha”; như thế, “người con của cha” được tự do nhờ chính Con Một của Chúa Cha - một nghịch lý sâu xa của thập giá.

Binh lính nhạo báng và khoác cho Chúa “tấm áo sáng chói.” Trên thập giá, Người bị treo dưới dòng chữ: “Đây là vua dân Do Thái.” Dường như là trò chế giễu - nhưng kỳ thực, đó là chân lý. Người là Vua thật, Vua của một Vương quốc được thiết lập qua thập giá và khiêm hạ. Trong khi mọi quyền lực thế gian đều nhạo báng Người, chỉ một tên gian phi hấp hối đã nhận ra vương quyền đích thực: “Lạy Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi.”

Hướng về Tuần Thánh

Khi bước vào Tuần Thánh và chuẩn bị đón mừng vinh quang Phục sinh, xin cho chúng ta quyết tâm không cô lập Chúa vì sự hờ hững hay thờ ơ; luôn nhớ rằng Đấng Vô Tội đã chịu chết để cứu chuộc kẻ có tội; và can đảm đón nhận những nghịch lý trong đời sống Kitô hữu - dù đôi lúc không dễ hiểu.

BÀI ĐỌC I: Isaia 50,4-7

Ngôn sứ Isaia sống vào thời kỳ dân Chúa sa sút đức tin nghiêm trọng (thế kỷ VIII trước Công nguyên), nên được sai đến để cảnh báo về một cuộc trừng phạt tất yếu nếu dân không ăn năn trở lại. Tuy nhiên, ông cũng loan báo hy vọng về một thời phục hồi - khi hình phạt kết thúc, dân sẽ được Thiên Chúa đoái thương.

Điều kỳ diệu là trong các sấm ngôn, Isaia mô tả một “Người Tôi Trung đau khổ” sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc phục hồi ấy. Nhờ tự nguyện chịu đau khổ cách vô tội, Người Tôi Trung ấy sẽ gánh lấy tội lỗi của dân và đem lại ơn tha thứ. Đây là lời tiên báo mầu nhiệm về Đức Giêsu - Đấng Vô Tội chịu đau khổ để cứu độ muôn người. Trong đoạn hôm nay, Isaia nhấn mạnh đến lòng trung thành và sự phó thác: “Tôi đã không cãi lại, cũng chẳng tháo lui… Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”

Lời sấm ấy đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng “quyết tâm đi lên Giêrusalem” (x. Lc 9,51) và âm thầm chịu bao sỉ nhục trong trình thuật Thương Khó.

ĐÁP CA: Lạy Chúa, xin Chúa đừng bỏ con! (Tv 21,8-9.17-18.19-20.23-24)

Thật lạ lùng khi đọc Thánh vịnh này, ta thấy rõ nhiều chi tiết ứng nghiệm nơi Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Đây là một thánh vịnh mang tính Thiên Sai, được xem là do vua Đavít sáng tác hàng thế kỷ trước Chúa Giêsu.

Đavít - cũng như Đức Giêsu - từng bị bách hại cách bất công. Trong cơn đau khổ quá sức, ông kêu lên: “Lạy Thiên Chúa con, sao Ngài nỡ bỏ con?” Nhưng ông cũng xác tín: “Chúa không khinh chê cũng chẳng ghê tởm nỗi khổ đau của kẻ khốn cùng.” Chính câu ấy là bước ngoặt của thánh vịnh - từ than van sang hy vọng: “Tôi sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em, ca ngợi Người giữa lòng cộng đoàn.”

Nghĩa là sau đau khổ sẽ là ơn phục sinh - thời kỳ huy hoàng khiến muôn dân kính sợ và phụng sự Chúa. Không ngạc nhiên khi chính Thánh vịnh này được Đức Giêsu thốt lên lúc hấp hối. Trong cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi, Người vẫn giữ trọn niềm tín thác: “Thế hệ tương lai sẽ phụng sự Người, và loan truyền ơn cứu độ cho thế hệ mai sau.”

BÀI ĐỌC II: Pl 2,6-11

Thánh Phaolô tóm lược mầu nhiệm Nhập Thể và hé mở vinh quang vượt xa những đau khổ trong trình thuật Thương Khó. Đức Giêsu - vốn dĩ là Thiên Chúa - đã tự nguyện từ bỏ vinh quang, mang lấy thân phận người phàm. Không chỉ thế, Người sống trọn vẹn thân phận ấy với lòng vâng phục tuyệt đối - điều mà con người vốn không sống trọn được.

Chúng ta được dựng nên để vâng phục Thiên Chúa, nhưng lại chọn bất tuân. Đức Giêsu thì ngược lại: Người hoàn toàn vâng phục - “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và là cái chết trên thập giá.” Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để muôn loài bái quỳ mà tuyên xưng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”

Trong các bài đọc khác, Người là Tôi Trung chịu sỉ nhục - hình ảnh của thất bại. Nhưng trong thư Phaolô, Người là Vua được tôn vinh, được chúc tụng và là Đấng mà muôn vật tuyên xưng. Đây là sự chuẩn bị tuyệt hảo cho niềm vui Phục Sinh đang đến gần.

Lạy Vua Giêsu, xin giúp con vững tin rằng con đường khiêm hạ và vâng phục là con đường dẫn đến vinh quang.


Tác giả: Gayle Somers

Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ CatholicExchange

Top