Mái ấm dưỡng lão, nơi trao gửi yêu thương

Mái ấm dưỡng lão, nơi trao gửi yêu thương

Mái ấm dưỡng lão, nơi trao gửi yêu thương

TGPSG -- “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”

Tình yêu được gieo mầm

Những tia nắng chiếu qua khung cửa ngôi nhà nguyện bé nhỏ báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Nhìn lên thánh giá, tôi cảm nhận được một nguồn sức mạnh mới từ Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành trong sứ vụ của tôi: những đôi tay gầy guộc, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, những bước đi khó nhọc của các cụ bà, nằm trong bổn phận phục vụ của tôi, và cũng là những trang sách của cuộc đời, nơi tôi học được sự kiên nhẫn, lòng tin tưởng và niềm hy vọng...

Cuộc đời của một nữ tu là hành trình của tình yêu và hy sinh. Và viện dưỡng lão - nơi những con người ở tuổi xế chiều đang tìm kiếm sự an ủi và tình thương - chính là một phần đặc biệt trong hành trình sứ vụ ơn gọi của tôi...

Mỗi ngày trôi qua ở dưỡng lão đều mang lại những cảm xúc khác nhau. Những cụ già với dáng đi chậm chạp, đôi mắt mờ đục nhưng vẫn ánh lên hy vọng, là minh chứng cho sức mạnh của con người dù phải đối mặt với tuổi tác và bệnh tật. Tôi thấy được hình ảnh của một Chúa Kitô Tôi tớ, đang mời gọi tôi đến gần hơn để yêu thương và chăm sóc.

Những câu chuyện của các cụ, dù có lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, vẫn chứa đựng những ký ức quý giá mà tôi trân trọng lắng nghe. Tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có một tuổi già êm đềm. Có cụ đã sống cả đời vất vả, đến cuối đời lại không có người thân bên cạnh. Có cụ mang trong mình nỗi đau của sự cô đơn, hoặc những tiếc nuối về quá khứ.

Thử thách và ân sủng trong khó khăn

Tôi tự hỏi: "Mình có thể làm gì để những ngày cuối đời của các cụ tràn đầy ý nghĩa hơn?" Đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái nắm tay thật chặt, hay một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, nhưng tôi biết, đối với các cụ, đó là những khoảnh khắc quý giá.

Nhìn thấy các cụ cười, lòng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục dấn thân, bất chấp những mệt mỏi của thể xác hay những thách thức không tên.

Có những ngày rất khó khăn, nhất là khi chứng kiến các cụ đau bệnh hoặc ra đi mãi mãi, tôi học cách chấp nhận rằng sự chia ly là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, chính trong những khoảnh khắc ấy, tôi được mời gọi sống gần hơn với Chúa – Đấng mang lại sự sống đời đời.

Biến đổi trong đời sống tâm linh

Dưỡng lão không chỉ là nơi tôi phục vụ, mà còn là nơi tôi được lớn lên mỗi ngày trong tình yêu và lòng nhân hậu, nơi tôi cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết sự hiện diện của Thiên Chúa qua những con người nhỏ bé mà tôi có cơ hội phục vụ.

Nhìn các cụ, tôi học được giá trị của sự kiên nhẫn, sự lắng nghe, và trên hết là bài học về sự hiện diện. Ngài đã dạy tôi rằng, để yêu thương, không cần làm những điều lớn lao; chỉ cần làm tất cả mọi thứ bằng cả trái tim. Phục vụ là khởi điểm nhưng kết thúc bởi tình yêu. Với tôi, những cụ già tại dưỡng lão không chỉ là những người cần được chăm sóc, mà còn là những người thầy, những ân nhân dạy tôi biết yêu thương nhiều hơn, sống khiêm nhường hơn, và phó thác nhiều hơn vào tình yêu của Thiên Chúa.

Triết lý "trao yêu thương là nhận lại yêu thương"

Cuộc sống tại dưỡng lão nhắc nhở tôi rằng hạnh phúc không nằm ở những gì mình nhận được, mà là những gì mình trao đi. Và điều kỳ diệu là, khi trao đi yêu thương, tôi lại nhận được sự bình an, niềm vui, và ý nghĩa đích thực của đời sống ơn gọi, nhất là lý tưởng yêu thương phục vụ vô vị lợi mà tôi đang dấn bước.

Đối với tôi sứ vụ này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một ân sủng. Bởi lẽ, trong từng cử chỉ yêu thương mà tôi trao đi, tôi nhận lại được nhiều hơn, đó là sự thánh hóa bản thân, là sự bình an sâu lắng, và là niềm vui thiêng liêng khi biết mình đang làm chứng cho tình yêu vô điều kiện của Chúa giữa đời thường.

“Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...” (Lời kinh Hòa Bình)

Anna Hoài Thương (TGPSG)
Viết theo cảm nhận của một nữ tu phục vụ tại Mái Ấm Thiên Phước,
nơi nuôi dưỡng những cụ bà neo đơn có hoàn cảnh khó khăn.

 

Top