Mạc khải cho người bé mọn
“Lạy Cha, con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết điều đó, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.
Những lời này mời gọi người làm công tác thần học xem xét lại. Thần học là gì? Vai trò của nhà thần học là gì? Làm thế nào để làm công tác thần học cho tốt? Đức Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì Ngài đã giấu, không cho những người thông thái, những người không nhìn nhận Chúa Con, biết được mầu nhiệm vĩ đại – mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm về Chúa Kitô. Ngược lại, ngài mạc khải cho trẻ thơ, những nepioi, những người ít học.
Với những lời này, Đức Giêsu mô tả cách đơn sơ điều đã xảy ra ngay từ lúc Người giáng sinh, khi các đạo sĩ từ phương Đông đến hỏi các luật sĩ, các nhà chú giải Thánh Kinh, xem Đấng Cứu thế sinh ra ở đâu. Các luật sĩ biết rõ vì họ là những chuyên viên Thánh Kinh. Họ trả lời ngay: Bêlem. Nhưng họ không cảm thấy chuyện đó có liên quan gì đến họ. Kiến thức chỉ là kiến thức và không tác động gì đến đời sống cả. Họ có thể cung cấp kiến thức nhưng không sáp nhập kiến thức ấy vào cuộc đời mình.
Rồi trong suốt cuộc sống công khai của Đức Giêsu, những chuyện tương tự vẫn tiếp diễn. Làm sao con người này, một người dân Galilê ít học, lại có thể là Con Thiên Chúa. Làm sao Thiên Chúa vĩ đại, Thiên Chúa duy nhất, Chúa của Trời và Đất, lại có thể hiện diện nơi con người này. Không thể chấp nhận được. Họ biết mọi sự, họ thuộc mọi lời tiên tri, họ biết cả Isaia 53, nhưng mầu nhiệm vẫn hoàn toàn bị che giấu đối với họ. Thay vào đó, mầu nhiệm lại được mạc khải cho người bé mọn, từ Đức Trinh Nữ Maria đến người thuyền chài bên hồ Galilê. Những người bé mọn này cũng như viên đại đội trưởng dưới chân thập giá biết rằng: đây là Con Thiên Chúa.
Những gì đã xảy ra thời Chúa Giêsu vẫn là chuyện xảy ra ở mọi thời. Nhiều học giả, chuyên viên, thần học gia vĩ đại là những bậc thầy của đức tin, những người đã dạy chúng ta nhiều điều. Họ đào sâu chi tiết trong Thánh Kinh và trong lịch sử cứu độ, thế nhưng lại không thấy chính mầu nhiệm, không nhận ra tâm điểm của mầu nhiệm: Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, làm người như chúng ta. Điều cốt yếu nhất vẫn bị che giấu đối với những bậc thông thái đó. Cặp mắt tâm hồn họ vẫn không mở ra trước mầu nhiệm.
Đàng khác, trong thời đại chúng ta, lại có những người bé mọn đã hiểu được mầu nhiệm. Hãy nhớ đến thánh Bernadetta Soubirous, hoặc thánh Têrêxa Hài Đồng với cách giải thích Thánh Kinh không mang tính khoa học nhưng lại đi vào tâm điểm của Thánh Kinh. Hãy nhớ đến những vị thánh và chân phước trong thời đại ngày nay: thánh Josephina Bakhita, Mẹ Têrêxa Calcutta, thánh Đamiêng, và nhiều vị khác.
Tại sao lại như thế? Phải chăng Kitô giáo là tôn giáo của những kẻ điên rồ, những người thiếu văn hoá và hiểu biết? Phải chăng đức tin sẽ bị dập tắt khi ánh sáng lý trí xuất hiện? Để giải thích điều này, có lẽ chúng ta nên có cái nhìn khác về lịch sử. Điều Đức Giêsu nói hoàn toàn chính xác như đã diễn ra trong lịch sử. Thế nhưng có một hạng người vừa bé mọn vừa thông thái. Mẹ Maria dưới chân thánh giá là nữ tì khiêm tốn của Chúa và cũng là người nữ vĩ đại được Thiên Chúa soi sáng. Thánh Gioan, người đánh cá bên hồ Galilê, cũng thế. Giáo Hội có lý khi gọi người đánh cá đó là nhà thần học, vì ngài đã thấy được mầu nhiệm của Thiên Chúa và loan báo mầu nhiệm ấy, ngài đã bước vào ánh sáng bất khả đạt thấu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Cũng thế, sau Phục sinh, trên đường Damas, Chúa Kitô đã chạm đến con tim của Saulê, một người thông thái nhưng lại không thấy. Chính Saulê ấy đã trở thành Phaolô và đã viết cho Timôthê rằng vào lúc ấy, ngài đã “hành động vì ngu dốt” mặc dù được gọi là thông thái! Nhưng Đấng Phục sinh đã chạm đến Saulê. Ông bị mù nhưng lại bắt đầu thấy! Nhà thông thái bắt đầu trở thành kẻ bé mọn, và chính vì thế, Phaolô đã mô tả sự điên rồ của Thiên Chúa là sự khôn ngoan vượt trên mọi khôn ngoan của loài người.
Như thế, có hai cách sử dụng lý trí, có hai cách để làm người khôn ngoan hoặc bé mọn. Trong tất cả các ngành khoa học, bắt đầu từ khoa học tự nhiên, người ta áp dụng phương pháp nghiên cứu vật chất, ở đó lý trí tự đặt mình ở vị trí tuyệt đối, trên cả Thiên Chúa. Mà bởi vì Thiên Chúa không có phần trong thế giới vật chất đó, cho nên Thiên Chúa không hiện hữu. Cuối cùng, ngay cả thần học cũng áp dụng phương pháp đó. Người ta câu cá trong biển cả Thánh Kinh, sử dụng một loại lưới chỉ có thể bắt được những con cá có kích thước nào đó. Thế nên khi con cá lớn quá, vượt ngoài kích cỡ của tấm lưới, người ta không bắt được và kết luận rằng nó không hiện hữu. Chính với cung cách này mà người ta giảm thiểu mầu nhiệm Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, thành Đức Giêsu lịch sử thuần tuý: một khuôn mặt bi thảm; một bóng ma chứ không phải xác thịt và máu huyết; một con người bị chôn táng trong mồ, thối rữa ở đó và đúng là chết thật. Phương pháp ấy cũng câu được vài con cá với kích cỡ nào đó, nhưng chính mầu nhiệm thì lại để tuột mất, vì chính con người làm ra thước đo và đo cả Thiên Chúa! Con người tự hào về điều đó đang khi chính sự tự hào đó lại là sự điên rồ khủng khiếp, bởi lẽ con người tuyệt đối hoá những phương pháp không có khả năng đo lường những thực tại vĩ đại. Đó là thứ chuyên môn hoá có thể nhìn thấy đủ thứ chi tiết nhưng cái toàn thể bao trùm thì lại không thấy.
Do đó có một cách khác để sử dụng lý trí và trở nên khôn ngoan, đó là cách của con người biết nhìn nhận mình là ai, và nhìn nhận sự vĩ đại cũng như thước đo riêng của Thiên Chúa, mở lòng ra trong khiêm tốn trước hành động của Thiên Chúa. Chính nhờ nhìn nhận sự bé mọn của mình và thực sự chúng ta là thế, mà ta tiến gần đến sự thật. Khi đó, lý trí vẫn có thể phát huy mọi khả năng của nó và còn trở nên vĩ đại hơn. Khi đó, khôn ngoan không loại trừ huyền nhiệm nhưng dẫn ta đến gần huyền nhiệm là sự hiệp thông với Chúa, nơi Ngài hiện diện tròn đầy sự minh triết, tri thức và chân lý.
Đức Bênêđictô XVI,
Bài giảng cho Hội nghị thần học quốc tế, ngày 1-12-2009
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19